Tác động của tăng trưởng nguồn lực tài chính tư nhân tới thu ngân sách nhà nước tại Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 2060
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của tăng trưởng nguồn lực tài chính tư nhân tới thu ngân sách nhà nước tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_tang_truong_nguon_luc_tai_chinh_tu_nhan_toi_thu.pdf

Nội dung text: Tác động của tăng trưởng nguồn lực tài chính tư nhân tới thu ngân sách nhà nước tại Việt Nam

  1. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 279 TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH TƯ NHÂN TỚI THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI VIỆT NAM Phạm Quỳnh Mai* TÓM TẮT: Mức độ đóng góp của các nguồn lực tài chính ở các khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân và nước ngoài) vào ngân sách Nhà nước ở mỗi quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, chính sách phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường mở cửa thì nguồn lực tài chính khu vực tư nhân đang được xem là động lực chính cho phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia; mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế này chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng ngày càng tăng lên. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Kết quả hồi quy cho thấy sự tăng trưởng của nguồn lực tài chính tư nhân tại Việt Nam là nhân tố quan trọng nhất đóng góp vào sự gia tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa thể hiện được vai trò là động lực chính thúc đẩy kinh tế phát triển. Tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự đóng góp của nguồn lực tài chính tư nhân đối với thu ngân sách Nhà nước tại Việt Nam. Từ khóa: Thu ngân sách nhà nước; Nguồn lực tài chính tư nhân; Nguốn vốn đầu tư tư nhân; Nguồn vốn đầu tư nước ngoài; Nguồn vốn đầu tư khu vực nhà nước. 1. GIỚI THIỆU Ngân sách Nhà nước (NSNN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. NSNN là kế hoạch tài chính vĩ mô trong các kế hoạch tài chính của Nhà nước để quản lí các hoạt động kinh tế - xã hội và có vị trí quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tài chính vĩ mô, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. NSNN là quĩ tiền tệ tập trung lớn nhất của Nhà nước, có nguồn hình thành từ GDP và các nguồn tài chính khác được sử dụng cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. NSNN là khâu chủ đạo trong hệ thống tài chính công. Việc sử dụng NSNN có ý nghĩa quốc gia với phạm vi tác động rộng lớn và chủ yếu cho các nhu cầu có tính chất toàn xã hội. Vì vậy, thông qua hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước, Nhà nước thực hiện hướng dẫn, chi phối, kiểm soát các nguồn lực tài chính (NLTC) khác trong nền kinh tế. Hoạt động thu NSNN là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quĩ NSNN nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước. Nguồn tài chính được tập trung vào NSNN được hình thành trong quá trình Nhà nước tham gia phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị. Về bản chất thu NSNN chứa đựng các quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và các chủ thể khác (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) trong xã hội. Thu NSNN rất phong phú, đa dạng gắn liền với các hoạt động kinh tế xã hội. Trình độ phát triển kinh tế, * Khoa Kinh tế, Học viện Tài chính, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam Tác giả nhận phản hồi: Email: maipq77@ gmail.com - Điện thoại: 0904.275.187
  2. 280 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA tốc độ tăng trưởng GDP là tiền đề khách quan hình thành các khoản thu NSNN và quyết định mức độ động viên các khoản thu vào NSNN. Theo nội dung kinh tế thì thu NSNN bao gồm các khoản thu thường xuyên và thu không thường xuyên. Thu thường xuyên là các khoản thu phát sinh tương đối đều đặn, ổn định về mặt thời gian và số lượng gồm thuế, phí, lệ phí. Thu không thường xuyên là những khoản thu không ổn định về mặt thời gian phát sinh cũng như số lượng tiền thu được. Trong đó các khoản thu thường xuyên đóng vai trò quan trọng nhất trong thu NSNN ở mỗi quốc gia, các khoản thu này phụ thuộc và có mối quan hệ tỷ lệ thuận với hiệu suất sinh lời của nguồn vốn đầu tư trong toàn bộ nền kinh tế. Trong nền kinh tế mở nguồn vốn đầu tư được hình thành từ 2 nguồn là nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài. Trong đó nguồn vốn trong nước bao gồm nguồn vốn từ khu vực nhà nước và nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước (chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân); nguồn vốn ngước ngoài bao gồm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Về mức độ đóng góp của các khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân và nước ngoài) vào NSNN ở mỗi quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, chính sách phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, một nguồn thu bền vững là nguồn thu đảm bảo tính liên tục và ổn định, do đó nguồn thu trong nước được xem là nguồn thu chính của NSNN. Vai trò của nguồn lực tài chính tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường mở cửa thì NLTC khu vực tư nhân đang được xem là động lực chính cho phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia; mức độ đóng góp vào NSNN của khu vực kinh tế này chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng ngày càng tăng lên. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. NLTC tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. NLTC tư nhân có tác dụng tích cực hoặc tiêu cực đến quá trình sản xuất, vì vậy nó có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình sản xuất phát triển. Nếu xét trên góc độ hệ thống tài chính của nền kinh tế quốc dân thì NLTC tư nhân được coi là một bộ phận của hệ thống tài chính, có tính chất là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước. Tài chính doanh nghiệp là một công cụ khai thác, thu hút các nguồn tài chính nhằm đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển của doanh nghiệp. NLTC tư nhân có vai trò là đòn bẩy, kích thích và điều tiết sản xuất kinh doanh. Khi các NLTC tư nhân đảm bảo cho việc nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh cả về quy mô và chất lượng cho các doanh nghiệp thì trình độ phát triển kinh tế của quốc gia theo đó cũng sẽ tăng lên. Một trong những vai trò quan trọng nhất của NLTC tư nhân là giúp nâng cao năng suất sản xuất xã hội, từ đó tăng thu cho NSNN. Cụ thể: các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả đồng nghĩa với việc doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên, do đó nguồn thu của NSNN từ doanh nghiệp cũng tăng lên. Bên cạnh đó, NLTC tư nhân được sử dụng hiệu quả giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng về quy mô và đảm bảo về chất lượng theo đó góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, khuyến khích tiêu dùng, từ đó tăng thu cho NSNN thông qua việc tăng các khoản thuế thu nhập cá nhân và thuế sử dụng hàng hóa. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng sẽ thúc đẩy các dịch vụ công, từ đó các nguồn thu từ phí và lệ phí cũng tăng lên. Như vậy có thể thấy sự phát triển NLTC của khu vực tư nhân là động lực quan trọng để đảm bảo nguồn thu từ NSNN tăng lên cả về chất và lượng. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Nghiên cứu của Narcisa Roxana Mosteanu (2015) về các giải pháp tăng thu NSNN tại các quốc gia Bulgari, Croatia, Cộng Hòa Séc, Phần Lan và Rumani. Khi so sánh thu ngân sách của
  3. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 281 các quốc gia này, tác giả xem xét tới các đặc điểm về đóng góp của các loại thuế trực tiếp, thuế gián tiếp và các đóng góp xã hội khác thông qua dữ liệu là các chỉ số kinh tế và tài chính trong giai đoạn 2011-2015 của mỗi quốc gia. Tác giả đã phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tới thu NSNN, và khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh các giải pháp về việc cải thiện hệ thống quản lý thuế thì một trong những giải pháp quan trọng của tác giả đó là chú ý tới các hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận nhằm tăng thu ngân sách, khuyến khích tạo việc làm. Đề xuất tác giả đưa ra đó là phân bổ các quỹ đầu tư của EU cho đầu tư tư nhân, tiến hành mạnh mẽ quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để tăng tính hiệu quả cho các nguồn vốn đầu tư từ đó tăng thu cho NSNN. Trong nghiên cứu về thâm hụt ngân sách và đầu tư tư nhân ở Nigieria, Fredrick Asogwa (2013) sử dụng kiểm định nhân quả Granger, và cho kết quả về mối quan hệ qua lại giữa thâm hụt ngân sách và đầu tư tư nhân ở quốc gia này. Nghiên cứu của tác giả tập trung vào hiệu ứng lấn át của thâm hụt NSNN đối với đầu tư tư nhân, từ đó đề xuất một số giải pháp trong chi tiêu của chính phủ nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân. Khi đầu tư tư nhân tăng trưởng, mặt khác, lại có ảnh hưởng quan trọng tới sản lượng của nền kinh tế, giải quyết việc làm, từ đó lại có tác động ngược chiều lại làm tăng thu NSNN, giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách. Nghiên cứu của Lê Duy Bình (2018) về Kinh tế tư nhân Việt Nam đã thực hiện so sánh đóng góp cho NSNN theo khu vực doanh nghiệp, kết quả cho thấy doanh nghiệp nhà nước đóng góp nhiều nhất với khoảng hơn 20%, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức đóng góp dao động trong khoảng 13-15%. Tuy mức độ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vẫn còn thấp hơn so với doanh nghiệp nhà nước, nhưng tác giả cũng khẳng định các doanh nghiệp tư nhân có đóng góp quan trọng đối với thu NSNN. Trong bối cảnh Việt Nam ngày một trở nên chủ động hơn trong các nỗ lực tự do hóa thương mại quốc tế và gia nhập tích cực hơn các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực, cả trên cơ sở đa phương và song phương, nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm trong những năm tới về cả số tuyệt đối và tỷ trọng. Ngoài ra, các nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế cũng đang được đẩy mạnh, các khoản thu ngân sách từ dầu mỏ, tài nguyên thiên nhiên sẽ giảm dần. Các khoản thu ngân sách từ các nhà tài trợ, vốn ODA sẽ tiếp tục giảm do Việt Nam hiện đã được công nhận là nước có thu nhập trung bình thấp. Rõ ràng, khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực tư nhân sẽ trở thành nguồn đóng góp chính cho thu NSNN trong những thập kỷ tới đây. Sự gia tăng đóng góp cho NSNN của các doanh nghiệp khu vực tư nhân cũng sẽ góp phần nâng cao tính an toàn và bền vững của tài chính công ở Việt Nam. Như vậy các nghiên cứu đã tập trung vào ảnh hưởng của NLTC kinh tế tư nhân tới thu NSNN. Tuy nhiên nghiên cứu tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số thống kê, mà chưa có phân tích định lượng về tác động cụ thể. Liệu sự tăng trưởng của NLTC tư nhân có ảnh hưởng cùng chiều với thu NSNN của Việt Nam không? Để trả lời cho câu hỏi này, bài nghiên cứu sẽ nghiên cứu về tác động của NLTC khu vực kinh tế tư nhân tới thu NSNN của Việt Nam trong thời gian qua. 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Mô hình nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng biến tổng thu NSNN (PR) làm biến phụ thuộc và hồi quy theo nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước (SI), nguồn vốn đầu tư tư nhân (PI) và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FI) là các biến độc lập. Nghiên cứu xem xét khi các nguồn vốn đầu tư tại các khu vực tăng lên có tác động tới thu NSNN. Mô hình hồi quy có dạng:
  4. 282 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA lnPR = β0 + β1.lnSI + β2.lnPI + β3.lnFI + ε Các biến trong mô hình PR: Tổng thu NSNN là tổng giá trị các nguồn thu của NSNN SI: Nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước là tổng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư của các DNNN và các nguồn đầu tư khác mang tính chất nhà nước PI: Nguồn vốn đầu tư tư nhân bao gồm nguồn đầu tư của các DN tư nhân dưới các hình thức đăng ký theo quy định của nhà nước, nguồn vốn của các hộ kinh doanh cá thể (chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn đầu tư tư nhân tại Việt Nam) FI: Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại VN có tỷ trọng còn khá khiếm tốn) Các giả thuyết Dựa trên những kết quả nghiên cứu trước và kinh nghiệm thực tế, tác giả xây dựng giả thuyết cho mô hình: Khi nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế tăng lên, là cơ sở để nâng cao năng suất lao động xã hội, từ đó tăng thêm nguồn thu cho NSNN. Do đó nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước (SI), nguồn vốn đầu tư tư nhân (PI) và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FI) được dự đoán là sẽ có tác động dương tới tổng thu NSNN (PR). Dữ liệu nghiên cứu Để nghiên cứu về tác động của nguồn vốn đầu tư tới tăng thu NSNN, tác giả sử dụng dữ liệu trong giai đoạn từ năm 1995 tới 2018. Trong giai đoạn này, các dữ liệu có sự biến động cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Cụ thể: (Đơn vị: Tỷ đồng) Nguồn: Tổng cục Thống kê Hình 1: Tổng thu Ngân sách Nhà nước giai đoạn 1995-2018 Số liệu thống kê cho thấy quy mô thu NSNN được mở rộng: Quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 đạt 4,160,949 tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010. Năm 2016-2017, thu NSNN tiếp
  5. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 283 tục tăng khá, đạt lần lượt là 1,101,452 tỷ đồng và 1,288,665 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tác động của các chính sách ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2011-2015, cùng với việc cắt giảm hàng rào thuế quan và giá dầu thô giảm sâu, tỷ trọng thu NSNN so GDP giảm còn 23.56% so với mức 26.34% của giai đoạn 2006-2010. Hình 2: Tổng nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư theo các thành phần kinh tế giai đoạn 1995-2018 (Đơn vị: tỷ đồng) Nguồn: Tổng cục Thống kê Tổng nguồn vốn đầu tư tăng qua các năm đặc biệt từ năm 2007 tới nay, tổng nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội tăng mạnh, nguyên nhân là do có những thay đổi trong chính sách phát triển và Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Đây là bước đệm quan trọng để huy động tổng lực nguồn vốn đầu tư phát triển của nền kinh tế. Trong cơ cấu đầu tư có thể thấy rõ sự tăng lên ổn định của các khu vực kinh tế. Trong đó sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất là NLTC tư nhân. Trước năm 2013, NLTC công luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng cơ cấu nguồn vốn đầu tư. Bắt đầu sang năm 2014-2015, cùng với chủ trương kích thích kinh tế tư nhân phát triển và các chính sách hỗ trợ từ nhà nước, NLTC tư nhân đã vượt NLTC khu vực nhà nước, trở thành khu vực đóng góp nhiều nhất cho tổng nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội. 4. THẢO LUẬN KẾT QUẢ VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT Kết quả hồi quy OLS Tác giả sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất OLS để hồi quy các biến trong mô hình. Sau khi kiểm tra tính dừng và chạy hồi quy kết quả của hàm biểu diễn tác động của nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước, nguồn vốn đầu tư tư nhân và nguồn vốn đầu tư nước ngoài tới tổng thu NSNN, kết quả được thể hiện qua bảng dưới đây:
  6. 284 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA Bảng 1: Kết quả hồi quy OLS lnPR Coef. Std. Err. P>|t| lnSI .346041 .081419 0.000 lnPI .404073 .0786187 0.000 lnFI .2762168 .0535562 0.000 _cons .4382345 .341243 0.214 Kết quả kiểm định mô hình: Kiểm định VIF cho thấy mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến Kiểm định White, cho kết quả mô hình không có hiện tượng phương sai sai số thay đổi Kiểm định tự tương quan cho kết quả Prob > 0.05, do đó mô hình không có hiện tượng tự tương quan Kết luận: Mô hình là phù hợp Đánh giá và thảo luận kết quả Dựa trên kết quả hồi quy có thể thấy các nguồn vốn đầu tư có tác động dương tới tổng thu NSNN, hay khi tăng tổng nguồn vốn đầu tư nhân sẽ tạo thêm các nguồn thu cho NSNN (các loại thuế, phí, lệ phí ). Trong đó tác động của NLTC tư nhân là lớn nhất. Kết quả cho thấy việc tăng NLTC tư nhân sẽ đóng góp 40% cho mức tăng thu NSNN. Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của NLTC tư nhân đối với thu NSNN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên tỷ trọng này còn thấp so với tỷ trọng cần có để đầu tư tư nhân trở thành đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nguyên nhân của tỷ trọng đóng góp vào thu NSNN của NLTC tư nhân vẫn còn hạn chế là do: (i) Về quy mô đầu tư tư nhân trong nước đã gia tăng liên tục từ năm 1995 tới nay, tuy nhiên con số này vẫn ở dưới mức bình quân của khu vực so với các quốc gia trong khu vực ASEAN, tỷ trọng tài chính tư nhân trong nước trong tổng tài chính phát triển ở Việt Nam là tương đối thấp và tăng trưởng chậm chạp. Ngược lại, tỷ trọng này tại các nước ASEAN đã tăng lên và bù đắp được cho mức sụt giảm chung về các dòng tài chính tư nhân quốc tế cho phát triển (FDI và FII), chứng tỏ vai trò ngày càng tăng của khu vực kinh tế tư nhân trong những nền kinh tế này. (ii) Các NLTC tư nhân tại Việt Nam không hoạt động tập trung mà bị phân tán thành các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Thực tế, tại Việt Nam các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng áp đảo trong khu vực doanh nghiệp trong nước. Nếu như tính cả gần 4 triệu hộ kinh doanh, bức tranh về quy mô doanh nghiệp trong nước của Việt Nam còn mất cân đối hơn nữa vì tất cả các hộ kinh doanh đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ và tính không chính thức làm hạn chế khả năng của các doanh nghiệp trong nước tận dụng các lợi thế có được nhờ kinh tế quy mô, chuyên môn hóa, cải thiện trình độ tinh vi trong hoạt động, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, vào công nghệ và đổi mới sáng tạo - tất cả các yếu tố có tính chất quyết định đối với việc nâng cao năng suất. (iii) Các doanh nghiệp tư nhân và các hộ kinh doanh phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh, do những khó khăn gặp phải trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng bởi họ chỉ có rất ít tài sản thế chấp.
  7. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 285 Một số đề xuất Thứ nhất, cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới từ đó nâng cao NLTC tư nhân trong nước cả về số lượng và chất lượng. Thứ hai, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; tổ chức công tác tài chính, kế toán; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật. Thứ ba, hoàn thiện và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp. Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Đây là điều kiện giúp các doanh nghiệp tư nhân trong nước có tài sản đảm bảo để mở rộng NLTC của mình thông qua các kênh huy động trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thứ năm, cơ cấu lại và phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, nhất là thị trường tiền tệ và thị trường vốn; tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Anh Fredrick Asogwa (2013), The Crowding Out Effect of Budget Deficits on Private Investment in Negeria, European Journal of Business and Management, Vol.5, No,20,2013, p 161-165. Narcisa Roxana Mosteanu (2015), Solution For Increasing Public Budget Revenue in Bulgaria, Croatia, Czech Republic, Poland and Romania, Ecoforum, Vol 4, Issue 2(7),2015, p 130-135. Tiếng Việt Lê Duy Bình (2018), Kinh tế tư nhân Việt Nam Năng suất và Thịnh vượng, Economica, Hà Nội. Phạm Ngọc Dũng, Đinh Xuân Hạng (2014), Giáo trình Tài chính - Tiền tệ, Nhà Xuất Bản Tài Chính, Hà Nội. Tổng Cục Thống Kê (2018), Niên giám thống kê 2018, Nhà xuất bản Thống Kê, Hà Nội. Viện chiến lược và Chính sách tài chính, 2019, Tài chính Việt Nam 2018, Nhà xuất bản Tài Chính, Hà Nội.