Tác động của TPP đến nguồn thu từ thuế của ngân sách nhà nước Việt Nam

pdf 10 trang Gia Huy 3230
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của TPP đến nguồn thu từ thuế của ngân sách nhà nước Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_tpp_den_nguon_thu_tu_thue_cua_ngan_sach_nha_nuo.pdf

Nội dung text: Tác động của TPP đến nguồn thu từ thuế của ngân sách nhà nước Việt Nam

  1. TÁC ĐỘNG CỦA TPP ĐẾN NGUỒN THU TỪ THUẾ CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VIỆT NAM TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh1 Tóm tắt Việt Nam khởi động việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ tháng 3 năm 2010, cho đến nay đã trải qua 19 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. TPP được kỳ vọng là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên. TPP được nhận định sẽ có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tới từng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo đó, áp lực chi tiêu công tăng lên trong khi áp lực giảm thuế theo cam kết khi gia nhập TPP và giảm thuế trong điều tiết sản xuất kinh doanh và tiêu dùng càng làm cho sự mất cân đối thu chi ngân sách trở nên căng thẳng. Đã có một số bài viết đưa ra các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên với cách tiếp cận ở góc độ phân tích thực trạng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế (không bao gồm thu từ dầu thô, thu từ đất đai, thu từ bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước) và chỉ ra những tác động của TPP đến nguồn thu từ thuế, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm ổn định nguồn thu từ thuế của Ngân sách Nhà nước (NSNN) khi Việt Nam gia nhập TPP. Từ khóa: TPP, thuế, NSNN 1. Thực trạng và xu hướng điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam trước khi gia nhập TPP Thu ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu cân đối và các khoản thu bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước. Thu cân đối ngân sách nhà nước, theo phương thức thống kê thu ngân sách của Việt Nam thì nguồn thu từ dầu thô, quyền sử dụng đất, từ bán tài sản thuộc sở hữu Nhà nước cũng được tính chung vào nguồn thu ngân sách, trong đó riêng thu từ dầu thô đang được xếp vào khoản thu từ thuế như các khoản thu từ các sắc thuế. Xét về bản chất thì các khoản thu này không mang tính chất là khoản động viên từ nền kinh tế. 1 Trường Đại học Thương mại. Email: hanhdhtm@yahoo.com 613
  2. Tỷ lệ động viên thuế từ GDP ở mức cao Tỷ lệ động viên từ GDP vào thuế thể hiện hiệu quả của hệ thống thuế quốc gia nhưng đồng thời cũng thể hiện gánh nặng thuế, tạo sức ép cho các chủ thể kinh tế. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tính trong giai đoạn 5 năm từ 2011 - 2015, tỉ lệ nguồn thu từ thuế ở Việt Nam khoảng 15,6% GDP (không bao gồm thu từ dầu thô và thu từ tiền sử dụng đất). Mặc dù tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần nhưng so với một số quốc gia trong khu vực vẫn ở mức tương đối cao. Xu hướng giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu trong nguồn thu từ thuế Trong tổng nguồn thu từ thuế của Việt Nam giai đoạn vừa qua, tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu về cơ bản là cân bằng. Thuế trực thu gồm các loại thuế thu nhập và thuế tài sản chiếm khoản 52%, thuế gián thu gồm các loại thuế tính trên giá trị hàng hóa, dịch vụ chiếm khoảng 48%. Các sắc thuế chủ yếu hiện nay gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Thuế suất thuế TNDN giảm 32% năm 1999, 28% năm 2004, 25% năm 2009, 22% năm 2014 và 20% từ 01/01/2016. Mức bình quân chung của các nước trên thế giới ở mức 27% thì thuế suất thuế TNDN ở Việt Nam là khá thấp. Thuế giá trị gia tăng (GTGT): hiện nay mức thuế suất phổ thông ở Việt Nam là 10% (cùng với mức thuế suất 5% được áp dụng đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc loại thiết yếu và thông dụng, thuế 0% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu). Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có mức thuế suất ở mức 10%, còn lại phần lớn các quốc gia có thuế suất từ 12% đến 25%, thậm chí có nhiều quốc gia có mức thuế suất từ 17% đến 25%. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB): Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10% đến 70% (Thông tư số 195/2015/TT - BTC của Bộ Tài chính) áp dụng đối với các hàng hóa dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng hoặc việc tiêu dùng được tập trung vào những bộ phận có thu nhập cao hay những dịch vụ nhạy cảm về mặt xã hội. Quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần hình thành một xu hướng tiêu dùng tích cực trong xã hội. Thuế xuất khẩu, nhập khẩu: Khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), đồng thời tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), theo đó thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đều được cắt giảm đối với hàng nghìn dòng thuế dẫn đến tỷ trọng thu từ thuế xuất khẩu nhập khẩu giảm đáng kể trong tổng thu từ thuế của NSNN. 614
  3. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Thuế suất thuế thu nhập cá nhân là thuế suất lũy tiến từng phần, được quy định từ 5% đến 35%, đảm bảo huy động một phần thu nhập đối với những cá nhân có thu nhập cao. Đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh sẽ nộp thuế theo mức khoán trên doanh thu theo tỷ lệ phù hợp với từng ngành nghề sản xuất kinh doanh. 2. Cam kết về thuế giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP 2.1. Cam kết về thuế nhập khẩu của các nước dành cho Việt Nam Các nước cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78 - 95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 - 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại (trừ Mỹ áp dụng riêng lộ trình giảm thuế với hàng hóa của từng thành viên TPP). Mỹ xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan. Canada xóa bỏ ngay 94,9% số dòng thuế, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (0,88 tỷ USD) ngay khi Hiệp định có hiệu lực và tổng số dòng thuế được xóa bỏ lên tới 96,3% số dòng thuế, tương đương với 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam vào năm thứ 4. Nhật Bản xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản (tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế. Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Mexico tại thời điểm bắt đầu thực thi cam kết, tổng số 77,2% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế ngay (chiếm 36,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico, tương ứng với 282 triệu USD). 615
  4. Vào năm thứ 10, 98% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, tương ứng với 440 triệu USD. Mexico không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm dầu cọ. Peru xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam (15,6 triệu USD) và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17. Tổng số 93% số dòng thuế của Australia, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (2,9 tỷ USD) sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi thực hiện Hiệp định. Các sản phẩm còn lại sẽ được xóa bỏ thuế với lộ trình cắt giảm cuối cùng tối đa vào năm thứ 4. New Zealand xóa bỏ 94,6% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 69% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này (101 triệu USD). Vào năm thứ 7 kể từ khi thực hiện Hiệp định, các dòng thuế còn lại sẽ dần được xóa bỏ hoàn toàn. Singapore sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay khi thực hiện Hiệp định. Malaysia xóa bỏ ngay đối với 84,7% số dòng thuế khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ dần có lộ trình đối với các dòng thuế còn lại. Vào năm thứ 11, tổng số dòng hàng cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu của Malaysia lên tới 99,9%. Malaysia áp dụng hạn ngạch thuế đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thị gà, thịt lợn và thịt bò. Chile cam kết xóa bỏ đối với 95,1% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 60,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile (76 triệu USD). Vào năm thứ 8, Chile sẽ xóa bỏ 99,9% số dòng thuế, tương ứng với 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Giày dép, cao su sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình tối đa vào năm thứ 4. Mặt hàng dệt may sẽ được xóa bỏ tối đa vào năm thứ 8. Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, Brunei sẽ xóa bỏ 92% số dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam (tương đương 7.639 dòng) và sẽ xóa bỏ tới 99,9% vào năm thứ 7 và sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu vào năm thứ 11. 616
  5. Riêng cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước, Việt Nam sẽ cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP. 2.2. Cam kết về thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với một số nhóm mặt hàng Sản phẩm công nghiệp - Ô tô: xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới, riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với ô tô cũ với lượng hạn ngạch ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất MFN. - Sắt thép, xăng dầu: chủ yếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 11. - Nhựa và sản phẩm nhựa; hóa chất và sản phẩm hóa chất; giấy, đồ gỗ; máy móc, thiết bị: phần lớn xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4. - Dệt may, giày dép: xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. - Rượu bia: xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 3 đối với rượu sake, các mặt hàng còn lại xóa bỏ thuế vào năm thứ 11, một số loại vào năm thứ 12. Sản phẩm nông nghiệp và thuỷ sản - Thịt gà: xóa bỏ thuế nhập khẩu sau vào năm thứ 11/12. - Thịt lợn: xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 10 đối với thịt lợn tươi vào năm thứ 8 năm đối với thịt lợn đông lạnh. - Gạo: xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. - Ngô: xóa bỏ sau vào năm thứ 5 một số loại xoá bỏ vào năm thứ 6. - Sữa và sản phẩm sữa: xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, một số loại xoá bỏ vào năm thứ 3. - Thực phẩm chế biến từ thịt: xóa bỏ vào năm thứ 8 đến năm thứ 11, chế biến từ thủy sản xóa bỏ vào năm thứ 5. - Mặt hàng đường, trứng, muối: xóa bỏ thuế trong hạn ngạch của WTO vào năm thứ 6 đối với mặt hàng trứng và vào năm thứ 11 đối với mặt hàng đường, muối. Thuế ngoài hạn ngạch giữ như mức MFN. 617
  6. - Lá thuốc lá: xóa bỏ thuế trong hạn ngạch vào năm thứ 11 đối với lượng hạn ngạch 500 tấn, mỗi năm tăng thêm 5% trong vòng 20 năm. Thuế suất ngoài hạn ngạch duy trì ở mức MFN đến năm thứ 20, đến năm 21 thuế nhập khẩu về về 0%. - Thuốc lá điếu: xoá bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16. - Phân bón: xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. 2.3. Cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam Trong TPP có ba nước áp dụng thuế xuất khẩu là Việt Nam, Malaysia và Canada. Cả ba nước cam kết xoá bỏ thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng được bảo lưu. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. 3. Nghiên cứu tác động của TPP đến nguồn thu từ thuế của NSNN Việt Nam Đối với thuế xuất khẩu, nhập khẩu Thu từ xuất nhập khẩu vào Ngân sách nhà nước (NSNN) gồm thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu. Khi TPP được thực thi các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến số thu từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu giảm; bên cạnh đó lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh sẽ tạo ra số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của hàng nhập khẩu tăng lên. Như vậy xét về tổng thể thu từ xuất nhập khẩu giảm không đáng kể. Cụ thể: Năm 2015, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ 8 FTA đã có hiệu lực theo các Thông tư ban hành Biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 2015 - 2018. Năm 2015 mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam với các đối tác FTA đã ở mức khá cao: trong Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (ATIGA) đạt khoảng 93%, Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) 84%, Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) là 78%, Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Nhật bản là 62% số dòng thuế về 0%. Theo đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc được hưởng thuế suất 0% từ năm 2015 như sắt thép, phân bón, sản phẩm điện tử, xe ô tô tải, đồ điện dân dụng, máy móc thiết bị Cam kết về thuế nhập khẩu trong khuôn khổ TPP có tỷ lệ tự do hóa cao hơn với lộ trình ngắn hơn, hướng cam kết xóa bỏ thuế quan với 100% dòng thuế. Cụ thể Việt 618
  7. Nam cam kết xóa bỏ thuế đối với khoảng 65% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ đối với 86,5% số dòng thuế sau 3 năm Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế trong 4 đến 10 năm. Có thể thấy tác động của TPP thu từ xuất nhập khẩu đến từ hai hướng: Một là, trong TPP, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu có thể lên tới 100% dòng thuế và được thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực. So với WTO và các FTA hiện tại thì yêu cầu này là tương đối cao. Tuy nhiên, trong số các nước tham gia TPP, Việt Nam đã có quan hệ với 7/12 nước, với các nước này thuế nhập khẩu đã được giảm theo FTA đã ký trước đây nên dự kiến tác động của TPP lên nguồn thu từ hàng nhập khẩu là tương đối nhỏ. Với bốn nước còn lại, chỉ có Mỹ và Canada, Việt Nam có kim ngạch nhập đáng kể nhưng cơ cấu nhập khẩu từ hai thị trường này lại thiên về các mặt hàng có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp nên dự kiến tác động giảm thu cũng không lớn. Hơn nữa trong giai đoạn 2015 - 2018, phần lớn các FTA mà Việt Nam đã ký kết bước vào giai đoạn cắt giảm thuế và xóa bỏ thuế quan sâu (Hiệp định ATIGA, Hiệp định ACFTA, Hiệp định AKFTA), trong khi đó cơ cấu nhập Việt Nam chủ yếu là từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, có thể nói mức ảnh hưởng đến thu NSNN không nhiều. Trong khi đó, việc cắt giảm thuế quan trong TPP cũng như trong FTA đã ký trước đây sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ các nước đối tác sẽ gia tăng, đồng nghĩa với việc thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu cũng tăng theo. Hai là, TPP với đặc thù là đàm phán với các nước phát triển nên các nước đều ủng hộ quan điểm xóa bỏ thuế xuất khẩu vì cho rằng thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho sản xuất trong nước, gây bóp méo thương mại quốc tế. Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án cam kết về thuế xuất khẩu với EU và các nước thành viên TPP nhằm phù hợp với xu hướng quốc tế đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu NSNN. Theo đó, Việt Nam bảo lưu đối với khoảng 70% mặt hàng thuế xuất khẩu sẽ có mức thuế suất từ 2 đến 40%, trong đó quan trọng nhất là bảo lưu được đối với nhóm than đá, dầu mỏ và một số nhóm khoáng sản khác. Các mặt hàng còn lại có lộ trình xóa bỏ thuế xuất khẩu ngay khi khi Hiệp định có hiệu lực hoặc trong vòng tử 7 đến 15 năm. Như vậy thu ngân sách từ thuế xuất khẩu sẽ giảm nhưng có lộ trình phù hợp, kiểm soát được tốc độ giảm thu, không gây biến động lớn đối với nguồn thu. Đối với thuế thu nội địa Thu nội địa từ thuế bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thu đặc biệt, thuế tài nguyên TPP chính thức có hiệu 619
  8. lực sẽ tác động mạnh đến nguồn thu nội địa từ sản xuất kinh doanh mà chủ yếu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với sản xuất kinh doanh: Với những ưu đãi khi gia nhập TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn, với chất lượng tốt hơn để sản xuất phục vụ cho xuất khẩu, thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ các nước truyền thống trước đây. Nếu doanh nghiệp tăng lượng và kim ngạch xuất khẩu sẽ có thể góp phần tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho NSNN. Ngược lại, việc mở rộng thị trường với các nước thành viên trong đó có Mỹ, nhất là mặt hàng các nước đó có lợi thế cạnh tranh hơn, sẽ làm tăng thêm khó khăn cho không ít các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp có thể sẽ phải thu hẹp sản xuất vì không cạnh tranh nổi hoặc thậm chí phải giải thể, phá sản. Từ đó sẽ tác động làm giảm thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho NSNN. Đối với dịch vụ tài chính: TPP không chỉ tập trung vào tự do hóa đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa mà còn mở rộng đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, trong đó có các ngành dịch vụ tài chính. Các cam kết về dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm: Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài; áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư; đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định về mở rộng cam kết và mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, các nước thành viên TPP phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày. Các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu, góp phần đẩy mạnh sự phát triển dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Sự phát triển dịch vụ tài chính sẽ góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho NSNN trong thời gian tới. Đối với việc làm và thu nhập của cá nhân: Khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ không còn khả năng duy trì lợi thế về lao động giá rẻ, trong khi nhu cầu về lao động có kỹ năng tăng lên. Sự dịch chuyển tự do của lao động không chỉ trong nước mà cả giữa các nước thành viên. Nhiều chuyên gia nước ngoài có trình độ cao sẽ di chuyển đến Việt Nam, lao động có tay nghề cao sẽ được trọng dụng với mức thu nhập tương xứng. Như vậy, những cá nhân có thu nhập cao này sẽ góp phần tăng thu NSNN từ thuế thu nhập cá nhân và các sắc thuế tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). 620
  9. 4. Một số kiến nghị nhằm ổn định nguồn thu từ thuế khi Việt Nam gia nhập TPP Thứ nhất, điều chỉnh cơ cấu thu và tỷ lệ thu hợp lý, đảm bảo tính bền vững của NSNN từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Thực tế cho thấy, thực hiện các cam kết ASEAN, WTO và các FTA trước đây, tỷ trọng thu NSNN từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu đang có xu hướng giảm rõ rệt (từ bình quân 9,51% giai đoạn 2005 - 2010 giảm xuống còn bình quân 8,31% giai đoạn 2011 - 2014). Không nằm ngoài quy luật đó, khi tham gia TPP, tỷ trọng trong thu từ xuất nhập khẩu sẽ còn giảm tiếp, nhưng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng của hàng nhập khẩu sẽ tăng đặc biệt (cần phải tăng thuế suất thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia và thuốc lá). Thuế nhập khẩu giảm sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, đáp ứng cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Cũng tương tự như vậy, thuế xuất khẩu giảm nhưng các thuế giá trị gia tăng vẫn được duy trì trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu nên sẽ bù đắp phần nào. Như vậy, cần có sự điều chỉnh các chính sách liên quan đến sắc thuế như Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân nhằm điều chỉnh cơ cấu thu và tỷ lệ thu hợp lý, đảm bảo tính bền vững của thu NSNN. Thứ hai, nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua thuế thu nội địa. Khi tham gia TPP hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ dần để hàng hóa của 11 nước thành viên khác có điều kiện thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ theo đó mà gặp những khó khăn với những cấp/mức độ khác nhau, đồng thời cơ hội cũng sẽ đến với nhiều doanh ngiệp. Tính bền vững của nguồn thu từ thuế chủ yếu là dựa vào thu từ nội địa. Dệt may, giày dép, điện tử là các ngành mà các nước thành viên ít có sản phẩm cạnh tranh nên sẽ có cơ hội tận dụng lợi thế của TPP để phát triển. Các doanh nghiệp này cần có sự chủ động về các yếu tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác để tận dụng cơ hội của mình khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP. Đặc biệt, các doanh nghiệp này cần phải tận dụng khả năng lợi thế của mình để thu hút vốn đầu tư từ các thành viên TPP thì cơ hội phát triển sẽ lớn hơn nhiều. Nhóm các doanh nghiệp trong các ngành kém lợi thế như: chăn nuôi, nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp cần phải tái cơ cấu để tăng năng suất, nâng cao hiệu quả hoạt động để tồn tại và phát triển. 621
  10. Để đảm bảo ổn định nguồn thu từ thuế, xu hướng chung là giảm các sắc thuế trực thu, bằng cách mở rộng đối tượng chịu thuế khi Việt Nam gia nhập TPP (kể cả thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp). Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng cần phát huy vai trò điều tiết sản xuất và tiêu dùng của xã hội như tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT đối với sản phẩm rượu, bia, thuốc lá; còn các sản phẩm thiết yếu cho tiêu dùng như sữa các loại cần giảm thuế suất để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Thứ ba, tăng cường công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập. Khi Việt Nam gia nhập TPP, thị trường hàng hóa, dịch vụ có cơ hội bung ra, việc quản lý thuế ngày càng phức tạp. Mục đích của giải pháp này là phải thu được thuế nhưng vẫn khuyến khích được các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực phát triển. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải rà soát lại toàn bộ chính sách để đề xuất sửa đổi. Nâng cao tính tự giác của người nộp thuế, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi gian lận của đối tượng nộp thuế trong quá trình tự tính, tự khai, tự nộp và quyết toán thuế. Đặc biệt, khi internet đã trở nên phổ biến, mạng xã hội phát triển và các hình thức kinh doanh thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Việc thu thuế đối với hoạt động phức tạp này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, cơ quan để có thể quản lý chặt chẽ nhằm tăng nguồn thu từ thuế cho NSNN. Tài liệu tham khảo 1. TS. Đặng Thị Việt Đức, Chính sách và thực trạng thu thuế tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính số 6 - 2014. 2. Giữ ổn định quy mô thu ngân sách nhà nước, ngày 25/11/2015 trên Trang tin tức tài chính - Cổng TTĐT Bộ Tài Chính. 3. Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP - Tổng quan cam kết thuế - Bài tham luận của ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính tại Diễn đàn TPP ngày 1/3/2016. 4. Bộ Tài chính thông tin về tỷ lệ nộp thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp, ngày 28/2/2016 trên Trang tin tức tài chính - Cổng TTĐT Bộ Tài chính 5. Chu Khôi, TPP và 6 tác động lớn nhất đến kinh tế Việt Nam. 6. TPP có làm giảm thu ngân sách nhà nước, 22/6/2015. 7. TS. Trần Hữu Huỳnh, TPP sẽ khó với doanh nghiệp nhỏ, 622