Tài chính vi mô từ góc nhìn kinh tế học

pdf 5 trang Gia Huy 24/05/2022 1960
Bạn đang xem tài liệu "Tài chính vi mô từ góc nhìn kinh tế học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftai_chinh_vi_mo_tu_goc_nhin_kinh_te_hoc.pdf

Nội dung text: Tài chính vi mô từ góc nhìn kinh tế học

  1. TÀI CHÍNH VI MÔ TỪ GÓC NHÌN KINH TẾ HỌC ThS. Đặng Văn Duy & ThS. Phạm Thị Lan Anh Khoa Tài chính công - Học viện Tài chính Tóm tắt Tài chính toàn diện có thể hiểu là tạo ra một môi trường nơi cung ứng tất cả các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và năng lực chi trả của mọi cá nhân và doanh nghiệp. Trong bài viết này chúng tôi muốn bàn đến một bộ phận nhỏ hơn trong vấn đề tài chính toàn diện, đó là tài chính vi mô. Bài viết chỉ bàn đến tài chính vi mô dưới góc nhìn của một số lý thuyết kinh tế học cổ điển và lý thuyết trò chơi. Lý thuyết luôn giải thích dựa trên các giả định nhằm đơn giản hóa sự phức tạp của thực tế. Sự đơn giản hóa cho chúng ta cái nhìn tường minh hơn nhưng đổi lại một số trường hợp chúng ta phải chấp nhận sự phi thực tế của các giả định. Từ khóa: Tài chính toàn diện, Tài chính vi mô, Lý thuyết trò chơi, Bất cân xứng thông tin 1. Lợi tức cận biên giảm dần và nghịch lý về tiếp cận vốn vay Lý thuyết kinh tế học cổ điển được xây dựng dựa trên các giả định hợp lý. Một trong số đó là giả định về lợi tức cận biên giảm dần. Giả định này có thể phát biểu một cách đơn giản là sản lượng đầu ra sẽ tăng tỷ lệ thuận với số vốn đầu tư vào tư liệu sản xuất, nhưng tăng với tốc độ chậm hơn tốc độ tăng của vốn. Ví dụ một hợp tác xã A canh tác theo phương thức và công cụ truyền thống - chỉ sử dụng sức lao động và cuốc, liềm, thì một năm sản xuất ra 10 tấn lúa. Ban chủ nhiệm hợp tác xã A quyết định đầu tư mua một máy gặt đập liên hợp để phục vụ sản xuất, sản lượng lúa thu được trên cùng diện tích đất từ khi có máy gặt đập liên hợp là 15 tấn/năm. Như vậy lợi ích gia tăng hàng năm nhờ máy gặt đập liên hợp là 5 tấn. Nhìn thấy lợi ích từ việc cơ giới hóa sản xuất, ban chủ nhiệm hợp tác xã A quyết định mua thêm một máy gặt đập liên hợp nữa, nhưng do diện tích đất sản xuất là cố định, hai máy gặt đập không thể đồng thời hoạt động hết công suất, sản lượng lúa từ khi có hai máy chỉ tăng lên 17 tấn/năm. Lợi ích gia tăng từ khi có máy gặt đập thứ hai là 2 tấn, ít hơn so với khi có máy gặt đập đầu tiên. Giả định lợi tức cận biên giảm dần cũng là hệ quả của giả định đồ thị của hàm sản xuất là một đường cong có độ dốc giảm dần (Hình 1). Khu vực A là khu vực có lợi tức cận biên cao, một đồng vốn tăng thêm sẽ mang lại nhiều sản lượng hơn so với khu vực B là khu vực có lợi tức cận biên thấp. Hình 1: Đồ thị hàm sản xuất s¶n l­îng Nguồn: Nhóm tác giả tự thể hiện 79
  2. Đối tượng nằm ở khu vực A chính là những cá nhân, doanh nghiệp, hay thậm chí quốc gia nghèo, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn. Ngược lại khu vực B sẽ là những cá nhân, doanh nghiệp, hay quốc gia giàu có, có tiềm lực về vốn. Những đối tượng ở khu vực A có lợi tức cận biên cao hơn, nên sẽ sẵn sàng chấp nhận chi phí đi vay cao hơn so với khu vực B. Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel là Robert Lucas Jr. đã tính toán mức độ sẵn sàng chi trả chi phí vay (dựa trên rất nhiều giả định) và cho ra con số, người đi vay ở Ấn Độ sẵn sàng trả lãi suất cao gấp 58 lần người đi vay ở Mỹ. Nếu đồng ý với giả định lợi tức cận biên giảm dần và những người cho vay tiền là có lý trí thì dòng vốn đáng ra phải hướng tới các quốc gia nghèo thay vì các quốc gia phát triển. Ở mức độ vi mô hơn, dòng vốn đáng lẽ phải hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thay vì các doanh nghiệp lớn, phải hướng tới người nghèo, vùng sâu vùng xa thay vì người có thu nhập cao ở các thành phố lớn. 2. Vấn đề thông tin bất cân xứng Người nghèo, doanh ngiệp nhỏ, quốc gia có thu nhập thấp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các kênh vay vốn chính thống. Nghịch lý này được giải thích bởi thất bại thị trường - vấn đề bất cân xứng thông tin. Người cho vay thường gặp bất lợi về thông tin khi đánh giá mức độ đáng tin cậy của người đi vay. Trong số những người thu nhập thấp đến vay tiền, ai là người có ý tưởng kinh doanh khả thi và sẽ cố gắng hết sức để thực hiện ý tưởng kinh doanh đó, ai là người ham mê rủi ro mạo hiểm và sẽ nướng hết số tiền vay vào các trò đỏ đen. Vì thiếu thông tin, người cho vay rất có khả năng trao nhầm tiền vào tay người mạo hiểm. Khi đó vấn đề bất cân xứng thông tin được gọi là lựa chọn nghịch. Ngay cả khi đã trao tiền vào tay người đáng tin cậy thì vẫn có khả năng anh ta sẽ sử dụng số tiền đi vay không đúng mục đích ban đầu nhằm kiếm lời nhanh hơn với mức rủi ro cao hơn. Khi đó vấn đề bất cân xứng thông tin chuyển thành dạng rủi ro đạo đức. Vấn đề bất cân xứng thông tin sẽ được giải quyết nếu có một hệ thống xếp hạng tín dụng minh bạch, đáng tin cậy của người đi vay. Giải pháp này có thể thực hiện ở cấp độ quốc gia, doanh nghiệp nhưng sẽ vô cùng tốn kém nếu áp dụng ở mức độ người đi vay cá nhân hoặc hộ gia đình. Một giải pháp khác hiện được sử dụng phổ biến là yêu cầu người đi vay phải có tài sản thế chấp. Giải pháp này nghiễm nhiên loại ra các đối tượng đi vay không có tài sản để thế chấp. Hơn nữa, để có thể thế chấp được, người đi vay cần có những giấy tờ, bằng chứng ghi nhận quyền sở hữu của họ với tài sản cũng như xác định một cách tương đối chính xác giá trị của tài sản. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Phi cận Sahara và các quốc gia chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung thiếu một hệ thống pháp lý về quyền sở hữu tài sản. Điều này đồng nghĩa với việc người dân ở những quốc gia này sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu thế chấp tài sản khi đi vay. Tóm lại, dòng vốn không hướng tới người nghèo, doanh nghiệp nhỏ, hay quốc gia kém phát triển không phải là hành vi phi lý trí của người cho vay mà do sự bất cân xứng thông tin giữa bên cho vay và bên đi vay. Người cho vay chấp nhận hi sinh lợi tức cao để đổi lại sự an toàn cho các khoản vốn của mình. Ngay cả khi tồn tại các giải pháp để giảm thiểu mất cân xứng thông tin thì vẫn còn những rào cản về chi phí, thể chế ngăn cản người có thu nhập thấp tiếp cận với các khoản vay. Tài chính vi mô - lời giải cho vấn đề mất cân xứng thông tin Trong lịch sử, có nhiều hình thức tín dụng không chính thống đã phát sinh để giải quyết nhu cầu vay vốn của các đối tượng đi vay là cá nhân, hộ gia đình. Phường, hụi, họ v.v là những ví dụ điển hình về hình thức tín dụng vi mô trong quá khứ. Những hình thức tín dụng này thường dựa trên quan hệ thân hữu như anh em, họ hàng, bạn bè. Vì là thân hữu nên người cho vay có đủ thông tin về người đi vay. Nhưng mô hình tín dụng này có một hạn chế về quy mô vốn vay. Những nỗ lực mở rộng quy mô vốn vay bằng cách lôi kéo thêm những người ít thân hữu hơn tham gia hệ thống phải trả giá bằng sự gia tăng bất cân xứng thông tin. Những vụ vỡ hụi, vỡ họ là 80
  3. hậu quả của các nỗ lực mở rộng quy mô. Tài chính vi mô ra đời từ ý tưởng kết hợp ưu thế về thông tin của hình thức tín dụng thân hữu với nguồn vốn có quy mô lớn đến từ Chính phủ hoặc tổ chức tài chính đáng tin cậy. Tài chính vi mô đã có từ lâu nhưng chỉ thực sự được chú ý đến khoảng hơn một thập niên trở lại đây, khi Muhammad Yunus - nhà kinh tế học, nhà sáng lập Grameen Bank, được trao giải Nobel Hòa bình cho những cống hiến của ông trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Yunus nhận thấy người dân nghèo sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu tiếp cận được vốn vay, và họ sẽ hoàn trả đầy đủ các khoản vay mà không cần phải yêu cầu tài sản thế chấp. Ông đã dành nhiều công sức thuyết phục Ngân hàng trung ương Bangladesh thiết lập một ngân hàng chính sách xã hội chuyên cho người nghèo ở Jobra vay tiền. Đây chính là tiền thân của Ngân hàng Grameen Bank - tổ chức đã cung cấp hàng triệu khoản tín dụng vi mô cho các hộ gia đình nghèo ở Bangladesh. Ngày nay, tài chính vi mô đã có sự phát triển vượt bậc so với thời của Yunus. Theo báo cáo Microcredit Summit Campaign Report, số lượng tổ chức tài chính vi mô và khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính vi mô đã tăng khoảng 20 lần trong suốt giai đoạn 1997 - 2014 (xem hình 2). Hình 2: Tăng trưởng số lượng khách hàng và tổ chức tài chính vi mô1 Để tận dụng ưu thế của hình thức cho vay thân hữu, tài chính vi mô thường sử dụng phương pháp cho vay theo nhóm. Những người đi vay sẽ được tổ chức thành nhóm nhỏ (thường là 5 người). Mỗi người trong nhóm sẽ được nhận khoản vay hàng tháng hoặc hàng quý. Nếu đến hạn trả nợ mà một người trong nhóm không hoàn trả thì cả nhóm sẽ bị cắt tín dụng. Cách thức cho vay theo nhóm này có nguyên lý hoạt động hoàn toàn tương đồng với hình thức hụi, họ. Những người trong nhóm thường là dân cư trong cùng một cộng đồng, có hiểu biết khá rõ về các thành viên còn lại. Họ sẽ đóng vai trò kiểm soát lẫn nhau, giảm thiểu rủi ro đạo đức. Người đi vay có áp lực phải trả nợ đúng hạn và đầy đủ nếu không muốn mất mặt với hàng xóm láng giềng, thậm chí có thể bị khai trừ khỏi cộng đồng. Lý thuyết trò chơi sẽ giúp lý giải rõ hơn vì sao hình thức cho vay theo nhóm lại khiến người đi vay có xu hướng trả nợ đầy đủ và đúng hạn hơn. Để đơn giản, chúng ta xem xét trò chơi với hai người đi vay là An và Bình. Cả hai cùng là khách hàng của một tổ chức tài chính vi mô và được xếp vào chung một nhóm (nhóm 2 người). Hàng tháng mỗi người sẽ được nhận một khoản vay. Khoản vay sẽ giúp cả hai mở rộng sản xuất và có thêm thu nhập (thể hiện bằng biểu tượng 1 Nguồn: Small Money Big Impact: Fighting Poverty with Microfinance by Peter A. Fanconi & Patrick Scheurle 81
  4. mặt cười). Nếu bất kỳ ai trong hai người không hoàn trả khoản vay vào thời điểm cuối tháng thì cả hai sẽ cùng bị cắt tín dụng. Ngoài việc bị cắt tín dụng còn nhận được sự xa lánh của cộng đồng. Người vừa bị cắt tín dụng, vừa bị cộng đồng khai trừ thì thiệt hại bao gồm cả tiền bạc và tinh thần (thể hiện bằng hình mặt mếu). Nếu một người hoàn trả đầy đủ các khoản nợ nhưng vì người còn lại không trả nên cả hai đều bị cắt tín dụng. Người này tuy không bị cộng đồng xa lánh nhưng vẫn bị thiệt hại do ko được vay nữa (thể hiện bằng mặt không cười không mếu). Các khả năng và kết cục được trình bày tóm tắt trong bảng dưới đây. Bảng 1: Các kết cục của trò chơi An Trả Không trả Trả Bình Không trả Trong trò chơi này, An và Bình chỉ có thể lựa chọn một trong hai chiến lược trả hoặc không trả. Giả định cả hai người đều lý trí, tức là đều lựa chọn chiến lược mang lại lợi ích tối đa cho bản thân. Tại thời điểm cuối tháng, An có thể suy nghĩ như sau: + Nếu Bình trả nợ thì phương án tốt nhất mình có thể chọn là cũng trả nợ để được mặt cười. + Nếu Bình không trả thì phương án tốt nhất của mình vẫn là trả nợ để có được mặt không cười không mếu. Như vậy chiến lược tốt nhất của An - chiến lược luôn mang lại lợi ích tối đa cho An bất kể Bình có làm gì đi nữa là chiến lược luôn luôn trả nợ. Bình cũng có thể suy nghĩ tương tự như An và lựa chọn chiến lược tốt nhất là luôn trả nợ. Điểm cân bằng Nash đạt được khi cả hai người chơi cùng lựa chọn chiến lược trả nợ. Trò chơi hai người chỉ là ví dụ để minh họa cho việc áp dụng lý thuyết trò chơi vào giải thích cơ chế của tài chính vi mô. Trò chơi có thể phát triển lên thành các dạng phức tạp hơn với nhiều người chơi, nhiều chiến lược, nhiều luật chơi hơn. Ví dụ có cơ chế khuyến khích những người hoàn trả khoản vay đúng hạn bằng các khoản vay mới có giá trị lớn hơn, lãi suất ưu đãi hơn. Khi thay đổi các giả định Lý thuyết kinh tế học giúp chúng ta đưa ra được những lý giải về sự ra đời và cơ chế hoạt động của tài chính vi mô. Nhưng bất kỳ lý thuyết nào cũng được xây dựng trên các giả định không phải lúc nào cũng hợp lý. Trong phần cuối chúng tôi muốn đề cập đến một số điểm hạn chế khi sử dụng lý thuyết kinh tế học cổ điển để giải thích về tài chính vi mô. Thứ nhất, khi phát biểu về nghịch lý lợi tức biên giảm dần và dòng vốn chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận các đối tượng đi vay khác nhau có cùng một đường sản xuất. Trong thực tế, hàm sản xuất của các nước giàu có thể khác các nước nghèo. Tương tự các doanh nghiệp lớn có thể khác hộ kinh doanh cá thể. Khi đó ta không thể kết luận là ở mức vốn thấp, việc tăng vốn sẽ giúp tăng sản lượng nhiều hơn ở mức vốn cao. Khu vực A mặc dù có mức vốn thấp nhưng lợi tức cận biên cũng thấp hơn khu vực B (xem hình 3). 82
  5. Hình 3. Đồ thị hàm sản xuất của các nhóm nước khác nhau Nguồn: Nhóm tác giả tự thể hiện Thứ hai, sự thành công của cơ chế kiểm soát lẫn nhau trong tài chính vi mô được lý giải dựa trên giả định con người có lý trí và luôn đưa ra các lựa chọn hợp lý. Trong thực tế con người không phải lúc nào cũng hành động một cách lý trí. Có rất nhiều yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của con người. Ví dụ như cảm giác tự ái, sỹ diện, tự hào, tính cách, v.v Những hành vi phi lý trí có thể sẽ phá vỡ thế cân bằng của trò chơi vay trả trong tài chính vi mô. Câu chuyện thành công của tài chính vi mô ở Bangladesh không nhất thiết sẽ đúng với các quốc gia khác như Việt Nam hay Brazil. Mô hình tài chính vi mô với đối tượng hộ nông dân nghèo chưa chắc sẽ hoạt động nếu áp dụng sang đối tượng người buôn bán nhỏ. Cuối cùng, bài viết đưa ra những lý giải về tài chính vi mô dưới góc nhìn kinh tế học. Vấn đề này còn có thể nhìn dưới rất nhiều góc độ khác như góc nhìn quản lý học, góc nhìn thể chế, chính trị. Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề cần sự kết hợp của nhiều lý thuyết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. The Economics of Microfinance (The MIT Press) second edition Edition by Beatriz Armendáriz & Jonathan. 2. Small Money Big Impact: Fighting Poverty with Microfinance by Peter A. Fanconi & Patrick Scheurle. 3. Small Loans, Big Dreams: How Nobel Prize Winner Muhammad Yunus and Microfinance are Changing the World by Alex Counts. 83