Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

pdf 10 trang Gia Huy 24/05/2022 1410
Bạn đang xem tài liệu "Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftang_cuong_quan_ly_nha_nuoc_doi_voi_hoat_dong_dau_tu_truc_ti.pdf

Nội dung text: Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

  1. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM TS Lê Trung Đạo* TS Đoàn Ngọc Phúc* TÓM TẮT Sau hơn 30 năm ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đến nay khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thực sự trở thành bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, khu vực FDI vẫn còn những hạn chế nhất định cần có sự quản lý và điều tiết. Thông qua phương pháp phân tích thống kê kinh tế các số liệu thứ cấp thu thập về tình hình thu hút vốn từ năm 2000 đến 2020 được lấy từ Niên giám thống kê (GSO), Bộ Kế hoạch và Đầu vư (MPI), bài viết đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quản lý hoạt động FDI, từ đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu khả thi nhằm tăng cường quản lý hoạt động FDI trong thời gian tới. Từ khóa: FDI, quản lý FDI, Việt Nam. 1. Đặt vấn đề Với chủ trương mở cửa hội nhập, trong những năm qua, lượng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có thể nói, FDI là nguồn vốn quan trọng bổ sung nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước; góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi cơ cấu lao động Ngoài ra, khu vực FDI còn góp phần quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, không những nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động FDI vẫn còn những tồn tại nhất định, do vậy, tăng cường quản lý hoạt động FDI là hết sức cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn to lớn. 2. Cơ sở lý thuyết về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài Quản lý nhà nước đối với hoạt động thu hút FDI là sự tác động của cơ quan quản lý nhà nước có chức năng và thẩm quyền nhất định tới hoạt động FDI nhằm thực hiện các mục * Trường Đại học Tài chính – Marketing. 2 -
  2. tiêu đã định trong lĩnh vực này nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về kinh tế của đất nước (Sengphai Vanh, 2013). Mục tiêu quản lý nhà nước về FDI bao gồm tiêu trung gian và mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu trung gian nhằm (1) tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động FDI (2) Định hướng hoạt động FDI (3) Khuyến khích, thu hút FDI (4) kiểm soát hoạt động FDI. Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhà nước về FDI hường đến tăng trưởng và hiệu quả (Nguyễn Thạc Hoát & Nguyễn Thế Vinh, 2021). Quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI có vai trò nâng cao trình độ công nghệ quốc gia; nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyễn dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả (Sengphai Vanh, 2013). Sengphai Vanh (2013) còn cho rằng, quản lý nhà nước về hoạt động FDI bao gồm các nội dung chủ yếu sau: xây dựng, thực thi hệ thống luật pháp liên quan đến FDI; xây dựng và thực chiến lược, kế hoạch thu hút FDI; xây dựng chính sách thu hút FDI; kiểm tra, kiểm soát việc xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế quản lý FDI; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thu hút FDI. Cạnh tranh về FDI ngày càng gay gắt do chính phủ các nước phát triển và đang phát triển đều chú trọng đến chất lượng hơn là số lượng FDI đòi hỏi một tổ hợp chính sách mới và một cách tiếp cận mới để đánh giá hiệu quả hoạt động trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Nghiên cứu này còn cho rằng, những thách thức mà các cơ quan xúc tiến đầu tư phải đối mặt từ góc độ quản lý vốn trí tuệ, vốn nhân lực, từ đó nghiên cứu này đưa ra một khuôn khổ hướng dẫn tốt hơn cho việc cải cách và đánh giá chính sách thu hút FDI (José Guimón & Sergey Filippov, 2012). Nghiên cứu của Nguyễn Nguyên Dũng (2020) cho rằng, để hướng hoạt động FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, cần có những biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở lĩnh vực này. Những giải pháp mà ttác giả này đề xuất nhằm tăng cường quản lý hoạt động FDI trong thời gian tới bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư đầu tư nước ngoài; kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong quản lý FDI. 3. Phương pháp nghiên cứu Phân tích này chủ yếu sử dụng các số liệu thứ cấp: số liệu có liên đến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các niêm giám thống kê của Tổng cục thống kê, Báo cáo tổng kết 30 năm thu - 3
  3. hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Bộ Kế hoạch & Đầu tư; số liệu từ các báo cáo của các Bộ, ngành; các bài báo và các công trình khoa học uy tín có liên quan. Phương pháp được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu này bao gồm: phân tích và tổng hợp các số liệu thu thập được; phương pháp phân tích thống kê kinh tế, phương pháp so sánh. 4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Thực trạng và vai trò của vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế xã hội Đến hết năm 2020, nay cả nước có 29.792 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 481 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt khoảng 231,5 tỷ USD, bằng 48,13% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế. Khu vực FDI chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp gần 20% GDP; tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp (MPI, 2020). Xét theo lĩnh vực đầu tư: có đến 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm 58% tổng vốn FDI; lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 16,8%; sản xuất và phân phố điện, khí chiếm 6,6% tổng vốn FDI (MPI,2020). Theo đối tác đầu tư: các nước ASEAN với khoảng 22% vốn đầu tư; Hàn Quốc 16,6%; Nhật Bản 13,7%; Đài Loan 9%; EU chiếm 8,2%; Mỹ chiếm khoảng 5,2%; Trong thời gian gần đây, lượng vốn FDI vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng khá nhanh nhưng vốn đăng ký còn thấp (chỉ chiếm khoảng 3% tổng vốn FDI) và quy mô dự án nhỏ (bình quân chỉ khoảng 6,2 triệu USD) (MPI, 2020). Xét theo phân bổ dự án: đầu tư nước ngoài hiện nay đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố, trong đó thành phố Hồ chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI khoảng 45,5 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn FDI), Hà Nội 33,4 tỷ USD (chiếm 9,5 tổng vốn FDI); Bình Dương 32,7 tỷ USD (chiếm 9,3 tổng vốn FDI) (MPI, 2020). Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, thể hiện trên các mặt sau: Thứ nhất, góp phần bổ sung vốn đầu tư xã hội: FDI là nguồn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Trong giai đoạn 1996 – 2000: tỷ trọng vốn FDI chiếm 21,6%; giai đoạn 2001 – 2005 chiếm 15,7%; giai đoạn 2006 – 2010: 25,3%; giai đoạn 2011 – 2015: 22,6%; giai đoạn 2016 – 2019: 34,1%. Tính chung cả giai đoạn 1991 – 2020, tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức từ 15,7-25,3%. Năm 2020, FDI đăng ký đạt gần 28,5 tỷ USD, chiếm khoảng 21,4% vốn đầu tư toàn xã hội. 4 -
  4. Bảng 1. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển chia theo khu vực kinh tế giai đoạn 2000 – 2020 Kinh tế nhà nước Kinh tế ngoài nhà Kinh tế có vốn Năm (%) nước (%) ĐTNN (%) 1996-2000 54,3 24,1 21,6 2001-2005 51,8 32,5 15,7 2006-2010 38,7 36,1 25,3 2011-2015 39,1 38,3 22,6 2016-2020 34,0 43,08 22,92 Nguồn: Tổng hợp từ Kinh tế Việt Nam 2020 – 2021: Việt Nam & thế giới, tr.44 Thứ hai, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Khu vực FDI đang giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Thông qua các doanh nghiệp FDI, Việt Nam có thể nhanh chóng hợp tác với nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, qua đó từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2020, xuất khẩu của khu vực FDI đạt 202,89 tỷ USD (đóng góp khoảng 71% kim ngạch xuất khẩu cả nước) và xuất siêu khoảng 33,87 tỷ USD (GSO, 2021). Thứ ba, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế và năng lực sản xuất công nghiệp: khu vực FDI tạo ra hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới, năng suất và có khả năng cạnh tranh. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GDP ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng kinh tế nhà nước ngày càng giảm. Bảng 2. Cơ cấu GDP chia theo khu vực kinh tế giai đoạn 2000 – 2020 Kinh tế Kinh tế ngoài Kinh tế có vốn Năm nhà nước (%) nhà nước (%) ĐTNN (%) 2015 28,69 39,98 31,33 2016 28,81 40,76 30,43 2017 28,63 42,03 29,34 2018 – 2020 29,34 42,98 29,88 Nguồn: Kinh tế 2018-2019: Việt Nam & thế giới, tr.99 Thứ tư, FDI góp phần đáng kể cho thu ngân sách nhà nước: khu vực FDI đóng góp khoảng 26% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2011 – 2019 khu vực FDI chiếm - 5
  5. bình quân 28% tổng thu ngân sách Nhà nước. Song tại nhiều địa phương, doanh nghiệp vốn FDI chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách. Chẳng hạn, với Vĩnh Phúc là 93,5%; Bắc Ninh là 72%, Đồng Nai 63%, Bắc Giang 60% và Bình Dương 52% (MPI, 2020). Thứ năm, tạo tác động lan tỏa công nghệ, thúc đẩy tăng năng suất lao động; nguồn vốn FDI đã tạo ra tác động lan tỏa công nghệ, góp phần nâng cao trình độ công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý. FDI là kênh quan trọng để phát triển công nghệ, tạo ra áp lực đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, thông qua khu vực FDI, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới, giảm dần các ngành thâm dụng lao động hướng tới phát triển các ngành thâm dụng vốn, các ngành sử dụng công nghệ cao, các ngành sử dụng nhiều chất xám, từ đó thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động và làm dịch chuyển lao động từ khu vực kinh tế trong nước có năng suất thấp sang khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có năng suất cao hơn. Thứ sáu, tạo công ăn việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện chất lượng nguồn nhân lực: Năm 1995 cả nước có khoảng 330 nghìn lao động làm việc trong DN FDI; năm 2000 khoảng 358,5 nghìn người thì đến năm 2020 là khoảng 3,6 triệu người, chiếm khoảng 26% lực lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp (GSO,2020). Ngoài ra, khu vực FDI còn gián tiếp tạo ra khoảng 5-6 triệu lao động. Theo thống kê của Bộ lao động, tỷ lệ DN FDI tham gia đào tạo cho người lao động đạt 57%, trong đó tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%, qua đó góp phần hình thành và phát triển một lực lượng lao động có kỹ năng nghề và du nhập nhiều kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tiên tiến. 4.2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI Đạt được những thành tựu về thu hút FDI trong thời gian qua là do trong suốt hơn 30 đổi mới kinh tế và mở cửa hội nhập, Việt Nam đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc tạo ra một môi trường chính trị ổn định; môi trường kinh doanh thông thoáng; nguồn tài nguyên dồi dào và nguồn lao động giá rẻ; hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường. Đặc biệt, từ năm 2005, Luật đầu tư chung ra đời thay thế Luật đầu tư nước ngoài và Luật đầu tư trong nước trong nước tạo nên bước đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các khu vực kinh tế. Đến năm 2014, Luật đầu tư này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng tách thủ tục đầu tư và thủ tục thành lập doanh nghiệp đã tạo động lực và tăng tính hấp dẫn với nhiều ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực về đầt đai, thuế, hải quan, cho các doanh nghiệp FDI. Có thể nói, trong những năm qua, Việt Nam liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thu hút, quản lý FDI tại Việt Nam tiêu biểu như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế xuất khẩu, 6 -
  6. thuế nhập khẩu, Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp cùng với các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích DN FDI đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể: Tạo khung pháp lý bảo đảm cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài: Các chính sách liên quan đến DN FDI đều tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư đã quy định cụ thể 13 nhóm lĩnh vực và 3 loại địa bàn được ưu đã đầu tư; quy định rõ điều kiện, thủ tục, quy trình đăng ký kinh doanh cũng như hình thức đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư Đồng thời, bảo đảm quyền chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật. Quy định này khiến nhà đầu tư nước ngoài vững tin hơn khi tham gia đầu tư vào Việt Nam. Về quy trình, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư, do có sự nỗ lực trong cải cách hành chính nên đã giảm đáng kể thời gian và chi phí cho DN FDI Chính sách thuế đối với các DN: Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể các mức ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thống nhất chung cho tất cả các loại hình DN; bãi bỏ các quy định về thuế TNDN bổ sung; bãi bỏ quy định về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Việc cắt giảm thuế quan hàng năm theo các cam kết khu vực và quốc tế đối với các nguyên vật liệu thô cũng giúp cho các DN, trong đó có DN FDI cắt giảm đáng kể một phần chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh về giá cho sản phẩm. Chính sách đất đai, mặt bằng: Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cùng thống nhất quan điểm xoá bỏ sự phân biệt giữa các loại hình DN trong cơ hội tiếp cận, sử dụng đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động sử dụng đất đai. Bên cạnh những thành tựu đạt được, quản lý FDI hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập. Cụ thể: Chưa tạo được sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn FDI và khu vực kinh tế trong nước: FDI chưa tạo được liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong nước để cùng tham gia vào chuỗi giá trị cũng như thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp có vốn FDI còn thấp; phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu và dịch vụ phục vụ cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp FDI được nhập khẩu thay vì được cung ứng bởi các doanh nghiệp ttrong nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp khu vực FDI cũng chưa thật sự tạo được hiệu ứng lan tỏa công nghệ và năng suất chưa cao như kỳ vọng thông qua chuyển giao công nghệ và kinh nghiệp cho các doanh nghiệp trong nước. Phân bổ vốn FDI không đều giữa các khu vực, tập trung chủ yếu vào những địa phương có điều kiện thuận lợi như Thành phố Hố Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Năm 2020, có khoảng 42,4% vốn FDI đầu tư vào vùng Đông Nam Bộ và 27,7% vốn FDI đầu tư - 7
  7. vào vùng Đồng bằng sông Hồng, trong khi chỉ có 4,7% vốn FDI đầu tư vào miền Núi và trung du Bắc Bộ (GSO, 2020). Ngoài ra, cơ cấu đầu tư còn mất cân đối chủ yếu đầu tư vào những ngành sản xuất thay thế nhập khẩu, những ngành lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, hoặc những ngành sản xuất được nhà nước ưu đãi thuế, những ngành sử dụng nhiều tài nguyên, các ngành sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình, gây ô nhiễm môi trường, các dự án FDI chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chưa chú trọng đầu tư ở các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao cao như tài chính, công nghệ cao, nghiên cứu phát triển. Khả năng tiếp cận công nghệ chưa đạt được mục tiêu đặt ra: thiết bị, máy móc chuyển giao vào nước ta còn lạc hậu. một số dự án đầu tư không hiệu quả đã hạn chế khả năng thu hút công nghệ. Nhiều dự án FDI tập trung ở một vài công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động để gia công, lắp ráp và chế biến. Đầu tư của khu vực FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế dẫn đến việc tiếp cận công nghệ mới, tiên tiến từ các nước công nghiệp phát triển như Tây Âu, Bắc Mỹ chưa đạt được như mục tiêu kỳ vọng. FDI vẫn còn nhiều hành vi tiêu cực, mức độ động viên vào ngân sách nhà nước còn thấp. một số doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu cơ chế chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Cách thức chuyển giá mà các doanh nghiệp FDI thường sử dụng là mua hàng hóa, nguyên vật liệu và các dịch vụ với giá cao trong nội bộ tập đoàn hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với lãi suất cao để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Ngược lại, còn xuất hiện hiện tượng chuyển gia, chuyển lợi nhuận vào Việt Nam và chuyển giá giữa các doanh nghiệp FDI trong nước có quan hệ liên kết được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Số liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2012 – 2017 cho thấy, số lượng doanh nghiệp lỗ hàng năm từ 44% đến 52% (GSO,2020). Riêng năm 2017, khoảng 52% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ với giá trị lỗ tương đương 4 tỷ USD và trong số này có khoảng 20% doanh nghiệp lỗ mất vốn (GSO, 2017). Nguyên nhân của những bất cập trên là do nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương về vị trí vai trò nguốn vốn FDI chưa thật sự đầy đủ và nhất quán. Hệ thống pháp luật nói chung và luật đầu tư nói riêng mặc dù tương đối đồng bộ và thông thoáng nhưng việc thực thi còn tùy tiện. Chính sách quản lý FDI chưa tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, cơ chế quản lý vẫn còn chồng chéo; việc thu hút vốn FDI trong thời gian qua chưa gắn với tổng thể quy hoạch và phát triển vùng; chưa tạo sự liên kết giữa các địa phương trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng; tình trạng cạnh tranh trong thu hút vốu FDI khá phổ biến đã tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và dẫn đến những hệ lụy như trên mà còn tạo ra sự 8 -
  8. thiếu nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư, thiết kế và thực thi chính sách trong thu hút nguồn lực quan trọng này. 5. Kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động FDI Trong bối cảnh khu vực và trong nước đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới đối với việc thu hút và sử dụng FDI. Quy mô dòng vốn FDI toàn cầu giảm, xung đột thương mại giữa Mỹ – Trung, Nhật Bản – Hàn Quốc, nguy cơ khủng hoảng ở các nền kinh tế mới nổi; sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ, sẽ tác động không nhỏ đến sự di chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế. Do vậy để tăng cường quản lý hoạt động FDI trong thời gian tới, chúng tối kiến nghị các giải pháp chủ yếu sau: Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách trong quản lý hoạt động FDI; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Đặc biệt cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý; sớm loại bỏ hoàn toàn tính tùy tiện trong thực thi pháp luật để thu hút nguồn vốn FDI. Cần có mục tiêu đối với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu công nghiệp cho từng giai đoạn phát triển, phải có lựa chọn đối với các DN này cho phù hợp với mục tiêu của đất nước. Điều này có liên quan mật thiết đến việc lập chiến lược, kế hoạch, quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư phải phù hợp với mục tiêu phát triển mới đem lại hiệu quả cao. Khi đã có mục tiêu rõ ràng thì cần có quy hoạch chi tiết cho mục tiêu đó. Đồng thời, phải có lựa chọn cho phù hợp với mục tiêu đặt ra. Cần tránh những thất bại như các nước trong khu vực dẫn đến cơ cấu kinh tế kém phát triển, kinh tế thiếu bền vững, không tạo ra năng lực sản xuất thực sự. Quản lý nhà nước đối với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phải hướng đến phát triển cân đối các ngành, vùng. Sự mất cân đối này có thể gây ra những hậu quả trong phát triển dài hạn. Để giải quyết tình trạng này cần quan tâm đến việc xây dựng và phát triển quy hoạch tổng thể, cả quy hoạch theo ngành, nghề và quy hoạch theo vùng thống nhất trong cả nước. Thu hẹp các ngành, nghề hạn chế đầu tư, phát triển quy hoạch vùng, tạo nên các cực kinh tế trọng điểm, mở rộng các vùng kinh tế và chuyển dịch các cực kinh tế rộng khắp cả nước. Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư phải nhất quán và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và cũng là cơ hội tốt nhất để quản lý hoạt động của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chính sách bảo đảm đầu tư và giải quyết các tranh chấp phải thỏa đáng, phải bảo đảm công bằng. Khuyến khích đầu tư nước ngoài, - 9
  9. cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào mọi lĩnh vực, trừ các lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh – quốc phòng. Chính sách quản lý cần tạo sự liên kết giữa các địa phương trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng; tránh tình trạng cạnh tranh trong thu hút vốu FDI khá phổ biến đã tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và dẫn đến những hệ lụy như trên mà còn tạo ra sự thiếu nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư, thiết kế và thực thi chính sách trong thu hút nguồn lực; hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo hướng hiện đại, đồng bộ giữa các địa phương và giữa các vùng trong cả nước. Việc thu hút vốn FDI gắn với tổng thể quy hoạch và phát triển vùng, tạo sự liên kết giữa các địa phương trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng, tránh tình trạng cạnh tranh trong thu hút vốu FDI giữa các địa phương như trong thời gian qua. Cần có chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc theo hướng cần xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu nhằm định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động, đảm bảo sự nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư, thiết kế và thực thi chính sách trong thu hút FDI. Cần tập trung ưu tiên thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao, sử dụng nhiều chất xám và ưu đãi dựa vào hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép và quản lý vốn FDI; hạn chế cấp phép các dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu; thẩm tra chặt chẽ các dự án sử dụng nhiều tài nguyên, đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều đất; cần giao đất theo tiến độ triển khai dự án đầu tư và nên cần quy định về tỷ suất đầu tư/đơn vị diện tích đất đối với các dự án đầu tư FDI. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Kế hoạch & Đầu tư (2017). Dự thảo chiến lược và Định hướng Chiến lược Thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030. Bộ Kế hoạch & Đầu tư (2019). 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới. Kỷ yếu hội thảo khoa học. Nguyễn Nguyên Dũng (2020). Giải pháp tăng cường quản lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hà Nội hiện nay. Tạp chí công thương, 4, 20-24. Nguyễn Thạc Hoát & Nguyễn Thế Vinh (2021). Thu hút và quản lý nhà nước các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân. José Guimón & Sergey Filippov (2012). Competing for High-quality FDI: Management Challenges for Investment Promotion Agencies. Institutions and Economies, 4(2), 25. Quốc hội (2014). Luật Đầu tư 2014. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. 10 -
  10. Sengphai Vanh Seng Aphone (2013). Quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Luận án tiến sĩ kinh tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân. Thời báo kinh tế Việt Nam (2020). Kinh tế 2018 – 2019 Việt nam và Thế giới. Nhà xuất bản Thông tin & Truyền thông. Thời báo kinh tế Việt Nam (2021). Kinh tế 2020 – 2021 Việt Nam và Thế giới. Nhà xuất bản Thông tin & Truyền thông. Tồng cục Thống kê (2019). Tăng trưởng kinh tế các vùng trọng điểm giai đoạn 2011 – 2017. Nhà xuất bản Thống kê. Tổng cục Thống kê (2011). Niên giám thống kê năm 2010. Nhà xuất bản Thống kê. Tổng cục Thống kê (2016). Niên giám thống kê năm 2015. Nhà xuất bản Thống kê. Tổng cục Thống kê (2021). Niên giám thống kê năm 2021. Nhà xuất bản Thống kê. - 11