Thao túng tiền tệ: Ngoại giao trừng phạt và lợi ích chiến lược

pdf 8 trang Gia Huy 24/05/2022 1420
Bạn đang xem tài liệu "Thao túng tiền tệ: Ngoại giao trừng phạt và lợi ích chiến lược", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthao_tung_tien_te_ngoai_giao_trung_phat_va_loi_ich_chien_luo.pdf

Nội dung text: Thao túng tiền tệ: Ngoại giao trừng phạt và lợi ích chiến lược

  1. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM 18. 1Hồ Quốc Tuấn* 2Nguyễn Thị Ngọc Trang Trần Ngọc Thơ Tóm tắt Ngày 16/12/2020, Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là “thao túng tiền tệ” theo đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988. Dựa vào bộ tiêu chí xếp hạng thao túng tiền tệ và những hành xử trước đây, lựa chọn gán nhãn thao túng tiền tệ của Mỹ với bất kỳ quốc gia nào không thuần túy là một quyết định khách quan hay dựa trên kết quả khoa học, mà dựa trên đánh giá chủ quan. Có vẻ như chính quyền Mỹ sử dụng việc định danh thao túng tiền tệ như một phần của chính sách ngoại giao trừng phạt nhằm đạt được những lợi ích chiến lược. Chúng tôi đưa ra một số đề xuất để ứng xử với các báo cáo liên quan đến thao túng tiền tệ trong tương lai. Từ khóa: Thao túng tiền t, cạnh tranh, thương mại, chính sách ngoại giá, tỷ giá thực. Mỹ gắn nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ năm 2020: Một quyết định chủ quan? Ngày 16-12-2020, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”. Theo báo cáo này, Việt Nam cùng với Thụy Sĩ bị Bộ Tài chính Mỹ xác định là “thao túng tiền tệ” theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988. Đây không phải một vấn đề mới mà đã được cảnh báo từ năm 2019. Vào Quý III năm nay, theo trang giám sát về tín hiệu thao túng tiền tệ Tracking Currency Manipulation, Việt Nam là một trong những nước “đầu bảng” về tín hiệu thao túng tiền tệ theo các tiêu chuẩn của Bộ Tài chính Mỹ. *Đại học Bristol, Anh | Email liên hệ: Tuan.Ho@bristol.ac.uk Trường Đại học Kinh tế TP. HCM 265
  2. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Nhưng với những người theo dõi vấn đề này, đây là chuyện “hên xui”. Vì sao lại nói như vậy? Trước tiên hãy nhìn về bộ tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ sử dụng để đánh giá một nền kinh tế có thao túng tiền tệ hay không. Bộ tiêu chí hiện tại của Bộ Tài chính Mỹ bao gồm: ▪ Thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD trong vòng 12 tháng ▪ Thặng dư tài khoản vãng lai hơn 2% GDP trong vòng 12 tháng ▪ Chính phủ can thiệp thường xuyên vào thị trường ngoại hối, trong đó có 6 tháng có lượng mua vào ngoại tệ ròng (trong khoảng thời gian 12 tháng đánh giá), và lượng mua vào ròng này chiếm từ 2% GDP trở lên. Theo Hồ (2020), đây là những tiêu chí có tính chủ quan và có phần “ép” các nước thiên về xuất khẩu như Việt Nam. Chẳng hạn, hầu hết nước và lãnh thổ có hoạt động xuất khẩu mạnh như Trung Quốc, Đức, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam chắc chắn sẽ vi phạm 2 tiêu chí đầu tiên. Chỉ có tiêu chí thứ 3 có thể tránh khỏi nếu can thiệp một cách giới hạn và không thường xuyên vào thị trường ngoại hối. Trước đây Đài Loan tỏ ra khôn ngoan bằng cách sử dụng một loạt công cụ phái sinh để mua vào ngoại hối và tìm cách cân bằng vị thế ngoại hối ở một số tháng để có vẻ cho thấy họ không mua ròng trong tháng đó. Thế nhưng trong báo cáo mới lần này, các giao dịch phái sinh đã bị phía Mỹ quan tâm và tính toán kỹ lưỡng. Với một bộ tiêu chí có tính áp đặt như vậy, Mỹ thật ra đã “gom trọn” các đối tác thương mại lớn của mình vào một cái danh sách theo dõi và những nước trong danh sách này có thể bị “gắn nhãn” thao túng tiền tệ bất kỳ lúc nào chỉ cần đạt đủ 3 tiêu chí. Ngay cả các quốc gia không bị gắn nhãn thao túng tiền tệ vẫn bị đưa vào “danh sách đen” theo dõi thao túng tiền tệ (ngoài Việt Nam và Thụy Sĩ bị “gắn nhãn”, có 10 nền kinh tế khác bị vào “danh sách đen” này, trong đó có Trung Quốc). Năm 2019, Trung Quốc bị gắn nhãn thao túng tiền tệ, nhưng sau đó vào đầu năm 2020 đã được đưa ra khỏi danh sách này khi Trung-Mỹ đang trong quá trình thương lượng ký kết một hiệp định thương mại mới. Nói vậy để thấy, lựa chọn gắn nhãn thao túng tiền tệ của Mỹ với bất kỳ quốc gia nào không thuần túy là một quyết định khách quan hay dựa trên kết quả khoa học, mà dựa trên đánh giá chủ quan. Nhận định này của Hồ (2020) có cùng quan điểm với Lương (2020). Theo Lương (2020), sự khác nhau về kết quả của các mô hình tính toán tỷ giá thực mà báo cáo của 266
  3. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM phía Mỹ sử dụng cho thấy không có cơ sở vững chắc để khẳng định tiền đồng đã bị thao túng một cách bất hợp lý. Các nhận định này cũng cùng quan điểm với Dapice (2020). Theo ông David Dapice, Mỹ buộc thao túng tiền tệ đối với Việt Nam là không thỏa đáng. Ông cho rằng nguyên nhân chính đằng sau việc điều tra và gắn nhãn thao túng thương mại này là thặng dư thương mại song phương ngày càng tăng giữa Việt Nam và Mỹ, một biến số quan tâm đặc biệt đối với chính quyền của ông Donald Trump. Lý do hàng đầu dẫn đến thặng dư thương mại song phương gia tăng giữa Việt Nam và Mỹ, theo ông David Dapice, chính là việc Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều nhà máy sản xuất của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, và Singapore đã chuyển dịch sang Việt Nam. Năm 2019, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ là 345 tỷ USD, đến năm 2020 giảm 30 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2020 tăng khoảng 15 tỷ USD, hay bằng ½ phần giảm của Trung Quốc. Chính sách thuế quan của Mỹ đã làm thay đổi những cân nhắc kinh tế về nơi sản xuất kéo theo dòng FDI, chứ không phải do thao túng tiền tệ. Giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu đang tăng về số lượng của Việt Nam, ngay cả những hàng hóa như điện thoại di động thông minh, là khá thấp, chỉ ở một con số. Việt Nam thực ra chỉ là nơi lắp ráp các linh kiện được sản xuất từ khắp nơi trên thế giới. Như vậy, có thể thấy, việc gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam chỉ là sản phẩm phụ của việc Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đẩy nhanh làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nói tóm lại, có thể thấy Mỹ tiến hành điều tra và gắn nhãn thao túng tiền tệ với Việt Nam xuất phát từ nguyên nhân quan trọng là gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. Phía Mỹ cho rằng thao túng tiền tệ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thâm hụt thương mại này tăng lên. Trong khi đó, những chuyên gia kinh tế đã phân tích cho thấy không có bằng chứng rõ ràng theo các thước đo tỷ giá thực và can thiệp ngoại hối là Việt Nam thật sự thao túng tiền tệ để đạt được thặng dư thương mại. Nguyên nhân thực tế là do sự dịch chuyển sản xuất của các nhà xuất khẩu đi Mỹ ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam. Và đó là sản phẩm phụ của chính sách thương chiến của Mỹ với Trung Quốc. Phản hồi của phía Việt Nam Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ khuyến nghị phía Việt Nam nên “cho phép tỷ giá biến động nhiều hơn cho phù hợp với diễn biến cơ bản của nền kinh tế, và giảm bớt can thiệp vào tỷ giá, cho phép đồng tiền tăng giá theo tỷ giá thực hiệu lực”. Trong báo cáo này, Bộ Tài 267
  4. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM chính Mỹ hàm ý rằng chính những can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào thị trường ngoại hối đã ngăn không cho tiền đồng tăng giá. Phía Mỹ cũng yêu cầu Việt Nam phải thường xuyên công bố dữ liệu về can thiệp trên thị trường ngoại hối. Trong báo cáo này, họ lưu ý rằng Việt Nam không công bố dữ liệu về can thiệp trên thị trường ngoại hối như một số nước khác, nhưng NHNN đã “cung cấp thông tin đáng tin cậy” về lượng can thiệp ngoại hối trong 4 quý gần nhất là 16,8 tỷ USD, tương đương với 5,1% GDP, nghĩa là cao hơn nhiều so với chỉ tiêu 2% của Mỹ. Đáp lại quan điểm của Mỹ, NHNN khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua nhằm thực hiện nhiệm vụ của NHNN là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Về vấn đề can thiệp ngoại hối, NHNN cho biết mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Nói cách khác, ổn định vĩ mô và tăng cường dự trữ ngoại hối là lý do can thiệp của NHNN. Điều này là hợp lý trong bối cảnh của Việt Nam. Nhưng nó cũng cho thấy một vấn đề, mà chúng tôi tạm gọi là “lời nguyền của người chiến thắng” với Việt Nam. Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ dồi dào xuất phát từ thực tế là Việt Nam nhận được nhiều vốn nước ngoài và cán cân thanh toán nói chung cải thiện - bao gồm sự hỗ trợ từ nguồn kiều hối, và tăng trưởng xuất khẩu. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào mà không mua vào, đồng nội tệ tăng giá sẽ trái với định hướng một đồng nội tệ ổn định của Việt Nam. Vì vậy, chuyện mua vào ngoại tệ trong điều kiện Việt Nam là chuyện phải làm nếu tiếp tục có quan điểm ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế với mô hình thiên về xuất khẩu. Mô hình kinh tế dựa vào thặng dư xuất khẩu và đầu tư nước ngoài này đem lại tăng trưởng GDP khả quan và nguồn cung ngoại tệ ổn định trong những năm qua, không còn tình trạng khan hiếm USD và chuyện găm giữ USD. Nhưng đổi lại, cái giá của nó là việc phải mua ngoại tệ thường xuyên để ổn định tỷ giá, tránh để VND lên giá mạnh khi nguồn cung ngoại tệ đột ngột tăng mạnh trên thị trường theo mùa vụ. Thành công nào cũng có cái giá của nó. Ngoại giao trừng phạt và lợi ích chiến lược Trần (2020a) có một nhận xét hết sức xác đáng về câu chuyện thương mại Mỹ-Việt và gắn nhãn thao túng tiền tệ. Ông nhận xét: “Hệt như câu chuyện ngụ ngôn Việt Nam “Bánh tao đâu” về ông thầy đồ tham ăn. Cậu học trò đi trước, đi sau hay đi ngang hàng đều bị 268
  5. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM ông thầy quở trách cho rằng đi như vậy là hỗn. Hóa ra vấn đề đúng lại nằm ở chỗ cậu học trò đang giữ cái bánh trong người mà không đưa cho ông thầy đồ”. Một bằng chứng cho câu chuyện này là cách xử lý của Mỹ với chuyện gắn nhãn thao túng tiền tệ ở Trung Quốc. Vào thời điểm cao trào nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung năm 2019, chính quyền Trump dán nhãn Trung Quốc thao túng tiền tệ với lý do chỉ là đồng nhân dân tệ vượt làn ranh đỏ 7 nhân dân tệ ăn 1 đô la. Nhưng bỗng nhiên sau đó vài tháng, vào tháng 1-2020, chính quyền Trump lại loại bỏ Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ. Chuyện này diễn ra sau khi thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc được thông qua, với việc Trung Quốc hứa hẹn mua thêm nhiều hàng hơn nữa của Mỹ. Nói cách khác, có vẻ như chính quyền Tổng thống Trump sử dụng dán nhãn thao túng tiền tệ như một phần của ngoại giao trừng phạt nhằm đạt được những lợi ích chiến lược. Có ý kiến kỳ vọng chính quyền của Tổng thống Biden có thể sẽ mềm mỏng hơn với Việt Nam trong vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không nên nghĩ rằng họ sẽ gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ một cách miễn phí cho Việt Nam. Chính quyền tiền nhiệm đã để lại cho họ một quân bài quý giá trên bàn đàn phán thương mại, và họ sẽ tìm cách tận dụng nó thật tốt. Có lẽ Mỹ sẽ chỉ gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ với Việt Nam nếu họ nhận được, hoặc cảm thấy sẽ nhận được những lợi ích chiến lược khác. Hướng về tương lai: Có đi có lại Cuối tháng 3-2021, Trưởng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) bà Katherine Tai bày tỏ quan ngại về chính sách tiền tệ của Việt Nam trong buổi điện đàm với Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh. Thông tin được đăng trên hãng tin Reuters và cả Bloomberg ngày 1-4. Theo Bloomberg, ngoài quan ngại về chính sách tiền tệ của Việt Nam, bà Tai cũng nêu những lo ngại của Mỹ về các hoạt động gỗ bất hợp pháp, thương mại kỹ thuật số và nông nghiệp của Việt Nam. Thông thường Bộ Tài chính Mỹ sẽ công bố Báo cáo về kinh tế vĩ mô và chính sách ngoại hối của đối tác thương mại chính của Mỹ khoảng 2 lần một năm, lần đầu vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 và lần sau là khoảng từ tháng 10 đến tháng 12. Từ 2012-2019, báo cáo công bố trong khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 rất đều đặn trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ theo sau thông cáo báo chí. Trong năm 2021, dự kiến báo cáo này sẽ được hoàn thành vào khoảng giữa tháng 4- 2021, và thời điểm công bố báo cáo cho công chúng có thể trong tháng 4 hoặc tháng 5. Điều đó nghĩa là không còn nhiều thời gian nữa sẽ đến thời hạn Mỹ cần phải xem xét lại 269
  6. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM có tiếp tục định danh một số đối tác thương mại chính, trong đó có Việt Nam, là nước thao túng tiền tệ hay không. Như phân tích ở trên, vấn đề định danh thao túng tiền tệ vượt ra khỏi khuôn khổ chính sách của NHNN, đặc biệt là rộng hơn nhiều so với khuôn khổ chính sách tỷ giá hay những hoạt động can thiệp vào thị trường ngoại hối. Nói cách khác, các chỉ tiêu về can thiệp ngoại hối chỉ là “cái cớ” để Mỹ bắt chẹt các đối tác thương mại có thặng dư thương mại quá lớn với Mỹ, đặc biệt dưới thời ông Donald Trump. Vì vậy, thật ra định danh về thao túng tiền tệ là một phần trong tổng thể quan hệ thương mại và quan hệ kinh tế-chính trị giữa Mỹ với Việt Nam. Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam có 3 điều cần làm để giảm rủi ro bị gắn nhãn thao túng tiền tệ. Thứ nhất, phải chứng minh bằng được rằng Việt Nam chưa bao giờ chủ trương phá giá tiền tệ. Luận điểm của Bộ Tài chính Mỹ rằng, họ đặc biệt quan tâm đến việc NHNN có cố tình hạ giá đồng tiền để chiếm lợi thế trong xuất khẩu hay không. Một trong những yếu tố nhận biết dấu hiệu này là tỷ giá thực hiệu lực. Theo Trần (2020b) về tiêu chí này, nhiều nghiên cứu cho thấy, REER đang đi theo các xu hướng thể hiện đúng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, cùng quan điểm với Dapice (2020). Lương (2020) cũng nhấn mạnh là chỉ tiêu này có thể thay đổi rất lớn tùy theo cách tính toán. Đây là những điểm mà Việt Nam cần chuẩn bị thật kỹ để đàm phán và chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ có chủ trương phá giá tiền tệ. Thứ hai, sử dụng công cụ can thiệp ngoại hối mới phù hợp với đặc điểm Việt Nam. Từ đầu năm 2021, NHNN đã thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, cho phép hủy ngang với các ngân hàng thương mại. Đây là một giải pháp tốt cho phép NHNN đặt ra một mức tỷ giá định hướng thông qua giá mua kỳ hạn từ các ngân hàng thương mại, qua đó phát đi tín hiệu về mức tỷ giá mà NHNN sẵn sàng can thiệp mua ngoại tệ vào. Ngoài ra, việc cho phép hủy ngang hợp đồng kỳ hạn tạo ra tính linh hoạt để các ngân hàng thương mại điều chỉnh trạng thái ngoại hối theo điều kiện vốn vào hay ra mà không cần có sự can thiệp trực tiếp của NHNN. Có thể hiểu phương thức điều hành tỷ giá này là định hướng điều hành theo “luồng tiền” (flow) trong một khoảng thời gian, thay vì phải tập trung mua hay bán quá nhiều để can thiệp vào thị trường để giữ ổn định tỷ giá. Hiểu nôm na là trên thị trường ngoại hối có lúc dư thừa, có lúc thiếu ngoại tệ, nếu can thiệp hoàn toàn dựa vào thị trường giao ngay, sẽ có trường hợp NHNN phải mua ngoại tệ khi ngoại tệ dư thừa, rồi sau đó do yếu tố mùa vụ lại phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại khi có nhu cầu tăng cao. Nay tận dụng giao dịch ngoại tệ có kỳ hạn thì ít ra tiết kiệm được một đầu giao dịch: khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao, ngân hàng thương mại có nhu cầu có thể chọn hủy 270
  7. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM ngang giao dịch kỳ hạn, như vậy sẽ đảm bảo được nguồn ngoại hối cần thiết mà không có giao dịch nào phát sinh của NHNN trên thị trường tiền tệ. NHNN càng tận dụng nhiều giao dịch phái sinh này sẽ giảm được mức độ cần mua bán nhiều lần trên thị trường ngoại hối giao ngay để ổn định thị trường, đồng thời vẫn đưa ra được tín hiệu chính sách về một mức định hướng tỷ giá mà NHNN sẵn sàng can thiệp thông qua giá kỳ hạn. Tất nhiên, có ai đó sẽ chỉ ra là như vậy phải chăng là một cách thức “lách” tiêu chí can thiệp ngoại hối của Mỹ và sẽ dễ dàng bị người Mỹ chỉ ra. Điều này đặc biệt đáng lưu ý là với trường hợp Đài Loan vừa qua khi phía Mỹ tính cả dữ liệu giao dịch giao ngay và phái sinh vào trong hoạt động can thiệp ngoại hối. Tuy nhiên, nhìn ở một góc nhìn khác, rõ ràng phía Việt Nam đã có thiện chí can thiệp ít đi vào thị trường thông qua công cụ mua bán kỳ hạn và phần nào đó để thị trường tự quyết chuyện hủy ngang giao dịch kỳ hạn, tức đang phát đi tín hiệu chính sách nhưng để thị trường tự điều chỉnh. Tất cả phụ thuộc vào góc nhìn mà thôi. Vấn đề chính nằm ở lợi ích thương mại và đầu tư tổng thể theo kiểu có đi có lại giữa hai nước. Thứ ba, hạn chế thặng dư thương mại của Việt Nam so với Mỹ. Như chỉ ra từ những phân tích ở trên, thặng dư thương mại lớn của Việt Nam so với Mỹ là nguyên nhân chủ yếu khiến câu chuyện điều tra thao túng tiền tệ diễn ra, còn lý do quan trọng khiến thặng dư thương mại của Việt Nam lớn so với Mỹ là do tác động của chính sách thuế Mỹ áp đặt lên Trung Quốc. Vì vậy, trước thời điểm báo cáo về kinh tế vĩ mô và chính sách ngoại hối của đối tác thương mại chính của Mỹ sắp tới được công bố, càng nhiều những thỏa thuận thương mại và đầu tư giữa hai nước được ký kết theo hướng thu hẹp thâm hụt thương mại song phương giữa Việt Nam với Mỹ, và càng nhiều hoạt động hợp tác đầu tư giữa Mỹ với Việt Nam càng là tin tốt. Cuối cùng, Việt Nam cũng phải minh bạch thông tin nhiều hơn nữa các can thiệp vào thị trường ngoại hối và tỷ giá. Đó cũng không phải chỉ vì sức ép của Mỹ. Điều quan trọng nhất, bởi vì đó là một chính sách đúng hướng trong việc hiện đại hóa các khuôn khổ chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam. Khi chính quyền ông Biden đang theo đuổi đường lối chính sách “Hãy làm nước Mỹ tốt lên” (Build America back better), hy vọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng sẽ tốt lên, bao gồm cả những vấn đề thương mại và tiền tệ. 271
  8. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA ĐỊNH HÌNH LẠI HỆ THỐNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM Tài liệu tham khảo Hồ, Q.T., 2020. Thao túng tiền tệ: ngoại giao trừng phạt và lợi ích chiến lược. Sài Gòn Đầu tư Tài chính. Truy cập ở: trung-phat-va-loi-ich-chien-luoc-86761.html Dapice, D., 2020. Giải đáp cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Truy cập ở: Lương, T.A., 2020. Thử tìm hiểu tiếp về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ. Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Truy cập ở: viet-nam-thao-tung-tien-te.html Trần, N. T., 2020a. Thao túng tiền tệ và câu chuyện ngụ ngôn “Bánh tao đâu”. Sài Gòn Đầu tư Tài chính. Truy cập ở: ngu-ngon-banh-tao-dau-86951.html Trần, N.T, 2020b. Thao túng tiền tệ và ngoại giao kinh tế. Đầu tư. Truy cập ở: 272