Thuế – công cụ kinh tế trong vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Bạn đang xem tài liệu "Thuế – công cụ kinh tế trong vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- thue_cong_cu_kinh_te_trong_van_de_bao_ve_moi_truong_va_phat.pdf
Nội dung text: Thuế – công cụ kinh tế trong vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
- THUẾ – CÔNG CỤ KINH TẾ TRONG VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ThS Ngô Thị Duyên* Nguyễn Thị Hương Thảo* TÓM TẮT Tại Việt Nam, khi xây dựng nền kinh tế theo định hướng chiến lược phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp về kinh tế – xã hội theo hướng phát triển bền vững, đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế đặc biệt là trong vấn đề bảo vệ môi trường. Trong các công cụ kinh tế, chính sách được nhà nước sử dụng nhằm bảo vệ môi trường thì thuế được xem là công cụ hiệu quả, giảm các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp và xã hội, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường đồng thời cũng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bài viết đưa ra một số nội dung liên quan đến chính sách thuế trong vấn đề bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Từ khóa: Thuế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công cụ kinh tế, pháp luật. Đặt vấn đề Trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Hội đồng Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) của Liên hợp quốc vào năm 1987, thuật ngữ “phát triển bền vững” được định nghĩa “là sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định “phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển, bao gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống. Có thể thấy, việc bảo vệ môi trường là một mặt rất quan trọng trong phát triển bền vững. Và dù không thể hiện trực tiếp bằng các số liệu cụ thể liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế, nhưng công cụ kinh tế được sử dụng để thực hiện việc bảo vệ môi trường tác động trực tiếp * Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing. - 47
- hay gián tiếp đến yếu tố của phát triển bền vững. Nhà nước với các sự can thiệp khác nhau đã có tác động để bảo vệ các yếu tố của môi trường, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái để bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền sống trong môi trường trong lành đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013. Theo Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (ban hành kèm Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020) đưa ra giải pháp: “Tăng cường áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí ) để tăng nguồn tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”. Và qua thực tiễn áp dụng, chính sách thuế đã cho thấy những hiệu quả nhất định trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế đối với mục tiêu bảo vệ môi trường hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay vẫn còn một số vướng mắc trong hệ thống các chính sách thuế đang gặp phải. Bài viết tập trung trình bày các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng chính sách thuế liên quan công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững, từ đó đề xuất định hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan. 1. Quy định của pháp luật thuế hiện hành với mục tiêu bảo vệ môi trường 1.1. Thuế bảo vệ môi trường (Thuế BVMT) – công cụ mang lại hiệu quả cao, tác động trực tiếp đến công tác bảo vệ môi trường Có thể hiểu công cụ kinh tế được sử dụng nhằm tác động tới chi phí và lợi ích trong hoạt động của tổ chức kinh tế nhằm tạo ra các tác động tới hành vi ứng xử của nhà sản xuất có lợi cho môi trường (Chu Thị Thu & Phạm Thanh Quế,2013). Trong đó, thuế chính là công cụ kinh tế đã tạo ra các tác động ảnh hưởng trức tiếp hay gián tiếp đến hành vi của các tác nhân kinh tế theo hướng có lợi cho môi trường. Công cụ kinh tế này cho phép lồng ghép các chi phí về môi trường vào giá cả thị trường; khuyến khích người tiêu dùng không tiêu thụ các sản phẩm gây tổn hại đến môi trường và khuyến khích các nhà sản xuất không sử dụng các nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích tuân thủ pháp luật môi trường (Nguyễn Thị Huệ, 2020). Theo Điều 2 Luật Thuế BVMT 2010: “Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”. Luật BVMT năm 2020 sửa đổi bỏ cụm từ thuế gián thu và quy định phù hợp hơn với các sắc thuế khác: “Thuế BVMT áp dụng đối với các sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường; Mức thuế bảo vệ môi trường xác định căn cứ vào mức độ gây tác động xấu đến môi trường”. Với định nghĩa trên có thể thấy thuế BVMT có những đặc điểm khác biệt so với các loại thuế khác. Thứ nhất, dù đã bỏ thuật ngữ “thuế gián thu” nhưng bản chất của loại thuế này cũng giống như các loại thuế gián thu khác, dù người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, 48 -
- cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế BVMT nhưng người tiêu dùng cũng sẽ là người phải thanh toán số thuế này khi tiêu dùng các sản phẩm hay sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu là đối tượng chịu thuế. Thứ hai, thuế BVMT thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường chính bên cạnh các loại thuế khác liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ, cải thiện môi trường. Việc bảo vệ môi trường không phải công việc dễ dàng và nhanh chóng khi nền kinh tế Việt Nam không phải là nền kinh tế xanh (Nguyễn Thị Thu Hoài, 2019), bởi lẽ bản thân đời sống xã hội và việc phát triển nền kinh tế của Việt Nam còn phụ thuộc vào nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài, dẫn đến gây nhiều khó khăn cho việc bảo vệ môi trường. Chính vì vậy thuế BVMT là công cụ kinh tế trực tiếp, đánh trực diện vào kinh tế của các nhà sản xuất và người tiêu dùng các mặt hàng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thứ ba, thông qua loại thuế này nhà nước muốn thay đổi, định hướng tiêu dùng cho người dân, từ đó tác động trực tiếp đến các tổ chức, cơ sở sản xuất các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Việc đánh thuế BVMT một số mặt hàng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, vậy nên đặt ra yêu cầu thay đổi nguồn nguyên, nhiên liệu gây hại môi trường hoặc cải thiện những tác động xấu đến môi trường, từ đó doanh nghiệp sản xuất được hưởng những ưu đãi về thuế, góp phần giảm giá thành sản phẩm. Thuế BVMT tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm có thể gây tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe con người. Theo quy định, đối tượng chịu thuế của Luật Thuế BVMT bao gồm các nhóm: (i) Nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn: Đây là các sản phẩm có chứa chì, lưu huỳnh, benzen, cadimi, bari, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số chất phụ gia, ngay cả khi chưa được sử dụng các chất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người. Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch. Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch, chỉ thu thuế BVMT đối với phần xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch. (ii) Than đá. (iii) Môi chất làm lạnh chứa hydro-chloro-fluoro-carbon (Dung dịch HCFC) là loại gas dùng làm môi chất sử dụng trong thiết bị lạnh và trong công nghiệp bán dẫn. Sự phát thải chất HCFC vào khí quyển làm ô nhiễm bầu không khí, là nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính. (iv) Túi ni long (túi nhựa xốp): Là loại túi được làm từ màng nhựa đơn HDPE (High Density Polyethilene resin) hoặc LLDPE (Linear Low Density Polyethilen resin). Túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó); đối với túi ni - 49
- lông đa lớp thì thuế BVMT được xác định theo tỷ lệ % trọng lượng màng nhựa đơn polyetylen có trong túi ni lông đa lớp; bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định được loại trừ khi xác định là túi ni lông thuộc diện chịu thuế BVMT. (v) Nhóm Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng;Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng;Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.; Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Người nộp thuế theo Điều 5, Luật Thuế BVMT là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế, trường hợp uỷ thác nhập khẩu hàng hoá thì người nhận uỷ thác nhập khẩu là người nộp thuế với thuế suất theo quy định. Thuế suất BVMT được xây dựng căn cứ vào mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa chịu thuế, những hàng hóa, sản phẩm chịu thuế có mức độ gây ô nhiễm lớn cho môi trường thì chịu thuế suất càng cao và ngược lại. Theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về biểu thuế BVMT, từ ngày 01/01/2019, thuế BVMT đối với một số mặt hàng xăng dầu và các mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường sẽ được điều chỉnh. Thuế suất đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn có biên độ khá rộng từ 1.000 – 4.000 đồng; mức thuế suất cao nhất là 4.000 đồng/lít được áp dụng đối với xăng, trừ etanol; mức thuế suất thấp nhất là 1000 đồng/lít với dầu hỏa. Thuế suất đối với nhóm than đá: cao nhất là than an-tra-xít thuế suất là 30.000 đồng/tấn, thấp nhất là 15.000 đồng/ tấn, được áp dụng đối với than nâu, than mỡ và các loại than đá khác. Thuế suất đối với dung dịch Hydro-chloro-carbon (HCFC) là 5.000 đồng/kg. Thuế suất đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế là 50.000 đồng/kg. Thuế suất đối với thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng mức thuế chỉ với mức thuế từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, Luật Thuế BVMT cũng quy dịnh cụ thể căn cứ tính thuế là số lượng hàng hoá tính thuế và mức thuế tuyệt đối. Số lượng hàng hoá được quy định như sau: đối với hàng hoá sản xuất trong nước, số lượng hàng hoá tính thuế là số lượng hàng hoá sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho; đối với hàng hoá nhập khẩu, số lượng hàng hoá tính thuế là số lượng hàng hoá nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối để tính thuế được quy định tại Điều 8 của Luật Thuế BVMT. Phương pháp tính thuế là số thuế BVMT phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hoá chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hoá. Từ đây nhận thấy rằng việc đánh thuế BVMT sẽ căn cứ vào loại hàng hóa và số lượng hàng hóa được sử dụng; tác động gây hại đến môi trường càng cao thì sẽ bị đánh thuế càng nhiều. Điều này góp phần hạn chế phần nào mức độ sử dụng, cũng như yêu cầu các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải suy xét kỹ lưỡng trong hoạt động kinhd oanh của mình liên quan đến các mặt hàng có khả năng gây ô nhiễm môi trường. 50 -
- 1.2. Các chính sách thuế khác Trong các quy định pháp luật về thuế ở Việt Nam hiện nay, ngoài Thuế BVMT còn có các loại thuế khác thể hiện rõ ưu đãi cho các chủ thể với hành vi sản xuất, kinh doanh hướng đến việc bảo vệ môi trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB): Theo quy định trong Luật thuế TTĐB 2008 (sửa đổi năm 2014) quy định thuế suất cao đối với các mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia; đối với thuốc lá là 75%; đối với bia là 65%; đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, đối với rượu dưới 20 độ là 35%. Ngược lại thuế suất đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng, thì thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại; đối với xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, thì thuế suất chỉ bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại. Đối với ô tô chạy bằng điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống, thì thuế suất thuế TTĐB là 15%; đối với ô tô chạy bằng điện loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ, thì thuế suất TTĐB là 10%; đối với ô tô loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ, thì thuế suất là 5%. Thuế suất đối với xăng là 10%, đối với xăng E5 là 8%, đối với xăng E10 là 7%. Thuế thu nhập doanh nghiệp: Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi năm 2014) thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải thuộc thu nhập được miễn thuế. Các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Điều 13 như: Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm đối với: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; Áp dụng thuế suất 10% đối thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Thuế tài nguyên (Thuế TN): Thuế TN là loại thuế trực thu và có vai trò điều tiết thu nhập về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ Việt Nam của các tổ chức, cá nhân. Đối tượng chịu thuế theo Điều 2 của Luật Thuế TN 2009 gồm 9 nhóm, trong mỗi nhóm quy định chi tiết một số loại tài nguyên gồm khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất; yến sào thiên nhiên; tài nguyên khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Trong đó về thuế suất, biểu khung thuế TN trên từng loại tài nguyên có biên độ khá rộng như khung thuế suất đối với sắt, măng gan là 7 – 20%, than antraxit hầm lò và than khác là 4 – 20%; đối với than antraxit lộ thiên và than nâu, than mỡ là 6 – 20% hoặc khí thiên nhiên là 1 – 30%. - 51
- 2. Các ảnh hưởng từ thực tiễn áp dụng chính sách thuế đến công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững 2.1. Những tác động tích cực của chính sách thuế Các chính sách thuế liên quan đều tác động trực tiếp hay gián tiếp đến việc bảo vệ và cải thiện môi trường, mang đến những tác động tích cực. Thứ nhất, cùng với việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chính sách thuế liên quan đến bảo vệ môi trường phần nào điều tiết nền kinh tế theo hai hướng kích thích và hạn chế, thúc đẩy tăng trưởng phát triển về kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời đảm bảo công bằng xã hội, giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo, điều tiết phần chênh lệch thu nhập trong xã hội vì đối tượng nộp các loại thuế phần lớn là tổ chức, doanh nghiệp khai thác, sản xuất hoặc người tiêu dùng những hàng hóa, mặt hàng xa xỉ hoặc có giá trị cao. Thứ hai, chính sách thuế này còn có những tác động tích cực trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Cụ thể là các chính sách thuế này có tác động lớn đến môi trường, quy mô sản xuất của những ngành phát thải cao giảm, vốn và lao động sẽ dần dịch chuyển sang lĩnh vực phát thải và tiêu thụ năng lượng thấp. Tiêu biểu như chính sách thuế BVMT, thuế TN giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, góp phần thay đổi hành vi trong sản xuất và tiêu dùng của các chủ thể, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Các chủ thể phải tính đến việc sử dụng nguồn tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả nhất khi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng mà không ảnh hưởng đến môi trường thông qua việc thường xuyên cải tiến công nghệ, kiểm soát ô nhiễm. Thuế BVMT góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của môi trường, hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm của tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm các tác động tiêu cực đến môi trường. Từ đó, hướng tới một sự phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với BVMT (Võ Trung Tín & Nguyễn Lâm Trâm Anh, 2014). Thứ ba, góp phần điều chỉnh mục tiêu kinh tế vĩ mô của nhà nước. Có thể dẫn chứng, tính riêng thuế BVMT tạo ra nguồn thu ổn định, đồng thời giúp giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và BVMT. Theo số liệu từ các Nghị quyết của Quốc hội về việc công bố ngân sách nhà nước từ năm 2012 đến năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, có thể thấy rõ đóng góp của thuế BVMT vào nguồn thu ngân sách nhà nước ngày một tăng. 52 -
- Đơn vị (tỷ đồng) Số liệu thu từ Thuế Bảo vệ môi trường 80 68.926 70 60 49.05 50 43.142 44.825 40 30 27.02 20 12.676 11.489 12.087 10 0 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 (dự toán) Nguồn: Các Nghị quyết của Quốc hội về việc công bố ngân sách nhà nước từ năm 2012 đến năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (danh mục tài liệu tham khảo) 2.2. Những điểm hạn chế của chính sách thuế hiện nay Bên cạnh những tác động tích cực đến việc bảo vệ môi trường, chính sách thuế hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định bao gồm: Thứ nhất, tác dụng bảo vệ môi trường thể hiện trong các chính sách thuế hiện nay chưa cụ thể. Hiện nay, nhiều quốc gia thường lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường trong các sắc thuế của hệ thống thuế, đồng thời ban hành thêm một sắc thuế về bảo vệ môi trường. Việc lồng ghép mục tiêu bảo vệ môi trường trong các sắc thuế của hệ thống thuế thường được áp dụng trong thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên. Các quy định như khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường và nhiều quy định khác có liên quan mới góp một phần nào đó vào mục tiêu bảo vệ môi trường chưa tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng và hoạt động sản xuất các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường. Hoặc các quy định khuyến khích doanh nghiệp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ô nhiễm vẫn còn rải rác ở các chính sách thuế, chưa thể hiện rõ ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp thường chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua những tác hại đối với môi trường, trong khi chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn. Vì thế, cách hiểu cũng như - 53
- nhìn nhận về vai trò của các chính sách thuế trong việc bảo vệ môi trường còn chưa rõ mặc dù mục tiêu bảo vệ môi trường có hướng đến. Thứ hai, một số quy định trong Luật thuế BVMT chưa phù hợp với thực tế. Các quy định về đối tượng chịu thuế, mức thuế trong quá trình áp dụng pháp luật, trên thực tế có nhiều vướng mắc. Cụ thể về đối tượng chịu thuế, Luật thuế BVMT nêu ra 8 nhóm đối tượng phải chịu thuế môi trường và cũng trong trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quy định. Tuy nhiên, từ khi Luật thuế BVMT có hiệu lực đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực hiện điều chỉnh danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế BVMT. Trong thực tế, có một số hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được đưa vào nhóm đối tượng chịu thuế BVMT như, pin, ắc quy, sản phẩm phân bón hóa học, chất tẩy rửa, chất kích thích tăng trưởng, các loại hóa chất (gồm cả axit vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ, thủy ngân, ); đồ điện tử; cao su; polime. Hoặc như quy định về mặt hàng như xăng, dầu hiện nay được xem là “gánh” rất nhiều loại thuế, phí. Thứ ba, về vấn đề sử dụng nguồn thu từ thuế vào công tác bảo vệ môi trường. Theo Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT quy định các khoản chi ngân sách thì kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi NSNN trong dự toán ngân sách hàng năm. Trong NSNN có sự đóng góp rất lớn từ nhiều nguồn thu từ thuế khác nhau liên quan đến mục đích bảo vệ môi trường, nhưng tỷ lệ chi cho việc bảo vệ môi trường lại không cao. Chính vì điều đó, một trong những mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho BVMT, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách. Rõ ràng, khi xây dựng các khoản chi từ Ngân sách nhà nước cần ưu tiên cho bảo vệ môi trường nhiều hơn nếu muốn phát triển nền kinh tế Việt Nam theo hướng nền kinh tế xanh. Thứ tư, tính hiệu quả từ việc thể hiện ưu đãi về môi trường đối với các chính sách thuế khác chưa cao, chưa góp phần nhiều vào mục tiêu bảo vệ môi trường. Các ưu đãi về thuế nhìn chung chưa đủ mạnh và linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp chủ động giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách thay đổi công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng và tài nguyên sạch hơn, doanh nghiệp thu hút có chọn lọc lĩnh vực đầu tư, sản xuất; sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. 3. Đề xuất định hướng hoàn thiện quy định pháp luật về thuế hiện nay nhằm đạt hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững Việc phát triển bền vững được đánh giá dựa trên ba tiêu chí, trong đó có phát triển bền vững về môi trường. Đã có quan điểm nhận định rằng: “Bền vững về môi trường là khi 54 -
- sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.” (Phạm Thị Thanh Bình, 2019). Từ việc đánh giá khách quan quy định các chính sách thuế hiện hành thể hiện dưới góc độ quản lý nhà nước, với mục tiêu bảo vệ môi trường hướng đến phát triển kinh tế bền vững, các tác giả đề xuất các định hướng hoàn thiện pháp luật như sau: Thứ nhất, xây dựng hệ thống chính sách thuế hiện hành phù hợp, hướng đến tính minh bạch, thống nhất, hiệu quả. Trong hệ thống chính sách thuế trong giai đoạn 2011 – 2020, thuế bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên được xem là hai trong số các sắc thuế chủ yếu, đồng thời Bộ Tài chính đã hoàn thiện các chế độ, chính sách thu ngân sách nhà nước từ tài nguyên, khoáng sản quốc gia như: thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thu đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thu từ dầu khí. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2030 sắp tới nhà nước cần hoàn thiện xây dựng một chính sách thuế đồng bộ hơn, thống nhất, phù hợp với thể chế và điều kiện kinh tế hiện nay. Điều này sẽ tránh được tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng thuế như thực trạng hiện nay một số ngành, mặt hàng vẫn đang gặp phải. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia như Phần Lan và các nước Bắc Âu, các nước này có mức đóng góp từ thuế môi trường lên tới 5,9% GDP thông qua các loại thuế đánh từ nhiên liệu (xăng dầu, điện, khí đốt, ) và khí thải CO2, phương tiện giao thông (mua, sử dụng xe hơi), thuế ô nhiễm và khai thác tài nguyên thiên nhiên (Thanh Hà, 2018). Bên cạnh đó, đề xuất việc nghiên cứu, xây dựng quy định về thuế các-bon tại Việt Nam. Thuế các-bon là sắc thuế áp dụng đối với lượng khí các bon phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí CO2. Thuế các-bon được coi là giải pháp dựa trên nguyên tắc thị trường giảm khí thải. Áp dụng thuế các-bon làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tính toán lợi ích chi phí, qua đó điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức (Lê Quang Thuận, 2017). Thuế các-bon được áp dụng ở nhiều quốc gia như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Mỹ đã đem lại những hiệu quả nhất định. Thứ hai, quy định của pháp luật về các khoản thuế BVMT cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: đối tượng chịu thuế BVMT, mức thuế suất phải rõ ràng, chi tiết, phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Việc áp thuế BVMT cần có sự cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và mục tiêu bảo vệ môi trường. Thực tế hiện nay, việc xác định một hàng hóa có thuộc đối tượng chịu thuế BVMT hay không rất phức tạp, không chỉ phụ thuộc vào thực thể hàng hóa đó mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như chất cấu thành trong hàng hóa, kinh doanh, mục đích sử dụng. Việc quy định đầy đủ, chi tiết về đối tượng chịu thuế cũng như cách thức, phương pháp xác định sẽ đảm bảo được - 55
- việc quản lý thu thuế chính xác, tránh các trường hợp gian lận, sai sót trong kê khai, tính thuế cũng như quản lý thuế, phát huy được vai trò BVMT của sắc thuế này. Tìm hiểu tại một số quốc gia như CHLB Đức, Đan Mạch, Thụy Điển sẽ thu thuế BVMT đối với NOx (hoá chất có gốc Oxit Nitơric); SOx (hoá chất có gốc Oxit Sulfuaric), NH4, CO. Bỉ, Đan Mạch, Mexico thu đối với hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm. Đối với Anh, Trung Quốc, thu thuế đối với túi ni lông, các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) (như Hàn Quốc) thu đối với máy tính, pin, ắc quy, chai lọ bằng thủy tinh, bao bì và các sản phẩm khác thải bỏ sau khi sử dụng (Vương Thị Thu Hiền & Phạm Xuân Thắng, 2017). Tại Việt Nam cũng nên bổ sung đối tượng chịu thuế đối với pin, ắc quy, một số hóa chất tẩy rửa công nghiệp và các loại thuốc bảo quản thực vật thuộc loại hạn chế sử dụng, bởi đây là những mặt hàng mà quá trình sản xuất, sử dụng hoặc khi kết thúc quá trình sử dụng thải ra gây ô nhiễm môi trường. Đối với mức thuế suất BVMT hiện nay, cần rà soát, đánh giá mức độ gây ô nhiễm của các hàng hóa chịu thuế để xây dựng mức thuế phù hợp với từng hàng hóa. Mức thuế bảo vệ môi trường cần phù hợp với khả năng và mức độ gây thiệt hại cho môi trường. Việc đề ra mức thuế suất đối với các hành vi và đối tượng gây ảnh hưởng đến môi trường cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở nguy cơ và mức độ gây thiệt hại do hành vi và đối tượng đó gây ra. Hiện nay, trên thế giới các quốc gia quy định mức thuế môi trường khác nhau. Đối với nhiên liệu hóa thạch mức thuế sẽ theo mức tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán. Hoặc Đan Mạch quy định các mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể như đối với thuốc trừ sâu, sau khi xác định được mức độc tính liên quan đến sức khoẻ con người, khuếch tán và đa dạng sinh học, mức thuế là 14,36 EUR/đơn vị độc tính (đã có thay đổi so với năm 2013). Đối với việc chôn lấp chất thải được quy định trong văn bản pháp luật về thuế (năm 2015) là 63,67 EUR/tấn. Đan Mạch sử dụng thuế BVMT như công cụ hỗ trợ đối với hoạt động BVMT và phát triển kinh tế là công cụ điều tiết hành vi của người dân (Phạm Bách Khoa, 2020). Thứ ba, các khoản thu từ thuế cần có quy định cụ thể hơn trong luật cho mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo tính công bằng, công khai các khoản chi để người dân hiểu rõ, tham gia vào quá trình giám sát, quản lý môi trường. Cần có kế hoạch các khoản chi ngân sách cho môi trường theo nghĩa rộng, tức là các phương thức tạo ra môi trường sống tốt lành, trong sạch hơn, chứ không mang nghĩa là khoản chi đó phải chi cho việc khắc phục hậu quả ô nhiễm hay xây nhà máy xử lý rác thải. Chính sách chi ngân sách của Nhà nước cho BVMT chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách tuân thủ đúng quy định và đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn. Thứ tư, vấn đề nâng mức ưu đãi với các chính sách thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp để đạt hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường. Có thể xem xét đến việc quy 56 -
- định mức ưu đãi cao về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thường tập trung vào ưu đãi cho doanh nghiệp có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm để tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch. Bên cạnh đó, chúng ta cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động khai thác tài nguyên như khai thác các loại quặng, than, dầu khí ở dạng thô. Có thể xem xét đến phương án nên áp dụng mức thuế suất cao hơn nữa đối với loại tài nguyên dạng thô, ngược lại, đánh thuế suất thấp hơn đối với tài nguyên dạng tinh hoặc đã chế biến. Thứ năm, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách về mục tiêu khi xây dựng các loại thuế bảo vệ môi trường. Trong năm 2020, khi thế giới đang đối mặt với sức tàn phá của đại dịch Covid 19, các quốc gia càng nhìn nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống trong lành. Cần làm tốt công tác định hướng thông tin để người dân hiểu và ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách tài chính bảo vệ môi trường nói riêng. Kết luận Bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu cấp thiết để góp phần phát triển nền kinh tế xanh và bền vững. Công cụ kinh tế – chính sách thuế – đã mang lại những hiêu quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cơ chế pháp lý của Việt Nam về các chính sách thuế liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ môi trường cần có nhiều thay đổi, không chỉ trong phạm vi quy định pháp luật mà còn trong tư duy lập pháp để có thể xây dựng và hoàn thiện các chính sách thuế có liên quan nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ mai sau. TÀI LIỆU THAM KHẢO Phạm Thị Thanh Bình (2019). Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển đến năm 2030. Tạp chí Ngân hàng, 24, 2. Bộ Tài chính (2020). Quyết định số 1108/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, ban hành ngày 24/07/2020. Thanh Hà (2018). Phần Lan áp dụng nhiều chính sách nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Tạp chí Môi trường, 2, 53-54. Vương Thị Thu Hiền & Phạm Xuân Thắng (2017). Thuế bảo vệ môi trường kinh nghiệm quốc tế và những khuyến nghị đối với Việt Nam. Tạp chí Tài chính, 64. Nguyễn Thị Thu Hoài (2019). Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính, (Kỳ 2). Retrieved 5 30, 2021, from phat-trien-kinh-te-xanh-o-viet-nam-313634.html - 57
- Quốc hội (2014). Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, ban hành ngày 23/06/2014. Quốc hội (2020). Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, ban hành ngày 17/11/2014. Quốc hội (2010). Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12, ban hành ngày 15/11/2010. Quốc hội (2014). Nghị quyết số 71/2014/QH13 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, ban hành ngày 09/06/2014. Quốc hội (2015). Nghị quyết số 90/2015/QH13 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013, ban hành ngày 10/06/2015. Quốc hội (2016). Nghị quyết số 21/2016/QH13 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, ban hành ngày 29/07/2016. Quốc hội (2017). Nghị quyết số 37/2017/QH14 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, ban hành ngày 19/06/2017. Quốc hội (2018). Nghị quyết số 58/2018/QH14 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, ban hành ngày 12/06/2018. Quốc hội (2019). Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, ban hành ngày 11/06/2019. Quốc hội (2018). Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, ban hành ngày 09/11/2018. Nguyễn Thị Huệ (2020). Một số đề xuất góp phần hoàn thiện các quy định về công cụ kinh tế trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Tạp chí Môi trường, 3, 32. Phạm Bách Khoa (2020). Quản lý nhà nước đối với thuế bảo vệ môi trường, kinh nghiệm một số quốc gia và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Tài chính, (1). Retrieved 5 02, 2021, from https:// tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-thue-bao-ve-moi-truong- kinh-nghiem-mot-so-quoc-gia-va-bai-hoc-cho-viet-nam-330966.html Chu Thị Thu & Phạm Thanh Quế (2013). Quản lý nhà nước đối với ngành tài nguyên thiên nhiên và môi trường bằng công cụ kinh tế (EIS): kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam. Tạp chí Khoa học và công nghệ lâm nghiệp, (1), 113. Lê Quang Thuận (2017). Kinh nghiệp quốc tế về áp dụng chính sách thuế bảo vệ môi trường. Tạp chí Tài chính, 7(1), 32. Retrieved 5 02, 2021, from trao-doi/trao-doi-binh-luan/kinh-nghiem-quoc-te-ve-ap-dung-chinh-sach-thue-bao-ve-moi- truong-127236.html Võ Trung Tín & Nguyễn Lâm Trâm Anh (2014). Thuế bảo vệ môi trường – hình thức thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong pháp luật môi trường. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 16(2), 36-46. 58 -