Tranh kính thủ công ở Việt Nam nhìn trong mối tương quan với tranh kính thủ công ở một số nước trong khu vực

pdf 9 trang Gia Huy 22/05/2022 3140
Bạn đang xem tài liệu "Tranh kính thủ công ở Việt Nam nhìn trong mối tương quan với tranh kính thủ công ở một số nước trong khu vực", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftranh_kinh_thu_cong_o_viet_nam_nhin_trong_moi_tuong_quan_voi.pdf

Nội dung text: Tranh kính thủ công ở Việt Nam nhìn trong mối tương quan với tranh kính thủ công ở một số nước trong khu vực

  1. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 49/2021 21 TRANH KÍNH THỦ CÔNG Ở VIỆT NAM NHÌN TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI TRANH KÍNH THỦ CÔNG Ở MỘT SỐ NƯỚC TRONG KHU VỰC Nguyễn Thị Bích Liễu Trường Đại học Mở Hà Nội Tóm tắt: Nghề thủ công là một trong nhiều yếu tố cấu thành lên kho tàng văn hóa nghệ thuật của mỗi một dân tộc, mỗi một đất nước. Có những nghề thủ công đã có sự giao thao thương mại, văn hóa, để góp mặt ở các quốc gia khác nhau trong cùng một khu vực. Nhưng ở mỗi quốc gia, với sự riêng biệt về mặt văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, khiến nghề thủ công đó cũng sự khác biệt. Dù trong cùng khu vực châu Á, nhưng ở mỗi nước, tranh kính thủ công có sự tương đồng và khác biệt, và sự khác biệt này đã tạo nên nét riêng biệt cho tranh kính thủ công ở mỗi đất nước. Trong phạm vi bài viết, với phương pháp nghiên cứu so sánh, trên cơ sở tổng hợp, phân tích đối tượng nghiên cứu, bài viết giới thiệu một cách khái quát về nghề vẽ tranh kính thủ công ở một số nước khu vực châu Á, từ đó đưa ra một số so sánh nghề tranh kính thủ công ở Việt Nam với nghề tranh kính thủ công của nước khác trong khu vực. Từ khóa: Tranh kính thủ công, các nước châu Á, mối tương quan. Nhận bài ngày 20.3.2021; gửi phản biện, chỉnh sửa, duyệt đăng ngày 22.4.2021 Liên hệ tác giả: Nguyễn Thị Bích Liễu; Email: nguyenbichlieu@hou.edu.vn 1. MỞ ĐẦU Tranh kính thủ công là thể loại nghệ thuật có từ sớm ở châu Âu, ở châu Á, và ở Trung Đông. Ở châu Á, mỗi nước có nghề tranh kính thủ công lại mang trong mình một vài đặc điểm riêng của thể loại nghệ thuật độc đáo này. Ở Trung Quốc là đỉnh cao của thể loại tranh kính thủ công, với các chủ đề đa dạng và sự tinh xảo trong tranh; Tranh kính ở Indonesia thể hiện nhiều chủ đề với nhiều đề tài như cảnh sinh hoạt hàng ngày, sinh hoạt dân gian, nghi lễ, lễ hội, Hồi giáo và lịch sử Indonesia; Các sử thi, huyền thoại, Ở Ấn Độ, tranh kính thủ công vẽ các nghi lễ, tôn giáo, Ở Việt Nam, tranh kính thủ công có chủ đề chủ yếu về tranh thờ cúng tổ tiên, tranh tôn giáo, tranh trang trí. 2. NỘI DUNG 2.1. Tranh kính thủ công ở Nam Bộ, Việt Nam
  2. 22 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Tranh kính thủ công ở Việt Nam được biết đến nhiều nhất là thể loại tranh kính thủ công của người dân Nam Bộ. Thịnh hành ở Nam Bộ từ đầu thế kỷ 20, tranh kính thủ công Nam Bộ từng vang danh một thời, và vào thời kỳ thịnh hành, nó đã mang lại cho người dân làm nghề một cuộc sống sung túc, ấm no. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một bộ phận người Quảng Đông (Trung Quốc) di dân đến mảnh đất Nam Bộ sinh sống và lập nghiệp, tại đây thời kỳ đầu họ đã mở các cửa tiệm buôn bán kính (kiếng1), họ bán các loại kính tráng thủy làm gương soi, kính khuôn cửa tủ, khung cửa chớp, ô cửa thoáng, Theo thời gian, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, đã cho ra đời dòng tranh kính thủ công ở Nam Bộ. Tranh kính thủ công là loại hình tranh vẽ từ phía mặt sau của tấm kính - vẽ ngược. Khi vẽ xong, bức tranh được lật lại và trở thành mặt trước của tranh. Điều này là điểm tạo nên sự độc đáo của thể loại tranh kính thủ công này. Theo chia sẻ của nghệ nhân Trương Cung Thơ2, ở phường Lái Thiêu, thị trấn Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông đã được truyền nghề từ gia đình và làm nghề, gắn bó với nghề vẽ tranh kính thủ công từ khi còn rất nhỏ, ông và những nghệ nhân từng làm nghề cho rằng: Các bức tranh kính được hoàn thành phải trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn tỉ mỉ và công phu. Điều này đòi hỏi sự thẩm mĩ, khéo léo của người nghệ nhân, người thợ làm nghề, bởi chỉ cần sai một chi tiết, cũng xem như phải bỏ cả bức tranh và làm lại. Nghề vẽ tranh kính thủ công ở Nam Bộ được truyền từ đời này sáng đời khác qua các thế hệ, người làm nghề trước truyền cho người làm nghề sau. Hình thức chủ yếu là cha truyền con nối để làm nghề, để phát triển và để lưu giữ nghề. Những nghệ nhân, người thợ vẽ tranh kính mặc dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp, chỉ được tiếp truyền lại từ đời trước đến đời sau bằng hình thức cha truyền con nối, tuy nhiên với cảm xúc chân thật, bình dị và tình yêu đối với nghề vẽ tranh kính thủ công, họ đã cho ra đời những bức tranh kính được chăm chút từ nội dung đến hình thức, từ bố cục đến không gian, từ nét vẽ đến màu sắc. Với kỹ thuật tạo hình được nghiên cứu, được đúc rút kinh nghiệm qua quá trình dài làm nghề, sự cân đối trong bố cục, sự khéo léo lồng ghép giữa con người với cảnh vật, đường nét mềm mại linh hoạt, nhịp điệu uyển chuyển, màu sắc rõ ràng đã làm cho những bức tranh kính thủ công trở nên sống động, gần gũi mà giản dị với người dân. Tranh kính thủ công Nam Bộ mang trong mình những nét đặc sắc riêng với bốn dòng tranh nổi tiếng, đó là: Dòng tranh kính Chợ Lớn (Sài Gòn); Tranh kính Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương); Dòng tranh kính Chợ Mới (tỉnh An Giang) và dòng tranh kính thủ công của người Khmer. Tranh kính Chợ Lớn thường vẽ về các chủ đề như: Tranh chúc tụng dùng để biếu tặng nhân những dịp hiếu hỉ, khai trương công việc làm ăn buôn bán [5, tr. 5]. Tranh thờ, phổ biến là tranh kính vẽ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Di Đà, Phật Di Lặc, tranh kính vẽ Bồ Tát Quan Thế Âm. Tranh thờ các vị thần độ mang cho nam giới, nữ giới, các vị gia thần, nữ thần, tranh Ông Táo, tranh thờ gia tiên. “Đặc trưng của dòng tranh kiếng Chợ Lớn là đề tài 1 Cách gọi từ kính của người dân Nam Bộ. 2 Tư liệu điền dã, phỏng vấn của tác giả bài viết, thực hiện tháng 2 năm 2019
  3. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 49/2021 23 phong phú, đa dạng được thể hiện bằng nhiều kỹ pháp tân kỳ, đặc biệt là kỹ thuật tráng thủy tạo thành đường nét cho hình họa và kỹ thuật dán các loại giấy kim loại đủ màu rực rỡ” [5, tr. 16].Dòng tranh kính Lái Thiêu thường vẽ về chủ đề: Tranh thờ gia tiên, Tranh thờ Tử vi trấn trạch, Tranh thờ thần, Phật, Tranh trang trí. Trong đó, tranh thờ cúng tổ tiên của Lái Thiêu là phổ biến nhất. Tranh thờ tổ tiên “từ những loại tranh đại tự hoặc hoa điểu (kiết tường) kèm hai câu đối tráng thủy treo ở trung đường, đến bộ tranh thờ “bộ ba” treo phía sau bàn thờ ông bà để thờ tự” [5, tr. 22]. Dòng tranh kính Chợ Mới (tỉnh An Giang), chủ yếu vẽ về tranh thờ cúng tổ tiên; Tranh thờ thần Phật; Tranh vẽ trang trí mang nội dung chúc cát tường như ý. Dòng tranh kính Khmer, thường vẽ tranh chân dung ông bà, cha mẹ mặc trang phục truyền thống của người Khmer; Tranh thờ tổ tiên; Tranh thờ Phật, Ngũ Phật; Đặc biệt là tranh Witsowan trấn trạch. Đặc điểm nổi bật của tranh kính thủ công là trong quá trình phát triển của mình, ở mỗi giai đoạn phát triển, tranh kính luôn tích hợp những nội dung mới để phù hợp với tập tục, văn hóa và lối sống của cộng đồng dân cư, dân tộc, và từ đó, mỗi dòng tranh kính hình thành những sắc thái riêng biệt, độc đáo. “Mỗi dòng tranh kiếng với những đặc trưng riêng đã hình thành nên một tập đại thành mỹ thuật đồ sộ mang sắc thái riêng của mỗi cộng đồng dân cư, dân tộc, góp phần làm phong phú cho bảng màu đa dạng của văn hóa vùng đất phương Nam” [5, tr. 63]. 2.2. Tranh kính thủ công Trung Quốc Tranh kính thủ công ở Trung Quốc được biết đến nhiều ở Quảng Châu1 từ đầu thế kỷ thứ 18, việc vẽ tranh kính thủ công này tiếp tục được phát triển cho đến cuối triều đại nhà Thanh2, giai đoạn phát triển nhất vào khoảng đầu thế kỷ 19, theo một số nghiên cứu thì Quảng Châu là nơi thịnh hành, phát triển của thể loại tranh kính thủ công này. So với các bức tranh của các thể loại tranh khác, tranh kính được đặc trưng bởi độ phản chiếu và độ trong suốt của bề mặt tranh. Tranh kính thủ công là tranh được các nghệ nhân, người thợ vẽ trên một mặt của tấm kính và khi hoàn thành, người xem sẽ xem hình ảnh từ mặt ngược lại. Loại tranh thủ công này rất thịnh hành, được ưu chuộng và được sưu tầm rộng rãi, đặc biệt giới quan lại, thượng lưu Trung Quốc thời bấy giờ. Tranh kính thủ công ở Trung Quốc thời kỳ này gồm nhiều chủ đề: Tranh kính thủ công vẽ chân dung nhân vật, các nhân vật có thể là vua, hoàng hậu, quan lại, thiếu nữ, Tranh chủ đề hiện thực, vẽ về khung cảnh ngoài trời, giải trí trong xã hội thượng lưu, Tranh chủ đề thiên nhiên về chim và hoa, Ở chủ đề tranh kính thủ công vẽ chân dung các nhân vật, tác giả nhận thấy có hai hình thức: Tranh kính vẽ chân dung các nhân vật không có hình nền; Hoặc tranh kính vẽ chân dung nhân vật trong bối cảnh nội thất hoặc sân vườn, bối cảnh được cho là mô tả cuộc sống trong nhà của người Trung Quốc. Những nhân vật trong tranh thường là các vị vua, các vị hoàng hậu, các vị quan lại, hình ảnh các thiếu nữ, Những bức tranh 1 Quảng Châu: thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, và là một trong ba thành phố lớn nhất của Trung Quốc. 2 Nhà Thanh: triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử đất nước Trung Quốc.
  4. 24 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI kính chân dung loại này phổ biến từ cuối thế kỷ 18 và trong suốt thế kỷ 19. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, những bức tranh kính thủ công được sản xuất vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 là các tác phẩm có chất lượng vào loại xuất sắc của tranh kính thủ công Trung Quốc. Ở chủ đề vẽ khung cảnh ngoài trời, giải trí trong xã hội thượng lưu, trong số chủ đề được các họa sĩ Trung Quốc sử dụng thành công, dòng tranh kính ngược, tranh gương về chủ đề khung cảnh ngoài trời, giải trí trong xã hội thương lưu Trung Quốc là chủ đề đã tạo nên nhiều tác phẩm đáng chú ý. Đây là dòng tranh miêu tả các thành viên của tầng lớp thượng lưu, quý tộc, quan lại, vợ, con và thê thiếp đang thư giãn trong khung cảnh thiên nhiên, thường ở bên hồ, sông, hoặc trong vườn và trên hiên của phủ nơi họ sinh sống. Những bức tranh này thường theo cặp, có nghĩa là một yếu tố biểu tượng được thêm vào các họa tiết được vẽ, với các khái niệm kép được thiết lập đối lập với nhau: ví dụ như: Tuổi già - trẻ, mùa đông - mùa hè, nhạc – thơ, Ở chủ đề về thiên nhiên chim và hoa, đây là một chủ đề truyền thống, phổ biến trong tranh kính thủ công Trung Quốc. Tác giả cho rằng dòng tranh này của Trung Quốc có nhiều dạng khác nhau như: Chủ đề chim và hoa trong khung cảnh tối giản; Chủ đề chim và hoa trong khung cảnh thiên nhiên; Chủ đề chim và hoa trên đường viền trang trí. Màu sắc trong các bức tranh kính thủ công loại này thường trang nhã, nhẹ nhàng. Chim ở đây là chim trĩ màu vàng hoặc màu bạc, thường đứng trên một tảng đá, kèm theo những bông hoa trông như tự nhiên hoặc một vòng hoa, bên dưới những bông mẫu đơn đang nở hoa và những con bướm bay lượn, một vài con gà lôi màu bạc, màu vàng hoặc màu đỏ, đang đứng trên những tảng đá xanh có hình dạng khúc khuỷu, nhiều hốc và rỗng. Ở Trung Quốc, những con chim này rất được coi trọng trong xã hội thượng lưu và thường được miêu tả trong tranh như đang di chuyển. Hoa mẫu đơn là loài hoa được đánh giá cao ở Trung Quốc, và là loài hoa thường được miêu tả với tần suất tương đối nhiều. Được coi là nữ hoàng của các loài hoa, nó tôn lên vẻ đẹp nữ tính, giàu có, kính trọng và quý phái. Tranh kính thủ công trang trí chim và hoa này là một trong những loại tranh kính thủ công được vẽ sớm ở Trung Quốc. Qua các tác phẩm tranh kính thủ công này, đã cho thấy các nghệ nhân, người thợ thủ công Trung Quốc là những người có kỹ năng tinh xảo trong việc sử dụng sơn màu để tạo ra các bức tranh sinh động, bắt mắt. Bên cạnh chim trĩ và hoa mẫu đơn, một số loài chim và hoa khác cũng được miêu tả trong tranh kính thủ công như hoa cúc, vì ở Trung Quốc, hoa cúc là biểu tượng của tuổi thọ, trong tranh kính thường có một con chim màu đỏ với đôi cánh xanh lam, mào mũ màu xanh đen. Vào thế kỷ thứ 18, việc sản xuất tranh kính thể loại cung đình đã đạt đến đỉnh cao. Các quan lại triều đình, tầng lớp thượng lưu coi tranh kính là vật trang trí lộng lẫy có thể so sánh với những bức bình phong do họa sĩ thời Đường vẽ. Thể loại tranh kính thủ công Trung Quốc thế kỷ 18 khi nhìn tranh từ một khoảng cách ngắn càng thấy độ tinh xảo, các hình vẽ người, động vật, phong cảnh hoặc bất kỳ hình ảnh nào khác đều có cảm giác tạo độ phản chiếu. Với tranh chân dung, khuôn mặt của một nhân vật có thể được nhìn thấy trong những khoảng trống do bức tranh để lại, điều này tạo nên sự đa dạng rất hấp dẫn cho tranh. Các tác phẩm tranh kính là những tác phẩm mang đậm chất nghệ thuật; Tạo ra độ hấp dẫn thông qua
  5. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 49/2021 25 sự kết hợp nghệ thuật và văn hóa. Tác giả cho rằng, ngoài những điểm hấp dẫn này, tranh kính thủ công Trung Quốc còn có một sức hấp dẫn cụ thể hơn, các họa sĩ vẽ tranh kính ngược mà không tráng bạc. Nhờ tính chất phản chiếu của gương, kính, một tác phẩm tranh kính cho phép người quan sát không chỉ là một người nhìn ngắm, mà trở thành một người tham gia, bước vào phong cảnh hoặc nhập vai với hình ảnh, với nhân vật được mô tả. Có thể nói tranh kính thủ công Trung Quốc giai đoạn này là các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, phản ánh sự tài hoa của các họa sĩ, nghệ nhân tranh kính Trung Quốc thời kỳ này. 2.3. Tranh kính thủ công Indonesia Tranh kính du nhập vào đất nước Indonesia những năm đầu thế kỷ 20, và giai đoạn có thể nói là thịnh hành của tranh kính ở Indonesia là những năm 1930. Khi du nhập vào Indonesia, tranh kính chỉ tập trung phát triển ở một số vùng chứ không phải trên tất cả lãnh thổ của đất nước này. Những vùng thịnh hành nghề tranh kính thì cũng mang nét riêng của từng vùng, có sự phát triển và dấu ấn riêng của nghệ thuật tranh kính thủ công. Như tranh kính Bali1 mang nhiều họa tiết về đạo Hindu2, tranh kính ở Bali khá mới mẻ, nó chỉ bắt đầu từ những năm 1927. Tranh kính ở Java3 thì thường mang màu sắc đậm hơn tranh kính ở các vùng khác, và cách vẽ tranh trên kính của các nghệ nhân ở Java thì vẽ như vẽ trên một tấm vải. Trong khi các nghệ nhân của vùng Cirebon4 thì sử dụng kỹ thuật vẽ ngược trên tranh kính, kỹ thuật này có độ khó cao hơn, yêu cầu sự tỉ mỉ hơn của các nghệ nhân. Sở dĩ có nét khác biệt trong các vùng mà tranh kính thịnh hành bởi mỗi vùng mang trong mình sự khác biệt về địa lý, về văn hóa bản địa. Trong nhiều năm, tranh kính ở Cirebon vẫn sử dụng chủ đề phổ biến và thống nhất về Hồi giáo, kết hợp với đạo Hindu. Các họa tiết trang trí trong tranh kính Cirebon thường lấy cảm hứng từ các họa tiết Batik5 như sóng nước, mây, Ở Cirebon, lúc này tranh kính không chỉ được xem là hội họa mà còn được phát triển như một yếu tố kiến trúc với những suy nghĩ sâu sắc hoặc triết lý chịu ảnh hưởng của người Hindu. Theo thời gian, ngoài chủ đề tôn giáo, thần thoại Hindu, các họa sĩ, nghệ nhân tranh kính ở Indonesia bắt đầu khám phá các chủ đề khác như phong cảnh thiên nhiên, các vấn đề xã hội, các cảnh sinh hoạt thường ngày, và tranh bắt đầu có xu hướng mang một cái nhìn chung và thống nhất, thành một biểu hiện của sự giải thích cá nhân và sự sáng tạo của nghệ sĩ. Tranh kính ở Indonesia có nhiều chủ đề khác nhau, đây là thể loại nghệ thuật mô tả một cách sống động sự đa dạng trong văn hóa, trong tôn giáo, trong cuộc sống của người dân Indonesia qua các thời kỳ. Tranh kính Indonesia lấy cảm hứng từ nhiều chủ đề trong cuộc sống hằng ngày như: Chủ đề về nghệ thuật dân gian, chủ đề về nghi lễ và lễ hội, chủ đề về Hồi giáo và lịch sử Indonesia, chủ đề về sử thi, 1 Bali: một tỉnh của đất nước Indonesia. 2 Đạo Hindu: hay còn gọi là Ấn Độ giáo, Ấn giáo. Hindu giáo là tên chỉ những nhánh tôn giáo chính có tương quan với nhau và hiện còn tồn tại ở Ấn Độ. 3 Java: một hòn đảo của Indonesia, phía nam giáp Ấn Độ Dương. 4 Cirebon: một thành phố cảng trên bờ biển phía bắc của đảo Java của Indonesia. 5 Batik: một loại vải truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn trên phương pháp thủ công truyền thống.
  6. 26 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI chủ đề huyền thoại, Màu sắc trong các bức tranh kính thủ công ở Indonesia tươi sáng, nội dung bức tranh phản ánh sinh động lịch sử, văn hóa và xã hội Indonesia. Những câu chuyện được thể hiện trong tranh kính Indonesia cho thấy có một số nét tương đồng với văn hóa Việt Nam: đề tài truyện cổ tích, ca ngợi các nhân vật và anh hùng lịch sử. Bên cạnh đó, tranh kính Indonesia cũng sử dụng thủ pháp vẽ ngược. Để tạo nên một tác phẩm tranh kính, người nghệ nhân phải vẽ ngược với quy trình thông thường, nét vẽ đầu tiên chính là nét cuối cùng của tác phẩm. Sau khi vẽ xong, nghệ nhân lật ngược lại bức tranh và trở thành một bức tranh hoàn chỉnh. Như vậy, có thể thấy được có sự tương đồng giữa nghệ thuật tranh kính thủ công ở Indonesia và nghệ thuật tranh kính thủ công ở Việt Nam, ở Trung Quốc, và Ấn Độ. 2.4. Tranh kính thủ công Ấn Độ Tranh kính thủ công Ấn Độ là một trong nhiều thể loại hấp dẫn nhưng không được biết đến rộng rãi ở Ấn Độ. Tranh kính Ấn Độ phát triển thịnh hành vào khoảng thời gian giữa thế kỷ 19. Nguồn gốc của kỹ thuật tranh kính thủ công Ấn Độ được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó bắt nguồn từ Ý, từ đó lan rộng khắp châu Âu vào thế kỷ 16. Thể loại tranh kính thủ công được du nhập vào Trung Quốc bởi các nhà truyền giáo thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Vào nửa sau của thế kỷ 18, kỹ thuật này đã được đưa đến Ấn Độ bằng con đường thương mại với Trung Quốc, sau đó đã phát triển mạnh mẽ ở bờ biển phía tây của Ấn Độ. Không lâu sau đó các nghệ nhân, họa sĩ Ấn Độ học được kỹ thuật và bắt đầu sản xuất những bức tranh kính ngược phản ánh truyền thống Ấn Độ. Đã có sự pha trộn giữa các yếu tố Ấn Độ và nước ngoài - Trung Quốc hoặc phương Tây - là một đặc điểm nổi bật của tranh kính Ấn Độ, nó phản ánh tính thẩm mỹ và khát vọng của con người thời kỳ đó. Các yếu tố được lấy từ kiến trúc thuộc địa, trang trí nội thất và thời trang được sử dụng nhiều trong các bức tranh của họa sĩ, nghệ sĩ, và phản ánh trong cách họ mô tả các vị thần và các chủ đề thần thoại. Đa phần tranh kính thủ công Ấn Độ tái hiện các cảnh và nhân vật trong thần thoại Ấn Độ, bên cạnh đó, các chủ đề hiện thực như chân dung của các vị vua, quý tộc, cung đình, cũng thường được miêu tả trong tranh kính thủ công. Các bức tranh kính được đặc trưng bởi phong cách táo bạo, màu sắc phong phú và chủ thể được miêu tả trong sự sang trọng. Giữa thế kỷ 19, trung tâm thịnh hành tranh kính thủ công Ấn Độ được cho là ở miền nam và miền tây Ấn Độ. Phần lớn các bức tranh kính thủ công ở miền nam Ấn Độ miêu tả chủ đề phổ biến là các vị thần uy nghi với màu sắc rực rỡ, các chi tiết và lá kim loại làm tăng thêm sự phong phú của các tác phẩm nghệ thuật. Những bức tranh kính thủ công này bị ảnh hưởng nặng nề bởi phong cách vẽ tranh được thực hành vào thế kỷ 19 ở các trung tâm lớn thuộc miền nam Ấn Độ. Các bức tranh mô tả các nhân vật và cảnh tôn giáo, và được trang trí bằng đá hoặc kim loại lấp lánh. Những bức tranh kính từ các trung tâm phía tây Ấn Độ thường được thực hiện bởi các họa sĩ Trung Quốc định cư ở Ấn Độ. Các đề tài như chân dung, phong cảnh và tĩnh vật là những chủ đề phổ biến, với sự pha trộn hấp dẫn giữa các yếu tố Ấn Độ và Trung Quốc. Hầu hết tác phẩm đều có bố cục đơn giản và hình nền giữ ở mức tối thiểu. Tranh kính thủ công Ấn Độ được hình thành qua các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đó
  7. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 49/2021 27 bắt đầu với việc người nghệ sĩ đặt một tấm kính trong suốt lên bản vẽ phác thảo. Sau đó, họ vẽ lại những đường nét và chi tiết viền xung quanh theo bản vẽ phác thảo, tiếp theo họ tô màu hoặc cho các lá kim loại, giấy màu hoặc vàng vào các chi tiết trong tranh. Các nghệ nhân phải có một trí nhớ tốt vì họ phải vẽ thứ tự ngược các thành phần khác nhau của bức tranh. Kỹ thuật này rất tốn công sức và nếu không khéo léo bảo vệ kính thì có thể dẫn đến việc vỡ kính và làm mất nhiều tác phẩm. Các nghệ nhân tạo ra những bức tranh kính ngược đa phần là những người thợ thủ công, hành nghề theo kiểu cha truyền con nối. Nghệ thuật tranh kính thủ công của Ấn Độ bị lãng quên trong nhiều năm về sau, hiện nay loại hình tranh này cũng đã nhận được một số sự quan tâm, chú ý của xã hội. Những bức tranh kính thủ công nguyên bản trở thành đồ sưu tầm được đánh giá cao bởi những nhà sưu tập nghệ thuật của Ấn Độ ngày nay. 2.5. Nhận định mối tương quan giữa tranh kính thủ công ở Việt Nam và tranh kính thủ công của những nước trên Sự tương đồng về kỹ thuật thể hiện tranh kính Có thể thấy rằng, về góc độ kỹ thuật thì tranh kính thủ công của Trung Quốc, của Indonesia, của Ấn Độ có sự tương đồng nghề tranh kính thủ công ở Việt Nam. Sự tương đồng này về nhiều yếu tố như: cách vẽ tranh cũng giống nhau, đều vẽ thủ công ngược từ mặt sau của tấm kính, sau khi vẽ xong lật ngược lại để trở thành một tác phẩm tranh kính hoàn chỉnh. Các nghệ nhân vẽ tranh kính đều vẽ từ mặt sau của kính theo lối vẽ ngược so với cách vẽ tranh thông thường. Ở tranh vẽ thông thường, chi tiết ở sau thì vẽ trước, chi tiết ở gần thì vẽ sau, chi tiết ở trước chồng lên chi tiết ở sau. Còn ở tranh kính thủ công thì vẽ theo lối ngược lại, còn gọi là lối vẽ phản họa. Tức chi tiết ở trước thì vẽ trước, chi tiết ở sau thì vẽ sau, khi vẽ xong, lật ngược lại mặt không có nét vẽ trở thành mặt trước của tranh. Kỹ thuật vẽ ngược như vậy không phải nghệ nhân, người thợ nào cũng vẽ được, nó đòi hỏi kỹ thuật vẽ, trình độ vẽ tốt mới có thể vẽ được. Chất liệu thường được các nghệ nhân sử dụng nhiều nhất khi vẽ tranh kính là chất liệu sơn. Trong quá trình vẽ, các màu khác nhau của sơn được người nghệ nhân chế tạo theo những cách thủ công. Chất liệu vẽ là sơn, cho nên khi vẽ, nếu nghệ nhân không có kỹ thuật cao, sẽ dẫn đến nước sơn có thể bị khô, nhiều tác phẩm có hiện tượng bong sơn, càng để lâu càng bị hỏng. Qua các tác phẩm đã được nghiên cứu và phân tích, tác giả cho rằng, tranh kính thủ công ở Trung Quốc ra đời sớm nhất, kỹ thuật vẽ tranh của các nghệ nhân Trung Quốc có độ tinh xảo, tỷ mỉ, trau truốt hơn so với kỹ thuật vẽ tranh của các nghệ nhân Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Các tác phẩm tranh kính thủ công của Trung Quốc có độ mềm mại, chi tiết hơn so với tranh kính của các nước còn lại. Sự tương đồng về chủ đề trong tranh Về chủ đề trong tranh của cả bốn nước có sự giống và khác nhau. Nhưng chủ đề có sự tương đồng là chủ đề về tranh thờ thần, Phật, về các điển tích có trong lịch sử. Đề tài về thần, Phật được thể hiện ở tranh kính thủ công cả bốn nước. Cả bốn nước đều theo đạo Phật, do đó, đề tài thần, Phật được thể hiện nhiều trên tranh kính ở mỗi nước. Ở tranh kính thủ công của Trung Quốc và Ấn Độ còn có đề tài tranh chân dung, thể hiện, khắc họa, mô tả các nhân
  8. 28 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI vật trong xã hội. Như tranh kính Trung Quốc có tranh chân dung về Vua, về hoàng hậu, về phụ nữ, thiếu nữ thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội Trung Quốc. Còn ở Ấn Độ, cũng có dòng tranh kính về đề tài chân dung các vị vua, hoàng hậu của Ấn Độ. Các tác phẩm tranh chân dung này có độ tỉ mỉ, chi tiết và được trau chuốt kỹ lưỡng về kỹ thuật thể hiện. Sự khác biệt về chủ đề trong tranh Ở tranh kính thủ công của Trung Quốc, có nhiều đề tài được thể hiện như: Đề tài tranh khung cảnh sinh hoạt, giải trí của tầng lớp thượng lưu. Tranh mô tả cuộc sống của họ trong cung đình, trong phủ của gia đình. Đề tài về thiên nhiên, về chim muông hoa lá. Các đề tài này được nghệ nhân thể hiện cầu kỳ, sinh động. Ở tranh kính Indonesia, đề tài về cảnh sinh hoạt hàng ngày của những người dân trong xã hội. Các tác phẩm mô tả theo các cảnh sinh hoạt hàng ngày của những dân thường, những cảnh như làm ruộng, múc nước, Đây đều là những khung cảnh gần gũi, thường nhật với tầng lớp nhân dân của Indonesia. Ở tranh kính thủ công Việt Nam có dòng tranh thờ gia tiên, đây có lẽ là dòng tranh khác biệt nhất so với tranh kính thủ công ở Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Dòng tranh thờ gia tiên ở Việt Nam được ra đời để thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình, nó mang ngụ ý đời đời nhớ ơn tiên tổ, người dân Việt Nam đã thể hiện nếp nghĩ luôn hướng nguồn cội của mình. Tranh kính thờ cúng tổ tiên trong những gia đình thờ tổ tiên thuần túy ở Việt Nam thường gồm: Một khuôn lớn nằm ngang - bộ chữ đại tự; Một khuôn lớn ở giữa - bức tranh chính giữa; Hai khuôn nằm ngang đầu trên và đầu dưới (tùy không gian và ngụ ý của từng gia đình hai khuôn này có thể có hoặc không); Hai khuôn liễn đứng hai bên - là hai câu đối. Bộ chữ đại tự được đặt ở vị trí nằm ngang ở phía trên bàn thờ tổ tiên, bộ chữ đại tự thường có ba, đôi khi là bốn chữ được viết bằng chữ Hán, có ý nghĩa nói lên công đức của tổ tiên để lại là ánh sáng soi đường cho con cháu noi theo. Có thể nói, dòng tranh kính thờ cúng tổ tiên là dòng tranh kính khác biệt và chỉ có ở Việt Nam, được người dân Việt Nam sử dụng. 3. KẾT LUẬN Qua sự giới thiệu và phân tích khái quát nghề vẽ tranh kính thủ công của các nước trên, tác giả nhận định: Về chủ đề tranh, ở mỗi nước, chủ đề tranh kính có sự đa dạng, phong phú riêng, đáp ứng nhu cầu của đời sống, tập tục văn hóa của người dân mỗi đất nước. Về kỹ thuật thể hiện, nếu so về độ trau chuốt, nét vẽ tỷ mỉ, thì tranh kính thủ công ở Việt Nam, ở Indonexia, ở Ấn Độ có phần yếu hơn so với kỹ thuật vẽ tranh kính của Trung Quốc. Tranh kính thủ công ở Việt Nam một số tác phẩm còn thể hiện sự thô sơ, nét vẽ của các nghệ nhân, họa sĩ còn chưa trau chuốt, tỉ mỉ. Màu sắc, nước sơn ở tranh Trung Quốc có độ tương sáng, nhẹ nhàng, thanh nhã hơn so với dòng tranh kính thủ công của Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Có thề nói nghề thủ công là một trong nhiều yếu tố cấu thành lên kho tàng văn hóa nghệ thuật của mỗi một dân tộc, mỗi một đất nước. Qua quá trình phát triển theo chiều dài lịch sử, qua sự tiếp biến về văn hóa nghệ thuật, nghề vẽ tranh kính thủ công này ở mỗi nước có sự khác biệt để phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của mỗi đất nước. Dòng lịch sử theo sự tiếp biến đã đem đến sự phát triển cho nghề vẽ tranh kính thủ công ở mỗi đất nước, có thời nuôi sống người dân làm nghề, sau này trở thành đối tượng có đóng góp vào những giá trị văn hóa nghệ thuật của các dân tộc./.
  9. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 49/2021 29 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Huỳnh Thanh Bình (2011), “Hình tượng chư Phật trong nghệ thuật tranh kiếng Nam Bộ”, Giác ngộ Online, tr. 5 – 7. 2. Huỳnh Thanh Bình (2011), “Tranh thờ ông Táo”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số tháng 735, Xuân Tân Mão, tr. 113 - 115. 3. Huỳnh Thanh Bình (2012), “Hình tượng Quan Âm trong tranh kiếng”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số tháng 775, tháng 02, tr. 44 - 46, 132 - 133. 4. Huỳnh Thanh Bình (2012), “Người phụ nữ Khmer vẽ tranh Phật”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số tháng 782, tháng 5, tr. 12 - 15. 5. Huỳnh Thanh Bình (2013), Tranh kiếng Nam Bộ (tranh nghệ thuật), Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Chu Mạnh Cường (2017), “Đặc sắc tranh kính”, Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh, số 3 (57), tr. 12 - 14. 7. Mỹ Linh (1992), “Nghề vẽ tranh trên kính ở một vùng cù lao”, Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật, số 5 (107), tr. 47 - 48. 8. Nguyễn Thị Bích Liễu (2018), “Nghệ thuật tranh kiếng thờ và sự hiếu kính của người dân Nam Bộ”, Triết lý nhân sinh của người dân Nam Bộ, Việt Nam - Phần 2, Văn hóa tổ chức đời sống, Nxb. Đại học Cần Thơ. 9. Vĩnh Thông (2018), “Tục thờ cúng ông bà vùng châu thổ phương Nam”, Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, số 197, tháng 11, tr. 49 - 50. 10. Trương Ngọc Tường (2002), Nghề vẽ tranh kiếng tại Nam Bộ/trong Xóm nghề & nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, tr. 26 – 39, Nxb. Trẻ. IN A RELATIONSHIP WITH GLASS PAINTING CRAFT OF SOME COUNTRIES IN THE AREA Abstract: Craftsmanship is one of many factors that make up the cultural and artistic treasures of each nation, each country. There are crafts that have had trade and cultural exchanges, to present in different countries in the same region. But in each country, with differences in culture, lifestyle, customs and habits, making that craft is also different. Although in the same Asian region, in each country, handmade glass paintings have similarities and differences, and this difference has created a distinct feature for handmade glass paintings in each country. Within the scope of the article, with comparative research methods, on the basis of synthesis and analysis of research objects, the article briefly introduces the craft of manual glass painting in some Asian countries, thereby makes some comparisons of handmade glass paintings in Vietnam with the craft of glass paintings of other countries in the region. Keywords: Craft glass paintings, Asian countries, correlation.