Vai trò của tài chính toàn diện trong việc giảm đói nghèo và giảm chênh lệch thu nhập

pdf 8 trang Gia Huy 2550
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của tài chính toàn diện trong việc giảm đói nghèo và giảm chênh lệch thu nhập", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvai_tro_cua_tai_chinh_toan_dien_trong_viec_giam_doi_ngheo_va.pdf

Nội dung text: Vai trò của tài chính toàn diện trong việc giảm đói nghèo và giảm chênh lệch thu nhập

  1. VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TRONG VIỆC GIẢM ĐÓI NGHÈO VÀ GIẢM CHÊNH LỆCH THU NHẬP TS. Bùi Duy Hưng Học viện Ngân hàng Tóm tắt Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tài chính toàn diện có mối liên hệ chặt chẽ đến phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giảm chênh lệch thu nhập. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ đã giúp nhiều người thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, đến nay chưa có một phân tích định lượng về mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và đói nghèo ở Việt Nam. Bài viết này, phân tích cơ sở lý thuyết về tác động của tài chính toàn diện trong việc xóa đói giảm nghèo và giảm chênh lệch thu nhập. Bài viết cũng xem xét mối liên hệ giữa tài chính toàn diện ở một số nước trên thế giới và tại Việt Nam. 1. Giới thiệu Tài chính toàn diện là một khái niệm rộng. Theo Sarma (2008), tài chính toàn diện là sự dễ dàng tiếp cận và sử dụng hệ thống tài chính chính thức của các thành viên trong một nền kinh tế. Việc không tiếp cận hệ thống tài chính chính thức có thể là tự nguyện hoặc không tự nguyện. Ngân hàng Thế giới (2014) định nghĩa việc tự nguyện không tiếp cận khu vực tài chính chính thức là tình trạng trong đó một bộ phận dân cư hoặc các công ty không lựa chọn sử dụng dịch vụ tài chính chính thức vì họ không có nhu cầu hoặc vì lý do văn hóa hoặc tôn giáo. Ngược lại, không tự nguyện được định nghĩa là không thể tiếp cận khu vực tài chính chính thức do thu nhập không đủ, hồ sơ rủi ro cao hoặc từ sự phân biệt đối xử,sự thất bại thị trường và thị trường không hoàn hảo. Các nghiên cứu cần tập trung vào các trường hợp không tự nguyện để đưa ra các giải pháp và gợi ý chính sách giúp nâng cao tỷ lệ tiếp cận với khu vực tài chính chính thức. Mặc dù tài chính toàn diện ngày càng được quan tâm nhiều hơn trong các chương trình phát triển kinh tế, là chủ đề được thảo luận nhiều trong các cuộc hội thảo về phát triển bền vững. Hầu hết các nghiên cứu về tài chính toàn diện đều tập trung vào vấn đề đo lường và phát triển tài chính toàn diện. Cũng có một số nghiên cứu đánh giá tác động của tài chính toàn diện đến giảm đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập. Ngoài ra một số nghiên cứu đã đánh giá mức độ phát triển tài chính toàn diện ở các quốc gia phát triển cũng như ở các quốc gia đang phát triển. Đây thực sự là những nghiên cứu đặt nền móng cơ bản trong lĩnh vực này và đã nêu lên được tầm quan trọng của việc phát triển tài chính trong diện trong vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, còn nhiều khía cạnh của tài chính toàn diện chưa được nghiên cứu đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, nơi hệ thống tài chính chưa phát triển và còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về tài chính toàn diện trong những năm gần đây tập trung vào các giải pháp, chính sách để thúc đẩy tài chính toàn diện, chưa có nhiều nghiên cứu về đánh giá vai trò, hiệu quả của tài chính toàn diện trong nền kinh tế, đặc biệt vai trò của tài chính toàn diện đối với sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch thu nhập. Bài viết này, đánh giá vai trò của tài chính toàn diện đối với vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập ở một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á từ đó rút ra một số bài học về vấn đề này ở Việt Nam. Bài viết được chia thành các phần sau: Phần 1 giới thiệu, Phần 2 khái quát về vấn đề tài chính toàn diện, Phần 3 trình bày về tác động của tài chính toàn diện, Phần 4 đánh giá vấn đề tài chính toàn diện ở Việt Nam và tác động của nó đến xóa đói giảm nghèo. Phần 5 sẽ là kết luận. 290
  2. 2. Khái quát về tài chính toàn diện 2.1. Khái niệm tài chính toàn diện Tài chính toàn diện nhằm mục tiêu giúp tất cả các thành phần trong nền kinh tế tiếp cận với khu vực tài chính chính thức từ đó họ có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính từ tiết kiệm, thanh toán, và chuyển tiền đến tín dụng và bảo hiểm. Tài chính toàn diện không có nghĩa là mọi người sẽ lạm dụng nguồn cung hay người cung cấp bỏ qua những rủi ro và các chi phí khác khi quyết định cung cấp các dịch vụ tài chính. Các vấn đề rủi ro và sự không sẵn sàng có thể ngăn cản một hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ sử dụng một hoặc nhiều dịch vụ tài chính. Vần đề này thì không cần thiết phải có các chính sách can thiệp. Các chính sách nên được thiết lập để chỉnh sửa những thất bại của thị trường và loại bỏ các rào cản chủ quan để mọi thành phần trong nền kinh tế có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Trong hơn hai thập kỷ qua của các tổ chức tài chính vi mô, các hiệp hội tín dụng và các tổ chức tiết kiệm đã có nhiều cố gắng để phát triển tài chính toàn diện nhưng phần lớn người nghèo trên thế giới không tiếp cận được với các trung gian tài chính chính thức. Theo Nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo (CGAP) tổng số tài khoản tiết kiệm trên toàn thế giới vượt quá dân số thế giới và một nửa dân số trưởng thành, 2,5 tỷ người, không có tài khoản ngân hàng, mà trên thực tế đã sử dụng dịch vụ tài chính khác. Các nghiên cứu về sự đóng góp của tài chính đối với phát triển kinh tế và giảm đói nghèo đều cho rằng tài chính toàn diện là một mục tiêu chính sách. Nó phản ánh sự tiến bộ của các chính sách ở khu vực tài chính ở các nước đang phát triển trong những thập kỷ vừa qua và thể hiện những đóng góp quan trọng tích cực mà các dịch vụ tài chính mang đến cho người nghèo. Các chính sách đối với khu vực tài chính đã phát triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đó là các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp thuộc khu vực nhà nước và phát triển nông nghiệp thông qua chính sách tín dụng trực tiếp. Giai đoạn thứ 2 đó là các chính sách tự do hóa và gỡ bỏ các quy định về tài chính để phát triển tài chính dựa trên thị trường tự do. Giai đoạn thứ 3 là các chính sách phát triển thể chế để cân bằng các thất bại của thị trường và Chính phủ. Trước những năm 1980, nhiều quốc gia phát triển cung cấp vốn cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời cũng ban hành những quy định về mục đích sử dụng những khoản vốn này. Những chương trình tín dụng trực tiếp này được thực hiện dựa trên vấn đề là những người nghèo ở khu vực nông thôn không thể tiết kiệm hay không thể trả lãi theo mức lãi suất thị trường và do đó họ cần được hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất thấp. Vì vậy, các ngân hàng phát triển cho vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Để cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, lãi suất tiền gửi thường bị áp đặt mức lãi suất huy động trần. Những quy định về tài chính như thế này kìm hãm sự phát triển của hệ thống tài chính và các tổ chức tài chính cũng có ít khả năng để phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả. Những chương trình này không những không bền vững mà còn không cải thiện được dịch vụ tài chính đối với người nghèo, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Đến cuối những năm 1980, cách tiếp cận mới được phát triển tập trung vào hoạt động của các tổ chức tài chính trong việc cung cấp dịch vụ tài chính đến những người không tiếp cận được hoặc khó khăn trong việc tiếp cận tài chính. Những thay đổi ở cách tiếp cận này là đáng kể: Cách tiếp cận này đã chuyển đối tượng nghiên cứu từ các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình sang các tổ chức tài chính và khả năng của các tổ chức tài chính trong việc cung cấp dịch vụ tài chính ổn định và rộng rãi. Kinh nghiệm ban đầu từ Indonesia, Bangladesh, Bolivia, và một số quốc gia khác cho thấy tài chính vi mô và tài chính nông thôn được xem như “ngân hàng cho người nghèo” và có khả năng tăng khả năng tiếp cận tài chính bền vững. Điều này là do người nghèo có thể tạo ra thặng dư kinh tế mà cho phép họ trả những khoản vay và tiết kiệm. Thuật ngữ tài chính vi mô được sử dụng thay thế cho thuật ngữ tín dụng vi mô và đề cập đến nhiều sản phẩm tài chính như các khoản vay, tiền gửi, bảo hiểm, thanh toán và kiều hối do các tổ chức tài chính khác nhau cung cấp. 291
  3. Những năm vừa qua, tài chính vi mô đã trải qua quá trình chuyển đổi nhanh chóng, sự liên kết với hệ thống tài chính chính thức được mở rộng. Ngày càng nhiều bằng chứng thực nghiệm cũng như lý thuyết cho thấy rằng hệ thống tài chính mà phục vụ người nghèo sẽ thúc đẩy tăng trưởng phục vụ người nghèo. Không tiếp cận được tài chính sẽ tác động đến tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, người nghèo sẽ khó khăn hơn trong vấn đề tiết kiệm hay thực hiện các công việc mang lại thu nhập. Do đó, vấn đề phát triển khu vực tài chính đã tập trung vào các yếu tố quyết định không chỉ chiều sâu mà còn cả chiều rộng của việc tiếp cận, trong một động thái hướng đến tài chính toàn diện. Sự quan tâm ngày càng tăng đến vấn đề xóa đói giảm nghèo của khu vực tài chính, các mục tiêu của chính sách ngày càng mở rộng về vấn đề chất lượng tiếp cận, đến phạm vi rộng hơn các dịch vụ tài chính. Xu hướng này được hỗ trợ bởi sự phát triển và lan tỏa nhanh chóng của công nghệ thông tin, lĩnh vực đã giúp nhanh chóng giảm chi phí kết nối giữa khách hàng và các tổ chức tài chính chính thức thông qua hệ thống thanh toán, và lan tỏa đến nhiều dịch vụ khác nữa. Trong bối cảnh đó, các dịch vụ tài chính không thuộc lĩnh vực ngân hàng đã trở thành lĩnh vực quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và các học giả, những người ngày càng nhấn mạnh tài chính toàn diện như là một mục tiêu chính sách. Quan điểm về xây dựng hệ thống tài chính toàn diện không chỉ vì mục tiêu giúp người nghèo và những người bị từ chối nhiều nhất có thể tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức mà còn giao cho các tổ chức tài chính chính thức vai trò tiếp cận với những người không có khả năng. Theo quan điểm này, tài chính vi mô ngày nay được coi như phần không thể thiếu của hệ thống tài chính toàn diện. Do đó, tài chính toàn diện đã trở thành một mục tiêu chính sách bổ sung cho trụ cột truyền thống của chính sách tiền tệ và ổn định tài chính cũng như các mục tiêu pháp lý khác như bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích tiếp cận hệ thống tài chính phải đảm bảo mục tiêu ổn định tài chính, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế. Từ những vấn đề trên, đã có khá nhiều định nghĩa về tài chính toàn diện được đưa ra trong các nghiên cứu khác nhau. Một cách tổng quát nhất tài chính toàn diện là khà năng tiếp cận dễ dàng đến các dịch vụ tài chính chính thức sẵn có và đa dạng bao gồm tiền gửi, tín dụng, bảo hiểm, thanh toán và các dịch vụ khác của các tầng lớp dân cư và doanh nghiệp ((Demirguc-Kunt; Gourène & Mendy, 2017; Kim, Yu, & Hassan, 2018; Sarma, 2015). 2.2. Đo lường tài chính toàn diện Một vấn đề quan trọng khi nghiên cứu về tài chính toàn diện đó là đo lường tài chính toàn diện như thế nào. Định nghĩa về tài chính toàn diện khá thống nhất, nhưng làm thế nào để đo lường nó lại không có một tiêu chuẩn cụ thể nào. Có nhiều nghiên cứu đưa ra các phương pháp khác nhau để đo lường tài chính toàn diện. Một số nghiên cứu đo lường tài chính toàn diện đơn giản bằng tính toán tỷ lệ người trưởng thành/hộ gia đình (của một nền kinh tế) có một tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, cách đo lường này bỏ qua một số đặc điểm quan trọng của tài chính toàn diện đó là chất lượng và việc sử dụng các dịch vụ tài chính. Honohan (2008) xây dựng một chỉ số gia nhập hệ thống tài chính nhằm đo lường tỷ lệ người dân trưởng thành trong một nền kinh tế sử dụng các trung gian tài chính chính thức. Tuy nhiên, phương pháp của Honohan đo lường tài chính toàn diện mang tính thời điểm mà không tính đến sự thay đổi theo thời gian. Các nghiên cứu của Diniz et al. 2011, Kempson et al. 2004 cho thấy nếu chỉ đơn thuần dựa vào số lượng tài khoản ngân hàng của người trưởng thành chưa thể hiện được quy mô của tài chính toàn diện nếu người có tài khoản ngân hàng nhưng không sử dụng nó do một số vấn đề như ở xa ngân hàng, chi phí giao dịch, các rào cản về tâm lý và một số vấn đề khác. Việc đo lường tài chính toàn diện thông qua số lượng tài khoản ngân hàng mới chỉ thể hiện được một khía cạnh của tài chính toàn diện đó là vấn đề tiếp và bỏ qua những khía cạnh quan trọng khác như tính sẵn có, khả năng, chất lượng và việc sử dụng dịch vụ tài chính. 292
  4. Cách tiếp cận khác được các nhà làm chính sách sử dụng đó là sử dụng các chỉ số khác nhau để thể hiện các khía cạnh khác nhau của tài chính toàn diện như vấn đề tiếp cận, tính sẵn có và sử dụng hệ thống ngân hàng. Một số chỉ số đó là số lượng tài khoản ngân hàng (trên 1.000 người lớn), số chi nhánh ngân hàng và số máy ATM (trên 1 triệu người dân), tỷ lệ tín dụng và tiền gửi so với GDP. Liên minh tài chính toàn diện (AFI), một mạng lưới toàn cầu của các nhà điều hành khu vực tài chính gần đây đã phát triển một bộ các chỉ số tài chính toàn diện (AFI 2011). Tuy nhiên, nếu những chỉ số này khi sử dụng riêng lẻ, chúng có thể cung cấp thông tin không hoàn chỉnh về tài chính toàn diện trong nền kinh tế. Amidžić, Massara, and Mialou (2014) xây dựng một chỉ số tài chính toàn diện như là chỉ số tổng hợp các yếu tố liên quan đến các khía cạnh của tài chính toàn diện như tiếp cận (địa lý và nhân khẩu), sử dụng (tín dụng và gửi tiền), và chất lượng (giải quyết tranh chấp và chi phí sử dụng). Mỗi cách tính được chuẩn hóa, tính toán cho mỗi khía cạnh và sau đó tổng hợp có sử dụng trọng số. Nhược điểm của phương pháp này là nó sử dụng phương pháp phân tích các nhân tố để xác định biến nào sẽ đại diện cho mỗi khía cạnh của tài chính toàn diện được đưa tính toán. Do đó, nó không sử dụng đầy đủ các dữ liệu có sẵn của mỗi quốc gia. Hơn nữa, nó chỉ định các trọng số khác nhau cho mỗi khía cạnh, điều này có nghĩa coi trong khía cạnh này hơn kía cạnh khác. Để khắc phục nhược điểm của các cách tiếp cận trên về vấn đề đo lường tài chính toàn diện, Sama (2015) đã đề xuất một phương pháp đo lường tài chính toàn diện bằng cách tính một chỉ số duy nhất bao gồm tất cả các khía cạnh của tài chính toàn diện. Theo đó, chỉ số tài chính toàn diện (FII) được tính dựa trên 3 khía cạnh chính1. Ở khía cạnh thứ nhất đó là vấn đề gia nhập dịch vụ ngân hàng, ở khía cạnh này tài chính toàn diện được đo lường bằng số tài khoản ngân hàng trên 1000 người trưởng thành. Khía cạnh thứ 2 đó là tính lợi ích (tính sẵn có), ở khía cạnh này tài chính toàn diện được đo lường bằng số chi nhánh ngân hàng và số máy ATM trên 100.000 người trưởng thành. Khía cạnh thứ 3 đó là vấn đề sử dụng dịch vụ tài chính, ở khía cạnh này tín dụng và tiền gửi được sử dụng để đo lường tài chính toàn diện. Từ các khía cạnh này phương pháp PCA được sử dụng để tính ra một chỉ số thể hiện sự phát triển của tài chính toàn diện. Chỉ số này càng cao thì tài chính toàn diện càng phát triển và ngược lại. Cách đo lường tài chính toàn diện theo phương pháp của Sama được đánh giá là dễ tính toán và coi các khía cạnh của tài chính toàn diện là quan trọng như nhau. Do đó, nhiều nghiên cứu sau này sử dụng phương pháp của Sama để đo lường tài chính toàn diện (Park & Mercado, 2015; Williams, J Adegoke, & Dare, 2017). 3. Mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và đói nghèo Nhiều nghiên cứu được thực hiện có kết quả cho thấy có tác động của tài chính toàn diện lên tăng trưởng chung và lên phúc lợi của từng cá nhân. Kết quả nghiên cứu của Park and Mercado (2015) tại 37 quốc gia đang phát triển ở Châu Á cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa tài chính toàn diện và đói nghèo. Theo đó, nếu các nhà hoạch định chính sách có giải pháp để gia tăng việc tiếp cận đến dịch vụ tài chính thì tỷ lệ đói nghèo sẽ được giảm. Nghiên cứu này cũng cho thấy mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và giảm bất bình đẳng thu nhập. Trước đây, các nghiên cứu tập trung nhiều đến khía cạnh vĩ mô của sự phát triển hệ thống tài chính, tuy nhiên những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu về tác động ở tầm vi mô của tài chính toàn diện. 3.1. Những tác động vĩ mô Các tổ chức tài chính đóng góp vào sự phát triển bằng việc giảm thiểu vấn đề thông tin bất đối xứng, vấn đề gây cản trở sự hiệu quả của các trung gian trong việc điều tiết vốn giữa người tiết kiệm và người vay vốn. Có nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ qua lại giữa phát triển tài chính và tăng trưởng. Giải thích hợp lý nhất cho vấn đề này là quan điểm cho rằng khi tài chính 1 Các khía cạnh của hệ thống tài chính được lựa chọn phụ thuộc vào sự sẵn có của số liệu, tùy mỗi quốc gia số liệu về hệ thống tài chính là khác nhau nên các khía cạnh của hệ thống tài chính cũng khác nhau 293
  5. được phân phối đến khách hàng mới sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và có thể loại bỏ những cái cũ. Do đó, việc các doanh nghiệp mới được tiếp cận với tài chính là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa tài chính và tăng trưởng. Gần đây, các nghiên cứu đã tập trung vào nghiên cứu mối liên hệ giữa tài chính với bất bình đẳng thu nhập. Beck, Demirguc-Kunt, Laeven, and Levine (2008) đã phát hiện ra mối liên hệ giữa phát triển tài chính, giảm chêch lệch thu nhập và xóa đói giảm nghèo: sử dụng kết hợp các dịch vụ tài chính, nghĩa là, hệ thống tài chính sâu hơn thường làm giảm hệ số Gini, là một thước đo sự bất bình đẳng. Cũng có bằng chứng ở tầm vĩ mô cho thấy, hệ thống tài chính rộng hơn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giné and Townsend (2003) sử dụng mô hình cân bằng tổng thể để phân tích nền kinh tế Thái Lan đã cho thấy sự gia tăng tiếp cận khu vực tài chính đã làm tăng đáng kể tăng trưởng của Thái Lan. Ngược lại, Banerjee, Duflo, Glennerster, and Kinnan (2015) nhấn mạnh những tổn thất về hiệu quả và năng suất đi kèm với vấn đề ưu đãi khi tiếp cận với tài chính của người giầu và đề xuất tác dụng vòng đầu lên đầu tư và tăng trưởng. Burgess and Pande (2005) tìm thấy tác động tích cực của tài chính lên đói nghèo ở nông thôn, sử dụng “thí nghiệm tự nhiên”của những quy định mở chi nhánh mới ở Ấn Độ đã khuyến khích các ngân hàng mở rộng đến những khu vực chưa được cung cấp. Tuy nhiên, chi phí cao của chính sách mở rộng đã lấn át lợi ích chung. Kết quả này đưa ra gợi ý về lợi ích to lớn của công nghệ đối với vấn đề làm giảm chi phí mở rộng chi nhánh. Honohan and Beck (2007) đã phân tích chỉ số gia nhập tài chính và bất bình đẳng thu nhập, kết quả cho thấy mức độ tiếp cận tài chính cao làm giảm chênh lệch thu nhập thông qua hệ số Gini. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và giảm chêch lệch thu nhập phụ thuộc vào biến được sử dụng trong mô hình. Nếu biến độ sâu tài chính hay biến tiếp cận tài chính được đưa vào mô hình thì mối quan hệ rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu biến thu nhập hoặc biến giả được sử dụng thì kết quả lại không còn ý nghĩa. 3.2. Những tác động vi mô Mãi cho đến gần đây, sự ủng hộ tài chính toàn diện từ cấp độ vi mô chỉ dựa trên sự hài lòng, những kết quả rời rạc và số liệu mà không có kiểm chứng, ví dụ như tuyên bố 65% khách hàng của ngân hàng Grameen thoát khỏi chuẩn nghèo. Xây dựng một một quan hệ từ việc sử dụng các dịch vụ tài chính và cải thiện mức sống là một thách thức về phương pháp luận và rất tốn kém. Nó đòi hỏi loại bỏ những tác động của vấn đề chọn mẫu và những sai số trong mẫu cũng như những tác động không thể quan sát được trong phân tích. Phương pháp lựa chọn là thực nghiệm thực tế bằng việc phân chia một cách ngẫu nhiên một mẫu của tổng thể thành một một nhóm nghiên cứu và một nhóm đối chứng. Sau đó thực hiện phân tích thống kê để xác định những tác động khác nhau của sự can thiệp, ví dụ như sử dụng một dịch vụ tài chính nào đó. Những thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát này (RCT) là rất quan trọng để củng cố thêm kết luận tài chính toàn diện có tác động tích cực đến người nghèo. Tuy nhiên, RCT cũng có những nhược điểm: trong khi sự chặt chẽ về phương pháp tạo ra kết quả với độ tin cậy cao đối với mẫu nghiên cứu, thì việc khái quát hóa cho cả tổng thể là rất khó. Cho đến nay, một số RCT đã được thực hiện. Ở Kenya, một nhóm ngẫu nhiên những người nghèo được lựa chọn để cung cấp dịch vụ tiết kiệm. Kết quả cho thấy, tác động rất tích cực, đặc biệt đối với người nghèo là phụ nữ, những nhà cung cấp dịch vụ cho đối tượng khách hàng nữ cũng đạt chỉ tiêu cao hơn trong vòng 6 tháng mở tài khoản. Nghiên cứu này cũng cho thấy việc tiết kiệm không tác động đến hoạt động đầu tư và cũng không giúp người tiết kiệm vượt qua được các cú sốc, nhất là ốm đau. Nghiên cứu này cũng cho thấy tác động đối với phụ nữ cũng lớn hơn đối với đàn ông. Một nghiên cứu khác ở Ấn Độ trong 18 tháng cho thấy không có tác động có ý nghĩa lên giáo dục, sức khỏe hay vai trò của phụ nữ, nhưng tác động lên kết quả kinh doanh là có ý nghĩa, 294
  6. bao gồm cả việc tạo ra cơ hội kinh doanh mới và gia tăng lợi nhuận cho các dự án cũ. Trong khi tác động đến mức sống của phụ nữ là không rõ ràng (mặc dù đã có nhiều kết luận ngược lại), điều này cần xem xét lại khoảng thời gian nghiên cứu. Nghiên cứu gần đây ở Nam Phi nhấn mạnh lợi ích quản lý rủi ro của tài chính vi mô. Những người bị từ chối khi đi vay vốn do hồ sơ gần đủ điều kiện được lựa chọn một cách ngẫu nhiên để nhận một khoản vay, thì những người này có xu hướng bỏ việc thấp hơn những người không được nhận khoản vay từ chương trình nghiên cứu. Những người này cũng có thu nhập khá hơn và thoát khỏi đói nghèo. Nhìn chung, việc tiếp cận được với tín dụng xem ra cải thiện được mức sống. Nghiên cứu này cho thấy các khoản vay ngắn hạn là công cụ quản lý luồng tiền mặt quan trọng và chúng có tác dụng tích cực rất lớn đến mức sống của người dân nhất là ở khía cạnh việc làm và thu nhập. Nghiên cứu cũng cho thấy các khoản vay cấp cho những khách hàng sát chuẩn thực sự mang giúp ích rất lớn cho họ. Với những khó khăn trong việc rút ra kết luận tổng quát của phương pháp RCT, cần có công cụ mới để nghiên cứu kỹ hơn dịch vụ tài chính nào hữu ích nhất với hộ gia đình có thu nhập thấp và các daonh nghiệp siêu nhỏ, chúng tác động đến đo lường phúc lợi như thế nào, và những công cụ chính sách làm thế nào để có thể giúp giảm những ràng buộc không thể tránh cho việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. 4. Phát triển tài chính toàn diện và vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam 4.1. Thực trạng tài chính toàn diện ở Việt Nam Phát triển tài chính toàn diện được xem là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới. Việt Nam hiện là một trong 25 quốc gia được Ngân hàng Thế giới ưu tiên là một phần của chương trình UFA20202 do sự kết hợp của việc có dân số đông và tỷ lệ hòa nhập tài chính thấp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là đơn vị chủ trì xây dựng và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia (NFIS) và từ năm 2016, NHNN đã hợp tác cùng Ngân hàng Thế giới (WB) hướng tới xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện trên cơ sở một cách tiếp cận tổng thể. Mặc dù chiến lược này hiện vẫn đang còn trong quá trình xây dựng nhưng một số điểm chính đã được xác định rõ: chú trọng tài chính trên nền tảng công nghệ số bao gồm chuyển các chương trình thanh toán của Chính phủ sang sử dụng các dịch vụ và nền tảng công nghệ số; cung cấp dịch vụ tài chính tới các vùng nông thôn và dân tộc thiểu số còn lạc hậu và tỉ lệ nghèo còn cao hơn tỷ lệ nghèo bình quân cả nước; và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và phổ biến kiến thức tài chính giúp thế hệ người tiêu dùng mới được trang bị tốt hơn với dịch vụ tài chính hiện đại. Xây dựng và phát triển NFIS là chìa khóa để một quốc gia thực hiện thành công các cải cách, vì nó cung cấp một lộ trình để đạt được các mục tiêu tài chính toàn diện. Việc mở rộng các dịch vụ tài chính cho những người không tiếp cận hoặc không được tiếp cận các dịch vụ tài chính sẽ giúp các hộ gia đình đối phó tốt hơn với vấn đề tiêu dùng, tiết kiệm và thiếu tiền. Việc tiếp cận các dịch vụ tài chính nhiều hơn, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) sẽ có được nguồn đầu tư tiềm năng để nâng cao cạnh tranh, sản xuất và hội nhập vào các mạng lưới thương mại, kể cả ở cấp độ quốc tế. Theo Global Findex (chỉ số phát triển tài chính toàn diện) của WB năm 2014, chỉ 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản với nhà cung cấp tài chính chính thức, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực là 69%. Như ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ và người nghèo thậm chí còn ít tiếp cận với các dịch vụ chính thức, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nơi có hơn 60 triệu người Việt Nam (khoảng hai phần ba tổng dân số) sống làm nông nghiệp. Việc sử dụng ít dịch vụ tài chính một phần là do thiếu cơ sở hạ tầng ngân hàng ở khu vực nông thôn và 2 Là chương trình tiếp cận tài chính toàn cầu vào năm 2020 (Universal Financial Access by 2020) của Ngân hàng Thế giới 295
  7. biệt lập, thiếu giấy tờ tùy thân hợp pháp, thu nhập thấp. Ngoài ra, những hạn chế về kiến thức tài chính của người dân đã hạn chế việc quản lý rủi ro tiềm ẩn và các quyết định tài chính của họ. Các tổ chức như Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (VBARD), quỹ tính dụng nhân dân và hai tổ chức tài chính vi mô (MFI) được cấp phép là những nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu cho những người có thu nhập thấp. VBSP cho đến nay là nhà cung cấp lớn nhất với khoảng 7 triệu khách hàng (cả khách hàng gửi tiền và khách hàng vay tiền). Ngoài ra còn có một số MFI có giấy phép bán chính thức chuyên cung cấp dịch vụ tài chính cho phụ nữ và người nghèo. Các nhà cung cấp chính thức và bán chính thức này phục vụ tổng cộng khoảng 10 triệu người thu nhập thấp. Tuy nhiên, khu vực phi chính thức có lẽ là nhà cung cấp dịch vụ tài chính lớn nhất cho người thu nhập thấp trong nước. Những nhà cung cấp này bao gồm những người cho vay tiền, các tổ chức tiết kiệm và cho vay (ROSCA), hiệu cầm đồ, người thân và bạn bè. Dù tài chính toàn diện tại Việt Nam đã có sự phát triển nhất định (năm 2011 chỉ có 21% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng), nhưng còn nhiều khó khăn trong việc phát triển tài chính toàn diện trong đó chủ yếu nằm ở vấn đề nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế dựa nhiều vào tiền mặt. Bên cạnh đó, việc chưa có được một khung khổ pháp luật đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân cũng là thách thức đang phải đối diện. Một khó khăn nữa đó là việc cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu bao gồm số liệu từ các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính về mạng lưới giao dịch, hệ thống thanh toán, dịch vụ tín dụng, huy động vốn cũng như số liệu từ đối tượng dịch vụ tài chính hướng tới phục vụ cá nhân, DN, hộ gia đình được sử dụng để hiểu, đánh giá về nhận thức, nhu cầu, rào cản tiếp cận tài chính của người sử dụng dịch vụ. 4.2. Tài chính toàn diện với xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam Công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống 9,6% vào năm 2012 và năm 2013 là khoảng 7,6 - 7,8%, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7%, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng cao, tạo dựng tài sản, cải thiện sức khỏe, giáo dục, nâng cao vai trò, vị thế của người thu nhập thấp trong gia đình và xã hội. Thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ của tài chính toàn diện. Hiện nay chưa có nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và vấn đề xóa đói giảm nghèo được thực hiện ở Việt Nam, hầu hết các nghiên cứu là phân tích định tính. Sự phát triển tài chính toàn diện đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam thể hiện qua những khía cạnh sau: (i) Đa số người nghèo Việt Nam sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kiến thức. Việc tiếp cận được với các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt những khoản vay. Với người nghèo, việc có khoản vay vào đúng thời điểm, giúp họ khởi tạo sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chi tiêu và bảo vệ họ khỏi nghèo đói. Các dịch vụ đa dạng của tài chính toàn diện như: cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm không chỉ giúp người nghèo tạo dựng công việc, sản xuất kinh doanh mà còn giúp họ giảm thiểu rủi ro về kinh tế và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình. Nhờ tăng thu nhập, người nghèo có tích lũy tài sản, tiết kiệm và khả năng vay vốn, để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, thuê thêm nhân công, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; mua đất đai xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, vật nuôi. Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người nghèo thay vì phải chạy ăn từng bữa, tồn tại từ ngày này sang ngày khác, sẽ có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai. (ii) Các hoạt động của tài chính toàn diện cung cấp dịch vụ tài chính giúp người nghèo tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng các khoản thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp, có các khoản thu nhập khác từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, kinh doanh nhỏ. Đồng thời, góp phần giúp người nghèo tránh, giảm rủi ro về kinh tế và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình. 296
  8. (iii) Nhờ tăng thu nhập, người nghèo có tích lũy tài sản, tiết kiệm từ đó có nhiều điều kiện để quan tâm đến dinh dưỡng, cải thiện điều kiện sống, chủ động tìm kiếm và chi trả cho dịch vụ y tế thay vì đến các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ. Tăng thu nhập đồng nghĩa với việc hộ gia đình có thể chăm lo cho con của họ tiếp cận dịch vụ giáo dục với thời gian dài hơn và đầu tư nhiều hơn. (iv) Một số nghiên cứu đã chỉ ra dịch vụ tài chính cấp cho phụ nữ thường mang lại hiệu quả cao hơn khi cấp cho nam giới, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng tuyệt vời, chủ yếu của các sản phẩm tài chính. Bởi phụ nữ là những người tiết kiệm tích cực và có tỷ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn nam giới. Đồng thời, phần lớn trong các hộ gia đình nghèo, họ là trụ cột chính kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tuy nhiên, phụ nữ nghèo cũng chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương ngay tại gia đình mình. Tham gia các chương trình tài chính toàn diện phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức dẫn tới nhiều lựa chọn hơn có thể khiến họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội, họ và chồng đã cùng nhau ra quyết định trong những khía cạnh quan trọng của đời sống. 1. Kết luận Tài chính toàn diện đã trở thành vấn đề toàn cầu và được coi là yếu tố quan trọng trong vấn đề xóa đói giảm nghèo và giảm bất bình đẳng xã hội. Tài chính toàn diện ở Việt Nam đã có sự phát triển nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đặc biệt là vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Để tài chính toàn diện có những đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc xóa đói giảm nghèo thì cần thiết phải có những giải pháp để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện nhanh hơn nữa trong những năm tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Amidžić, G., Massara, A., & Mialou, A. (2014). Assessing Countries’ Financial Inclusion Standing-A New Composite Index. Retrieved from 2. Banerjee, A., Duflo, E., Glennerster, R., & Kinnan, C. (2015). The miracle of microfinance? Evidence from a randomized evaluation. American Economic Journal: Applied Economics, 7(1), 22-53. 3. Beck, T., Demirguc-Kunt, A., Laeven, L., & Levine,R.(2008). Finance, firm size, and growth. Journal of Money, Credit and Banking, 40(7), 1379-1405. 4. Burgess, R., & Pande, R. (2005). Do rural banks matter? Evidence from the Indian social banking experiment. American Economic Review, 95(3), 780-795. 5. Demirguc-Kunt, A. K., Leora. Measuring Financial Inclusion: The Global Findex Database. 6. Giné, X., & Townsend, R. (2003). Evaluation of financial liberalization: a general equilibrium model with constrained occupation choice: The World Bank. 7. Gourène, G. A. Z., & Mendy, P. (2017). Financial Inclusion and Economic Growth in WAEMU: A Multiscale Heterogeneity Panel Causality Approach. Retrieved from 8. Honohan, P. (2008). Cross-country variation in household access to financial services. Journal of Banking & Finance, 32(11), 2493-2500. 9. Honohan, P., & Beck, T. (2007). Making finance work for Africa: The World Bank. 10. Kim, D.-W., Yu, J.-S., & Hassan, M. K. (2018). Financial inclusion and economic growth in OIC countries. Research in International Business and Finance, 43, 1-14. 11. Park, C.-Y., & Mercado, R. (2015). Financial Inclusion, Poverty, and Income Inequality in Developing Asia. Retrieved from 12. Sarma, M. (2015). Measuring financial inclusion. Economics Bulletin, 35(1), 604-611. 13. Williams, H., J Adegoke, A., & Dare, A. (2017). Role of financial inclusion in economic growth and poverty reduction in a developing economy (Vol. 7). 14. World Bank. 2014. Global Financial Development Report 2014: Financial Inclusion. Washington, DC 297