Về tiêu chí nước công nghiệp trong điều kiện hiện nay

pdf 11 trang Gia Huy 3070
Bạn đang xem tài liệu "Về tiêu chí nước công nghiệp trong điều kiện hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfve_tieu_chi_nuoc_cong_nghiep_trong_dieu_kien_hien_nay.pdf

Nội dung text: Về tiêu chí nước công nghiệp trong điều kiện hiện nay

  1. VỀ TIÊU CHÍ NƯỚC CÔNG NGHIỆP TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY PGS TS Bùi Tất Thắng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đưa đất nước trở nên thịnh vượng, văn minh, gia nhập nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển là xu thế chung của các nước trên thế giới và là khát vọng của nhiều nước đang phát triển trong nhiều thập niên qua. Ở Việt Nam, công cuộc công nghiệp hóa đã được nêu ra như một nhiệm vụ trung tâm từ Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960). Trải qua gần 60 năm thực hiện công nghiệp hóa, đến nay đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng sự nghiệp công nghiệp hóa vẫn chưa hoàn thành, nước ta chưa trở thành nước công nghiệp. Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, từ Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) đến nay, Đảng ta liên tục khảng định nhiệm vụ “phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp” vào năm 2020. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 được Đại hội XI của Đảng thông qua (2011) khẳng định: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội XII của Đảng (1/2016) điều chỉnh lại là “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và nêu nhiệm vụ nghiên cứu “xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. I. Công nghiệp hóa và nước công nghiệp Tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đưa đất nước trở nên thịnh vượng, văn minh, gia nhập nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển là xu thế chung của các nước trên thế giới, và là khát vọng của nhiều nước đang phát triển trong nhiều thập niên qua. Cho tới nay, các nghiên cứu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì rất nhiều, nhưng về lý thuyết lại vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng, thống nhất về một quốc gia được coi là nước công nghiệp. Một cách trực quan, có thể hiểu rằng, nước công nghiệp là nước đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa. Vậy thế nào là công nghiệp hóa? Các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng chưa hoàn toàn có sự nhất trí về cách hiểu thế nào là công nghiệp hóa. Nhưng về đại thể có hai cách hiểu về khái niệm công nghiệp hóa như sau: - Theo nghĩa rộng, công nghiệp hoá là sự tiếp tục phổ biến cách thức tổ chức sản xuất theo lối công nghiệp ra tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, tức là một quá trình phát triển công nghiệp ngày càng tiến bộ hơn, vẫn đang diễn ra hiện nay và sẽ còn diễn ra trong một thời gian dài trong tương lai ở tất cả mọi nền kinh tế. Theo cách hiểu này, công nghiệp hóa được hiểu gần giống với khái niệm “hiện đại hóa” nền kinh tế, và vì thế, đó là quá trình phát triển công nghiệp liên tục ngày càng tiên tiến hơn, ngay cả với một nền kinh tế có công nghiệp đã khá phát triển. 52
  2. - Theo nghĩa hẹp, công nghiệp hoá được hiểu chỉ như là một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển xã hội, một thời kỳ mà trong đó diễn ra quá trình biến nền sản xuất xã hội chủ yếu dựa trên phương thức sản xuất nông nghiệp sang phương thức sản xuất công nghiệp, trên cơ sở thay thế lao động thủ công bằng máy móc. Do bản chất của phương thức sản xuất công nghiệp gắn liền với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, với sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại, nên trình độ công nghệ - kỹ thuật của lối sản xuất công nghiệp thời kỳ sau bao giờ cũng cao hơn (tiến bộ hơn, hiện đại hơn) thời kỳ trước. Vì vậy, để nhấn mạnh yêu cầu về mức độ “hiện đại” của công nghệ - kỹ thuật của sản xuất theo lối công nghiệp của những nước CNH sau, khái niệm HĐH được sử dụng cặp đôi với khái niệm CNH, và đôi khi được dùng chỉ như một khái niệm: “CNH, HĐH”! Tuy có hai cách hiểu về công nghiệp hóa như trên, nhưng khi bàn tới các chính sách, mô hình công nghiệp hóa, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dựa trên cách hiểu công nghiệp hoá theo nghĩa hẹp, bởi tính thực tế và thiết thực của cách tiếp cận. Những nước công nghiệp phát triển, cho đến nay, đều đã trải qua quá trình công nghiệp hóa. Từ nay về sau, với sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức, nhất là sự xuất hiện của CMCN 4.0 và quá trình toàn cầu hóa, một nước nông nghiệp lạc hậu muốn tiến lên trở thành một nước công nghiệp phát triển (mới), có dứt khoát cần phải đi qua con đường CNH hay không, còn là vấn đề tranh cãi. Nhưng nói một cách chặt chẽ thì, có lẽ chỉ trừ rất ít trường hợp ngoại lệ, còn về cơ bản, hầu hết những nước nông nghiệp lạc hậu muốn tiến lên trở thành một nước công nghiệp phát triển (mới), hiện chưa có con đường nào thay thế hoàn toàn con đường CNH, chí ít thì cũng ở khoảng thời gian ta có thể nhìn thấy được. Lịch sử CNH của những nền kinh tế đã hoàn thành quá trình CNH cho thấy rằng: so với lịch sử phát triển kinh tế của đất nước, thời kỳ CNH chỉ là một giai đoạn lịch sử đặc biệt nhất định; nghĩa là có khởi đầu và có kết thúc. Nội dung của giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy là: biến nền sản xuất xã hội chủ yếu dựa trên phương thức sản xuất nông nghiệp sang phương thức sản xuất công nghiệp, chuyển từ kỹ thuật sản xuất thủ công sang sản xuất chủ yếu bằng máy móc. Mức độ dài ngắn của quá trình CNH ở các nước không giống nhau, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan. Với những nước đi tiên phong trong quá trình CNH (những nước CNH kiểu cổ điển), quá trình CNH về cơ bản kéo dài hàng trăm năm. Lý do chủ yếu mang tính khách quan nhiều hơn, do phải trả giá cho sự “dò đường”, xét về mọi phương diện. Những nước đi sau phân thành nhiều loại: một số ít thành công với thời gian chỉ vài ba thập kỷ, nhiều nước khác mãi đến nay vẫn còn đang là những nước “nghèo nàn, lạc hậu”. Cũng có ý kiến cho rằng, ngày nay, cùng với sự hình thành và phát triển của kinh tế tri thức, nhiều nước dường như không đặt vấn đề CNH nữa. Thay vào đó, họ nhấn mạnh nhiều hơn đến quá trình hiện đại hóa nền kinh tế. 53
  3. II. Tiêu chí nước công nghiệp Theo phân tích ở trên, nếu coi những nước đã phát triển hay nước đã hoàn thành công nghiệp hóa là nước công nghiệp thì xuất hiện vấn đề: thời điểm hoàn thành công nghiệp hóa hay trở thành nước công nghiệp không giống nhau. Nhiều nước đã hoàn thành công nghiệp hóa từ lâu (Anh, Pháp, Đức, Mỹ ), nhưng cũng có những nước “mới công nghiệp hóa” vào những thập niên 1970, 1980 của thế kỷ trước. Vậy nên, các nhà khoa học cũng tranh luận rất nhiều về việc xác định các tiêu chí để đánh giá khi nào thì một nước được coi là hoàn tất thời kỳ công nghiệp hóa, hay trở thành nước công nghiệp. Và đã có nhiều quan niệm khác nhau. Để phân biệt giai đoạn lịch sử đặc biệt công nghiệp hóa, các nhà nghiên cứu thường nêu ra một số tiêu chí định lượng. Số lượng các tiêu chí định lượng tùy thuộc vào mục tiêu nghiên cứu chứ không có sự thống nhất. Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu thì hầu như đều được mọi người sử dụng, vừa nhận như những tiêu chí đánh giá chung. Có thể khái quát các nghiên cứu về tiêu chí nước công nghiệp cho đến nay thành ba nhóm, khác nhau chủ yếu ở cách tiếp cận như sau. - Một là, chỉ dùng 1 tiêu chí duy nhất để đánh giá thời điểm hoàn thành công nghiệp hóa. Một trong những nghiên cứu như vậy là Giáo sư Jungho Yoo (KDI School of Public Policy and Management, Korea, 2008), khi so sánh thời kỳ CNH giữa các nước trên thế giới. Ông coi thời điểm bắt đầu tiến trình CNH ở một nền kinh tế khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 50% tổng lao động xã hội và kết thúc khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 20% tổng lao động xã hội, đã nhận thấy thời gian hoàn thành CNH ở một số nước như sau: Bảng 1: Thời gian hòan thành CNH theo tiêu chí cơ cấu lao động Thời gian hòan TT Nước Năm bắt đầu Năm kết thúc thành CNH (số năm) 1 Hà Lan 1840 1938 98 2 Đan Mạch 1842 1958 114 3 Bỉ 1849 1924 75 4 Pháp 1858 1962 104 5 Ai rơ len 1865 1919 114 6 Hoa Kỳ 1881 1935 54 7 Đức 1881 1949 68 8 Canađa 1888 1929 41 9 Na Uy 1891 1959 68 10 Thụy Điển 1906 1951 45 11 Nhật Bản 1930 1969 39 12 Italia 1932 1966 34 13 Venezuela 1940 1972 32 54
  4. Thời gian hòan TT Nước Năm bắt đầu Năm kết thúc thành CNH (số năm) 14 Tây Ban Nha 1946 1979 33 15 Phần Lan 1946 1971 25 16 Bồ Đào Nha 1952 1988 36 17 Đài Loan 1960 1980 20 18 Malaysia 1969 1995 26 19 Hàn Quốc 1970 1989 19 Nguồn: Jungho Yoo (KDI School of Public Policy and Management, Korea, 2008) Có thể còn có những tranh luận về điểm khởi đầu và điểm kết thúc của quá trình CNH theo quan điểm này, nhưng việc sử dụng chỉ một tiêu chí giúp cho việc theo dõi tiến trình CNH trở nên rất dễ dàng và qua thống kê ở Bảng 1, có thể thấy việc rút ngắn thời gian hoàn thành CNH ở các nền kinh tế đi sau là có thể. - Hai là, dùng một tập hợp tiêu chí để đánh giá quá trình thực hiện và thời điểm hoàn thành công nghiệp hóa. Nhóm này gồm khá đông đảo các nhà nghiên cứu, trong đó lúc đầu tập trung vào các chỉ tiêu kinh tế, nhưng sau đó mở rộng ra các chỉ tiêu về xã hội và môi trường, khi nhận thức của xã hội về phát triển bền vững trở nên phổ biến. Đó là các nghiên cứu của Anis Chowdhury và Iyanatul Islam (“Các nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á” (The Newly Industrialising Economies of East Asia – xuất bản lần đầu năm 1993, tái bản năm 2005, by Routledge, 29 West 35th Street, New York, NY 10001); H. Chenery; A. Inkeles; Đỗ Quốc Sam (“Thế nào là một nước công nghiệp” - Tạp chí Cộng sản số 799 (5/2009); GS TS Nguyễn Kế Tuấn Tuấn (Chủ biên: Phát triển đất nước thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. NXB KHXH, Hà Nội 2015); PGS Nguyễn Hồng Sơn – TS Trần Quang Tuyến (CNH, HĐH ở Việt Nam: Tiêu chí và mức độ hoàn thành. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới; số 5 (217) 2014); các Báo cáo của UNIDO (General Patterns of Manufacturing Development; Working Paper by Haraguchi & Rezonja; UNIDO, 2010; (Shyam Upadhyaya (Statistics Unit – UNIDO): Country grouping in UNIDO statistic; Workingpaper -01 /2013; Vienna, 2013; p. 7) Gần đây, có Báo cáo Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới ấn hành – NXB Hồng Đức, 2016), v.v . Sự khác nhau của nhóm này là ở số lượng các tiêu chí, ít thì 5 tiêu chí mà nhiều thì tới 14- 15 tiêu chí hoặc hơn. Nhưng dù khác nhau thế nào thì hầu hết các nghiên cứu đều sử dụng một số tiêu chí như: GDP/người; Tỷ lệ lao động còn lại trong lĩnh vực nông nghiệp (tương ứng với phần lao động đã chuyển sang khu vực phi nông nghiệp); Tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP; Tỷ lệ đô thị hoá và Tỷ trọng nông nghiệp/GDP. - Ba là, những đề xuất không chỉ quan tâm đến các chỉ tiêu định lượng cụ thể, mà còn cả những dấu hiệu biểu thị rõ ràng trình độ của một nền kinh tế đã trưởng thành, đã công nghiệp hóa trong so sánh với các nền kinh tế khác. Tiêu biểu trong cách 55
  5. tiếp cận này là nghiên cứu của GS TS Trần Văn Thọ (Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam. NXB Tri thức 2015). Theo ông, một nước công nghiệp hiện đại phải có những yếu tố, những đặc tính sau: “Thứ nhất, đó là một nước có trình độ phát triển khá cao, cụ thể là thu nhập bình quân đầu người phải cao hoặc trên trung bình. Hiện nay theo phân loại của WB, bình quân đầu người trên 12.000 USD là nước có thu nhập cao. Do đó, một nước được gọi là công nghiệp phải có trên 12.000 USD. Thứ hai, về ngoại thương, cơ cấu xuất khẩu phải chuyển từ các ngành có hàm lượng lao động cao sang những ngành có hàm lượng tư bản và công nghệ. Ngoài ra, phải có xuất siêu ngoại thương và cán cân thanh toán. Thứ ba, một nước được gọi là công nghiệp phát triển phải chuyển từ nước nhập tư bản sang xuất khẩu tư bản, ít nhất là theo tiêu chí xuất khẩu ròng (net exporter), nghĩa là có thể vẫn còn nhập tư bản nhưng xuất ra nước ngoài nhiều hơn nhập. Thứ tư, về ODA, một nước được gọi là công nghiệp phát triển sẽ không còn nhận ODA nữa, ngược lại phải trở thành nước đi viện trợ cho nước khác”. (Trần Văn Thọ - Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam. NXB Tri thức 2015; tr. 26-28) III. Về tiêu chí nước công nghiệp ở Việt Nam hiện nay Đại hội XII của Đảng (1/2016) điều chỉnh lại mục tiêu từ chỗ “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thành “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; nghĩa là không ấn định thời điểm xác định cụ thể. Vì vậy, trong tư duy về tiêu chí một nước công nghiệp, chúng ta không bị gò bó bởi thời hạn định sẵn. Suy nghĩ về tiêu chí cho một nước công nghiệp trong tương lai, đối với một nước như Việt Nam nên tính tới ít nhất 3 yếu tố sau. - Một là, xuất phát từ một nước nông nghiệp, quy mô dân số lớn (hiện hơn 90 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới). Điều này quy định rằng, nên dẫn chiếu các kinh nghiệm phát triển kinh tế và CNH có điều kiện tương đồng để phân tích. Không thể không phát triển một nền công nghiệp (chế tạo) quốc gia đủ mạnh. - Hai là, quá trình toàn cầu hóa, khiến quá trình hội nhập tăng lên, ảnh hưởng không nhỏ tới mô hình và cơ cấu phát triển kinh tế và CNH. - Ba là, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng là internet, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, khoa học vũ trụ, khoa học về đại dương ., cũng sẽ có tác động rất mạnh tới mô hình và cơ cấu phát triển kinh tế và CNH, nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Đây là nhân tố không dễ đánh giá tác động ảnh hưởng, bởi lôgic phát triển của nó ẩn chứa nhiều điều bất định và mức độ tác động rất lớn, nhất là với các nước đi sau. 56
  6. Các nghiên cứu phân đoạn về trình độ CNH, HĐH của kinh tế Việt Nam cho thấy, cho đến nay, Việt Nam vẫn còn ở bước sơ khởi của quá trình CNH cũng như mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0. Một nghiên cứu của K. Ohno biểu diễn trên Hình 1 dưới đây giúp nhận diện khá rõ thực trạng này. Việc xếp kinh tế Việt Nam hiện nay ở vào giai đoạn 1 trong tiến trình phát triển 4 nấc thang về CNH của K. Ohno cũng trùng hợp với quan điểm của Jungho Yoo (KDI School of Public Policy and Management, Korea, 2008), khi chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất là coi thời điểm bắt đầu tiến trình CNH ở một nền kinh tế khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 50% tổng lao động xã hội và kết thúc khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 20% tổng lao động xã hội, như đã nêu ở phần đầu của Báo cáo; vì hiện nay lao động trong khu vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn chiếm khoảng 50% tổng số lao động xã hội. Hình 1. Việt Nam mới đang ở giai đoạn 1 của quá trình công nghiệp hóa Diễn đàn Kinh tế thế giới trong Báo cáo Sẵn sàng cho tương lai (World Economic Forum: Readiness for the Future of Production Report 2018) đã sử dụng một tập hợp các tiêu chí để đánh giá mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0. Cách thức đánh giá gồm 2 nhóm tiêu chí lớn: Một là, Cơ cấu sản xuất, gồm 2 chỉ tiêu: (1) mức độ phức tạp của nền kinh tế (Economic Complexity - đánh giá qua tổng giá trị gia tăng của công nghiệp chế tạo và tỷ lệ của giá trị gia tăng của công nghiệp chế tạo/GDP); và (2) Quy mô (scale) của công nghiệp chế biến, trong đó đặc biệt là sự pha trộn và tính độc đáo của sản phẩm mà một quốc gia có thể thực hiện. Hai là, Năng lực chủ động trong sản xuất (Drivers of Production), bao gồm 6 chỉ tiêu: (1) Công nghệ và Đổi mới (Technology & Innovation); (2) Vốn nhân lực (Human Capital); (3) Đầu tư và Thương mại toàn cầu (Global trade & Investment); (4) Khung khổ thể chế (Institutional 57
  7. Framework); (5) Tài nguyên bền vững (Sustainable Resources); và (6) Môi trường (Demand Environment). Với cách đánh giá cho điểm trên thang điểm 10 (tối đa), Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá kết quả (chấm điểm) và xếp hạng cho 100 quốc gia/nền kinh tế năm 2018 và thành 4 nhóm như sau: 1. Nhóm Leading (lãnh đạo, dẫn dắt): nền tảng sản xuất lớn và năng lực chủ động trong sản xuất cao (gồm 25 nước/nền kinh tế, trong đó châu Á có 5: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Malaysia); 2. Nhóm High-Potential (tiềm năng cao): nền tảng sản xuất còn hạn chế nhưng năng lực chủ động trong sản xuất cao (gồm 7 nước/nền kinh tế, trong đó châu Á có 1: Hồng Kông); 3. Nhóm Legacy (di sản): nền tảng sản xuất mạnh nhưng dễ bị rủi ro (gồm 10 nước/nền kinh tế, trong đó châu Á có 3: Thái Lan, Philippines và Ấn Độ); và 4. Nhóm Nascent (mới sinh, mới hình thành, non trẻ, chớm nở): nền tảng sản hạn chế và dễ bị rủi ro (gồm 58 nước/nền kinh tế, trong đó có Việt Nam). Mức điểm và xếp hạng trong 100 nước/nền kinh tế của Việt Nam cụ thể như sau. Bảng 2: Mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của Việt Nam (năm 2018) Điểm số trên thang Xếp hạng trong 100 TT Tiêu chí điểm 10 nước/nền kinh tế I Structure of Production 4,96 48/100 1.1 Complexity 4,37 72/100 1.2 Scale 5,83 17/100 II Drivers of Production 4,93 53/100 2.1 Technology & Innovation 3,09 90/100 2.2 Human Capital 4,48 70/100 2.3 Global trade & Investment 7,00 13/100 2.4 Institutional Framework 4,99 53/100 2.5 Sustainable Resources 4,59 87/100 2.6 Demand Environment 5,22 39/100 Nguồn: World Economic Forum: Readiness for the Future of Production Report 2018; 91-93 route de la Capite CH-1223 Cologny/Geneva Switzerland; ISBN 978-1-944835-16-3. Bảng 2 cho thấy, Việt Nam chỉ có tiêu chí về Đầu tư và Thương mại toàn cầu (Global trade & Investment) và quy mô công nghiệp chế biến (scale) là có thứ bậc cao (13/100 và 17/100); còn các chỉ tiêu đặc trưng cho sự sẵn sàng của CMCN 4.0 như 58
  8. Công nghệ và đổi mới (Technology & Innovation), nhân lực (Human Capital), Tài nguyên bền vững (Sustainable Resources) đều còn rất thấp. Thông thường, tại thời điểm diễn các bước chuyển, các “điểm ngoặt” của sự phát triển, ngoài sự tăng tiến về lượng, còn đòi hỏi phải có sự trưởng thành về chất. Ở giai đoạn này, nhiều nước đã không vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình. Chính điều này cũng đặt ra như một thách thức không nhỏ đối với các nghiên cứu chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Về nguyên tắc, hệ thống tiêu chí và các chỉ tiêu được xây dựng làm mục tiêu phấn đấu để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần đảm bảo các yêu cầu sau: - Phản ánh sự phát triển toàn diện và hiện đại về các mặt kinh tế, xã hội và bền vững của đất nước, trong đó nêu bật được tính chất “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” so với các tiêu chí phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung hoặc với các chủ đề/lĩnh vực khác nói riêng. Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) là cơ quan chuyên môn, đánh giá và phân loại về mức độ phát triển công nghiệp của các nước trên thế giới nên các chỉ tiêu mà tổ chức này đưa ra rất sát hợp với chủ đề về xác định tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại nên cần tham khảo kỹ và học tập cách tiếp cận của họ. - Có thể so sánh quốc tế và phù hợp với khả năng thống kê về kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các chỉ tiêu định lượng cần theo thông lệ quốc tế, lấy mức đã đạt được của các nước đã công nghiệp hóa hoặc các nền kinh kế mới công nghiệp hóa theo cách phân loại của các tổ chức quốc tế để làm mục tiêu phấn đấu. - Số lượng các tiêu chí và các chỉ tiêu không nên quá nhiều để giúp cho việc hoạch định chính sách và quản lý tiến trình thực hiện được thuận lợi. Những chỉ tiêu phản ánh tổng hợp và mức độ hiện đại hóa có thể thông qua việc sử dụng các chỉ tiêu như GDP xanh (trong đó đã “trừ các chi phí do khử chất thải từ sản xuất, tiêu dùng, chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế), Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI), trong đó đã tổng hợp (bình quân giản đơn) của ba chỉ số thành phần: chỉ số Tuổi thọ, chỉ số Giáo dục và chỉ số GDP, phản ánh về sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia trên các phương diện sức khoẻ, tri thức và mức sống. Chỉ số kinh tế tri thức (Knowledge Economy Index - KEI) tính toán dựa trên mức trung bình của bốn trụ cột liên quan đến nền kinh tế tri thức - thể chế kinh tế, giáo dục và nhân lực, hệ thống đổi sáng tạo và công nghệ thông tin và truyền thông. Chỉ số bền vững môi trường (Environmental Sustainable Index - ESI): là chỉ số tổng hợp, bao trùm các lĩnh vực: tài nguyên thiên nhiên, mức độ ô nhiễm môi trường, quản lý môi trường, cam kết ở tầm quốc tế về bảo vệ môi trường, và năng lực xã hội để thực hiện bảo vệ môi trường. Chỉ số bền vững môi trường ở cấp quốc tế bao gồm 21 thành phần, với 76 tiêu thức phản ảnh thực trạng môi trường và các yếu tố liên quan đến môi trường bền vững. 21 thành phần gồm: Chất lượng không 59
  9. khí; đa dạng sinh học; đất; chất lượng nước; tổng lượng nước; giảm ô nhiễm không khí; giảm hệ sinh thái; giảm dân số; giảm chất thải và sức ép tiêu dùng; giảm căng thẳng về nước; nguồn lực thiên nhiên; sức khỏe môi trường; tình trạng dinh dưỡng và tiếp cận nước sạch; giảm tính dễ bị tổn thương do thảm họa thiên tai môi trường; quản trị nhà nước về môi trường; tính hiệu quả sinh thái; khu vực tư nhân; khoa học và công nghệ; tham gia vào các nỗ lực quốc tế; khí gây hiệu ứng nhà kính; giảm áp lực môi trường xuyên biên giới. Với cách đặt vấn đề như trên, chúng tôi xin đề nghị các tiêu chí mà nền kinh tế Việt Nam hướng tới để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại chỉ đơn giản như sau: 1) Một là, tiêu chí đo lường mức độ phát triển kinh tế. Chỉ tiêu đo lường: chọn 1 trong các sau: - GDP bình quân đầu người (1); hoặc - GNP bình quân đầu người; hoặc - GDP xanh bình quân đầu người (tốt nhất) – nhưng hiện chưa ai tính. Trong đó, nếu lấy GDP/người hoặc GNP/người ở mức giá USD hiện nay thì theo phân loại của WB, phải đạt mức ≥ 12.000 USD (mức của nước có thu nhập cao). 2) Hai là, tỷ lệ lao động còn lại trong lĩnh vực nông nghiệp (tương ứng với phần lao động đã chuyển sang khu vực phi nông nghiệp): ≤ 20% 3) Ba là, tiêu chí đo lường mức độ phát triển của công nghiệp chế tạo - MVA/người(2): ≥ 1.000 USD; hoặc/và - Tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong GDP 4) Bốn là, tỷ lệ đô thị hoá: ≥ 60% 5) Năm là, chỉ số phát triển con người – HDI (thang điểm 10): > 7,0 Ngoài ra, để thích hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện đại (phát triển bền vững, bao trùm, CMCN 4.0 ), có thể thêm một số tiêu chí tham khảo, gồm: (1) Chỉ số phát triển con người (HDI)(3): ≥ 0,7 (2) Chỉ số kinh tế tri thức (KEI)(4): ~ 8 (3) Chỉ số bền vững môi trường (ESI)(5): ≥ 55; và (4) Mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0: đạt nhóm 2 (High-Potential - tiềm năng cao). Ghi chú: Trừ tiêu chí KEI chưa có trong hệ thống Thống kê Việt Nam, còn tất cả các chỉ tiêu khác đều đã có trong hệ thống Thống kê Việt Nam, tuy thực tế thì có một số tiêu chí chưa được công bố trong Niên giám Thống kê hàng năm. 60
  10. (1) Sau này khi Thống kê tính GDP xanh thì tính theo GDP xanh/người (2) hoặc MVA bình quân đầu người ≥ 2.500 đô-la quốc tế (PPP) (giá 2005) (3) HDI có giá trị nằm trong khoảng từ 0 đến 1. HDI đạt tối đa bằng 1 thể hiện trình độ phát triển con người cao nhất; HDI tối thiểu bằng 0 thể hiện xã hội không có sự phát triển mang tính nhân văn. Năm 2014, HDI của Việt Nam đạt 0,666; đứng thứ 116/188 nước. (4) KEI có giá trị thấp nhất là 0 và cao nhất là 10. Những nước có KEI trên 8 điểm coi như đã cơ bản xác lập nền Kinh tế tri thức. Việt Nam năm 2012 đạt KEI đạt 3,4; xếp thứ 104/146 nước. (5) ESI có giá trị dao động trong khoảng 0 – 100. Giá trị này càng cao, tính bền vững môi trường càng cao. Xếp hạng gần nhất năm 2005, Việt Namđạt 42,3 điểm, đứng thứ 127/146 nước. Những đề xuất về các tiêu chí và chỉ tiêu định lượng nêu trên là để xác định “nước công nghiệp” hay “nước công nghiệp (theo hướng) hiện đại”. Nhưng còn một vấn đề nữa là như thế nào thì được coi là “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”? Đây là vấn đề hiện còn rất ít tài liệu đề cập đến. Theo ngữ nghĩa của từ, một nước “về cơ bản là nước công nghiệp” thì đương nhiên chưa hoàn toàn là nước công nghiệp, nhưng dưới mức chuẩn đến đâu thì chấp nhận được? Trong khi chờ đợi nghiên cứu thêm, chúng tôi đề nghị nên hiểu khái niệm “cơ bản là nước công nghiệp” theo cách đạt được tỷ lệ nhất định (chẳng hạn là 85-90% đối với mỗi chỉ tiêu), hay đạt khoảng 80% số chỉ tiêu trong tổng số các chỉ tiêu nêu ra thì coi là đã “cơ bản là nước công nghiệp”./. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Anis Chowdhury và Iyanatul Islam, trong công trình nghiên cứu “Các nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á” (The Newly Industrialising Economies of East Asia – xuất bản lần đầu năm 1993, tái bản năm 2005, by Routledge, 29 West 35th Street, New York, NY 10001). 2. GS Đỗ Quốc Sam: Về CNH, HĐH ở Việt Nam. Tạp chí Cộng sản, số 11 (6- 2006). 3. GS Đỗ Quốc Sam: “Thế nào là một nước công nghiệp”. Tạp chí Cộng sản số 799; 5/2009. 4. PGS TSKH Nguyễn Văn Đặng (Chủ biên): Phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007. Có 2 bài về Tiêu chí nước công nghiệp: 5. Trương Văn Đoan: Về tiêu chuẩn một nước công nghiệp Việt Nam 61
  11. 6. Đinh Văn Ân: Tiêu chí một nước công nghiệp của Việt Nam vào năm 2020 7. Jungho Yoo (KDI School of Public Policy and Management, Korea, 2008) 8. Bùi Tất Thắng: Bàn thêm về tiêu chí nước công nghiệp. Tạp chí Quản lý kinh tế; số 51 (Tháng 1+2/2013); tr. 12-23. 9. PGS TS Nguyễn Hồng Sơn – TS Trần Quang Tuyến: CNH, HĐH ở Việt Nam: Tiêu chí và mức độ hoàn thành. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới; số 5 (217) 2014. 10. GS TS Nguyễn Kế Tuấn (Chủ biên): Phát triển đất nước thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. NXB KHXH, Hà Nội 2015. 11. GS TS Trần Văn Thọ: Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam. NXB Tri thức 2015. 12. MPI-WB: Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. NXB Hồng Đức, 2016. 13. Shyam Upadhyaya (Statistics Unit – UNIDO): Country grouping in UNIDO statistic; Workingpaper -01 /2013; Vienna, 2013. 14. World Economic Forum: Readiness for the Future of Production Report 2018; 91-93 route de la Capite CH-1223 Cologny/Geneva Switzerland; ISBN 978-1- 944835-16-3. 62