Chống chuyển giá trong quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

pdf 12 trang Gia Huy 23/05/2022 3000
Bạn đang xem tài liệu "Chống chuyển giá trong quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfchong_chuyen_gia_trong_quan_ly_thue_thu_nhap_doanh_nghiep_ta.pdf

Nội dung text: Chống chuyển giá trong quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

  1. 158 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA CHỐNG CHUYỂN GIÁ TRONG QUẢN LÝ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM Tô Hoàng* TÓM TẮT: Trong một thế giới toàn cầu hóa hiện nay, chuyển giá như là một xu hướng tất yếu, tác động tới mọi nền kinh tế. Chuyển giá là một hoạt động đã và đang diễn ra ở Việt Nam nhiều năm nay, gây tổn hại không nhỏ cho nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên ngăn chặn chuyển giá vẫn là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan quản lý. Hoạt động chuyển giá diễn ra ngày càng phổ biến và dưới nhiều hình thức khác nhau gây khó khăn cho cơ quan thuế. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng và làm giảm nguồn thu thuế của nhà nước. Từ việc phân tích thực trạng hoạt động chuyển giá ở Việt Nam hiện nay và thực tế một số trường hợp chuyển giá của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, bài báo tập trung bàn luận về thực trạng hoạt động chuyển giá nội địa, từ đó đề xuất một số giải pháp để đẩy lùi hoạt động này. Từ khóa: chuyển giá; doanh nghiệp liên kết; giao dịch liên kết 1. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM Thứ nhất, chuyển giá thông qua việc chi trả lãi vay Thay vì việc phía nước ngoài phải đầu tư thêm vốn vào bên liên kết phía Việt Nam thì chuyển sang chiêu thức cho bên liên kết vay thêm vốn với mức lãi suất cao. Điển hình của chuyển giá thông qua việc chi trả lãi vay đã được phát hiện trong thời gian qua là trường hợp Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina. Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina (Keangnam Vina) là công ty 100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Keangnam, Hàn Quốc. Keangnam Vina là chủ đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ và trung tâm thương mại Keangnam Hanoi Landmark Tower. Tòa tháp Keangnam được triển khai đầu tư xây dựng từ tháng 05/2007, dự án ban đầu thiết kế chỉ hơn 40 tầng, sau đó được điều chỉnh thành 72 tầng. Vào thời điểm năm 2008, giá căn hộ ở đây đã được giao bán với giá 3.000USD/m2, tức là khoảng 60 - 80 triệu đồng/m2, bình quân mỗi căn hộ ở đây được bán với giá từ 6-8 tỷ đồng. Đến năm 2011 tòa nhà bắt đầu đi vào vận hành, có doanh thu đạt 5.224 tỷ đồng. Với mức doanh thu đạt cao như vậy nhưng sau 5 năm đầu tư vào * Cục thuế Hải Phòng, Việt Nam. Tác giả nhận phản hồi: Điện thoại: 0983180374 - Email: thoang.hph@gmail.com
  2. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 159 Việt Nam, doanh nghiệp vẫn khai báo lỗ lũy kế 236 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2011 lỗ 141 tỷ đồng. Điều đáng chú ý khác ở đây là kinh doanh liên tục lỗ như vậy nhưng Keangnam vẫn tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Năm 2011 nâng mức vốn góp của chủ đầu tư từ 1.600 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Với dấu hiệu trên, cơ quan thuế đã vào cuộc, và cách thức chuyển giá của công ty dần được phơi bầy. Keangnam Vina đã ký hợp đồng “chìa khóa trao tay” với Công ty Keangnam Enterprise là một thành viên cùng tập đoàn để làm tổng thầu. Keangnam Enterpise không chỉ đảm nhận việc khảo sát, thiết kế dự án, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay. Keangnam Enterprise đã được chủ đầu tư Keangnam Vina chi trả tới 30 triệu USD, tương đương với 485 tỷ đồng. Riêng phí dịch vụ sắp xếp nguồn vay lên tới 20 triệu USD cho một khoản vay 400 triệu USD từ ngân hàng Kookmin Bank (là ngân hàng trong cùng tập đoàn) với mức lãi suất 12%/năm. Khoản chi phí tài chính cho lãi vay đã được Keangnam Vina hạch toán tính vào chi phí là 2.030 tỷ. Một khoản lợi lớn đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc qua chiêu thức dàn xếp giá vốn xây dựng, nâng khống đầu vào, nâng khống mức lãi suất vốn vay, chủ đầu tư Keangnam Vina thua lỗ liên tục, không nộp thuế TNDN ở Việt Nam trong khi tổng thầu Keangnam Enterprise ở Hàn Quốc được hưởng khoản lợi không nhỏ do chỉ phải nộp thuế nhà thầu ở Việt Nam, thấp hơn nhiều so với việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất thời điểm đó là từ 25-28%. Sau khi cơ quan thuế vào cuộc, doanh nghiệp đã phải tự điều chỉnh mức lãi suất vay từ 12% xuống còn ở mức 5-7%; điều chỉnh tổng giá trị hợp đồng xây dựng ban đầu từ mức 871 triệu USD xuống còn 699 triệu USD. Kết quả năm 2013 cơ quan thuế thanh tra chống chuyển giá tại Keangnam Vina năm 2013, niên độ 2007-2011 đã truy thu thuế TNDN 43,67 tỷ đồng; ngoài ra truy thu thuế GTGT số tiền 0,418 tỷ đồng; truy thu thuế TNCN số tiền 0,35 tỷ đồng; phạt hành chính 2,1 tỷ đồng; tính tiền chậm nộp 5,344 tỷ đồng. Tuy nhiên, chế tài của cơ quan thuế có vẻ chưa đủ mạnh hoặc vẫn còn những chiêu thức chuyển giá mới mà cơ quan thuế chưa có đủ tài liệu để so sánh giá, đấu tranh với doanh nghiêp mà sau khi được thanh tra, Keangnam Vina vẫn tiếp tục kê khai lỗ: năm 2012 lỗ 985 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 141 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 985 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 2.883 tỷ đồng và năm 2016 lỗ 1.978 tỷ đồng. Năm 2012, Keangnam Vina tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng; Chi phí lãi vay của Keangnam Vina năm 2015 và năm 2016 lên đến 2.000 tỷ đồng/năm. Thứ hai, chuyển giá thông qua hình thức nâng cao giá trị tài sản khi thành lập hoặc góp vốn đầu tư Hình thức chuyển giá này thường được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện do có lợi thế về máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại. Mặt khác, do phía Việt Nam còn thiếu năng lực, trình độ, thông tin để thẩm định, đánh giá các loại thiết bị, công nghệ do phía nước ngoài góp vào liên doanh nên thường phải chấp nhận giá trị do đối tác đặt ra. Hình thức này phổ biến trong những năm đầu Việt Nam mới mở cửa nền kinh tế
  3. 160 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA Bảng: Một số trường hợp khai tăng giá trị tài sản góp vốn GIÁ TRỊ GIÁ TRỊ Chênh Tỷ lệ STT TÊN DỰ ÁN THẨM GÓP VỐN lệch khai ĐỊNH (USD) (USD) khống (USD) Khách sạn Thăng Long ( Thành phố 1 Hồ Chí Minh) 496.906 306.900 190.006 62% Trung tâm quốc tế dịch vụ văn hóa 2 Hà Nội 1.288.170 1.028.170 260.000 25% 3 Du lịch Sài Gòn - Vina Group 4.340.000 2.990.000 1.350.000 45% 4 Công ty ô tô Hòa Bình (Hà Nội) 5.823.818 4.221.520 1.602.298 38% 5 Công ty BGI Tiền Giang 30.850.000 23.550.000 7.300.000 31% (Nguồn: Tổng hợp từ các nghiên cứu của tác giả Lê Thưởng Lạng, Lê Xuân Trường, Nguyễn Ngọc Tuyến, Đoàn Văn Trường) Qua tổng hợp cho thấy: Liên doanh khách sạn Thăng Long có giá trị tài sản khai báo liên doanh ban đầu là 496.406 USD nhưng khi thẩm định chỉ còn 306.900 USD, nhà đầu tư đã khai khống 190.006 USD, tăng 62% so với vốn góp. Trường hợp Trung tâm quốc tế dịch vụ văn hóa Hà Nội có giá trị tài sản khai báo ban đầu 1.288.170 USD, giá trị thẩm định 1.028.170 USD, nhà đầu tư đã khai khống 260.000 USD, tỷ lệ khai khống 25%. Dịch vụ Sài Gòn - Vina Group có giá trị khai báo ban đầu 4.340.000 USD, giá trị thẩm định lại là 2.990.000 USD, nhà đầu tư đã khai khống 1.350.000 USD so với vốn góp ban đầu, tỷ lệ khai khống 45%. Công ty ô tô Hòa Bình có giá trị khai báo 5.823.818 USD, giá trị thẩm định lại là 4.221.520 USD, nhà đầu tư đã khai khống 1.602.298 USD, tăng 27.51%. Công ty liên doanh BGI Tiền Giang nhà đầu tư khai báo 30.850.000 USD nhưng Công ty SGS thẩm định lại chỉ có giá 23.550.000 USD, nhà đầu tư đã khai khống 31% so với giá trị thực tế do đưa thiết bị cũ vào liên doanh. Thứ ba, chuyển giá bằng cách nâng khống giá trị TSCĐ đầu tư ban đầu Việc nâng khống giá trị tài sản cố định là máy móc, thiết bị khi góp vốn đầu tư ban đầu cũng là hình thức chuyển giá khá phổ biến ở Việt Nam trong thời gian đầu mới mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài. Điển hình là Công ty Hualon Corporation có Giấy chứng nhận đầu tư số 472023000394 do Tỉnh Đồng Nai cấp ngày 30/12/1993. Vào Việt Nam từ năm 1993, với hơn 20 năm hoạt động kinh doanh doanh nghiệp báo lỗ triền miên. Nguyên nhân gây lỗ được doanh nghiệp này kê khai tới cơ quan thuế chủ yếu là do đầu tư máy móc thiết bị với trị giá 5.288 tỷ đồng, dẫn đến chi phí khấu hao hàng năm trên 250 tỷ đồng, ngoài ra chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu với giá cao nên giá vốn thường xuyên được đẩy cao hơn so với giá bán dẫn đến không phải nộp một đồng thuế TNDN ở Việt Nam. Năm 2011, doanh nghiệp nhập khẩu một bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài với giá gần 16 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó, bộ dây chuyền dệt vải này lại được bán cho một công ty khác nhưng với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD, với lý do không phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh nên phải thanh lý, giá thanh lý bắt buộc phải rẻ hơn giá đặt hàng mua mới ban đầu để thu hồi vốn kinh doanh.
  4. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 161 Thứ tư, chuyển giá qua tính phí bản quyền thương mại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, bắt đầu đi vào kinh doanh từ năm 2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu USD, vốn pháp định 36 triệu USD. Công ty đã thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh 6 lần để nâng tổng vốn đầu tư bổ sung đến tháng 5 năm 2013 là hơn 301 triệu USD. Mạng lưới hệ thống kinh doanh của Công ty gồm 1 trụ sở chính, 15 chi nhánh gồm 19 trung tâm và 1 kho trung chuyển đặt ở 16 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2002 đến 2013 công ty kê khai lỗ với tổng số tiền 1.657 tỉ đồng và chỉ duy nhất 1 năm lãi 173 tỉ đồng. Thủ đoạn của Metro Việt Nam là thực hiện giao dịch liên kết với công ty mẹ ở Đức là Công ty Metro AG. Công ty mẹ đã tính chi phí nhượng quyền thương mại với chi phí cao, đồng thời để trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, Metro Việt Nam không đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương. Thứ năm, chuyển giá qua nguyên vật liệu đầu vào Ở một số lĩnh vực có tính đặc thù, nguyên vật liệu đầu vào phụ thuộc vào phía nước ngoài cung cấp, các doanh nghiệp liên kết phía nước ngoài thực hiện chuyển giá thông qua giá nguyên vật liệu đầu vào. Công ty TNHH nước giải khát Coca cola Việt Nam được thành lập từ tháng 02/2014 đến nay chưa năm nào Công ty Coca Cola VN khai có lãi dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm. Năm 2004 doanh thu 728 tỉ đồng, số lỗ là 110 tỉ đồng. Năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỉ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỉ đồng. Năm 2010, doanh thu của Coca Cola VN lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng. Lũy kế đến năm 2013 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Nguyên nhân chính doanh nghiệp liên tục kê khai lỗ là do hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn. Như năm 2010 chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ lên đến 1.671 tỉ đồng trên doanh thu 2.329 tỉ đồng. Năm 2009 chi phí này là 1.065 tỉ đồng. Giải thích giá nguyên phụ liệu cao Công ty cho rằng do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám, Công ty mẹ xuất bán nguyên liệu cho các công ty con ở nước khác với giá tương tự. Nguyên liệu đầu vào đều có tờ khai nhập khẩu chính ngạch, chứng từ thanh toán, chuyển tiền đúng quy định. Doanh nghiệp vẫn kê khai thuế với cơ quan thuế đầy đủ, chấp hành đúng pháp luật của Việt Nam. Giá sản phẩm bán ra công ty tương đương với sản phẩm nước uống có ga trên thị trường Việt Nam nhưng thấp hơn giá thành. Công ty không tăng giá sản phẩm bán ra với lý do cạnh tranh, đang muốn mở rộng thị trường nước giải khát ở Việt Nam. Thứ sáu, chuyển giá từ doanh nghiệp hết ưu đãi thuế, sang doanh nghiệp ưu đãi thuế TNDN Hiện tượng chuyển giá không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp FDI, chuyển giá còn diễn ra ở một số tập đoàn kinh tế, một số doanh nghiệp có quan hệ liên kết ngay ở trong nước để tối thiểu hóa số thuế TNDN phải nộp của cả tập đoàn. Để thực hiện hình thức chuyển giá này, các doanh nghiệp tính toán, chuyển lợi nhuận trước thuế TNDN từ doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế TNDN sang doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế TNDN. Trường hợp các doanh nghiệp trong hệ thống không có thành viên nào được hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp vẫn có thể thực
  5. 162 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA hiện chuyển giá sang doanh nghiệp đang được chuyển lỗ để tối thiểu hóa số thuế TNDN phải nộp. Một trường hợp điển hình đã được cơ quan thuế phát hiện ở Hải Phòng. Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng được thành lập năm 2004 tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, là địa bàn được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện đặc biệt khó khăn: được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 10% trong 15 năm kể từ khi có doanh thu; miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Năm 2006 doanh nghiệp bắt đầu có doanh thu và có thu nhập chịu thuế TNDN. Như vậy, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ năm 2006-2020; miễn thuế TNDN từ năm 2006-2012; giảm 50% số thuế TNDN phải nộp từ năm 2013-2021. Năm 2012 Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng chung vốn với một số cá nhân khác thành lập Công ty cổ phần tiếp vận có số vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng đóng góp 45,6% vốn điều lệ, đồng thời Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng cắt một phần đất đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho Công ty cổ phần tiếp vận thuê để khai thác kinh doanh. Công ty cổ phần tiếp vận được hưởng ưu đãi thuế TNDN: áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ năm 2012-2027, miễn thuế TNDN từ năm 2012- 2015, giảm 50% thuế TNDN phải nộp từ năm 2016-2024. Theo quy định hiện hành thì Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cảng cho thuê đất dự án thì thu nhập từ hoạt động này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN và Công ty đi thuê sẽ được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, bằng hình thức thành lập mới doanh nghiệp để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN nêu trên, hai doanh nghiệp đã trốn được 5,457 tỷ đồng tiền thuế TNDN. Thứ bảy, thủ đoạn mua hóa đơn khống để che dấu doanh thu Ông Tai Chung Tui (Đài Loan) đã gửi đơn tố cáo bà Lê Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nguyên Đạo (công ty Nguyên Đạo) và ông Jame Chung (quốc tịch Mỹ) thông qua hình thức chuyển giá và vốn đầu tư sang một doanh nghiệp khác do chính bà Lê Minh Đức thành lập, để chiếm đoạt gần 9 tỷ đồng và hơn 240 nghìn USD. Cụ thể, sau khi thành lập công ty Nguyên Đạo và chuyển nhượng 40% phần vốn góp cho ông Tui với giá 100 nghìn USD, bà Lê Minh Đức lại cho thành lập một công ty riêng là Công ty TNHH Một thành viên Thái Liên và sử dụng toàn bộ nhân viên và tài sản của công ty Nguyên Đạo để phục vụ việc kinh doanh của công ty Thái Liên. Toàn bộ các khoản thu nhập vốn có từ hoạt động kinh doanh của công ty Nguyên Đạo đều được chuyển sang công ty Thái Liên và những chi phí phát sinh của công ty Thái Liên lại do công ty Nguyên Đạo gánh chịu. Công ty Liên Thái như một nơi để chuyển mọi giá trị vốn góp và lợi nhuận từ công ty Nguyên Đạo. Ông Tui còn tố cáo bà Lê Minh Đức dùng thủ đoạn mua hóa đơn khống để che dấu doanh thu của công ty Nguyên Đạo cho những hợp đồng không có thực để được khấu trừ chi phí, trốn thuế với Nhà nước dẫn đến doanh thu của công ty thua lỗ. Hành vi này, được các chuyên gia cho rằng đây cũng là một hình thức chuyển giá sang công ty liên kết. Như vậy, các hình thức chuyển giá của các doanh nghiệp nội bộ tại Việt Nam hiện nay về độ phổ biến và phức tạp cần có những cuộc thanh tra thuế trên diện rộng mới có thể đưa ra được nhận định chính xác. Tuy nhiên, từ một vài vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua có thể thấy, hiện tượng các doanh nghiệp nội địa tranh thủ lách luật để giảm số thuế nộp là hiện hữu và cũng khá đa dạng trong hình thức thực hiện. Nguyên nhân Các nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp tại Việt Nam
  6. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 163 trong thời gian qua có thể kể đến cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan như: Khung pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá chưa đồng bộ và hoàn thiện; Năng lực quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của cơ quan thuế còn hạn chế; Công tác cán bộ còn bất cập; Cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác phát hiện, đấu tranh chống chuyển giá còn hạn chế cả về dữ liệu các bên có giao dịch liên kết và cơ sở giá Nguyên nhân khách quan như: Do xuất phát điểm nền kinh tế Việt Nam còn thấp, kéo theo đó là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước còn lạc hậu không đáp ứng yêu cầu quản lý; Do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ bên cạnh những thuận lợi là những thách thức đi kèm.; Do việc thu thập, sàng lọc thông tin trong bối cảnh các giao dịch quốc tế đa dạng, phức tạp trên phạm vi toàn cầu 2. GIẢI PHÁP CHỐNG CHUYỂN GIÁ TRONG QUẢN LÝ THUẾ TNDN Ở VIỆT NAM Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động chống chuyển giá - Bổ sung quy định áp dụng phương pháp thỏa thuận trước về giá ở một số lĩnh vực, ngành nghề Ở một số lĩnh vực, ngành nghề mới được đưa vào đầu tư ở Việt Nam, Các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thuế chưa có đủ lực lượng công chức có năng lực, kinh nghiệp cũng như chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá để đánh giá áp dụng APA hiệu quả. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm những quy định trong thời gian đầu mới triển khai, chỉ cho lựa chọn áp dụng APA ở một số ngành nghề, lĩnh vực. - Bổ sung quy định về chi phí lãi vay Cần đưa ra các quy định giới hạn tỷ lệ tối đa chi phí lãi vay và các khoản thanh toán có bản chất kinh tế tương tự được trừ vào chi phí tính thuế TNDN của người nộp thuế dựa trên lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và khấu hao (EBITDA). Quy định giới hạn về chi phí lãi vay nên áp dụng cho cả khoản vay từ các bên liên kết và các khoản lãi vay từ các bên độc lập. Mức giới hạn cũng không nên vượt quá mức ngưỡng từ 10%-30% và cần thiết đưa vào Luật thuế TNDN để đảm bảo tính pháp lý trong đấu tranh chống chuyển giá, hạn chế tình trạng “vốn mỏng”. - Hoàn thiện chính sách thuế TNDN Bổ sung thêm qui định về chuyển giá trong Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà các hiện tượng chuyển giá của các công ty đa quốc gia đã trở thành một vấn đề thuế then chốt ở các nước. Giảm mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp tương đồng với các nước trong khu vực. Nghiên cứu bổ sung qui định áp dụng thuế suất bổ sung đối với khoản chuyển trả lãi vay cho các bên liên kết vào Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Cần thiết phải có những nghiên cứu đánh giá lại tác động của chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế TNDN đối với nền kinh tế, đối với xã hội để có những điều chỉnh phù hợp. Nên tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế đồng thời nên bỏ chính sách ưu đãi theo vùng, miền mà chỉ để chính sách ưu đãi theo một số ngành nghề cần ưu tiên phát triển. - Hoàn thiện Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn
  7. 164 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA Nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, sửa đổi qui định pháp luật chống chuyển giá, xây dựng các điều khoản về chống chuyển giá trong Luật Quản lý thuế. Đề xuất đưa vào Luật Quản lý điều khoản bắt buộc trong trường hợp doanh nghiệp lỗ bằng 50% vốn thì phải đưa vào diện quản lý rủi ro hoặc lỗ hết vốn thì có thể quay trở lại cơ quan cấp giấy phép và nơi đó có thể rút phép. Điều này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất có thể, khi mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI với điệp khúc lỗ nhiều mà vẫn phải mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay. Bổ sung quyền điều tra thuế cho cơ quan thuế trong Luật Quản lý thuế. Bổ sung vào Luật Quản lý thuế nội dung cho phép cơ quan quản lý thuế được thu thập và sử dụng các thông tin do các đối tác nước ngoài cung cấp trên cơ sở các điều ước quốc tế. - Sửa đổi Luật Thanh tra và các văn bản luật khác có liên quan đến hoạt động chuyển giá Sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng cho phép kéo dài thời gian tiến hành một cuộc thanh tra giá chuyển nhượng có thể tối đa lên tới 5 năm để đảm bảo quá trình thu thập thông tin, phân tích, đối chiếu, kiểm tra số liệu được đầy đủ, chính xác, hiệu quả. Cần ban hành qui chế xử phạt cụ thể cho các trường hợp phát hiện hành vi chuyển giá, coi đây là hành vi vi phạm tương đương với hành vi trốn thuế của NNT để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa. Nghiên cứu ban hành Luật Chống chuyển giá để phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng hội nhập quốc tế. - Tăng cường ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với biện pháp khấu trừ khoán thuế để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các nhà đầu tư nước ngoài và của nhà nước Việt Nam Cần chú ý đưa vào Hiệp định các nội dung sau: (i) Qui định áp dụng phương pháp khấu trừ khoán thuế trong việc loại bỏ đánh thuế trùng giữa Việt Nam với nước ký kết.; (ii) Những qui định trong việc xác định giá chuyển giao giữa các công ty, đảm bảo cho Chính phủ Việt Nam có cơ sở để kiểm soát chính sách định giá chuyển giao của các công ty đa quốc gia nhằm chống lại sự lợi dụng để tránh và trốn thuế.; (iii) Những qui định về sự phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế các nước trong việc xác định thu nhập chịu thuế của NNT của hai nhà nước ký kết; (iv) Qui định về cơ chế thoả thuận song phương trong việc “hỗ trợ thu thuế”, trong đó cần chú ý đến việc đảm bảo quyền lợi của Nhà nước ký kết khi NNT bị điều chỉnh lợi nhuận chịu thuế liên quan đến biện pháp xác định giá chuyển giao. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế xác định và quản lý giá chuyển nhượng giữa các bên liên kết tại Việt Nam - Qui định áp dụng cơ chế xác định trước về giá tính thuế (APA) APA cho phép doanh nghiệp và cơ quan thuế được thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thị trường; trên cơ sở giá do doanh nghiệp đưa ra trước khi nộp thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và đưa ra phương pháp tính giá hợp lý. Theo APA, nếu cơ quan thuế thấy rằng cơ chế xác định giá đã được thiết lập là không đúng đắn, khách quan, người nộp thuế sẽ chỉ phải nộp thuế bổ sung mà không phải nộp phạt. Bản chất của cơ chế thoả thuận giá trước là một cuộc kiểm tra dữ liệu của NNT ở hiện tại và áp dụng giá tính thuế cho các giao dịch phát sinh thuế trong tương lai với một số giả định quan trọng. Cơ chế này được thực hiện bởi sự hợp tác tối đa từ phía NNT. Tuy nhiên cơ quan thuế sẽ gặp những rủi ro nếu không có được thông tin so sánh từ bên thứ ba để xác định giá giao dịch độc lập của người nộp thuế trong tương lai vì khi đó cơ quan thuế chỉ có được thông tin từ phía NNT cung cấp.
  8. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 165 - Đưa mọi giao dịch về mức chuẩn là giá thị trường phù hợp đã được định ra trong quá trình sử dụng phương pháp so sánh. Mục đích của định giá chuyển giao là tìm sự khác biệt trong việc hình thành nghĩa vụ thuế giữa giá giao dịch liên kết và giao dịch độc lập. Do đó, quá trình so sánh cho phép chủ thể có giao dịch liên kết lựa chọn giá trị phù hợp nhất trong các giá trị tương ứng của biên độ giá thị trường chuẩn, để làm căn cứ điều chỉnh giá của giao dịch liên kết. Trường hợp giá sản phẩm trong giao dịch liên kết không thấp hơn giá trị phù hợp nhất thì chủ thể kinh doanh không cần điều chỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc cho ra kết quả giá của giao dịch liên kết nằm ở đầu vào hay đầu ra trong quá trình kinh doanh của bên liên kết có nghĩa vụ thuế nếu đã được định cao hơn giá trị phù hợp là được chấp thuận. Như thế định giá chuyển giao sẽ không còn ý nghĩa nếu xác định giá đầu vào cao hơn so với giá thị trường, bởi thu nhập chịu thuế sẽ bị giảm do chi phí đầu vào định giá tăng lên. Ngược lại, nếu giá trị đầu ra được xác định là cao hơn giá thị trường và không cần điều chỉnh, thì như đã phân tích ở trên nếu xét một cách cục bộ, nghĩa vụ thuế Thu nhập doanh nghiệp ở bên liên kết này có thể tăng lên nhưng nghĩa vụ thuế của bên cùng giao dịch sẽ giảm đi đáng kể. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng khác như vấn đề quản lý về chuyển tiền khi thanh toán, chuyển vốn, chia lãi qua chuyển giá. - Bắt buộc các đối tượng nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp áp dụng các biện pháp so sánh giá thị trường khi thực hiện các giao dịch liên kết. Chủ thể này có nghĩa vụ kê khai các giao dịch liên kết đã thực hiện và phương pháp so sánh giá đã áp dụng khi khai báo thuế Thu nhập doanh nghiệp. Cơ chế này được thực hiện sẽ làm giảm khả năng không kiểm soát được các giao dịch liên kết gây khó khăn cho chủ thể quản lý. Bộ phận quản lý APA nên được tổ chức độc lập với bộ phận thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá để tránh tâm lý e ngại của các doanh nghiệp nếu việc đàm phán không thành công, cơ quan quản lý thuế có thể sử dụng thông tin trong hồ sơ đàm phán để phục vụ cho thanh tra chống chuyển giá. Thứ ba, tăng cường giám sát các giao dịch liên kết qua kê khai, xác định giá giao dịch liên kết. Cơ quan thuế yêu cầu hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết phải được cung cấp một cách toàn diện, tổng thể về toàn bộ chuỗi giá trị, chuỗi phân phối và các kênh tạo lập giá trị và thu nhập cũng như số thuế đã nộp của các thành viên trong tập đoàn tại các quốc gia. Hồ sơ gồm 03 cấp độ: Hồ sơ toàn cầu; Hồ sơ quốc gia và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhằm nâng cao chất lượng quản lý rủi ro giá chuyển nhượng cho cơ quan thuế đồng thời giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế thông qua cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các nước. Cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết hiểu và xác định đúng các thông tin cần kê khai, điều chỉnh trên báo cáo. Như vậy cơ quan quản lý thuế mới có được nguồn thông tin chính xác để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước. Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xác định giá chuyển nhượng Nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xác định giá chuyển nhượng có thể khai thác và thu thập từ nhiều nguồn khác nhau: - Mua thông tin giá độc lập từ các cơ sở cung cấp chuyên nghiệp
  9. 166 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA Ở các nước phát triển, có những cơ sở chuyên nghiệp có uy tín, được Chính phủ và giới doanh nhân công nhận, chuyên cung cấp dữ liệu thông tin thương mại để phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá phát triển thị trường của các doanh nghiệp. Các cơ sở này thu thập đầy đủ cả thông tin tài chính và dữ liệu giá cả, thị trường tiêu thụ của từng loại sản phẩm, hàng hóa. Để sử dụng nguồn dữ liệu, các tổ chức, cá nhân sử dụng phải mua quyền truy cập, mua dữ liệu. Cho phép và bổ sung cho ngành Thuế mua thêm thông tin về doanh nghiệp liên kết, về giá giao dịch độc lập ở các thị trường để làm cơ sở so sánh giá khi đấu tranh với các doanh nhiệp có quan hệ liên kết. - Phân tích dữ liệu giao dịch từ hệ thống ngân hàng Tăng cường kết hợp lấy thông tin từ hệ thống ngân hàng để phân tích luồng tiền giao dịch giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết là một kênh hiệu quả phát hiện những luồng tiền giao dịch bất thường phục vụ cho việc đấu tranh chống chuyển giá trong quản lý thuế TNDN. Với chính sách bảo mật thông tin khách hàng của các ngân hàng thương mại, việc thu thập thông tin giao dịch của người nộp thuế từ phía ngân hàng có phần bị hạn chế. Chính phủ cần hỗ trợ Tổng Cục thuế trong khai thác thông tin từ các ngân hàng trong một số trường hợp thanh tra chống chuyển giá cụ thể. - Xây dựng hệ thống thông tin tình báo về kinh tế Chính phủ có thể xây dựng một hệ thống thông tin tình báo kinh tế, thương mại, về các doanh nghiệp liên kết, các tập đoàn đa quốc gia trên phạm vi quốc tế. Trung tâm thông tin kinh tế thương mại có thể tận dụng lực lượng tham tán, các tùy viên thương mại để làm “vệ tinh” thu thập và cung cấp thông tin. Thông qua các “vệ tinh”, trung tâm này có thể có thể cập nhập được kịp thời những thông tin chi tiết về lịch sử hoạt động của các MNC khi đầu tư vào Việt Nam. Các “vệ tinh” này cũng có thể cảnh báo kịp thời về các hoạt động không lành mạnh của các MNC nếu có xẩy ra trên các quốc gia khác cũng như các trung tâm xuất hóa đơn mà các MNC này lập ra tại quốc gia được xem là “thiên đường” về thuế. Các trung tâm tiến hành ghi nhận các nghiệp vụ mua bán phát sinh giữa các công ty con trong nội bộ MNC và các công ty độc lập với nhau để xây dựng nền tảng số liệu cần so sánh và đối chiếu giá chuyển nhượng. Đây cũng là một nguồn thông tin tốt, có giá trị để phục vụ cho công tác đấu tranh chống chuyển giá trong quản lý thuế TNDN. Thứ năm, xây dựng qui trình kiểm soát chuyển giá Xây dựng một qui trình vận hành kiểm soát chuyển giá có hiệu quả và hiệu lực thực hiện tốt, sẽ tạo điều kiện để cải tiến và hoàn thiện qui trình này một cách liên tục và thường xuyên. Qui trình sẽ trở thành công cụ để các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ và đây cũng là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đối tượng hữu quan giám sát và đánh giá kết quả thực hiện công việc này một cách hệ thống, minh bạch và lâu dài. Qui trình mang tính kỹ thuật nên có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như các phần mềm quản lý hay hệ thống các giao dịch quản lý trực tuyến để xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh, giảm thiểu ách tắc và góp phần tạo lập cơ sở dữ liệu có hệ thống về thực trạng ở Việt Nam. Qui trình còn là căn cứ để áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng đồng bộ (TMQ) một cách thuận lợi. Đây là qui trình áp dụng kiểm soát trực tiếp khi xuất hiện chuyển giá và nó là tiền đề để hướng tới một qui trình kiểm soát gián tiếp và có hiệu quả rộng hơn. Qui trình kiểm soát chuyển giá trong đầu tư nước ngoài có thể bao gồm các bước công việc
  10. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 167 chủ yếu sau: (i) Cam kết không chuyển giá dưới bất kỳ hình thức nào.; (ii) Tập hợp các dấu hiệu chuyển giá. (iii) Lập báo cáo và thông báo với cơ quan có thẩm quyền. (iv) Tổ chức thanh tra, kiểm tra xác minh tình hình thực tế. (v) Kết luận, truy thu và áp dụng các chế tài cần thiết khác. Thứ sáu, hoàn thiện và tăng cường công tác thanh tra thuế chống chuyển giá - Ban hành quy trình thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá Nội dung quy trình thanh tra có thể bổ sung thêm các bước phân tích hồ sơ theo các bước: Bước 1- Phân tích hồ sơ kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Mẫu 01-Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP cùng với Tờ khai quyết toán thuế TNDN do NNT gửi tới: Bước 2 - Phân tích hồ sơ NNT nộp bổ sung hồ sơ khai thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế: Bước 3- Tham vấn trước thanh tra: Trường hợp quá 15 ngày theo quy định phải nộp hồ sơ mà NNT không cung cấp hồ sơ theo yêu cầu hoặc cung cấp hồ sơ nhưng không đủ căn cứ thuyết phục giá đã xác định thì Cơ quan thuế thông báo yêu cầu cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (trừ trường hợp được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại Điều 11 Nghị định 20/2017/ NĐ-CP), tham vấn trước khi tiến hành thanh tra giá tại trụ sở NNT. Thời hạn cung cấp hoàn chỉnh Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và tham vấn không quá 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu của Cơ quan thuế. Trường hợp NNT có lý do chính đáng thì thời hạn cung cấp Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết được gia hạn 01 lần không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn. Bước 4- Thanh tra thuế về chuyển giá tại doanh nghiệp Nếu qua quá trình tham vấn về giá chuyển nhượng giữa cơ quan thuế và NNT và qua hồ sơ, tài liệu giải trình của NNT không có đầy đủ cơ sở chứng minh giá chuyển nhượng giữa doanh nghiệp với các bên liên kết được xác định lại theo giá tương đương với giá thị trường trước khi xác định thuế TNDN, cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định thanh tra thuế tại doanh nghiệp theo trình tự và quy định của Luật Quản lý thuế. - Tăng cường hợp tác, kiểm tra đồng thời Kiểm tra thuế đồng thời là hình thức hỗ trợ song phương, được áp dụng trong các vấn đề quốc tế rộng lớn, hình thức này tạo điều kiện cho hai hay nhiều cơ quan thuế các nước hợp tác trong điều tra thuế. Các cuộc kiểm tra thuế đồng thời đặc biệt cần thiết trong trường hợp thông tin quan trọng liên quan đến điều tra thuế được thu thập từ nước thứ ba, do đó các cuộc kiểm tra thuế đồng thời giúp cho việc trao đổi thông tin hiệu quả và kịp thời hơn. Khi cần có sự hợp tác kiểm tra thuế đồng thời, cơ quan thuế các quốc gia liên quan cần có kế hoạch trao đổi thông tin và hợp tác giữa các quốc gia nhằm tìm ra các trường hợp có thời kỳ kiểm tra thuế trùng nhau và nhằm đồng nhất về thời kỳ kiểm tra những vấn đề này có thể được hạn chế. Thứ bảy, đào tạo kiến thức chuyển giá và kỹ năng thanh tra chống chuyển giá cho đội ngũ công chức thuế làm công tác thanh tra chống chuyển giá. Tại cơ quan thuế các tỉnh, thành phố một số địa phương đã có tổ chuyên trách về thanh tra
  11. 168 HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA chống chuyển giá. Nguồn nhân lực của các tổ chuyên trách chủ yếu là những kiểm tra viên thuế có kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, có kỹ năng phân tích dữ liệu, sử dụng được ngoại ngữ Vì vậy, để chống chuyển giá trong quản lý thuế TNDN, việc nghiên cứu đào tạo mới, đào tạo lại cho công chức thanh tra, kiểm tra thuế đặc biệt là ở bộ phận chuyên trách thanh tra thuế về chuyển giá ở Cục thuế các địa phương về kỹ năng nghiệp vụ thanh tra giá chuyển nhượng là hết sức cần thiết. Về giảng viên đào tạo: Giảng viên đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra giá chuyển nhượng có thể mời các chuyên gia nước ngoài và chuyên gia trong nước. Muốn chống chuyển giá phải đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng công chức hiểu được chuyển giá, nhận biết được các hoạt động chuyển giá. Nâng cao chất lượng công chức bộ phận chuyên trách thanh tra chuyển giá bằng biện pháp mời các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia trong nước có kinh nghiệm về hoạt động chuyển giá để đào tạo cả về mặt lý luận và thực tiễn chuyển giá, kỹ năng thanh tra thuế chống chuyển giá sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động chống chuyển giá trong quản lý thuế ở cơ quan thuế địa phương phát triển đúng hướng, phát huy hiệu quả trong công tác chống chuyển giá. Thứ tám, xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro để phân tích, lựa chọn và xác định chính xác doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá Tổng cục thuế cần xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro để phân tích, lựa chọn và xác định chính xác doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá Phân loại và đánh giá doanh nghiệp FDI theo các tiêu chí cơ bản như: doanh thu, số nộp ngân sách/tổng doanh số, tổng tiền công/thu nhập khai thuế, chính sách ưu đãi đang được hưởng, số lượng lao động trong doanh nghiệp Cùng với đó, ưu tiên kiểm tra và rà soát đối với các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, không phát sinh doanh thu; hoặc các doanh nghiệp đang thua lỗ nhưng tiếp tục tăng vốn đầu tư và mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp độc lập theo từng ngành nghề kinh doanh có rủi ro cao trong quản lý giá chuyển nhượng và danh mục giá giao dịch trên thị trường của một số hàng hoá chủ yếu trên cơ sở tham khảo giá hàng hoá cùng loại tại các nước trong khu vực và trên thế giới làm cơ sở chung cho các Cục thuế sử dụng, phân tích rủi ro trong công tác quản lý giá chuyển nhượng; xử lý thông tin thu thập được phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá và lưu trữ hồ sơ theo qui định. Áp dụng phổ biến việc sử dụng tiêu chí đánh giá rủi ro để phân tích, lựa chọn, lập kế hoạch, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đạt hiệu quả cao. Từ đó, các cấp trong ngành thuế xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT được chính xác, sát thực tế, tiết kiệm thời gian. Tăng cường, đôn đốc giám sát doanh nghiệp kê khai giao dịch liên kết theo qui định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC: kê khai đầy đủ các giao dịch liên kết theo mẫu GCN-01/QLT theo qui định. Đối tượng kê khai không chỉ là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước. Đây là tiền đề quan trọng để cơ quan thuế phân loại người nộp thuế. Từ đó, nhận dạng và định vị chính xác các trọng tâm cần thanh tra.
  12. HỘI THẢO QUỐC TẾ: PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ KINH DOANH BỀN VỮNG TRONG ĐIỀU KIỆN TOÀN CẦU HÓA 169 Xây dựng các mẫu khảo sát, hoặc phiếu điều tra để yêu cầu doanh nghiệp báo cáo nhanh về các đối tác nước ngoài mà họ có quan hệ giao dịch. Đây cũng là những thông tin cần tập hợp vào dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra những năm sau. Thứ chín, áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát giá hàng nhập khẩu, giá sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Đối với đầu vào là máy móc thiết bị: Cần phải xây dựng ngay hệ thống cơ sở dữ liệu có tính lịch sử về giá giao dịch của các thiết bị mà nước ngoài đưa vào Việt Nam, tham khảo giá giao dịch của các loại thiết bị ở trên thị trường quốc tế. Tất cả các dự án đầu tư nước ngoài có liên quan đến việc nhập khẩu máy móc thiết bị cần có qui định rõ cơ chế thẩm định giá trị đối với máy móc, thiết bị bao gồm: đơn vị được phép thẩm định, năng lực của đơn vị thẩm định, thời gian thẩm định, tiêu chuẩn thẩm định giá máy móc thiết bị được áp dụng bao gồm tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của Việt Nam Đối với nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu: Cần xác định rõ giá nhập nguyên vật liệu có phải là giá trị thông thường của hàng hoá có thể được bán ở nước xuất khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch điều tra khảo sát ngay tại doanh nghiệp xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự cùng ở tại nước đó để hình thành bộ hồ sơ về các chi phí hợp lý của giá trị nguyên vật liệu đầu vào, làm cơ sở dẫn chứng cho việc xác định mức giá nhập khẩu hiện tại của nguyên vật liệu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có đúng giá trị thật hay đây là hành động chuyển giá. Đối với giá bán sản phẩm xuất khẩu: Khi doanh nghiệp FDI xuất khẩu sản phẩm tới những nước được coi là thiên đường của thuế Thu nhập doanh nghiệp hoặc những doanh nghiệp có mối quan hệ về lợi ích kinh tế như cùng nằm trong một tập đoàn, có vốn góp cổ phần, cơ quan thuế cần điều tra kiểm soát kỹ lưỡng giá bán, đặc biệt khi giá bán nhỏ hơn giá vốn hàng bán của sản phẩm. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Luật thuế thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và luật số 32/2013/QH13 2. OECD Transfer Pricing Guidelines for Multinational Enterpriceses and Tax Administrations (22 July 2010). 3. Tổng cục Thuế, Báo cáo kết quả khảo sát “Thực trạng quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá giữa doanh nghiệp Việt Nam với các bên liên kết giai đoạn 2006 -2010”, 2011, Hà Nội. 4. Nguyễn Khánh Thu Hằng, Nguyễn Thị Đoan Trang (2019), Hoạt động chuyển giá tại Việt Nam và những tác động đến nền kinh tế, chuyen-gia-tai-viet-nam-va-nhung-tac-dong-den-nen-kinh-te-302055.html 5. Đỗ Thiên Anh Tuấn (2018), Thực trạng chuyển giá và giải pháp chống chuyển giá ở Việt Nam, nam-136836.html