Đánh giá lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị
Bạn đang xem tài liệu "Đánh giá lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- danh_gia_loi_the_so_sanh_trong_xuat_khau_do_go_cua_viet_nam.pdf
Nội dung text: Đánh giá lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 ĐÁNH GIÁ LỢI THẾ SO SÁNH TRONG XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ CỦA VIỆT NAM THÔNG QUA CHỈ SỐ LỢI THẾ SO SÁNH HIỂN THỊ ASSESSING THE COMPARATIVE ADVANTAGE OF THE WOODEN PRODUCTS EXPORT IN VIETNAM THROUGH THE REVEALED COMPARATIVE ADVANTAGE INDEX Nguyễn Văn Nên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nennv@uel.edu.vn TÓM TẮT Bài viết dựa trên cách tiếp cận của Balassa (1965) và White (1987) về chỉ số lợi thế so sánh hiển thị RCA (Revealed Comparative Advantage) để tính toán và đánh giá lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian qua với bộ dữ liệu được lấy từ cơ sở dữ liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC). Kết quả cho thấy bằng sự nỗ lực phát triển, ngành gỗ Việt Nam từ vị thế không có lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ đã vươn lên trở thành một quốc gia có lợi thế so sánh và đứng hai trên thị trường thế giới và thứ nhất tại thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với việc phát triển chủ yếu theo chiều rộng, Việt Nam đã không thể duy trì vị thế đó trong một thời gian dài và lợi thế so sánh có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, sau khi đánh giá lợi thế so sánh, bài viết cũng phân tích một số điểm chính trong thực trạng sản xuất ngành hàng đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian qua để xem xét những hạn chế và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao lợi thế so sánh, tăng trưởng xuất khẩu cho ngành gỗ trong thời gian tới. Theo đó, ba nhóm giải pháp quan trọng được đặt ra là: chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh thương mại đồ gỗ. Từ khóa: lợi thế so sánh hiển thị, xuất khẩu, đồ gỗ. ABSTRACT This paper is based on the approach of Balassa (1965) and White (1987) on the RCA index (Revealed Comparative Advantage index) to calculate and evaluate the comparative advantage of Vietnam's wooden products export with the data collected from the database of the International Trade Center (ITC). The results show that with the efforts, RCA index of Vietnam's wooden products export is ranked the second in the world market and the first in the US market. However, with its unsustainable development, Vietnam has been unable to maintain that position for a long time and comparative advantage has decreased recently. After evaluating the comparative advantage, the article also analyzes the current situation of manufacturing wood products of Vietnam in recent years to review the limitations and propose solutions for enhancing the comparative advantage and export value of wood industry in the future. Accordingly, three important solutions are set out: preparing the raw materials supply for production, improving the production capacity and promoting the trade of wooden products. Keywords: Revealed Comparative Advantage, export, wooden furniture. 1. Giới thiệu Cùng với sự thay đổi trong chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới. Trong giai đoạn 2001-2018, nhiều mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, trong thời gian ngắn đã chiếm vị trí đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu. Trong số đó, có thể thấy nhóm ngành điện tử, điện thoại hầu như do các công ty có vốn FDI nắm giữ thị phần, ngành dệt may và giày dép chủ yếu xuất khẩu theo phương thức gia công với giá trị gia tăng thấp, ngành nông sản thường bị ảnh hưởng lớn và bấp bênh trước sự biến đổi của thời tiết và giá cả nước ngoài. Trong khi ngành hàng đồ gỗ ít có sự biến động, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh qua các năm và mang lại giá trị gia tăng cao cho đất nước. Trong gần một thập kỷ qua, Việt Nam đã có sự được sự thành công lớn trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng đến 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường quan 1234
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 trọng nhất với tỷ trọng kim ngạch chiếm khoảng 53% (ITC, 2018). Xét dưới góc độ lợi thế so sánh khi tham gia thương mại quốc tế theo chỉ số lợi thế so sánh hiển thị RCA thì gỗ và các sản phẩm gỗ là ngành hàng có lợi thế so sánh rất cao của Việt Nam từ năm 2001 đến nay. Tuy nhiên, Việt Nam phát huy lợi thế giá rẻ trong lao động và nguồn nguyên liệu rừng tự nhiên trong thời gian qua để phát triển ngành đồ gỗ đã gặp không ít khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế đã làm tăng giá cả lao động tại Việt Nam. Đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt về nhân công giá rẻ của các nước trong khu vực Asean như Lào, Campuhia và bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (là đối thủ lớn của Việt Nam trong xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ) đang gia tăng thì việc xác định cụ thể vị trí, lợi thế so sánh của ngành đồ gỗ xuất khẩu cùng với phân tích thực trạng sản xuất, để từ đó có những điều chỉnh định hướng, chính sách phát triển là vô cùng cần thiết. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết Các mô hình xác định lợi thế so sánh của quốc gia ở cấp độ ngành hay sản phẩm thông quan chỉ số lợi thế so sánh hiển thị đã được phát triển qua các nghiên cứu của Liesner (1958), Balassa (1965), White (1987), Greenaway và Milner (1993). Nhiều công trình nghiên cứu đã ứng dụng cơ sở lý thuyết và cách thức xác định chỉ số lợi thế so sánh của các nhà nghiên cứu nêu trên để nghiên cứu lợi thế so sánh của các quốc gia ở những nhóm ngành hay sản phẩm cụ thể, như là của Mahmood (2004), Batra & Khan (2005), Widgren & Mika (2005), John Weiss (2005), Macleans, Anna & Roseline (2012), Lalit (2013), Islam & Siddique (2014). Nghiên cứu này sẽ dựa trên công thức tính toán của Balassa (1965) để tính toán chỉ số lợi thế so sánh hiện thị RCA (Revealed Comparative Advantage) đối với ngành đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam. RCA lớn hơn 1 cho thấy quốc gia có lợi thế so sánh, RCA càng lớn thì lợi thế so sánh càng cao và ngược lại. Chỉ số RCA được xác định như sau: RCAij1 = (Xij/Xi) / (Xwj/Xw) Trong đó: - RCAij : Chỉ số lợi thế so sánh của nước i đối với sản phẩm j. - Xij : Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của nước i. - Xi : Tổng kim ngạch xuất khẩu của nước i. - Xwj : Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm j của thế giới. - Xw : Tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Bên cạnh đó, mô hình của White (1987) là một sự mở rộng mô hình của Balassa. Phương pháp này được tính toán dựa trên nguồn cung xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu của một hàng hóa nhất định trong một quốc gia. Do đó, chỉ số của White phản ảnh được kết quả lợi thế so sánh ròng (trong khi mô hình của Balassa chỉ đề cập đến phần xuất khẩu). Chỉ số lợi thế so sánh theo mô hình này được tính như sau: RCAij2 = (Xij/Xi) / (Xwj/Xw) - (Mij/Mi) / (Mwj/Mw) Trong đó: - RCAij : Chỉ số lợi thế so sánh của nước i đối với sản phẩm j. - Xij, Mij : Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm j của nước i. - Xi, Mi : Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của nước i. - Xwj, Mwj : Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm j của thế giới. - Xw , Mw : Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập của thế giới. Theo cách tính toán này, nếu RCAij1 > 1 và RCAij2 > 0 thì chứng tỏ cả hai mô hình đều phản ảnh đúng thực tế và kết quả là quốc gia i có lợi thế so sánh về sản phẩm j. Tuy nhiên, nếu kết quả không theo quy luật trên thì cả hai mô hình không nhất quán và chưa thể kết luận là sản phẩm j của quốc gia có lợi thế so sánh hay không. 1235
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 2.2. Phương pháp nghiên cứu Phân tích, đánh giá lợi thế so sánh các ngành sản phẩm của Việt Nam trên cơ sở chỉ số lợi thế so sánh (RCA) đã được các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đề cập từ cuối những năm 1990. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ dùng mô hình tính toán chỉ số lợi thế so sánh ban đầu do Balassa đề xuất dựa trên các số liệu xuất khẩu mà chưa đề cập đến các số liệu nhập khẩu của mặt hàng nghiên cứu. Hay nói cách khác, kết quả nghiên cứu trong các trường hợp này có khả năng chưa thể hiện một cách toàn diện lợi thế so sánh của các mặt hàng của Việt Nam. Do đó, nghiên cứu này sẽ dựa trên công thức tính RCA - Balassa, đồng thời sẽ sử dụng công thức RCA - White kiểm chứng lại kết quả để từ đó có những nhận định, đánh giá phù hợp nhất với thực tế về lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trên thị trường thế giới và cụ thể tại thị trường Hoa Kỳ. Dữ liệu nghiên cứu theo các biến số trong các công thức tính toán chỉ số RCA của Balassa và White được lấy từ kết quả xuất nhập khẩu của các nước theo mã HS 4 chữ số từ cơ sở dữ liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) năm 2018. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1. Lợi thế so sánh trong xuất khẩu ngành gỗ trên thị trường thế giới Xét về lợi thế so sánh theo chỉ số lợi thế so sánh hiện thị RCA - Balassa, trong nhóm 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới, có 6 quốc gia có lợi thế so sánh cao. Kiểm chứng bằng chỉ số RCA – White đối với 6 quốc gia này cho thấy tất cả các chỉ số đều lớn hơn 0. Điều này có nghĩa là có thể khẳng định 6 quốc gia Ba Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Italy, Cộng hòa Czech và Mexico là những quốc gia có lợi thế so sánh cao trong xuất khẩu đồ gỗ. Bảng 1: Chỉ số lợi thế so sánh RCA 10 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới Quốc gia 2003 2005 2007 2009 2011 2013 2015 2017 RCA – Balassa Poland 5,91 5,75 5,37 5,11 4,79 4,49 4,31 4,09 China 2,35 2,35 2,50 2,70 2,90 3,32 3,09 2,85 Viet Nam 2,03 3,09 3,95 3,94 3,83 2,91 2,59 1,86 Italy 3,12 3,02 2,91 2,87 2,63 2,29 2,11 1,92 Czech.R 2,44 2,47 2,31 2,23 2,08 1,82 1,93 1,09 Mexico 2,07 2,21 2,05 1,64 1,64 1,73 1,89 1,89 Germany 0,88 0,83 0,95 1,02 1,13 1,05 0,94 0,86 Canada 1,68 1,58 1,49 1,08 0,99 0,91 0,81 0,99 US 0,64 0,61 0,63 0,62 0,61 0,60 0,57 0,52 Netherlands 0,40 0,43 0,46 0,44 0,46 0,54 0,52 0,61 RCA - White Poland 4,83 5,01 4,92 4,45 4,21 4,09 3,98 3,75 China 2.21 2,32 3,44 2,46 2,75 3,11 2,88 2,67 Viet Nam 1.98 2,85 3,83 3,94 3,61 2,33 2,26 1,73 Italy 3.01 2,98 2,82 2,67 2,45 2,10 2,06 1,88 Czech.R 2.31 2,34 2,22 2,15 1,87 1,72 1,85 1,91 Mexico 1.92 1,98 1,92 1,33 1,21 1,52 1,65 1,74 Nguồn: Dữ liệu ITC, 2018 1236
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Trong số 6 quốc gia có lợi thế so sánh trong xuất khẩu gỗ cao nhất thế giới, Việt Nam từ một nước có lợi thế so sánh thấp nhất đã vươn lên xếp thứ hai thế giới chỉ sau Ba Lan từ năm 2005. Tuy nhiên, Việt Nam luôn có lợi thế so sánh cao nhưng lại có xu hướng giảm lợi thế so sánh kể từ năm 2007. Việt Nam chỉ có thể duy trì lợi thế so sánh thứ 2 thế giới sau Ba Lan đến năm 2011 và tiếp tục xu hướng giảm so với các quốc gia còn lại cho đến nay. Trong khi đó, Trung Quốc vốn có lợi thế so sánh thấp hơn Việt Nam và các nước nhưng đã tăng dần và xếp trên trên Việt Nam từ năm 2011 (tuy nhiên, xu hướng thay đổi lợi thế so sánh của Trung Quốc cũng giống như Việt Nam). Các quốc gia còn khác có xu hướng giảm lợi thế so sánh theo thời gian nhưng lại tăng trở lại trong những năm gần đây. Hình 1: Xu hướng lợi thế so sánh hiện thị trong xuất khẩu đồ gỗ của các quốc gia trên thị trường thế giới Nguồn: Dữ liệu ITC, 2018 Kết quả đánh giá lợi thế so sánh đồ gỗ xuất khẩu thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị cho thấy, Việt Nam đã không thể duy trì lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ sau một thời gian dài tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu dựa vào chiều rộng. Nghĩa là quá trình sản xuất và thương mại chủ yếu dựa trên nguồn gỗ tự nhiên dồi dào trong nước và nhân công giá rẻ đã không thể giúp Việt Nam duy trì được lợi thế khi mà các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc gỗ và mẫu mã hàng hóa ngày càng được các đối tác nhập khẩu yêu cầu khắc khe hơn. Trong khi các quốc gia còn lại lại chú trọng vào khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động, chủ động nguồn nguyên liệu hợp pháp để đáp ứng các yêu cầu mới của thế giới để có thể tạo đà tăng dần lợi thế so sánh. Xu hướng trên đặt yêu cầu cấp thiết cho Việt Nam trong việc xem xét các yếu tố ảnh hương đến xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, từ đó có những giải pháp phù hợp cho phát triển sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và nâng cao lợi thế so sánh trong xuất khẩu trong thời gian tới. 3.2. Lợi thế so sánh trong xuất khẩu ngành gỗ vào thị trường Hoa Kỳ Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu đồ gỗ đến hơn 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam lớn nhất đã chiếm tỷ trọng trên 85% với kim ngạch nhập khẩu đều trên 100 triệu USD/mỗi quốc gia, trong đó Hoa Kỳ chiếm trên 53% và là quốc gia duy nhất có kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam trên 1 tỷ USD (ITC, 2018). Đối với thị trường Hoa Kỳ, đây là một trong những thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất thế giới, với mức tiêu thụ trên 100 tỉ USD mỗi năm. Riêng với đồ gỗ nội thất, 70% nguồn cung cấp đến từ nhập khẩu và 30% do thị trường nội địa cung cấp. Sản lượng lượng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ giai đoạn 2012 – 2017 tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 8%/năm. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia có thị phần xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ lớn nhất và Việt Nam xếp thứ 4 trong nhóm các nước có kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào Hoa Kỳ (ITC, 2018). 1237
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 So với các nước có kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn 2012 – 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam giai đoạn này tăng trưởng tốt với trung bình 14%/năm (ITC, 2018). Hầu như lượng xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc, Canada và Mexico sang thị trường Hoa Kỳ cũng tăng tương tự. Với bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gia tăng và quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Mexico có chiều hướng không tốt đẹp do vấn đề về biên giới thì cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là rất khả quan. Hình 2: Thị phần xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ năm 2017 Nguồn: Dữ liệu từ ITC, 2018 Mặc dù chỉ chiếm thị phần 5% nhưng Việt Nam có lợi thế so sánh và vị thế cạnh tranh biểu hiện thông qua chỉ số lợi thế so sánh hiển thị không thua kém với các nước. Theo chỉ số RCA – Balassa thì cả năm nước có kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ đều có lợi thế so sánh trong xuất khẩu đồ gỗ. Trong đó, Việt Nam, Trung Quốc, Canada và Italy có lợi thế so sánh rất cao (RCA > 2,5) và Việt Nam là quốc gia có lợi thế so sánh cao nhất vào thị trường này. Bảng 2: Chỉ số lợi thế so sánh hiển thị đồ gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ NĂM 2001 2003 2005 2007 2009 2011 2013 2015 2017 RCA – Balassa Việt Nam 1,5 3,5 10,0 11,8 13,6 13,2 12,6 11,0 10,9 Canada 6,5 6,7 7,0 5,3 4,6 4,4 5,1 5,6 6,5 Trung Quốc 6,7 7,0 7,1 7,7 8,8 9,2 10,1 10,4 10,5 Mexico 1,3 1,4 1,4 1,2 1,2 1,2 1,5 1,5 1,5 Italy 6,2 6,3 4,6 4,4 4,1 3,8 4,0 3,8 3,8 RCA – White Việt Nam 0,9 2,9 7,9 9,1 11,8 11,3 10,2 9,5 9,6 Canada 5,3 5,6 5,9 4,2 3,2 3,0 3,8 4,5 5,4 Trung Quốc 6,4 6,6 6,6 7,2 8,4 8,1 9,1 9,6 8,7 Mexico 0,7 0,8 0,8 0,6 0,6 0,6 0,7 0,8 0,9 Italy 5,4 5,5 3,9 3,5 3,3 3,1 3,4 3,3 3,4 Nguồn: Dữ liệu từ ITC, 2018 1238
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Kiểm chứng bằng chỉ số RCA – White thì vị trí lợi thế ngành đồ gỗ của 5 nước tương đối phù hợp với chỉ số của Balassa và không có sự thay đổi về vị trí lợi thế. Như vậy thông qua chỉ số RCA – Balassa và RCA – White thì vẫn có thể khẳng định 4 nước Việt Nam, Trung Quốc, Canada và Italy có vị thế cạnh tranh cao trong xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ xét trên phương diện chỉ số lợi thế so sánh hiển thị. Về xu hướng thay đổi lợi thế so sánh, với nỗ lực sản xuất và phát triển, ngành gỗ của Việt Nam từ một vị thế có lợi thế so sánh thấp hơn các nước còn lại đã vươn lên dẫn đầu các nước từ năm 2005 đến nay. Tuy nhiên, kể từ năm 2009, lợi thế so sánh hiển thị của ngành gỗ Việt Nam bắt đầu giảm, trong khi Trung Quốc và Canada là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ lại có xu hướng tăng lợi thế so sánh. Kết quả này cũng đặt thách thức cho Việt Nam trong việc thực hiện các chiến lược phát triển ngành gỗ nhằm cũng cố vị trí lợi thế vốn có tại thị trường Hoa Kỳ. Hình 3: Xu hướng thay đổi lợi thế so sánh các nước xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ Nguồn: Dữ liệu từ ITC, 2018 3.3. Thực trạng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam Thứ nhất, về số lượng doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ Ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đứng thứ 7 sau điện thoại, dệt may, điện tử, giày dép, máy móc và thủy sản (ITC, 2018). Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ đứng đầu Đông Nam Á. Chất lượng sản phẩm đồ gỗ Việt Nam luôn được nâng cao, có khả năng cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong chuỗi giá trị ngành gỗ, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ đóng vai trò hạt nhân. Xét theo tính pháp lý của các chủ thể sản xuất, có thể chia các chủ thể chế biến gỗ thành 3 nhóm: các doanh nghiệp chế biến gỗ, các cơ cở chế biến gỗ nằm trong các làng nghề và nhóm hộ gia đình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gỗ. Thứ hai, về quy mô doanh nghiệp chế biến gỗ Mặc dù đứng đầu Asean về kim ngạch xuất khẩu gỗ nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ Việt Nam là có quy mô nhỏ và vừa. Xét theo quy mô lao động thì có đến thì chỉ có khoảng 4,5% doanh nghiệp vừa và lớn, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Xét theo quy vốn đầu tư, các tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và lớn có khoảng 7%. Theo nguồn góc vốn thì số doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm khoảng 5%, doanh nghiệp FDI chiếm 15,2% và doanh nghiệp sở hữu nhân trong nước chiếm 79,8% (VnDirect, 2016). Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng mặc dù số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI ít hơn rất nhiều so với số lượng doanh nghiệp nội địa nhưng đóng góp của khu vực này cho xuất khẩu các sản phẩm gỗ lại lớn hơn rất nhiều so với tỷ lệ doanh nghiệp, với trung bình khoảng 40% kim ngạch mỗi năm (VCCI, 2014). 1239
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Thứ ba, về lao động trong ngành chế biến gỗ Theo VIFORES (2016), quy mô lao động trong ngành chế biến gỗ hiện nay vào khoảng 300.000 người. Trong số đó, số lượng lao động có trình độ đại học chuyên ngành chế biến lâm sản chỉ chiếm 2-3% (khoảng 6 đến 9 nghìn người), công nhân kỹ thuật chiếm 20-30%, số còn lại là lao động phổ thông. Với số lượng 4.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ có khoảng 2 lao động có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, yêu cầu số lượng kỹ sư có trình độ đại học cần từ 7-10%/tổng số lao động (20-30 nghìn kỹ sư), như vậy có thể thấy số lượng kỹ sư chế biến lâm sản cần thiết cho ngành phải còn thiếu đến hàng nghìn mỗi năm. Thứ tư, về công nghệ sản xuất Nhìn chung, các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ trong thời gian qua đã có những cải tiến nhất định. Các doanh nghiệp lớn sản xuất đồ gỗ đã đầu tư những dây chuyền sản xuất chuyên môn hóa các công đoạn. Điều này giúp nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm được nhiều nguyên trong sản xuất hơn. Quá trình cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI đặt đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp trong nước phải cải tiến công nghệ và vận hành sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng hiện đại (Forest Trends, 2019). Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ công nghiệp thường xuyên đầu tư các máy móc thiết bị hoặc công nghệ cho sản xuất thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ sử dụng các thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn hay thị trường yêu cầu cao về chất lượng và độ chính xác. Bên cạnh các công nghệ sản xuất các dòng sản phẩm đồ gỗ, nhiều công nghệ sản xuất nguyên liệu như sản xuất dăm gỗ, ván gỗ nhân tạo cũng được đầu tư nhằm phù hợp với tính hình sản xuất trong nước và yêu cầu đầu ra các sản phẩm xuất khẩu. Thứ năm, về năng lực và chủng loại sản xuất Về năng lực sản xuất, với khoảng 4.200 doanh nghiệp và quy mô lao động 300.000 nghìn lao động trên cả nước, hàng năm ngành chế biến gỗ tạo ra giá trị sản xuất lên đến hơn 10 tỷ USD mỗi năm. Năng lực sản xuất trung bình giai đoạn 2010-2018 tăng 5% mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu đứng đầu các nước Đông Nam Á, đứng thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu luôn nằm trong 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (ITC, 2018). Tuy nhiên, năng lực trong sản xuất ngành chế biến gỗ của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Mặc dù với số lượng doanh nghiệp và nguồn lao động phục vụ tương đối lớn mà ngành chế biến gỗ Việt Nam là có năng suất lao động thấp hơn do mẫu mã và công nghệ chế biến chưa hiện đại. Về chủng loại sản phẩm, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm đồ gỗ (mã hàng hóa HS 94) với các sản phẩm đa dạng như đồ gỗ ngoài trời các loại, bàn ghế gỗ, đồ nội thất trong nhà, đồ nội thất văn phòng và các sản phẩm từ gỗ (mã hàng hóa HS 44) như gỗ nguyên liệu, dăm gỗ, ván gỗ nhân tạo, các thành phẩm có nguồn góc từ gỗ, bộ phận gỗ Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ đa dạng, sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng các mẫu mã lại hầu như phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Điều đó có nghĩa là mặc dù có năng lực sản xuất nhưng Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu đồ gỗ riêng, mà chủ yếu gia thực hiện thụ động theo các mẫu mã được đặt hàng. Do đó, tuy ngành chế biến gỗ Việt Nam được coi là hội nhập sâu với thị trường quốc tế, chiếm thị phần lớn trên giới nhưng giá trị mang lại chưa tương xứng với khả năng sản, Việt Nam chưa tạo được những sản phẩm đặc trưng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của thế giới. Thứ sáu, về liên kết và chuỗi cung ứng ngành chế biến gỗ Ngành chế biến gỗ có liên quan đến nhiều tác nhân khác và chuỗi cung ứng bao gồm nhiều tác nhân liên quan. Trong chuỗi cung ứng đồ gỗ, ngoài doanh nghiệp chế biến gỗ bao gồm các công ty, hộ gia đình trồng rừng, khai doanh nghiệp thác gỗ, doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp nhập khẩu và cung ứng nguyên liệu gỗ, doanh nghiệp cung ứng các nguyên liệu phụ trợ khác, doanh nghiệp thương mại. 1240
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 Liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng là một yêu cầu quan trọng để gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực liên quan và gia tăng giá trị gia tăng cho các tác nhân tham gia vào chuỗi cung ứng. Sự thiếu vắng liên kết trong ngành gỗ hiện nay không những làm giảm đi hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm lợi nhuận cho các bên liên quan mà còn làm mất cơ hội thị trường trong trường hợp đáp ứng các yêu cầu đơn hàng lớn từ các đối tác nhập khẩu. Các hiệp hội gỗ đại diện cho các doanh nghiệp của ngành có vai trò quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy liên kết. Tuy nhiên, vai trò này hiện đang còn hạn chế, bởi các khó khăn do nguồn lực con người và tài chính, tiếp cận thông tin, thực quyền được trao cho các hiệp hội bởi các cơ quan quản lý. Đặc biệt là mâu thuẫn về lợi ích còn tồn tại giữa các thành viên trong cùng một hiệp hội cũng góp phần làm giảm đi vài trò của hiệp hội trong việc thúc đẩy liên kết trong chuỗi cung ứng. Liên kết trong chuỗi cung ứng ngành chế biến gỗ tại Việt Nam được diễn ra chủ yếu theo các hình thức sau: liên kết trồng rừng, nhập khẩu nguyên liệu – sản xuất chế biến; liên kết sản xuất chế biến nguyên liệu và sản xuất chế biến đồ gỗ thành phẩm; liên kết sản xuất đồ gỗ thành phẩm và doanh nghiệp phân phối. Các mối liên kết trong chuỗi cung ứng ngành chế biến gỗ tại Việt Nam tương đối rời rạc và đứt quảng, vẫn chưa hình thành được một chuỗi liên kết xuyên suốt từ trồng rừng/nhập khẩu – chế biến nguyên liệu – chế biến thành phẩm – thương mại. Quá trình liên kết chưa chặc chẽ là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến năng suất lao động thấp và khả năng cạnh tranh của ngành gỗ nói chung và các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nói riêng của Việt Nam nói riêng chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. 3.4. Những hạn chế trong phát triển ngành gỗ Mặt dù đạt được những kết quả đáng khả quan trong thời gian phát triển vừa qua, nhưng ngành chế biến gỗ nói chung và sản xuất đồ gỗ nói riêng của Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Những khó khăn này có thể tiếp tục là những rào cản cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới nếu không có những giải pháp phát triển đồng bộ. Thứ nhất, về nguyên liệu sản xuất. Mặc dù nguồn cung ứng trong nước có thế đáp ứng được 3/4 nhu cầu nhưng nguồn nguyên liệu chất lượng cho sản xuất đồ gỗ cơ bản vẫn còn những khó khăn. Cụ thể là: (i) Hầu hết gỗ rừng trồng được khai thác có đường kính nhỏ, chất lượng thấp, chủ yếu được dùng để sản xuất dăm gỗ và ván gỗ nhân tạo (Bộ NN&PTNN, 2017). Do đó, khó có thể phục vụ cho sản xuất các mặt hàng đồ gỗ chất lượng cao để xuất khẩu. (ii) Lượng gỗ đủ chất lượng cung ứng trong nước chỉ mới có thể cung ứng được khoảng 47% nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, mặc dù tỷ lệ nội địa có tăng nhưng với tốc độ rất chậm, vẫn phụ thuộc không nhỏ vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. (iii) Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến nay mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng diện tích rừng Việt Nam, chưa tới 10% rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017). Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc giải trình nguồn gốc gỗ nguyên liệu với quốc gia nhập khẩu. (iv) Nguồn nguyên liệu có rủi ro pháp lý cao vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu gỗ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các rủi ro về mặt pháp lý khi xuất khẩu thành phẩm có nguồn nguyên liệu không rõ ràng. Thứ hai, về hoạt động sản xuất đồ gỗ. Với sự tăng trưởng mạnh của thị trường trong những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam mặc dù có những phát triển đáng kể nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục nếu muốn tận dụng tốt nhất những cơ hội từ thị trường trong thời gian tới. Những hạn chế đó là: (i) Số lượng doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu nhiều nhưng hầu hết đều có là có quy mô nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 4,5% nếu xét quy mô lao động hoặc 7% nếu xét quy vốn đầu tư (Forest Trends, 2019). 1241
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 (ii) Các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ hầu hết đều thiếu và yếu về nguồn lực, đặc biệt là vốn và công nghệ, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và khả năng mở rộng phát triển xuất khẩu đồ gỗ. (iii) Số lượng lao động trong ngành hàng chế biến gỗ rất lớn và chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bài bản, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, năng suất lao động trong ngành chế biến gỗ ở Việt Nam còn thấp. (iv) Mối liên kết trong chuỗi cung ứng ngành chế biến gỗ tại Việt Nam tương đối rời rạc và đứt quảng. Vẫn chưa hình thành được một chuỗi liên kết xuyên suốt từ trồng rừng/nhập khẩu – chế biến nguyên liệu – chế biến thành phẩm – thương mại nên khả năng cạnh tranh của ngành hàng trên thị trường kém. Thứ ba, về hoạt động xuất khẩu đồ gỗ. Bên cạnh kết quả xuất khẩu cao, xuất siêu qua nhiều năm liền và vượt chỉ tiêu chiến lược ngành gỗ đến năm 2020 thì hoạt động xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian quan cũng còn những hạn chế nhất định. Đó là: (i) Mặc dù xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, nhưng đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhiều thị trường trọng điểm với kim ngạch hơn 85% vào 10 quốc nhập khẩu nhiều nhất (ITC, 2018). (ii) Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI vẫn chiếm áp đảo so với các doanh nghiệp nội địa, chiếm khoảng 16% số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nhưng khu vực FDI lại sở hữu đến 47% kim ngạch xuất khẩu (Bộ Công thương, 2019). (iii) Lợi thế so sánh trong xuất khẩu của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam mặc dù đang ở mức cao nhưng có xu hướng giảm dần do quá trình sản xuất và thương mại chủ yếu dựa trên nguồn gỗ tự nhiên dồi dào trong nước và nhân công giá rẻ trước đây ngày càng mất dần lợi thế. 4. Một số giải pháp phát triển Để có thể nâng cao lợi thế so sánh cho ngành gỗ để có thể tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngành gỗ Việt Nam cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính sau: Thứ nhất, chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất. Trước hết, cần tiến hành dự báo nhu cầu nguồn gỗ nguyên liệu cách khoa học, bài bản và chi tiết. Kết quả dự báo nhu cầu nguồn nguyên liệu gỗ sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ trên phạm vi cả nước. Đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, cần xây dựng cổng thông tin về nguyên liệu gỗ là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp có thể tham khảo các thông tin về nguồn nguyên liệu gỗ, chủ động hơn trong việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu hợp pháp và tránh dự trữ tồn kho nguyên liệu trong thời gian quá dài. Thứ hai, đẩy mạnh các liên kết trong quá trình sản xuất. Về dài hạn, ngành chế biến gỗ cần được vận hành theo một chuỗi liên kết xuyên suốt từ trồng rừng/nhập khẩu – chế biến nguyên liệu – chế biến thành phẩm – thương mại để tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng trên thị trường. Trong ngắn hạn có thể hình thành các liên kết ngắn với một vài mắc xích trong chuỗi cung ứng và dần dần kết nối các liên kết ngắn thành các liên kết dài hơn để hình thành và vận hành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Về nguyên tắc, tiến trình liên kết trong chuỗi cung ứng là do thị trường điều tiết và vận hành. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến trình này trong giai đoạn đầu, chính phủ cần có những ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp có các liên kết trong sản xuất đồ gỗ. Đồng thời, cần thay đổi tư duy trong việc nâng cao công nghệ sản xuất từ việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chế biến gỗ để nhập khẩu máy móc thiết bị sang đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ khí về máy móc trong ngành chế biến gỗ. Nếu làm tốt điều này thì bên cạnh việc hạ giá thành máy móc chế biến gỗ, Việt Nam có thể mở rộng sản xuất, chế tạo và xuất khẩu máy móc chế biến gỗ. Thứ ba, xây dựng chiến lược xuất khẩu cụ thể vào thị trường trọng điểm Hoa Kỳ và các thị trường mới. Cần thay đổi tư duy trong tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp Việt phải chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng để sản xuất và bán những sản phẩm thị trường cần, mà không phải là luôn luôn đẩy mạnh xây dựng và quảng bá sản phẩm chúng ta đang sẵn có. Đặc biệt trong chiến lược phát triển ngành gỗ Việt Nam, cần xác định rõ phải có một vài thương hiệu quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới với một lộ trình thực hiện cụ thể trong ngắn và dài hạn. 1242
- INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019 5. Kết luận Với những nền tảng sản xuất đã xây dựng được, cùng với bối cảnh thương mại thế giới được cho là có lợi cho Việt Nam, dự báo trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của cả nước. Thực trạng sản xuất và xuất khẩu ngành chế biến gỗ nói chung và đồ gỗ nói riêng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy đã có kết quả phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, ngành hàng đồ gỗ xuất khẩu vẫn có những hạn chế nhất định trong nguồn nguyên liệu, quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất và thương hiệu sản phẩm để tiếp cận thị trường. Do đó, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển nguồn cung nguyên liệu nội địa, tăng cường tính hợp pháp trong xuất xứ nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu để có thể nâng cao lợi thế so sánh của ngành chế biến gỗ và thật sự trở thành ngành mũi nhọn của Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng cao và nâng cao lợi thế so sánh trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Balassa, B. Trade Liberalisation and ‘Revealed’ Comparative Advantage. The Manchester School 1965 (33): 99-123. [2] Batra and Khan. Revealed comparative advantage: an analysis for India and China. Indian Council for Research on International Economic Relations. Working Paper (2005): 168. [3] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo cáo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp trong thời gian tới. Hà Nội: Hội nghị chính phủ tháng; 4/2017. [4] Bộ Công thương. Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2018. Hà Nội; 02/2019. [5] Forest Trends. Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Bức tranh thực trạng. Hội thảo công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Hà Nội; 2/2019. [6] Greenaway, D. & C. Milner. Trade and Industrial Policy in Developing Countries: A Manual of Policy Analysis. The Macmillan Press, esp. Part IV EvaluatingComparative Advantage 1993: 181-208. [7] Islam & Siddique. Revealed Comparative Advantage of Bangladeshi Leather Industry with Selected Asian Economies. Journal of Business and Management (IOSR-JBM) 2014 (Vol 16-12): 44-51. [8] ITC. Dữ liệu Trade map từ Trung tâm thương mại thế giới được lấy tại: org/Index.aspx?lang=fr; 2018. [9] John Weiss. Export Growth and Industrial Policy: Lessons from the East Asian Miracle experience. ADB Institute Discussion Paper 2005 (26):72 – 94. [10] Liesner, H. The European Common Market and British Industry. The Economic Journal 1958 (68): 302-316. [11] Lalit Mohan Kathuria. Analyzing competitiveness of clothing export sector of India and Bangladesh. International Business Journal 2013 (Vol. 23-2): 131-157. [12] Mahmood, A. Export Competitiveness and Comparative Advantage of Pakistan’s Non- agricultural Production Sectors: Trends and Analysis. Pakistan Development Review 2004 (43 - 4): 541-561. [13] Macleans, M., Anna, C. & Roseline, K. An Analysis of Comparative Advantage and Intra- North American Free Trade Agreement (NAFTA) Trade Performance. Journal of Sustainable Development 2012 (5 -11): 36-49. [14] VCCI. Báo cáo nghiên cứu ngành chế biến gỗ, Dự án Hỗ trợ Hiệp hội thực hiện nghiên cứu chiến lược phát triển ngành. Hà Nội; 2014. [15] VnDirect. Báo cáo phân tích tổng quan ngành chế biến gỗ Việt Nam, Báo cáo phân tích đầu tư thường niên của VnDirect. Hà Nội; 2016. [16] VIFORES. Nhân lực ngành gỗ cần nhiều trí tuệ và sự sáng tạo. Tạp chí gỗ việt 2016 (78). [17] White, T. K. Comparative Advantage, Competitive Advantage and U.S Agricultural Trade, USDA, ERS, International Economics Division. Working Paper 1987: 87-2. [18] Widgren & Mika. Revealed comparative advantagein the internal market. Paper presented at 2nd Euroframe conference in Vienna; 2005. 1243