Những nhân tố ảnh hưởng đến tình hình tài chính toàn diện tại Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 24/05/2022 1670
Bạn đang xem tài liệu "Những nhân tố ảnh hưởng đến tình hình tài chính toàn diện tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_nhan_to_anh_huong_den_tinh_hinh_tai_chinh_toan_dien_ta.pdf

Nội dung text: Những nhân tố ảnh hưởng đến tình hình tài chính toàn diện tại Việt Nam

  1. NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM ThS. Trần Thị Thuỷ Anh Đại học Quốc gia Hà Nội Tóm tắt Nghiên cứu trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của tài chính toàn diện (TCTD) từ góc độ các nhóm lợi ích liên quan. Đối với cá nhân, hộ gia đình sử dụng (DVTC), các rào cản bao gồm chi phí DVTC, hạn chế về kiến thức tài chính, rào cản tâm lý nợ, và thủ tục thiếu linh hoạt của DVTC. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, DVTC trở nên thiếu hấp dẫn do các trở ngại địa lý và quy trình thủ tục pháp lý. Đối với các bên cung cấp DVTC, công nghệ trong tài chính ngân hàng và khung pháp lý là hai yếu tố ảnh hưởng chính. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển TCTD là xây dựng một chiến lược tổng quan với sự chủ động lãnh đạo của Nhà Nước thông qua các chính sách liên quan tới TCTD. Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp DVTC trong việc thúc đẩy TCTD, đặc biệt đối với những đối tượng khách hàng bị ngoại trừ tài chính do những yếu tố nêu trên. Từ khoá: Tài chính toàn diện, yếu tố ảnh hưởng. 1. Giới thiệu Một hệ thống TCTD với khả năng cung cấp và phục vụ cho mọi thành viên trong xã hội đang trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Điều này chủ yếu xuất phát từ những lợi ích quan trọng của TCTD lên toàn bộ nền kinh tế nói chung mà cụ thể là thúc đẩy kinh tế và xóa đói giảm nghèo trên cơ sở của việc thúc đẩy các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình tham gia hệ thống tài chính quốc gia (Allen et.al., 2012). Là một trong nhóm 25 quốc gia được ưu tiên tập trung phát triển toàn diện tài chính theo Sáng kiến Phổ cập tiếp cận Tài chính (UFA) đến năm 2020, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng nhằm phát triển hệ thống TCTD một cách tổng thể (Khuyen & Phuong, 2018). Nền móng cho sự phát triển này có thể kể đến những nỗ lực hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về TCTD kể từ năm 2016. Tuy nhiên, theo Allen et.al. (2012) để đảm bảo thành công một cách bền vững, cần hiểu rõ những yếu tố tác động hoạt động của hệ thống TCTD nói chung cũng như những đối tượng cụ thể tham gia vào hệ thống đó. Trên thực tế, dù đã có nhiều nghiên cứu về hệ thống TCTD, vẫn chưa có nhiều mối quan tâm đến các đối tượng có lợi ích gắn với hệ thống này. Nhằm bổ sung những hạn chế hiện tại trong hiểu biết về TCTD và đóng góp vào sự phát triển của TCTD tại Việt Nam, bài viết này xin đưa ra những phân tích chuyên sâu về các tác nhân ảnh hưởng đến hệ thống TCTD dưới góc nhìn tập trung vào các nhóm lợi ích liên quan (Stakeholders), cụ thể là từ cả người sử dụng DVTC lẫn bên cung cấp dịch vụ. Bài viết tập trung vào 2 phần, bắt đầu bằng việc thảo luận từng nhóm đối tượng sẽ được phân tích với bối cảnh gắn với kinh tế Việt Nam cũng như so sánh tương quan với các quốc gia khác. Dựa vào đó, phần thứ 2 sẽ tóm tắt lại những vấn đề còn tồn tại và đề xuất các giải pháp tương ứng nhằm hỗ trợ phát triển TCTD ở Việt Nam. 95
  2. 2. Các tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của TCTD 2.1. Phía người sử dụng dịch vụ Đã có rất nhiều nghiên cứu về yếu tố thúc đẩy cũng như cản trở việc sử dụng DVTC cũng như tình trạng loại trừ tài chính. Trong đó, cần phải nhấn mạnh rằng mỗi đối tượng người sử dụng dịch vụ lại có nhu cầu và đặc điểm khác nhau dẫn đến nguyên nhân bị loại trừ tài chính khác nhau. Theo phân loại của Soriano (2017), đối tượng người sử dụng dịch vụ có thể được chia thành 2 nhóm chính là nhóm cá nhân/hộ gia đình và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần phân tích dưới đây sẽ thảo luận cả 2 nhóm này để xác định các yếu tố ảnh hưởng 2.1.1. Nhóm người dùng cá nhân và hộ gia đình Kiến thức hạn chế về tài chính: Nghiên cứu của Morgan & Trinh (2018) đã chỉ ra rằng một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng loại trừ tài chính xảy ra đối với một bộ phận lớn người dùng tài chính là cá nhân và hộ gia đình ở những nước đang phát triển tới từ rào cản kiến thức tài chính cũng như những thủ tục rườm rà liên quan đến thủ tục cho vay. Morgan & Trinh (2018) cũng nhấn mạnh rằng chính những hạn chế về hiểu biết của đại đa số những người thuộc nhóm thu nhập thấp trong xã hội làm họ khó tiếp cận những khoản vay dù đôi khi họ có đủ điều kiện cho những khoản vay đó. Điều này dẫn đến sự tồn tại của một nghịch lý trong thị trường tài chính: trong khi ngân hàng có nhu cầu cung cấp DVTC không đạt được mục tiêu thì người dân có nhu cầu (có tài chính cho vay hoặc có nhu cầu vay) cũng không thể tham gia thị trường tài chính. Cũng cần phải thấy rằng khi người dân hạn chế về hiểu biết đối với các DVTC, luôn có những niềm tin hoặc nhận thức sai lệch về các sản phẩm tài chính và do đó những rào cản tâm lý lại càng trở nên mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình là quan điểm về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ ở những người ít tìm hiểu về các sản phẩm này là thường cảm thấy dễ bị lừa tham gia dịch vụ (Ibor, Offiong & Mendie, 2015). Điều này làm gia tăng nỗ lực cần thiết để xây dựng hệ thống TCTD hiệu quả. Rào cản chi phí tài chính: Một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ loại trừ tài chính là chi phí của các DVTC. Theo Pallavi and Bharti (2013), người dân ở các vùng nông thôn thường miễn cưỡng tham gia các DVTC nhưng những rào cản liên quan đến chi phí bao gồm yêu cầu tiền gửi tối thiểu cao, chi phí cố định của thẻ tín dụng hay phí khoản vay khiến cho nhiều người ngại phải cam kết lâu dài với các DVTC. Đó là chưa kể đến các điều kiện còn kém hấp dẫn của các dịch vụ cho vay tiêu dùng, DVTC mà phần lớn người sử dụng là cá nhân và các hộ gia đình đang cần thiết và quan tâm ngày một nhiều hơn. Nguyên nhân chính là tại Việt Nam, lãi suất cho vay tiêu dùng còn rất cao bởi mức độ rủi ro lớn và lạm phát cao. Trung bình, các công ty tài chính đang áp lãi suất vay tiêu dùng trong khoảng 20% đến 50% khoản vay mỗi năm, cao gấp đôi đến 5 lần so với vay thương mại (Phan, 2018). Cũng cần phải nói rằng việc lãi cho vay tiêu dùng cao hơn nhiều lần so với lãi suất cơ bản là một điều bình thường. Ví dụ như lãi suất vay tiêu dùng của Mỹ lên đến 36% trong khi EU là 25%. Tuy nhiên, dải lãi suất đến mức 50% ở Việt Nam thực sự gây ra một cản trở lớn đối với những cá nhân và hộ gia đình có ý định tham gia các chương trình vay này. Ở một thống kê khác, so với các nước trong khu vực, chỉ số cho vay tiêu dùng của Việt Nam thấp hơn đáng kể bất chấp việc chỉ số về thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tùy ý ở mức cao nhất (Phan, 2018). 96
  3. Hình 1: So sánh chỉ số tiêu dùng và thu nhập các nước ASEAN, (Nguồn: Phan, 2018) Rào cản tâm lý nợ: Một yếu tố khác ảnh hưởng đến TCTD là rào cản tâm lý. Cụ thể thì yếu tố này miêu tả tâm lý là không muốn đi vay để tiêu dùng vì phải trải qua các thủ tục và mang tâm lý mắc nợ ngân hàng (Man, 2018). Do đó họ có xu hướng đi vay người thân, bạn bè hoặc các hệ thống tài chính phi chính thức chứ không tham gia vào các DVTC chính thức. Thống kê của World Bank (2014) ước tính Việt Nam có đến 65% người gửi hoặc vay tiền từ các hệ thống không chính thức, trong khi phần lớn người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán tiện ích (điện, nước, tiền dịch vụ) bằng tiền mặt. Đây có thể coi là một thách thức không nhỏ cho hệ thống TCTD tại những nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Thủ tục cho vay thiếu linh hoạt: Đối với nhóm cá nhân và hộ gia đình là đối tượng chính của loại trừ tài chính, có một vấn đề lớn khi tiếp cận các khoản vay là thủ tục cho vay rườm rà, thiếu linh hoạt còn gây ra những hạn chế lớn (Rahman, Zainuddin và Zaini, 2015).Về cơ bản, thủ tục vay đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro tín dụng cho bên vay cũng như đảm bảo các cam kết và trách nhiệm của bên đi vay. Tuy nhiên, do đặc thù của các cá nhân và hộ gia đình có thu nhập thấp là nguồn thu nhập thiếu ổn định, thậm chí không có đảm bảo cho nguồn tiền thu nhập do phần lớn làm lao động tự do, việc không đáp ứng được các tiêu chí đề xuất bởi ngân hàng và trở thành đối tượng của giảm trừ tài chính diễn ra rất thường xuyên. Việc thiếu các chính sách làm đơn giản hóa thủ tục vay mà vẫn đảm bảo rủi ro tài chính ở mức chấp nhận được là một vấn đề cần được lưu ý nhiều hơn. 2.1.2. Nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Trở ngại địa lý: Khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tần suất và nhu cầu vay cao, do đó một nhân tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của hệ thống TCTD khi cung cấp DVTC cho đối tượng khách hàng này chính là tính thuận tiện của nhà cung cấp (Han & Melecky, 2013). Tuy nhiên, chi phí cao của việc duy trì hoạt động tại các vùng quê và miền núi làm cho mật độ của các trụ sở cung cấp tài chính ở các khu vực này còn rất thấp so với khu vực thành phố (Jimenez, 2014, trích dẫn bởi Nguyễn và Nguyễn, n.d). Trong khi đó, một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực thủ công và nông nghiệp như tại Việt Nam lại tập trung ở các vùng nông thôn. Dù đã có những ngân hàng đặc thù phục vụ cho nhóm các doanh nghiệp này mà tiêu biểu là Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, khoảng cách địa lý vẫn là một trở ngại lớn dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn thực hiện các giao dịch thường xuyên. 97
  4. Quy trình thủ tục pháp lý: Tương tự nhóm người dùng cá nhân và hộ gia đình, các giấy tờ thủ tục phức tạp liên quan đến vay vốn cho doanh nghiệp cũng góp phần làm gia tăng sự loại trừ tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay cả khi những thủ tục được đơn giản hóa, những quy trình bắt buộc như yêu cầu về thế chấp và quá trình thẩm định tài sản vẫn làm cho hệ thống tài chính chính thức kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với với hệ thống phi chính thức, nơi có tính tiếp cận và tính có sẵn cao hơn các ngân hàng nhiều lần (Han & Melecky, 2013). Khi mà nhu cầu tài chính ngắn hạn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cao, việc sử dụng hệ thống tài chính phi chính thức do đó vẫn được ưa chuộng hơn, bất kể chi phí cao hơn nhiều so với niêm yết trung bình của hệ thống ngân hàng 2.2. Phía cung cấp dịch vụ Theo nghiên cứu của Kabakova và Plaksenkov (2018), yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến phía cung cấp dịch vụ trong TCTD chính là công nghệ và khung pháp lý hỗ trợ cho triển khai TCTD trên quy mô lớn. Những yếu tố này cũng nhận được sự ủng hộ từ báo cáo của Jimenez (2014, trích dẫn bởi Nguyễn và Nguyễn, n.d), trong đó tác giả nhấn mạnh rằng các mô hình ứng dụng công nghệ là cần thiết để nâng cao khả năng các nhà cung cấp DVTC (bao gồm các ngân hàng và quỹ tín dụng) có thể phủ sóng hoạt động và tiếp cận các đối tượng có nhu cầu tài chính cơ bản một cách cấp thiết nhất. Những mô hình ứng dụng công nghệ này bao gồm ngân hàng di động và thanh toán di động (e-banking), mô hình đại lý ngân hàng, công nghệ xác thực nhân thân và báo cáo tín dụng. Bên cạnh đó, một khung pháp lý sẽ không chỉ hướng dẫn và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nhà cung cấp DVTC tham gia vào thực thi chiến lược TCTD mà còn tăng cường năng lực quản lý giám sát cho các cơ quan quản lý. 2.2.1. Yếu tố ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ Ứng dụng công nghệ trong giải quyết thách thức của khoảng cách địa lý: Sự phát triển của công nghệ di động và công nghệ thanh toán đang đóng một vai trò thiết yếu trong kỷ nguyên số. Với sự ra đời của ngân hàng di động nhờ sự hợp tác giữa các ngân hàng và công ty viễn thông mà hoạt động cung cấp tài chính trở nên thuận tiện hơn gấp nhiều lần. Điều này mở ra triển vọng cho các ngân hàng và các quỹ tín dụng trong việc tiếp cận người dân có nhu cầu tài chính ở những vùng miền xa xôi, đặc biệt khi những người này lại thường có tỷ lệ thiếu thốn tài chính lớn nhất (Soriano, 2017). Trên thực tế, việc mở cửa hoặc duy trì hoạt động của các ngân hàng ở những khu vực nông thôn và miền núi luôn là khó khăn cho bất kỳ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào với mật độ dân số thưa và địa hình không thuận tiện cho việc đi lại của người dân (Clamara, Pena & Tuesta, 2014). Đây cũng là một nguyên nhân chính cho việc các kênh cung cấp DVTC chính thức không thể cạnh tranh được với các kênh cung cấp tài chính phi chính thức, bất chấp rủi ro và lãi suất thấp hơn. Với công nghệ mới trong ngân hàng di động, các giao dịch có thể thực hiện trực tiếp thông qua mạng di động dựa vào hệ thống PIN. Điều này góp phần cải thiện khả năng tiếp cận của ngân hàng đối với những đối tượng khách hàng này trong khi chi phí quản lý, tốc độ xử lý và chất lượng dịch vụ đều được cải thiện. Tất nhiên, ưu điểm này của ngân hàng di động cũng như các giải pháp thanh toán di động đi kèm những rủi ro nhất định cho cả nhà cung cấp lẫn người sử dụng DVTC mà điển hình là vấn đề bảo mật (Soriano, 2017). Đó là chưa kể những rào cản về kiến thức tài chính của những đối tượng mà hệ thống TCTD nhắm đến. Tuy nhiên tiềm năng khổng lồ dành cho chính những nhà cung cấp DVTC vẫn đủ sức hấp dẫn để khuyến khích những tổ chức này tham gia tích cực hơn vào chương trình phát triển hệ thống TCTD. Trên thực tế ở Việt Nam có đến một nửa dân số chưa có tài khoản ngân hàng (Vietnambiz, 2018) bất chấp sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ ngân hàng những năm gần đây. Trong đó, dù mạng lưới di động đã phủ sóng đên 95% lãnh thổ Việt Nam, tỉ lệ sử dung thanh toán di động mới chỉ ở mức 11%. Nói cách khác, dù công nghệ phát triển và hỗ trợ rất nhiều cho ngành tài chính ngân hàng, việc ứng dụng và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình hiện đại hóa ngân hàng này vẫn còn là một thách thức đối với các nhà cung cấp DVTC. 98
  5. Xác thực nhân thân và báo cáo tín dụng: Nếu phải kể đến một sự tiến bộ đáng kể mà công nghệ đem lại cho tiến trình phát triển TCTD thì hẳn sẽ là công nghệ xác thực nhân thân và báo cáo tín dụng. Theo báo cáo của Kabakova và Plaksenkov (2018), một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự loại trừ tài chính là tình trạng thiếu hụt thông tin của người đi vay mà cụ thể là độ tin cậy của thông tin nhân thân cũng như lịch sử tín dụng. Tình trạng này chủ yếu bị gây ra bởi mô hình quản lý thông tin phi tập trung và phân mảnh giữa các tổ chức tài chính ở những nước mà hệ thống tài chính còn yếu kém và thiếu đồng bộ. Hệ quả là bên cung cấp tài chính thường phải yêu cầu tăng cường giá trị thế chấp, tăng cường thẩm định hoặc từ chối cho vay để giảm thiểu rủi ro tín dụng (Kabakova & Plaksenkov, 2018). Điều này cũng có nghĩa một số lượng lớn người dùng có nhu cầu tài chính không thể tiếp cận tài chính bởi sự yếu kém của hệ thống quản lý thông tin. Theo Rahman, Zainuddin và Zaini (2015), sự tiến bộ của công nghệ xác nhận nhân thân cùng hệ thống lưu trữ, tra cứu và chia sẻ thông tin nhân thân gắn với lịch sử tín dụng giúp thúc đẩy các tổ chức tín dụng không còn e ngại cung cấp DVTC cho người sử dụng mới cũng như người lao động tự do không có lịch sử bảng lương cụ thể. Những kết quả tích cực liên quan đến vấn đề này đã được kiểm chứng ở rất nhiều quốc gia khác, ví dụ như Ấn Độ với hệ thống sinh trắc học được liên kết với hồ sơ tín dụng của từng cá nhân. Ở Việt Nam, sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý nhân thân lỗi thời vẫn chưa cho phép xây dựng một mô hình quản lý tương tự. 2.2.2. Yếu tố ảnh hưởng của khung pháp lý Theo Rahman, Zainuddin & Zaini (2015) khung pháp lý đặc biệt quan trọng đối với việc thực thi giám sát quản lý và hỗ trợ các tổ chức tài chính tham gia hệ thống TCTD. Một là chính những ứng dụng công nghệ trong tài chính ngân hàng mà tiêu biểu là ngân hàng di động chứa đựng nhiều rủi ro tín dụng và bảo mật thông tin, việc có một khung pháp lý hướng dẫn cụ thể là cấp thiết để các tổ chức tài chính tự tin trong việc triển khai công nghệ và đóng góp nhiều hơn nữa đến tiến bộ trong TCTD. Trong đó, khung pháp lý cần tính đến tất cả các giai đoạn, quy trình và thủ tục mà người cung cấp dịch vụ cũng như người sử dụng DVTC phải trải qua. Một ví dụ điển hình là xây dựng quy trình nhận biết khách hàng để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận khách hàng mới (Soriano, 2017). 3. Đề xuất cho phát triển TCTD tại Việt Nam Tại Việt Nam khái niệm TCTD còn khá mới mẻ và ở giai đoạn hiện tại Chính phủ mới chỉ ưu tiên phát triển một chiến lược tổng thể làm nền móng. Tuy nhiên đã có những chính sách nhằm thúc đẩy các hoạt động thuộc phạm vi của TCTD mà cụ thể là Chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông thôn từ năm 2010 hay Đề án xây dựng hệ thống tài chính vi mô Việt Nam từ năm 2011. Gần nhất có thể kể đến Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận của dịch vụ ngân hàng và chất lượng dịch vụ ở những vùng trọng điểm (Le & Phuong, 2018). Có thể thấy Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực phát triển một khung pháp lý gắn với những mục tiêu cụ thể trong việc giảm thiểu tình trạng giảm trừ tài chính. Khung pháp lý này được đặt trong một chiến lược tổng quan tuân theo định hướng phát triển TCTD toàn cầu sẽ đảm bảo Việt Nam có một môi trường lý tưởng cho tương lai bền vững của TCTD. Tuy nhiên, Le & Phuong, 2018 đề xuất rằng khung pháp lý và môi trường chỉ là một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững, bên cạnh một định chế TCTD, kiến thức tài chính chính xác và khách quan cho người dân thuộc các tầng lớp cùng các kênh phân phối và sản phẩm TCTD. Do đó, để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong phạm vi của TCTD, Việt Nam cần học hỏi thêm từ các nước trong khu vực đã thành công trong việc tăng cường củng cố TCTD. Một ví dụ điển hình là Indonesia với chiến lược được xây quanh 6 trụ cột: nâng cao vai trò Chính phủ trong cung cấp tài chính công trực tiếp; hoạch định bản đồ tài chính để khoanh vùng và xếp hạng các đối tượng khách hàng tài chính 99
  6. theo mức độ; xây dựng cơ sở pháp lý cho các sản phẩm DVTC di động; mở rộng phạm vi DVTC bằng các kênh trung gian; nâng cao kiến thức và nhận thức người dân; và cải tiến chính sách bảo vệ quyền lợi người sử dụng DVTC (Widyaningrum, 2015). Bên cạnh một chiến lược phát triển tổng quan, khung pháp lý cụ thể dành cho các sản phẩm và DVTC mới là điều Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và thể hiện vai trò tiên phong trong phát triển TCTD. Cần phải thấy rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra cho Việt Nam những thách thức nhưng cũng là những cơ hội vô cùng lớn khi ứng dụng công nghệ kỹ thuật cho phép giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết trong TCTD, ví dụ như khoảng cách địa lý từ người dân vùng nông thôn đến các nhà cung cấp tài chính. Tuy nhiên, những ứng dụng này cần có một khung pháp lý cụ thể để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người sử dụng vốn có kiến thức hạn chế. Đối với các tổ chức tín dụng, việc chủ động thiết kế các sản phẩm tài chính mới với chi phí hợp lý cùng thủ tục đơn giản sẽ là trọng tâm để tiếp cận người sử dụng ở các khu vực trọng điểm mà nhà nước khoanh vùng. Bên cạnh đó việc phối hợp với nhà nước để phổ cập kiến thức tài chính cho người dân cũng là một ưu tiên cần thiết để khuyến khích và gia tăng số người sử dụng DVTC. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Allen, F., Demirgüc-Kunt, A., Klapper, L. & Peria, M. (2012). ‘The Foundations of Financial Inclusion: Understanding Ownership and Use of Formal Accounts’. World Bank Policy Research Paper 6290, World Bank. 2. Clamara, N., Pena, X. & Tuesta, D. (2014). ‘Factors that Matter for Financial Inclusion: Evidence from Peru’. BBVA Research. Available at: ] 3. Han, R. & Melecky, M. (2013). ‘Financial Inclusion for Financial Stability: Access to Bank Deposits and the Growth of Deposits in the Global Financial Crisis’. World Bank Policy Research Working Paper 6577, World Bank. 4. Ibor, B., Offiong, A. & Mendie, E. (2015). ‘Financial inclusion and performance of micro, small and medium scale enterprises in nigeria’, International journal of research, vol. 5, no. 3, pp. 104-121 5. Jimenez, E. (2014). ‘Role of smart policies and regulation in financial inclusion’, Alliance for Financial Inclusion 6. Kabakova, O. & Plaksenkov, E. (2018). ‘Analysis of factors affecting financial inclusion: Ecosystem view’, Journal of Business Research, volume 89, August 2018, pp. 198-205 7. Le & Phuong, 2018. ‘Tiếp cận TCTD của các nước ASEAN và một số khuyến nghị đối với Việt Nam’, Available at: showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV327375&rightWidth=0%25¢erWi dth=80%25&_afrLoop=6943521476166577#%40%3F_afrLoop%3D6943521476166577%26cen terWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV327375%26leftWidth%3D20%2525%26rightW idth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl- state%3D19vvcfsbw9_9 8. Man, N. (2018). Thách thức tín dụng tiêu dùng. TinNhanhChungKhoan. Available at: 9. Morgan, P. & Trinh, L. (2018). ‘Determinants and impacts of financial literacy in Cambodia & Viet Nam’, ADB Institute. Available at: 100
  7. 10. Nguyen, P.L. & Nguyen. M.H. (n.d.) Chuyên đề 32: Một số vấn đề chung về TCTD. Vietnam Ministry of Finance. Available at: mot-so-van-de-chung-ve-tai-chinh-toan-dien.html. 11. Pallavi, G. & Bharti, S. (2013). ‘Role of Literacy Level in Financial Inclusion in India: Empirical Evidence’. Journal of Economics, Business and Management, vol. 1, no. 3, pp. 272-276. 12. Phan V. (2018). Tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. Available at: 2018091203554197p4c149.news. 13. Rahman, F. & Zainuddin, W. & Zaini, M. (2015). ‘Advancing Inclusive Financial System in the next decade: Advancing Inclusive Financial system in the next decade in Malaysia.’ The SEACEN centre 278, pp. 91-112. 14. Soriano, M. (2017). ‘Factors driving financial inclusion and financial performance in Fintech new ventures: An empirical study’, Institutional Knowledge at Singapore Management University. Available at: 15. The World Bank (2014). ‘Global Financial Development report 2014: Financial Inclusion’. The World Bank, USA: Washington DC. 16. Vietnambiz (2017). ‘Mobile banking sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019’. Available at: 36617.htm. 17. Vietnambiz (2018). ‘Một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản tại ngân hàng’. Available at: 43678.htm. 18. Widyaningrum, W. (2015). ‘Advancing Inclusive Financial System in the next decade: Strategy of Financial Inclusion - The case of Indonesia’. The SEACEN centre, 278, pp. 63-90. 101