Những ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam

pdf 9 trang Gia Huy 24/05/2022 1090
Bạn đang xem tài liệu "Những ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_ung_dung_cua_cach_mang_cong_nghiep_4_0_trong_hoat_dong.pdf

Nội dung text: Những ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam

  1. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 NHỮNG ỨNG DỤNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA CÁC NGÂN HÀNG VIỆT NAM THE APPLICATIONS OF INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0 IN BUSINESS ACTIVITIES OF VIETNAMESE BANKS Bùi Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Thị Oanh Khoa Kinh tế - Trường Đại học Tây Nguyên TÓM TẮT Sau khi trình những ứng dụng của các các công nghệ mới nổi trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bao gồm Dữ liệu lớn và Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây, Blockchain và Giao diện chương trình ứng dụng, các tác giả đã đi sâu phân tích thực trạng áp dụng những công nghệ này trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, quản lý an ninh mạng, năng lực tài chính, nguồn nhân lực và khung pháp lý nhằm hướng tới việc áp dụng đồng bộ các thành tựu của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng, hoạt động kinh doanh, ngân hàng. ABSTRACT After presenting the applications of emerging technologies in the finance-banking sector, including Big Data and the Internet of Things, Artificial Intelligence, Cloud Computing, the Blockchain and Applicable Programming Interface, the authors analyzed the applicable status of these technologies in business activities of Vietnamese banks. Based on that, the article proposes a number of recommendations in terms of the legal framework, information technology infrastructure, cybersecurity management, financial capacity, and human resources to aim towards the synchronous application of achievements of Industry 4.0 in Vietnam’s finance-banking sector in the coming period. Keywords: Industrial Revolution 4.0, applications, business activities, banks. 1. Giới thiệu Ngày nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sự tác động không chỉ của toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập với hàng loạt các hiệp định thương mại song phương, đa phương, khu vực mà còn của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Cuộc cách mạng này được hình thành trên nền tảng thành tựu vượt bậc của CMCN lần thứ 3, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, Internet của vạn vật Sự dịch chuyển khoa học kỹ thuật này mới bắt đầu và rục rịch chuyển mình, nhưng sẽ phức tạp với phạm vi ảnh hưởng vô cùng sâu rộng, phát triển và lan truyền với tốc độ chưa từng có so với ba cuộc CMCN trước đây. Hoạt động kinh doanh ngân hàng (NH) với đặc trưng lấy công nghệ thông tin (CNTT) làm nòng cốt, trên cơ sở công nghệ hóa, hiện đại hóa tổng thể các nghiệp vụ và ứng dụng quản trị chắc chắn sẽ không nằm ngoài vòng xoáy tác động của CMCN 4.0. CMCN 4.0 được chỉ ra là sẽ có những tác động mạnh mẽ bao gồm cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các NH. Những tác động tích cực là đổi mới toàn diện các mặt hoạt động kinh doanh; phát triển mạnh mẽ sản phẩm NH số; hệ thống dữ liệu NH được hoàn thiện và mở rộng; phạm vi và cách thức giao dịch NH có sự thay đổi tích cực. Nhưng ngược lại nó cũng mang lại không ít ảnh hưởng bất lợi đó là sự cạnh tranh; những thay đổi trong thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm; thị trường lao động NH ngày càng bị thu 166
  2. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 hẹp; rủi ro CNTT ngày càng lớn; yêu cầu bức thiết về đầu tư, đổi mới hạ tầng CNTT trong bối cảnh năng lực tài chính còn hạn chế [2; 6]. Hệ thống NH là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, lĩnh vực hoạt động có tính liên thông và ứng dụng công nghệ ở mức độ cao nên chịu tác động mạnh mẽ và bắt buộc phải chuyển mình theo CMCN 4.0. Vậy những thành tựu công nghệ nào trong CMCN 4.0 được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính NH? Thực trạng ứng dụng các công nghệ này trong ngành NH ở Việt Nam hiện nay ra sao? Ngành NH cần có những hành động gì để có thể phát triển hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong thời gian tới. 2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu 2.1. Nội dung nghiên cứu Bài viết tập trung nghiên cứu các nội dung sau: - Những ứng dụng của các công nghệ mới nổi của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. - Thực trạng áp dụng những công nghệ mới của CMCN 4.0 trong ngành NH ở Việt Nam. - Đề xuất các khuyến nghị định hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh NH trong thời gian tới. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp Nghiên cứu tài liệu. Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt các nội dung bài báo. Nguồn tài liệu chủ yếu được thu thập qua các Website, một số nghiên cứu và tạp chí có liên quan đến CMCN 4.0 và ngành NH. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, nhóm tác giả đã tổng hợp, phân tích và viết bài báo. 3. Kết quả nghiên cứu, thảo luận 3.1. Những ứng dụng của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Với sự mong đợi ngày càng tăng của khách hàng, ngành NH đang tập trung vào việc điều chỉnh các giải pháp công nghệ, trong đó trọng tâm là ứng dụng các công nghệ mới nổi của CMCN 4.0 để tự động hóa các quy trình của mình nhằm cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngày càng tốt hơn. Các công nghệ đó là: Dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IOT- Internet of Things) Dữ liệu lớn là một thuật ngữ cho việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được. Nói cách khác, dữ liệu lớn là để chỉ khả năng khối lượng lớn dữ liệu có thể được tạo ra, được phân tích và được sử dụng ngày càng nhiều bằng các công cụ kỹ thuật số và hệ thống thông tin. Khả năng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng tính sẵn có của dữ liệu có cấu trúc1, khả năng xử lý dữ liệu phi cấu trúc2, gia tăng năng lực lưu trữ dữ liệu và những tiến bộ về năng lực tính toán của máy tính [1; 3]. Dữ liệu lớn nổi bật so với dữ liệu truyền thống bởi lượng dữ liệu lớn hơn nhiều lần, tốc độ xử lý cao không chỉ bao gồm khả năng truy xuất, phân tích, xử lý gần như tức thời mà bao gồm cả sự đáp ứng với tốc độ thay đổi dữ liệu lớn và thường xuyên. Do đó, triển khai dữ liệu lớn sẽ đồng thời giải quyết các thách thức về thu thập, phân tích, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truy vấn, truyền nhận dữ liệu trực tuyến và tính riêng tư. Dữ liệu lớn cùng các siêu kết nối sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các NH sử dụng chúng nhằm mục đích phân khúc khách hàng, gia tăng thêm lượng khách hàng (cũ và mới) sử dụng dịch vụ tại NH bằng cách phân tích dữ liệu (phản hồi và hồ sơ cá nhân của khách hàng) để tiếp thu ý kiến, xác định nhu cầu, thói quen chi tiêu của khách hàng để đáp ứng một cách phù hợp. Các ứng dụng của dữ liệu lớn trong lĩnh vực NH nhằm mục đích này bao gồm: (i) Phân tích các thói quen chi tiêu của khách hàng; (ii) Phân khúc khách hàng và xem xét (thẩm định) hồ sơ; (iii) Xây dựng hệ thống thu thập các phản hồi khách hàng và phân tích chúng; (iv) Bán kèm thêm các dịch vụ khác. Thêm vào đó, các ứng dụng của dữ liệu lớn còn hướng đến marketing từng khách hàng, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ đến khách hàng sao cho phù hợp, đặc biệt là đảm bảo hiệu quả hoạt động, giảm thiểu rủi ro bằng cách phát hiện, ngăn chặn các gian lận trong các giao dịch tài chính. 167
  3. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence - AI) AI là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là trí tuệ do con người lập trình nhằm giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. AI bao gồm các cơ sở lý thuyết và việc lập trình xây dựng của các hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ thường đòi hỏi trí thông minh của con người như: Nhận thức thị giác, nhận dạng giọng nói, ra quyết định và dịch giữa các ngôn ngữ [5]. Trước sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, hiện nay, các ứng dụng của AI được sử dụng nhiều hơn trong hoạt động của ngân hàng, cụ thể: Thứ nhất, Chatbot cho dịch vụ khách hàng. Chatbots được xem là ứng dụng đầu tiên và là hình thức dễ thấy nhất, có sức ảnh hưởng của AI được áp dụng trong hoạt động của ngân hàng mà không cần đến sự can thiệp của nhân viên ngân hàng. Các dịch vụ tự động này cung cấp cho khách hàng sự tiện lợi trong việc giải quyết các truy vấn thông qua một hệ thống nhắn tin trực tuyến, có thể sử dụng máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh thay vì phải đến một chi nhánh. Có rất nhiều lợi thế mà một Chatbot hay một trợ lý ảo vượt trội hơn so với con người như Chatbot có thể làm việc 24/7 mà không cần nghỉ ngơi, không cần được trả lương vào cuối tháng, Chatbot luôn luôn hiệu quả để trả lời những câu hỏi và giải quyết những vấn đề đơn giản mà khách hàng gặp phải, Chatbot giúp con người được tự do để xử lý các vấn đề phức tạp hơn. Thứ hai, phát hiện gian lận và chống rửa tiền. Các giải pháp kích hoạt AI và các mô hình tài chính tiên tiến mới sẽ giúp các ngân hàng xác định, phân tích dòng tiền trong thời gian thực và phát hiện các giao dịch gian lận có thể dừng lại ngay khi chúng được phát hiện. Thêm vào đó, việc ứng dụng AI trong phân tích dữ liệu của các giao dịch trong quá khứ và hiện tại, hành vi điển hình của khách hàng có thể được “lọc” để phát hiện ra những vấn đề bất thường. Từ đó, có thể ngăn ngừa được các giao dịch phạm pháp hoặc có thêm xác nhận từ khách hàng được yêu cầu trước khi giao dịch có thể tiến hành hay không. Thứ ba, trợ lý AI để đầu tư. Hiện nay, hệ thống ngân hàng đang “đi sâu” vào thế giới AI bằng cách sử dụng hệ thống thông minh để giúp đưa ra quyết định đầu tư và hỗ trợ nghiên cứu ngân hàng đầu tư, ví dụ như UBS (Thụy Sĩ) hay ING (Hà Lan) đang ứng dụng hệ thống AI rà soát thị trường để thông báo cho các hệ thống giao dịch thuật toán của họ. Ngoài ra, nhiều công ty dịch vụ tài chính đang cung cấp các nhà tư vấn robot nhằm giúp khách hàng quản lý tốt hơn dòng tiền. Thông qua cá nhân hóa, chatbots và mô hình khách hàng cụ thể, những robot tư vấn này có thể cung cấp những “tư vấn chất lượng cao” về các quyết định đầu tư và sẵn sàng cung cấp bất cứ khi nào khách hàng cần. Điện toán đám mây (Cloud computing) Điện toán đám mây (ĐTĐM) là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính phát triển dựa vào mạng Internet. Trong hệ thống ĐTĐM khối lượng công việc được thay đổi đáng kể, máy tính tại các văn phòng không còn phải làm tất cả những “công việc nặng nhọc” như chạy các chương trình ứng dụng có dung lượng lớn. Thay vào đó, mạng máy tính tạo nên các “đám mây” sẽ đảm nhận công việc xử lý các yêu cầu của người dùng. Điều duy nhất mà máy tính của người sử dụng cần có là giao diện để có thể sử dụng hệ thống ĐTĐM còn mạng lưới đám mây sẽ đảm nhận phần còn lại. Các NH có chi nhánh trải rộng trên khắp cả nước sẽ có nhiều lợi ích khi triển khai công nghệ ĐTĐM như cắt giảm chi phí quản lý, vận hành hệ thống; rút ngắn thời gian xây dựng, mua sắm hạ tầng CNTT3; đảm bảo tính sẵn sàng, linh hoạt cho hệ thống khi muốn nâng cấp4. Như vậy, với sự giao thoa và hội tụ của công nghệ di động, mạng xã hội, dữ liệu lớn, công nghệ ĐTĐM sẽ mang lại sức mạnh giúp các NH có thể tăng tốc ứng dụng các công nghệ này. Tuy nhiên do lo ngại về an toàn và bảo mật như khó khăn trong việc kiểm soát, bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo vệ dữ liệu, nguy cơ bị tấn công mạng gia tăng là một trong những rào cản cho các NH sử dụng ĐTĐM như một cơ sở hạ tầng chủ đạo. Vì vậy, để cân bằng lợi ích và rủi ro, các NH có xu hướng vừa sử dụng hạ tầng CNTT của riêng mình để đảm bảo an toàn cho các nghiệp vụ NH quan trọng, vừa khai thác các dịch vụ đám mây từ nhà cung cấp cho các nghiệp vụ không thường xuyên, ít có yêu cầu về an ninh và bảo mật dữ liệu như các chương trình tiếp thị, khuyến mãi 168
  4. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 Blockchain Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp bởi Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi thông tin, dữ liệu và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Vì vậy, Blockchain đóng vai trò tương tự cuốn sổ cái kế toán cho tất cả các giao dịch hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số [7]. Công nghệ Blockchain được biết nhiều và phổ biến rộng rãi qua đồng tiền ảo Bitcoin. Hiện nay, công nghệ Blockchain đang được các tổ chức tài chính, NH, bảo hiểm ứng dụng trong một số phạm vi hoạt động như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, tài trợ thương mại hay định danh khách hàng (KYC). Ưu điểm của công nghệ này là có tính bảo mật cao hơn, thời gian thực hiện giao dịch nhanh hơn, minh bạch hơn với việc loại bỏ các trung gian thanh toán, dễ theo dõi sự dịch chuyển của dòng tiền giữa người gửi và người nhận sẽ đem lại chi phí thấp hơn cho người sử dụng. Ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger - DLT) của Blockchain được xem là một công nghệ đang nổi, có tiềm năng ứng dụng cho nhiều mục đích khác nhau như hỗ trợ cho các giao dịch chuyển tiền giữa các bên mà không cần qua trung gian (như các đối tác trung tâm hoặc trung tâm lưu ký chứng khoán), cho vay nhóm, bù trừ repo, lưu trữ và xử lý phái sinh. Trong tương lai, ngoài giao dịch chuyển tiền, còn có thể có các giao dịch chuyển nhượng tài sản kỹ thuật số và tài sản vật chất, quyền sở hữu trí tuệ và xác thực chuỗi lưu ký cũng sẽ sử dụng ứng DLT. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, an ninh, an toàn bảo mật được chú trọng thì việc ứng dụng công nghệ blockchain hay DLT với khả năng chống gian lận cao nhằm bảo vệ và xác thực hầu như mọi loại giao dịch sẽ có tác động như một cuộc cách mạng lên ngành dịch vụ tài chính NH. Tuy vậy, cho đến nay DLT cũng như blockchain vẫn chưa được chấp nhận trên quy mô lớn do thiếu những chuẩn mực về dữ liệu riêng tư và thống nhất trong ngành. Những lợi ích thực sự của công nghệ Blockchain cần có thời gian trải nghiệm để được minh chứng, từ đó mới tạo được lòng tin để chuyển đổi mô hình công nghệ từ tập trung hóa và đối tác trung tâm sang mô hình phân tán. Giao diện chương trình ứng dụng (API – Application Programming Interface) API là một bộ quy tắc và thông số kỹ thuật, kèm theo đó là các chương trình phần mềm để liên kết chúng lại với nhau và một giao diện giữa các chương trình phần mềm khác nhau để hỗ trợ cho sự tương tác giữa chúng [3]. Việc sử dụng API mở sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái và nền tảng mở để kết nối giữa các công ty công nghệ tài chính và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính NH, giúp nhanh chóng phát triển và chia sẻ các ứng dụng, dữ liệu và nội dung, sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức. Những đột phá trên nền tảng API mở cũng giúp các NH và các công ty công nghệ tài chính tạo ra sự trải nghiệm khách hàng khác biệt bằng cách sử dụng các trang web, ứng dụng di động tùy chỉnh và các giao diện số thân thiện với người dùng khác để tăng cường tương tác với khách hàng; mở rộng tiếp cận đến một hệ sinh thái lớn hơn thông qua việc sử dụng dữ liệu và dịch vụ của các tổ chức khác bằng cách giảm chi phí thu thập, chia sẻ và áp dụng các nguồn lực công nghệ từ các tổ chức bên ngoài; Phát triển và đưa ra sự đổi mới tới thị trường nhanh hơn bằng cách tận dụng các công nghệ phức tạp mà không phải tự phát triển. Hiện nay, trên thế giới có 2 xu hướng chính trong việc triển khai API mở là bắt buộc thực hiện (Anh, Châu Âu, Nhật Bản, Hồng Kông ) và khuyến khích thực hiện trên tinh thần tự nguyện (Singapore, New Zealand ). Theo đó, trong quá trình triển khai API mở, các quốc gia đều chú trọng đến việc ban hành các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu của người tiêu dùng và hướng dẫn triển khai API mở nói chung. Lộ trình chính thức đưa API vào thực tế thông thường là khá dài ngay cả với các nước bắt buộc triển khai (thường từ 2-3 năm); chia thành nhiều giai đoạn dựa trên mức độ rủi ro, nhạy cảm của dữ liệu hoặc/và quy mô của các NH. 169
  5. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 3.2. Thực trạng ứng dụng CMCN 4.0 trong kinh doanh NH tại Việt Nam Tài chính NH là khu vực năng động nhất ở Việt Nam về triển khai nghiên cứu và ứng dụng CMCN 4.0. Kết quả khảo sát của Viện Chiến lược NH thực hiện vào tháng 05/2017 cho thấy, 92% số ý kiến khảo sát trả lời đang có những chuẩn bị về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số để đón nhận và thích ứng với những bước tiến của CMCN 4.0; 76% đã chuẩn bị để thu hút lao động trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ cao và công nghệ thông tin; 96% các NH hiện nay đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ cao, công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 đến năm 2025 [4]. Các ứng dụng CMCN 4.0 nổi bật trong kinh doanh NH ở Việt Nam bao gồm: Công nghệ dữ liệu lớn và Internet vạn vật Theo nghiên cứu của Phan Thanh Đức và cộng sự tiến hành khảo sát về mức độ trưởng thành, mức độ sẵn sàng triển khai dữ liệu lớn tại các NHTM Việt Nam được thực hiện với 36 NH. Kết quả được quy thành mức độ căn cứ theo điểm đánh giá cụ thể từ mức độ 1 đến mức độ 45. Kết quả khảo sát cho thấy, 72% các NHTM (26 NH) đang dừng lại ở mức độ 1; 25 % (9 NH) đã có mức độ trưởng thành dữ liệu lớn ở mức độ 2; 3% (1 NH) được đánh giá ở mức độ 3, mức độ 4 hiện chưa có NHTM nào đạt được [1]. Các NH ứng dụng mạnh dữ liệu lớn trong kinh doanh bao gồm: VCB đã bước đầu thực hiện tổ chức, sắp xếp dữ liệu liên quan đến khách hàng vào các kho dữ liệu lớn, phục vụ cho việc khai thác dữ liệu dựa trên các công cụ phân tích dữ liệu lớn. MB đội đã triển khai dự án kho dữ liệu từ năm 2015. Vietinbank với dự án kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) giúp cung cấp đủ lượng thông tin, dữ liệu cần thiết phục vụ cho các mô hình phân tích, dự báo như đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán, cảnh báo rủi ro VPBank xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ nghiên cứu hành vi khách hàng, nắm bắt xu hướng lựa chọn của khách hàng và xu thế thị trường, dự báo doanh thu, xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh. SCB triển khai nâng cấp hệ thống Core-Banking và NH điện tử đạt chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS 3.2 [3]. Trí tuệ nhân tạo Tại Việt Nam, hiện nay, một số NH cũng đã đẩy mạnh ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh, cụ thể như TPB, VIETA Bank, MB đã cho khai trương dịch vụ tư vấn ảo ChatBot qua mạng xã hội, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, tự học hỏi để hoàn thiện sau mỗi lần giao dịch, dịch vụ chăm sóc khách hàng 24/7 [3]. TPB đã bắt đầu ứng dụng AI để phục vụ khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng số với trợ lý ảo có tên gọi là “T'Aio” trên Facebook Fanpage từ tháng 7/2017. T’Aio có tốc độ phản hồi trả lời khách hàng chưa đến 5 giây, hoạt động 24/7 và liên tục học hỏi, hoàn thiện qua từng lần hỗ trợ khách hàng để trở nên thông minh hơn. Theo đó, khi nhận được câu hỏi từ khách hàng, T’Aio sẽ phân tích các câu trả lời có sẵn trong hệ thống dữ liệu và điểm đánh giá mức độ tự tin có thể trả lời. Trong trường hợp điểm tự tin cao và vượt mức có thể trả lời, T’Aio sẽ phản hồi khách hàng. Trường hợp phân tích câu trả lời dự kiến đưa ra không đủ tin cậy, T’Aio sẽ kết nối với tư vấn viên; khi đó, T’Aio sẽ tự động ghi nhận câu hỏi và câu trả lời mới để trả lời khách hàng những lần sau. Đối với việc tự động hóa bằng quy trình robot, một số NH mới bắt đầu triển khai ứng dụng này như không gian giao dịch công nghệ số (Digital Lab) của VCB tăng trải nghiệm cho khách hàng tại chi nhánh/quầy giao dịch hay mô hình giao dịch NH tự động LiveBank của TPB. Mới đây nhất, Nam A Bank đã tạo một bước đột phá mới về “số hóa” ngân hàng khi trở thành NH Việt Nam đầu tiên đưa robot vào giao dịch - Robot OPBA. Với những cử động đã được lập trình tự động hóa, ngay khi khách hàng bước vào giao dịch, Robot OPBA sẽ tự động di chuyển tới, chào hỏi khách hàng, đồng thời nhận diện khách hàng thông qua tính năng Face detection hiện đại [8]. Ngoài ra, Robot còn có chức năng thu thập thông tin 170
  6. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 của khách hàng để lưu trữ, đồng thời sử dụng những thông tin từ AI để tăng sự hiểu biết với khách hàng đang tương tác, từ đó có tư vấn, hướng dẫn phù hợp. Điều này không chỉ giúp khách hàng có những trải nghiệm mới nhất về công nghệ số mà còn tiết kiệm thời gian đáng kể khi đến giao dịch. Điện toán đám mây Lĩnh vực NH tại Việt Nam đã nghiên cứu và nhìn nhận ĐTĐM như là một phương thức để đơn giản hóa các hoạt động CNTT. Theo đó, ĐTĐM giúp tạo ra một cơ sở hạ tầng linh hoạt và tối ưu hóa các hoạt động CNTT trên nhiều trung tâm dữ liệu của NH. Hiện nay, một số NH đã và đang nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây vào hoạt động của mình, như: BIDV nghiên cứu xây dựng Private Cloud và sử dụng các dịch vụ Public Cloud của các hãng lớn như Microsoft, Amazon, SalesForce; Agribank xây dựng hạ tầng điện toán đám mây riêng cho hệ thống NH lõi của mình; Vietinbank đã triển khai hệ thống Private Cloud và hạ tầng ảo máy chủ để bàn, đang nghiên cứu khả năng ứng dụng Public Cloud; VietABank đã công bố dự án về hạ tầng Trung tâm Dữ liệu, trong đó di chuyển Trung tâm Dữ liệu chính và thực hiện đưa toàn bộ hai Trung tâm Dữ liệu của NH lên nền tảng đám mây riêng Private Cloud [3]; TienPhongBank đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng các giải pháp và nền tảng điện toán đám mây thông minh hơn của IBM. Hệ thống này bao gồm các máy chủ IBM Power 750 và hệ thống lưu trữ IBM Storwize V7000, nhằm quản lý dịch vụ nhanh hơn, nâng cao năng lực ảo hóa và lưu trữ, đơn giản hóa quá trình quản lý các giao diện người dùng và dễ dàng mở rộng khi có nhu cầu phát triển; ACB đã chuyển dịch các quy trình vận hành trọng yếu trong NH lên nền tảng điện toán đám mây, và trở thành NH Việt Nam đầu tiên ứng dụng giải pháp ERP tân tiến này. Việc ứng dụng Oracle ERP Cloud đã giúp ACB nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí và cải thiện hệ thống kiểm soát. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các NH khi triển khai ứng dụng công nghệ này vào hoạt động kinh doanh, NH Nhà nước cũng đã nghiên cứu, ban hành Thông tư 18/2018/TT-NHNN ngày 21/08/2018 quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động NH, trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng dịch vụ điện toán đám mây trong ngành NH. Blockchain Ở Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Do đó công nghệ Blockchain mới chỉ được một số NH nghiên cứu ứng dụng vào nghiệp vụ chuyển tiền, cụ thể như tháng 7/2018, NAPAS đã phối hợp cùng ba ngân hàng VietinBank, VIB và TPBank, thực hiện thử nghiệm thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain sau bốn tuần triển khai, hay HSBC vừa thực hiện thành công giao dịch Tín dụng thư trên nền tảng blockchain giữa công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân của Việt Nam, và công ty INEOS Styrolution Korea của Hàn Quốc. Đây là giao dịch L/C ứng dụng công nghệ Blockchain thử nghiệm đầu tiên mà HSBC thực hiện tại Việt Nam và Hàn Quốc, và là giao dịch thứ 7 ngân hàng này tiến hành trên toàn cầu. Trong giao dịch thử nghiệm này, toàn bộ thời gian để trao đổi chứng từ được tiến hành trong vòng 24 giờ, thay vì 5 - 10 ngày như phương thức truyền thống. Từ tháng 11/2019, giao dịch chuyển tiền quốc tế qua TPBank được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều so với trước đây nhờ việc TPBank đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain thông qua RippleNet6. API mở Việc phát triển API mở giúp NH và bên thứ ba chỉ cần thiết lập một kết nối vào nền tảng dùng chung thay vì phải thiết lập riêng từng kết nối với từng đối tác riêng lẻ, giúp cho quan hệ đối tác giữa bên thứ ba với NH đơn giản hơn, giúp họ giảm nguồn lực và chi phí bảo trì, đồng thời giúp NH giảm thời gian và tiền bạc vào việc khảo sát, tích hợp, chỉnh sửa phần mềm của mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc thực hiện kết nối giữa các NH còn chưa được thực hiện do mỗi NH có thiết kế và kiến trúc dữ liệu khác nhau; điều này làm hạn chế khả năng ứng dụng API mở trong hoạt động kinh doanh của các NH Việt Nam. 171
  7. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 4. Một số khuyến nghị định hướng ứng dụng CMCN 4.0 trong kinh doanh ngân hàng trong thời gian tới Đứng trước các tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, để có thể phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong bối cảnh của thế giới, ngành NH cần xác định chiến lược, định hướng phát triển và các giải pháp để thích ứng với xu thế phát triển. Thứ nhất, cần tạo dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ chung tạo sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu thuận lợi giữa các NH. Giải pháp này có ý nghĩa tổng thể, căn bản, lâu dài, đồng thời giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí của xã hội, tuy nhiên để thực hiện được đòi hỏi sự tập trung nguồn lực không chỉ của từng NH, tổ chức tín dụng mà còn từ phía Chính phủ. Chính phủ cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ quốc gia, đồng thời ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích NH đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ. Theo đó, Việt Nam cần tập trung phát triển các hạ tầng nền tảng bao gồm cơ sở hạ tầng về viễn thông, kỹ thuật số và tài chính (như internet băng thông rộng, các dịch vụ dữ liệu di động, kho dữ liệu, các dịch vụ thanh toán, quyết toán ) tạo điều kiện cho việc thu thập, xử lý và truyền dữ liệu hiệu quả với chi phí thấp; xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ định danh điện tử tập trung (eKYC/eID), do một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cấp phát, quản lý, lưu trữ. Cơ sở dữ liệu này cần cung cấp một cổng truy xuất công cộng, cho phép tất cả các tổ chức xã hội khi cần có thể truy xuất dữ liệu qua một tiêu chuẩn kết nối đã được quy định để thực hiện xác thực nhận dạng điện tử cá nhân liên quan đến thủ tục hành chính bất kỳ; và nghiên cứu xu hướng NH mở (open banking), tiếp cận mở tới thông tin tài khoản khách hàng. Thứ hai, chú trọng quản lý an ninh mạng. CMCN 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng. Theo đó, các NH cần nâng cao năng lực an toàn thông tin ở ba yếu tố cơ bản: con người, quy trình, và giải pháp công nghệ. Đào tạo con người, nâng cao kiến thức, nhận thức về an toàn thông tin; xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin và xử lý khi có sự cố; triển khai các giải pháp an toàn bảo mật một cách toàn diện. Thứ ba, NHTM Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực tài chính theo hướng tăng quy mô vốn điều lệ, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh CMCN 4.0, chỉ có đầu tư đổi mới hạ tầng CNTT mới giúp NHTM phát triển các sản phẩm NH số, gia tăng khả năng cạnh tranh với các Fintech và hạn chế tối thiểu được các rủi ro, nhất là rủi ro CNTT. Tuy nhiên để đầu tư vào hạ tầng CNTT đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn, trong khi đó các NHTM Việt Nam còn nhiều hạn chế về nguồn lực tài chính. Tính đến 31/06/2019, trong hệ thống NHTM Việt Nam (bao gồm 4 NHTM Nhà nước và 31 NHTM Cổ phần) chỉ có 13 NHTM có quy mô vốn điều lệ từ trên 10.000 đến trên 30.000 tỷ đồng, trong đó Vietinbank có vốn điều lệ cao nhất là 37.234 tỷ đồng (tương đương 1.667 triệu USD), tiếp theo là Vietcombank, BIDV, Agribank, Sacombank, MB, SCB, Eximbank, MSB, ACB, Techcombank VP Bank và SHB. Số NHTM còn lại có quy mô vốn điều lệ thấp (3.000 đến dưới 10.000 tỷ đồng) trong đó có tới 9 NH với quy mô vốn sấp sỉ 3.000 tỷ đồng (tương đương 134 triệu USD) - chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về mức vốn điều lệ theo quy định NH nhà nước. Để tăng quy mô vốn điều lệ, các NHTM Việt Nam có thể lựa chọn trong các giải pháp sau tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi NH: trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối; phát hành cổ phiếu thưởng cho các cổ đông hiện hữu; phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài; phát hành thêm cổ phiếu mới; bán cổ phần cho các đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài; sát nhập với các công ty tài chính, các NHTM khác. Để thực hiện được các giải pháp trên đòi hỏi các NHTM kinh doanh có hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, trước tiên cần nâng cao chất lượng tín dụng. Muốn vậy, các NHTM cần xây dựng riêng cho mình một hệ thống quản lý rủi ro tín dụng chặt chẽ hơn, chủ yếu bao gồm: Xác lập mục tiêu tín dụng trong đó mức độ rủi ro từ hoạt động tín dụng phải đo lường được không chỉ ở tài sản có nội bảng mà còn cả ở các khoản mục tài sản ngoại bảng; Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Ngoài ra cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các dịch vụ phi tín dụng để nâng cao nguồn thu. Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực với chuyên môn cao để ứng dụng, triển khai và vận hành thành thạo CNTT hiện đại trong bối cảnh CMCN 4.0. Không có công nghệ hay sự đột phá nào nằm ngoài sự kiểm soát của con người, do đó để tận dụng được những ảnh hưởng tích cực đồng thời hạn chế các bất lợi do CMCN 4.0 mang lại, mỗi NHTM cần xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong trung và 172
  8. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 dài hạn. Hàng năm, rà soát, đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nhân viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và CNTT cụ thể, phù hợp với từng chức danh và vị trí làm việc. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CNTT để có trình độ nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó NHTM cần chú trọng việc đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ nhân viên nhằm tạo sự đột phá về tư duy, tạo tiền đề triển khai các kế hoạch cải cách và chấp nhận sự thay đổi ở cả cấp điều hành và cấp thực hiện. Ngoài ra, khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển công nghệ số, đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 của các định chế tài chính nói chung, các NH nói riêng. Hiện tại, khuôn khổ pháp lý cho ngành NH triển khai các ứng dụng các công nghệ mới nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ từ các đơn vị, cơ quan quản lý, cụ thể là thiếu quy định đồng bộ về việc quản lý, trao đổi, chia sẻ dữ liệu khách hàng hỗ trợ cho việc ứng dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây vào hoạt động của các ngân hàng. Đây là vấn đề rất vướng cho các NH. Công nghệ và hạ tầng một số sản phẩm, dịch vụ đã sẵn sàng nhưng pháp luật chưa cho phép, khiến các NH không dám triển khai hoặc đầu tư mạnh để cung cấp ra thị trường. Để giải quyết vấn đề này, một mặt các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết cho công nghệ số phát triển, đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng dụng của các doanh nghiệp nói chung, các NH nói riêng. Mặt khác, Chính phủ cần đưa ra các quy định cho phép thử nghiệm, thí điểm những sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và với các chuẩn mực, thông lệ của quốc tế. 5. Kết luận Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các thành tựu công nghệ vào kinh doanh NH là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế thời đại. Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực NH tại Việt Nam đã được phát triển trong nhiều năm qua với các ứng dụng trong thanh toán, tiền điện tử và gần đây là các ứng dụng như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo Nghiên cứu cho thấy các NH Việt Nam đã bắt đầu hướng đến áp dụng các nền tảng công nghệ mới vào hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ NH với mục tiêu tạo ra doanh thu và mở rộng thị phần cho NH. Chính vì vậy, bài viết cũng đề xuất một số khuyến nghị hướng tới áp dụng đồng bộ, hiệu quả các ứng dụng CMCN 4.0 trong kinh doanh NH tại Việt Nam trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Thanh Đức, Chu Thị Hồng Hải, Đình Trọng Hiếu, Chu Văn Huy, Ngô Thùy Linh (2019) “Ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động quản trị quan hệ khách hàng tại các NHTM Việt Nam”, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, số 203, tr. 50-62. [2] Bùi Thị Thu Hằng (2017), “Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo quốc gia Khoa học và quản trị kinh doanh lần thứ VI, tr. 658-664. [3] Nguyễn Thị Hiền, Phạm Thu Hương (2019), “Ứng dụng công nghệ tài chính trong kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam – Xu thế tất yếu của thời đại 4.0”, Tạp chí Khoa học thương mại, số 130/2019, tr. 10-18. [4] Đào Văn Hùng (2019), “Phát triển khu vực tài chính – ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Trích dẫn từ: ngan-hang-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu [5] Lê Thị Anh Quyên, Trần Thị Sa (2019), “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực ngân hàng”. Tạp chí Tài chính Online, Trích dẫn từ: vuc-ngan-hang-307733.html [6] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), “Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng Việt Nam”. Trích dẫn từ: /%C4%91anh-gia-tac-%C4%91ong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-va-mot-so- 173
  9. Hội thảo Khoa học quốc gia “Hệ thống Tài chính – Ngân hàng với sự phát triển kinh tế - xã hội miền Trung – Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghệ”– DCFB 2020 %C4%91inh-huong-hoat-%C4%91ong-cua-nganh-ngan-hang-viet-nam [7] Doãn Minh Quân (2018), “Công nghệ Blockchain và ứng xử của các quốc gia trên thế giới”. Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, số 11 năm 2018, tr. 12- 14. [8] Thùy Vinh (2019), “Nam A Bank đưa robot và trí tuệ nhân tạo AI vào giao dịch”. Trích dẫn từ: [9] CHÚ THÍCH 1 Lịch sử giao dịch, hồ sơ khách hàng. 2 Hoạt động của khách hàng trên website, mobile banking, mạng xã hội. 3 Thay vì phải mất nhiều tháng để lập kế hoạch, mua sắm thiết bị, cấu hình phần cứng, phần mềm, dữ liệu thì với hệ thống ĐTĐM cho phép hạ tầng CNTT có thể triển khai sản phẩm, dịch vụ mới chỉ trong vài giờ. 4 Với hệ thống ĐTĐM, ngân hàng có thể tăng cấu hình hệ thống để đáp ứng nhu cầu truy cập của khách hàng vào hệ thống trong những “mùa cao điểm” như dịp cuối năm, sau đó lại có thể hạ cấu hình xuống khi nhu cầu truy cập giảm. 5 Mức độ 1- Nhận thức (0-1 điểm): Ngân hàng thể hiện sự quan tâm đến ứng dụng Big Data, bắt đầu có những nghiên cứu về phân tích dữ liệu, phân tích Big Data; Mức độ 2- Khai phá (1-2 điểm): Ngân hàng có những khám phá về hiệu quả những dự án thử nghiệm đầu tiên liên quan đến Big Data; Mức độ 3- Tối ưu (2- 3 điểm): Ngân hàng đã từng bước tổ chức tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, khả năng hỗ trợ gia quyết định ở các bộ phận nghiệp vụ thông qua Big Data; Mức độ 4- Chuyển đổi (3-4 điểm): Big Data cho phép có được các thông tin dự đoán đáng tin cậy, được ngân hàng xem là nhân tố chính đem lại lợi thế cạnh tranh. 6 Một nền tảng được phát triển bởi SBI Ripple Asia, liên doanh giữa Ripple Labs Inc và SBI Holdings. DANH MỤC TÊN VIẾT TẮT CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI STT Từ viết tắt Tên ngân hàng 1 ACB Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu 2 Agribank Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam 3 BIDV Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam 4 Eximbank Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu 5 MB Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội 6 MSB Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam 7 Nam A Bank Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á 8 TPB Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong 9 Techcombank Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương 10 VCB Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam 11 Vietinbank Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam 12 VIETABank Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á 13 VPBank Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng 14 SCB Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn 15 SHB Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội 16 Sacombank Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín 174