Phát triển bền vững xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

pdf 10 trang Gia Huy 18/05/2022 1790
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển bền vững xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_ben_vung_xuat_khau_nong_san_sang_thi_truong_trung.pdf

Nội dung text: Phát triển bền vững xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc

  1. PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF EXPORTING AGRICULTURE PRODUCTS TO THE CHINA MARKET TS. Trần Thị Hoàng Hà Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Xuất khẩu nông sản là một thế mạnh của Việt Nam trong những năm qua. Trung quốc là một thị trường trọng điểm, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong một vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của một số nông sản chủ lực sang thị trường Trung Quốc bắt đầu giảm hoặc tăng trưởng không ổn định. Với quan niệm, Trung quốc là thị trường “dễ tính” nên các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa chủ động tìm kiếm thông tin về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chưa có những thay đổi phù hợp để thích ứng với các tác động của bảo hộ thương mại từ phía Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, các hộ nông dân, doanh nghiệp thu gom, chế biến, xuất khẩu nông sản cần có những thay đổi tích cực và mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Từ khóa: Xuất khẩu nông sản, phát triển bền vững Abstract In the past, agriculture products export have been the strength of Vietnam. The China market is a key of proportion of Vietnam's agriculture products export structure. In recent years, some key agriculture products export to the Chinese market that have declined or grow steadily. In the thinking, China is an "easy-going" market, Vietnamese agriculture products export enterprises haven’t been in seeking information about changes in the China importing agricultural products policy. Therefore, enterprises haven’t made appropriate changes to adapt to the effects of trade protection from China. In order to achieve the goal of sustainable development of exporting agricultural products to the Chinese market, farm households, enterprises that collect, process and export agricultural products need to have more positive and stronger changes in the period. next. Keywords: Agriculture products export, sustainable development 1. Đặt vấn đề Trong nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản của một số mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, chè, tôm, cá tra đã đạt được kim ngạch xuất khẩu cao, tăng trưởng ổn định nhưng giá xuất khẩu của một số mặt hàng chưa cao, chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ trọng nông sản qua chế biến trong xuất khẩu còn thấp. Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam. Hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cả bằng 40
  2. đường chính ngạch và tiểu ngạch. Trong vài năm gần đây, các chính sách bảo hộ thương mại của Trung Quốc bắt đầu tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam. Minh chứng rõ rệt là kim ngạch một số mặt hàng nông sản chủ lực trong hai năm qua bắt đầu giảm, số doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị giới hạn, hoạt động xuất khẩu nông sản qua tiểu ngạch giảm rõ rệt. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã có sự thay đổi về quan điểm xuất khẩu nông sản từ chỗ tập trung tăng kim ngạch và mở rộng thị trường xuất khẩu sang định hướng phát triển bền vững xuất khẩu nông sản nhằm duy trì nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản, vượt được các rào cản trong bảo hộ thương mại của các nước trong đó có Trung Quốc, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản xuất khẩu. Để thực hiện được các định hướng chiến lược này cần có sự nỗ lực cộng hưởng từ hai phía Chính phủ và các nhà sản xuất, thu gom, chế biến, xuất khẩu nông sản. 2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính là chủ yếu. Trong đó, bài viết thu thập các dữ liệu thứ cấp về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực sang thị trường Trung Quốc từ các đơn vị như Bộ Công Thương, Tổng Cục Hải quan. Hạn chế của việc thu thập dữ liệu thứ cấp là thiếu các dữ liệu tổng thể về xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc mà chỉ tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Các dữ liệu về chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc được thu thập dựa trên các tài liệu đánh giá của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, để làm rõ hơn các vấn đề trong xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, tác giả đã sử dụng phương pháp phỏng vấn một số chuyên gia và sử dụng các ý kiến của chuyên gia trong lý giải nguyên nhân của các vấn đề liên quan đến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. 3. Cơ sở lý luận 3.1. Xuất khẩu nông sản Theo Nguyễn Văn Tuấn, Trần Hòe (2008), xuất khẩu là hoạt động kinh doanh vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc là hoạt động buôn bán giữa một quốc gia với một quốc gia khác trên phạm vi quốc tế. Theo Luật thương mại (2005), xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật. Theo Troy (2019), xuất khẩu là hoạt động quan trọng trong thương mại quốc tế, tại đó, hàng hóa được sản xuất tại một quốc gia và được chuyển ddeens một quốc gia khác để bán hoặc giao dịch trong tương lai Theo Ecommerce (2019) xuất khẩu là hoạt động bán hàng hóa cho một quốc gia khác. Nói một cách khác, xuất khẩu là hoạt động giao dịch thương mại trên thị trường quốc tế. Theo WTO, hàng hóa được chia thành 2 nhóm chính là nông sản và phi nông sản. Nông sản xác định trong Hiệp định Nông nghiệp là tất cả các sản phẩm đã liệt kê từ chương I đến chương XXIV (trừ cá và sản phẩm cá) và một số sản phẩm thuộc các chương khác trong hệ thống thuế mã HS (hệ thống hài hòa hóa mã số thuế) (World Trade 41
  3. Organization, 2015). Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc - FAO: hàng nông sản là tập hợp của nhiều nhóm hàng hóa khác nhau bao gồm: nhóm hàng các sản phẩm nhiệt đới, nhóm hàng ngũ cốc, nhóm hàng thịt và các sản phẩm từ thịt, nhóm hàng dầu mỡ và các sản phẩm từ dầu, nhóm hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, nhóm hàng nông sản nguyên liệu, nhóm hàng rau quả (FAO, 2016). Quan điểm của FAO chỉ tính cho các nông sản sản thô, chưa qua chế biến. (World Trade Organization, 2015). Liên minh Châu Âu (EU) không đề cập đến một định nghĩa cụ thể nào về nông sản nhưng EU đưa ra một danh sách các mặt hàng coi là nông sản. Danh sách các mặt hàng cho thấy, quan điểm của EU về cơ bản là tương đồng với quan điểm của WTO là có tính cho một số mặt hàng nông sản chế biến. Xuất khẩu nông sản là hoạt động giao dịch thương mại quốc tế giữa quốc gia này với quốc gia khác, trong đó nông sản là đối tượng giao dịch. Theo đó, nông sản được nuôi, trồng, chế biến ở quốc gia này được chuyển đến quốc gia khác thông qua các giao dịch thương mại. 3.2. Phát triển bền vững xuất khẩu nông sản Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản được hiểu là sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô, tốc độ của xuất khẩu gắn với sự dịch chuyển về cơ cấu và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Phát triển xuất khẩu hàng nông sản đảm bảo kết hợp hài hòa, hợp lý giữa các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Như vậy, phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản là sự phát triển kết hợp hai nội dung: Thứ nhất duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao và ổn định, đảm bảo nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; Thứ hai, phát triển xuất khẩu hàng nông sản cần dựa trên cơ sở khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đảm bảo cho việc sử dụng nguồn lực cho phát triển xuất khẩu hiện tại không cản trở hay ảnh hưởng gì đến việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu của các thế hệ tương lai. + Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản là duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Phát triển xuất khẩu hàng nông sản đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ tăng trưởng theo chiều rộng (dựa vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô) sang chiều sâu (dựa vào năng suất, hiệu quả các yếu tố đầu vào thông qua việc áp dụng khoa học- công nghệ, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao). + Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản cần dựa trên khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên. Xuất khẩu nông sản thường tiềm ẩn nguy cơ không bền vững về môi trường bởi tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, chè kéo theo sự suy giảm diện tích rừng và đa dạng sinh học; khai thác thủy sản quá mức, theo lối hủy diệt, làm suy giảm sinh quyển biển; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản đi liền với thu hẹp diện tích rừng ngập mặn, phá vỡ hệ sinh thái ven biển, Khai thác tài nguyên quá mức sẽ dẫn tới nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và mất cân bằng sinh thái. + Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản phải bảo đảm đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại, tạo lập điều kiện để các cá nhân trong xã hội có cơ 42
  4. hội bình đẳng để tiếp cận những nguồn lực chung và được phân phối công bằng lợi ích do xuất khẩu mang lại. Phát triển xuất khẩu đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nhất là đối với khu vực nông thôn, tuy nhiên, đây cũng là nơi nảy sinh những nguyên nhân dẫn đến kém bền vững về mặt xã hội. Do xuất khẩu nông sản chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, chất lượng lao động không cao và thu nhập của người lao động không ổn định nên sự biến động của thị trường thế giới làm cho người lao động dễ bị tổn thương, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong thu nhập giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Do vậy, phát triển bền vững xuất khẩu nông sản có tác dụng tích cực trong việc nâng cao trình độ lao động, hạn chế gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, đem lại lợi ích cho đa số người dân. Như vậy, phát triển bền vững xuất khẩu là sự đồng bộ hóa nỗ lực của Chính phủ và các chủ thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản. Chính phủ xây dung chiến lược, quy hoạch, chính sách nhằm phát triển bền vững xuất khẩu. Các chủ thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu thúc đẩy phát triển bền vững thông qua chính hoạt động của họ trong chuỗi giá trị.xuất khẩu Trung Quốc vẫn luôn là thị trường quan trọng đối với nông sản của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta. Trung Quốc hiện đang là thị trường đứng thứ nhất về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ nhì về hạt điều; đứng thứ ba về thủy sản; đứng thứ tư về chè. Đồng thời, Trung quốc còn là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015, nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, thiếu những mặt hàng chế biến sâu. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn phụ thuộc nhiều vào khối lượng xuất khẩu. Với việc thực thi các tiêu chuẩn (Viet GAP, Global GAP, HACCP ), cùng với những áp lực của thị trường NK, chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm gần đây đã dần có những bước chuyển đáng kể. Mặc dù có những tiến bộ, nhưng nhìn chung, cơ cấu hàng hóa nông sản xuất khẩu vẫn phản ánh rõ thực trạng của một nền nông nghiệp chưa bứt phá khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, chi phí cao, chủ yếu vẫn phát triển theo bề rộng, trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có. Sự yếu kém của công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch , cũng như việc xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu cho các mặt hàng vẫn sẽ là những thách thức rất lớn đối với hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam trong những năm tới. Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực sang thị trường Trung Quốc Đơn vị tính: triệu USD TT Mặt hàng 2014 2015 2016 2017 2018 1 Cà phê 90,9 73,6 106,3 84,8 109,4 2 Chè 17,3 11,7 25,9 14,7 19,7 3 Gạo 890,9 855,7 781,7 1026,7 683,4 4 Sắn 963,8 1168,3 869,2 911,1 844,3 43
  5. 5 Rau, quả 435,0 1194,8 1738,8 2605,6 2783,8 6 Thủy sản 465,8 450,9 682,6 1085 995,9 Nguồn : Tổng cục Hải Quan Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản trong 11 tháng năm 2019 sang Trung Quốc tiếp tục giảm 5,86% so với cùng kỳ, chỉ đạt đạt 6,31 tỷ USD. Trong đó, ngoài 04 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm: cao su (1,34 tỷ USD; tăng 9,77%); thủy sản (1,1 tỷ USD; tăng 19,75%); hạt điều (520 triệu USD; tăng 32,55%), chè (22,7 triệu USD, tăng 24,89%); có 04 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm gạo (225 triệu USD, giảm 66,37%); rau quả (2,24 tỷ USD, giảm 14,02%); cà phê (89,5 triệu USD, giảm 8,94%) và sắn, sản phẩm từ sắn (736 triệu USD, giảm 1,05%). Măt hàng gạo hiện là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Mặt hàng gạo được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung quốc vẫn dẫn đầu. Cụ thể năm 2017, giá trị xuất khẩu gao sang thị trường Trung quốc là 1.026.354.579 USD. Sang năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này sụt giảm mạnh với tỷ lệ sụt giảm là 33,4% với giá trị xuất khẩu là 683.363.161 USD (nguồn Bộ Công Thương -2018). Mặt hàng cà phê: Trung Quốc đang đứng ở vị trí thứ 12 về thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu cà phê đã qua chế biến sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 114,8% về lượng và tăng 87% về trị giá so với cùng kì năm 2018, đạt 2.378 tấn, trị giá hơn 7 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân cà phê đã qua chế biến sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 2.958 USD/tấn, giảm 13% so với cùng kì năm 2018. Mặt hàng chè: Cụ thể, tính đến tháng 11/2019, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Trung Quốc đã đạt 7,6 nghìn tấn, tương đương 22,7 triệu USD, giảm 28,4% về lượng nhưng tăng tới 24,9% về giá trị so với tổng 11 tháng năm 2018. Giá xuất khẩu tăng được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải chủ yếu là do Trung Quốc đang đẩy mạnh nhập khẩu các loại chè chất lượng cao hơn để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của người dân tại nước này đối với các dòng sản phẩm cao cấp và sản phẩm chè thế hệ mới như chè thảo mộc, chè matcha hay chè hoa quả. Mặt hàng sắn: Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, chiếm tới 88,6% giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,36 triệu tấn, tương đương 530,3 triệu USD, giảm 7,5% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kì năm 2018. Nguyên nhân xuất khẩu giảm do sự suy giảm cầu nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc một phần bị ảnh hưởng do chính sách giảm lượng ngô tồn kho. Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), lượng nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 giảm 33,9% so với cùng kì năm 2018, trong đó, nhập khẩu sắn lát giảm 36,4%.Đồng thời, Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn của Việt 44
  6. Nam và giảm thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch thêm 3% từ mức 16% xuống còn 13% đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu qua đường biên mậu. Mặt hàng rau quả: Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,037 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng, tuy nhiên đến nay chỉ có 8 loại hoa quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, gồm thanh long, chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, dưa hấu và mít. Mới đây nhất vào tháng 4-2019 vừa qua, Nghị định thư về xuất khẩu măng cụt đã được ký kết giữa cơ quan chức năng có thẩm quyền của hai nước, măng cụt sẽ là loại quả tiếp theo được xuất khấu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới. Ngoài ra, hai bên đã thống nhất thứ tự ưu tiên mở cửa các loại rau quả gồm: sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ và dừa. Mặt hàng thủy sản: Trung Quốc được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng và có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn, với giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam lên đến trên 1 tỷ USD/năm. Năm 2017, giá trị nhập khẩu thủy sản Việt Nam tăng mạnh gần 50%, đạt gần 1,3 tỷ USD.Hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa, gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và một số doanh nghiệp hải sản. 4. Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển bền vững xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc Thứ nhất, Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng đều đặn từ giai đoạn 2015 trở về trước. Từ 2016, một số mặt hàng không còn duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Xu hướng sụt giảm kim ngạch xuất khẩu đã mở rộng sang nhiều mặt hàng hơn từ năm 2017,2018. Giá trị sụt giảm của một số mặt hàng khá lớn, điển hình là mặt hàng gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi các chính sách từ phía Trung Quốc theo hướng thắt chặt, tăng cường kiểm soát. Để đánh giá mức độ phát triển bền vững xuất khẩu nông sản, trước hết phải dựa trên nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Hiện tượng tăng trưởng nhanh về kim ngạch ở giai đoạn trược 2016, sau đó sụt giảm ở giai đoạn 2017-2019 cho thấy xuất khẩu nông sản của nước ta sang Trung quốc chưa có sự phát triển bền vững. Với mặt hàng gạo: Trung Quốc đã lập hàng rào kỹ thuật về việc nhập gạo từ Việt Nam bằng cách Tổng cục Chất lượng Trung Quốc (AQSIQ) tiến hành khảo sát và tuyển chọn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mặc dù, có sự sụt giảm mạnh nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam. Theo kết quả kiểm tra của AQSIQ, sau khi đi đánh giá thực tế 31 doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo Việt Nam, cơ quan này chỉ công nhận đối với 22 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được AQSIQ “duyệt” được cho có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với Nghị định thư về kiểm dịch đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc và các yêu cầu khác về quản lý chất lượng đối với gạo nhập khẩu. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, chỉ các doanh nghiệp có tên trong danh sách 22 doanh nghiệp nói trên được phép xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, mốc thời gian được tính 45
  7. từ ngày hàng rời cảng Việt Nam. Các doanh nghiệp không có tên trong danh sách này đương nhiên không được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này. Với mặt hàng thủy sản, giai đoạn 2014-2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng nhanh, nhưng từ 2018 bắt đầu xu hướng sụt giảm Nguyên nhân sụt giảm là do từ khoảng giữa năm 2018, Trung Quốc tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông-thủy sản nhập khẩu. Điều này đã làm cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục đà sụt giảm trong năm 2019. Thứ hai, giá bình quân của các mặt hàng nông sản xuất khẩu thấp và có xu hướng sụt giảm ở một số mặt hàng chủ lực. . Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng giá gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn thấp và không ổn định. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2017 đạt 444,6 USD/tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, tháng 5/2017, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán chỉ ở mức 350 - 354 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan đạt 390 USD/tấn, gạo Ấn Độ 388 USD/tấn, Pakistan dao động 408 - 412 USD/tấn. Riêng thị trường Trung Quốc, mặc dù đây chưa phải là thị trường khó tính nhưng giá gạo cũng không ổn định , nếu như giá gạo xuất khẩu năm 2018 tăng 14,3% thì sang 2019, trong 6 tháng đầu năm giá gạo Việt nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 5,4% Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó lượng cà phê nhập khẩu từ Việt Nam luôn dẫn đầu nhưng ngược lại giá cà phê của Việt Nam xuất khẩu luôn thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu cà phê của các quốc gia khác vào thị trường Trung Quốc. trong 6 tháng đầu năm 2019, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Trung Quốc từ một số nguồn cung ở mức cao như Italy đạt 12.306 USD/tấn; Mỹ đạt mức 9.644 USD/tấn; Malaysia đạt mức 7.798 USD/tấn trong khi đó giá nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam chỉ 1606USD/tấn. Và khi giá cà phê trên thị trường thế giới sụt giảm thì giá cà phê Việt Nam lại sụt giảm với tỷ lệ lớn hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá cà phê nhập khẩu bình quân Trung Quốc đạt mức 3.943 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kì năm 2018 thì giá cà phê nhập khẩu bình quân của Trung Quốc từ Việt Nam ở mức 1.606 USD/tấn, giảm 57,2% so với cùng kì năm 2018. Thứ ba, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực vẫn xuất khẩu thô, nên giá trị gia tăng trong xuất khẩu nông sản còn thấp. Mặt hàng, cà phê, chúng ta có những kênh xuất khẩu lớn nhưng chưa được bền vững. Xuất khẩu chủ yếu qua đường biên mậu hay xuất nguyên liệu là chính nên không mang lại giá trị gia tăng lớn cho Việt Nam. Hiện nay mới chỉ có sản phẩm cà phê G7 chính thức xuất hiện ở các siêu thị, được phân phối chính thức tại Trung Quốc. Tương tự như cà phê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu chè, nhưng khoảng 90% sản lượng chè của nước ta xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. Thứ tư, trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản, nhiều khâu còn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc. Kể từ ngày 1/4/2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu tỉnh 46
  8. Quảng Tây phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam lại không chú trong khâu bao bì, và các minh chứng truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các hộ nông dân, hợp tác xã trồng hoa quả để xuất khẩu hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hoặc không quan tâm thực hiện đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và lưu giữ minh chứng phù hợp với quy định của nhà nhập khẩu. Từ ngày 15/12/2018,Trung Quốc tăng cường kiểm tra sản phẩm sắn nhập khẩu từ Việt Nam.Theo đó, cơ quan Hải quan tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tăng cường kiểm tra, quản lý việc nhập khẩu tinh bột sắn, sắn lát từ Việt Nam qua 5 yêu cầu, mới đây tiếp tục yêu cầu tăng thời gian xông hơi, khử trùng gạo lên đến 120 giờ, thay vì 24 giờ như trước kia. Ngoài ra, bao bì phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, có dấu của cơ quan kiểm định Trung Quốc, điều này gián tiếp buộc doanh nghiệp phải sử dụng bao bì của họ. Thực tế trong khoảng 2 năm qua, Trung Quốc liên tục tăng các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường giám sát chất lượng các loại nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Trước những thay đổi từ phía thị trường Trung Quốc, bắt đầu có những nông sản Việt Nam đang tích cực tiếp cận các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Trung Quốc. Hiện nay, việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững, nông dân trồng cà phê theo quy trình công nghệ chiếm trên 57%; tỷ lệ áp dụng quy trình sản xuất và chế biến cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ đạt 11%, 4C đạt 17,5% Công nghệ chế biến cà phê Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Nguyên nhân của các vấn đề trên bao gồm: Về phía người nuôi, trồng: Các hộ nuôi, trồng hiện nay đã từng bước có thay đổi trong sản xuất nông sản theo hướng tiếp cận công nghệ mới, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng tỷ lệ này chưa nhiều. Một bộ phận không nhỏ các hộ nông dân vẫn đang sản xuất theo phương thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, sử dụng nhiều yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, ), phụ thuộc vào thời tiết (mưa, nắng, ). Người nông dân chưa tích cực và gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi phương thức sản xuất. Họ đã được các doanh nghiệp thu mua nông sản phổ biến hướng dẫn, nhưng khi thực hiện lại không đảm bảo đúng hướng dẫn do thiếu hiểu biết hoặc tâm lý “xuề xòa”. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không quản lý, kiểm soát tốt người nông dân đang thực hiện nuôi, trồng nông sản có đáp ứng đúng tiêu chuẩn của xuất khẩu không. Về phía doanh nghiệp thu gom, chế biến, xuất khẩu: Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động và đang tích cực thay đổi để thích nghi với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên còn tồn tại một số hạn chế như: (i) ít vốn đầu tư nên khó đổi mới khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, áp dụng sản xuất công nghệ cao, (ii) hạn chế về việc tiếp cận các thông tin thị trường nước ngoài nên những thay đổi trong chính sách của Chính phủ Trung Quốc không được doanh nghiệp cập nhật kịp thời; (iii) phần lớn doanh nghiệp còn thu mua nông sản trên thị trường, chưa có vùng nguyên liệu riêng để đảm bảo sản lượng, chất lượng, giám sát được dịch bệnh và việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; (iv) doanh nghiệp không có đất (vùng sản xuất) thuộc quyền sử dụng của doanh 47
  9. nghiệp mà phải đi ký hợp đồng thuê đất 5-10 năm với rất nhiều hộ dân, nên doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro bị phá vỡ hợp đồng từ phía người dân hoặc khi hết thời hạn thuê đất, không ký tiếp được thì lại phải xin cấp lại mã số vùng trồng khác gây tốn chi phí và thời gian. Về phía Nhà nước: Chính phủ chưa có những chính sách thực sự hiệu quả để phát triển bền vững nền nông nghiệp làm nền tảng cho xuất khẩu nông sản. Các cơ quan chức năng của Chính phủ chưa có sự phối hợp chặt chẽ giúp cho người nông dân, doanh nghiệp nắm bắt thông tin, những diễn biến thay đổi của thị trường Trung Quốc. Các thông tin có được lại chưa được cung cấp đến các đối tượng cần có thông tin như các địa phương sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô vừa và nhỏ. 5. Khuyến nghị và hàm ý chính sách Thứ nhất, theo phân tích biến động xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy nhanh tiến trình trở thành một thị trường “khắt khe” không thua kém thị trường Châu Âu, Nhật Bản hay Mỹ. Trước đây, Trung Quốc chỉ tập trung vào việc kiểm soát kiểm dịch thực vật, bao bì nhãn mác và truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa của Việt Nam và chưa tập trung vào kiểm soát dư lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Hiện tại, phía Trung Quốc đang chuẩn bị tích cực cho việc kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Việt Nam, tương tự như các thị trường Mỹ, Châu Âu, nhất là vấn đề ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư hóa chất. Do vậy, ngay từ bây giờ các hộ nuôi trồng nước ta phải tìm hiểu và đón đầu những thay đổi trong quy định kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, có những thay đổi quy trình nuôi trồng đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm soát của nhà nhập khẩu Trung Quốc. Điều này cần thực hiện sớm nhằm tránh tình trạng khi phía Trung Quốc ban hành quy định thì hàng nông sản Việt Nam lập tức bị ách lại và bị gián đoạn xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, không đảm bảo tiêu chí quan trong trong phát triển bền vững xuất khẩu là tăng trưởng kim ngạch ổn định. Thứ hai, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm. Để triển khai chiến lược phát triển bền vững xuất khẩu nông sản rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nuôi trồng, doanh nghiệp thu gom, chế biến và xuất khẩu nông sản trong đó tập trung đối với hỗ trợ đầu vào cho các chủ thể trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản như mở rộng các điều kiện tiếp cận nguồn tài chính đầu tư cho sản xuất, xuất khẩu nông sản, hỗ trợ về công nghệ cho các hộ nuôi trồng nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu như việc thay đổi phương thức trồng lúa để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu hay hỗ trợ công nghệ bảo quản cho các loại trái cây xuất khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Chính phủ cần thay đổi phương thức cung cấp thông tin để hộ nuôi trồng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương có thể tiếp cận được các thông tin về những thay đổi chính sách của Trung Quốc đối với nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam. Thứ ba, thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến xuất khẩu nông sản như mở rộng đối tượng doanh nghiệp được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, các cơ quan Thương 48
  10. vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác mở cửa thị trường, cung cấp thông tin và tháo gỡ khó khăn, rào cản cho nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thứ tư, tăng cường vai trò của các hiêp hội ngành hàng xuất khấu. Cụ thể: Các hiệp hội chủ động nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, từ đó hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm; tác động tích cực nhằm thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng; và khuyến khích việc chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức "trao đổi cư dân" sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức. Thứ năm, chính quyền các địa phương chủ động hơn trong việc nắm bắt và tổ chức phổ biến các thông tin, khuyến cáo của các Bộ, ngành Trung ương về nhu cầu, diễn biến thị trường, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng đối với nông thủy sản của nước nhập khẩu tới các hộ nông dân tại địa bàn. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy địa phương nào thực sự quan tâm tới nông dân và tiêu thụ nông sản, thủy sản cho nông dân (như Bắc Giang, Sơn La) thì đều thành công trong việc nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức lại sản xuất, đăng ký vùng nuôi - trồng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kết nối thông suốt giữa người bán và người mua. Những mô hình này nên được tham khảo và nhân rộng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chu Văn Cấp, Nguyễn Đức Hà, Xuất khẩu hàng hóa bền vững: giải pháp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, Tạp chí hội nhập và phát triển số 12/2013. 2. Vũ Thành Hưởng, Hoàn thiện nội hàm và tiêu chí phát triển bền vững ở Việt Nam trong điều kiện mới của toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, Tạp chí Kinh tế và phát triển số 214 (II), tháng 04 năm 2015 3. Ngô Thị Tuyết Mai (2011), Phát triển bền vững hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong điều kiện hiện nay, NXB Chính trị quốc gia. 4. Hồ Trung Thanh, (2009), Xuất Khẩu Bền Vững Ở Việt Nam Trong Quá Trình Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế. Luận án tiến sỹ 5. Nguyễn Thị Hải Yến (2009), Xuất khẩu nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà nội, Hà nội. 6. (truy cập ngày 5/3/2020) 49