Phát triển tài chính toàn diện - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

pdf 9 trang Gia Huy 24/05/2022 1620
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển tài chính toàn diện - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfphat_trien_tai_chinh_toan_dien_kinh_nghiem_quoc_te_va_bai_ho.pdf

Nội dung text: Phát triển tài chính toàn diện - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

  1. PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN - KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM ThS. Phạm Phương Thảo Đại học Hùng Vương Tóm tắt Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và ổn định kinh tế quốc gia. Vì vậy, phát triển tài chính toàn diện được nhiều sự quan tâm của các tổ chức phát triển quốc tế cũng như Chính phủ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết tìm hiểu, phân tích vai trò và các trụ cột của tài chính toàn diện, thực trạng phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm của những nước thành công trong phát triển tài chính toàn diện như: Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng để phát triển tài chính toàn diện cần tập trung vào một số vấn đề như: (i) xây dựng và triển khai thống nhất chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; (ii) xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục tài chính quốc gia như một phần của chiến lược tài chính toàn diện; (iii) có chính sách khuyến khích các NHTM phát triển tài chính toàn diện qua việc mở rộng đối tượng khách hàng ưu tiên và hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính toàn diện của người dân; (iv) đầu tư và phát triển công nghệ tài chính. Từ khóa: Dịch vụ tài chính, tài chính toàn diện, bài học kinh nghiệm, Việt Nam 1. Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, tài chính toàn diện đã trở thành một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính, phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Do đó việc phát triển tài chính toàn diện đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giảm nghèo, năng cao năng lực sản xuất của xã hội, cũng như thúc đẩy phát triển bền vững quốc gia. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Những nội dung cơ bản của tài chính toàn diện 2.1.1. Khái niệm tài chính toàn diện Khái niệm “tài chính toàn diện” (Financial Inclusion) cho đến nay đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới xem xét trên các khía cạnh khác nhau. Một trong những khái niệm xuất hiện sớm nhất của (Leyshon and Thrift, 1995) đã xác định: “Tài chính toàn diện là quá trình một nhóm xã hội và cá nhân nhất định được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức”. (Beck và cộng sự, 2007) (Demirgüç-Kunt và Klapper, 2013) lại cho rằng: “Tài chính toàn diện là việc sử dụng các loại hình dịch vụ tài chính của các cá nhân và doanh nghiệp như thanh toán, tiết kiệm, vay vốn hay mua hợp đồng bảo hiểm, cho các mục đích đầu tư vào giáo dục, kinh doanh hay bảo hiểm cho các rủi ro tài chính phát sinh để gia tăng khối tài sản và quản lý rủi ro tài chính tốt hơn”. Nghiên cứu của (Rangarajan, 2008): “Tài chính toàn diện là quá trình đảm bảo tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính thích hợp, cần thiết cho các nhóm dễ bị tổn thương như các bộ phận yếu hơn và các nhóm thu nhập thấp, với một mức chi phí hợp lý, một cách công bằng và minh bạch”. Tại Việt Nam, tài chính toàn diện là khái niệm còn khá mới mẻ, tuy có các nội dung về tài chính toàn diện đã và đang được các Bộ, Ngành triển khai nhưng chưa được đồng bộ và đạt hiệu quả cao, cũng một phần là do hiểu biết về tài chính của người dân còn thấp. Do đó, từ tổng hợp các định nghĩa trên có thể đưa ra khái niệm về tài chính toàn diện: Tài chính toàn diện là việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) 489
  2. một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và chi phí của tất cả người dân. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà còn bao gồm cả việc nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. 2.1.2. Vai trò của tài chính toàn diện Thứ nhất, tài chính toàn diện góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính. Tiếp cận tài chính có ý nghĩa vô cùng lớn trong xóa đói giảm nghèo, phân phối thịnh vượng công bằng, hỗ trợ phát triển toàndiện và bền vững. Thiếu tiếp cận tài chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất bình đẳng thu nhập, bẫy nghèođói và hạ thấp tăng trưởng. Thứ hai, tài chính toàn diện có thể tạora những tác động tích cực như: gia tăng tiết kiệm và đầutư, qua đó, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó việc tiếpcận dịch vụ ngân hàng giúp các cá nhân và doanh nghiệptìm được nguồn lực để đáp ứng những nhu cầu như vayvốn cho các cơ hội kinh doanh, đầu tư cho con cái họchành, hoặc dành tiền tiết kiệm khi về hưu Thứ ba, tài chính toàn diện giúp Chính phủ giảm bớt chiphí cho các chương trình trợ cấp an sinh xã hội thông qua việc chi trả qua tài khoản ngân hàng, làm tăng sự minh bạch, phòng chống tham nhũng tích cực hơn, nhờđó quản lý xã hội tốt hơn. Một xã hội với cơ hội tiếp cậndịch vụ tài chính mở rộng cho tất cả mọi người sẽ tăng cường sự tham gia của họ vào cuộc sống cộng đồng nóichung, cải thiện công bằng và bình đẳng, năng lực của toàn xã hội theo đó cũng được nâng lên. Thứ tư, tài chính toàn diện giúp các tổ chức tài chính mở rộng đối tượng phục vụ tới tất cả nhóm người trong xã hội, tạo cơ hội cho họ phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, mở rộng cơ sở khách hàng và theo đó là lợi nhuận tăng lên. 2.1.3. Các trụ cột của tài chính toàn diện Theo (Viện chiến lược ngân hàng, 2017) tài chính toàn diện được triển khai dựa trên 3 trụ cột: Một là, dịch vụ thanh toán và cơ sở hạ tầng tài chính. Tài khoản giao dịch (hay tài khoản thanh toán) là một dịch vụ tài chính cơ bản cần được cung cấp cho tất cả mọi người nhằm đáp ứng các nhu cầu về quản lý các công việc/giao dịch tài chính hàng ngày. Từ đó là tiền đề để có thể tiếp cận đến toàn bộ sản phẩm và dịch vụ tài chính khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng như tín dụng, bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư.Mặt khác, để một hệ thống thanh toán quốc gia hoạt động hiệu quả, đồng thời cũng hình thành nền tảng cơ bản cho tài chính toàn diện thì không chỉ có hạ tầng thanh toán mà hạ tầng tài chính là rất cần thiết. Nó bao gồm, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống thanh toán bán lẻ, đặc biệt là các giao dịch chuyển khoản điện tử; các hệ thốngchuyển mạch thẻ; cơ sở hạ tầng xác thực nhân thân (hệ thống định danh); hệ thống thông tin tín dụng và chia sẻ thông tin khác; hạ tầng truyền thông Hai là, đa dạng hóa kênh phân phối và mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính: (i) Thanh toán qua điện thoại di động: Với một số lượng thuê bao điện thoại di động cùng với hệ thống viễn thông phủ sóng khắp các địa phương đã mở ra một kênh phân phối các dịch vụ tài chính cơ bản khác đến với người nghèo. Công nghệ mới này đã tạo ra tính tiện lợi đáng kể, giúp các giao dịch tài chính được thực hiện tức thời, mở rộng điểm truy cập, giảm nhu cầu phải mang tiền mặt và thu hút những khách hàng trước đây chưa từng tham gia giao dịch với ngân hàng. (ii) Dịch vụ ngân hàng đại lý (agent banking): Bằng việc cộng tác giữa ngân hàng với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh. Đây chính là kênh phân phối các dịch vụ tài chính cơ bản có thể vươn đến những vùng sâu, vùng xa thông qua các đại lý là các cửa hàng bách hóa, cửa hiệu thuốc, bưu điện hoặc cửa hàng bán lẻ xăng dầu. (iii) Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính: Để mở rộng mạng lưới tiếp cận cung cấp dịch vụ tài chính, nhiều quốc gia đã cho phép nhiều loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính bao gồm cả các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức công nghệ tài chính. 490
  3. (iv) Các ngân hàng chính sách/các định chế tài chính phát triển: Tại nhiều quốc gia, các ngân hàng chính sách (có thể là NHTM nhà nước) vẫn đóng một vai trò chính trong hệ thống ngân hàng đối với việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo. Các ngân hàng này là những tổ chức tài chính duy nhất có mạng lưới rộng lớn tại khu vực nông thôn và các chính phủ thường sử dụng họ chỉ để thúc đẩy tín dụng và tiết kiệm tại những vùng ít mang lại lợi ích thương mại và để thực hiện những chương trình xã hội. Ba là, tăng cường hiểu biết về tài chính, bảo vệ người tiêu dùng Hầu hết các cuộc điều tra về tài chính ngân hàng tiến hành trên toàn thế giới cho thấy một phần lớn dân số không có đủ kiến thức, thậm chí là kiến thức cơ bản, để hiểu về sản phẩm tài chính và rủi ro liên quan các sản phẩm tài chính. Một bộ phận lớn các cá nhân không biết lập kế hoạch ngân sách cho tương lai và không thực hiện hiệu quả quyết định quản lý tài chính của mình (OECD, 2012). Vì vậy, đòi hỏi các quốc gia phải có cách thức tăng cường hiểu biết về tài chính thông qua giáo dục, tăng cường đào tạo kỹ năng và năng lực tài chính cho người dân để họ có thể tiếp cận và sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ tài chính, quản lý tốt hơn tình hình tài chính. 2.2. Kinh nghiệm một số quốc gia về phát triển tài chính toàn diện 2.2.1. Ấn Độ Là quốc gia có dân số cao thứ hai thế giới nhưng Ấn Độ là một trong những quốc gia thực hiện tài chính toàn diện khá sớm và hiệu quả, nhất là cho những đối tượng là người nghèo và người có thu nhập thấp. Tài chính toàn diện được triển khai lần đầu tiên vào năm 2005 từ một dự án thí điểm tại UT of Pondicherry của C. Chakraborthy, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương (NHTW) Ấn Độ. Làng Mangalam trở thành ngôi làng đầu tiên ở Ấn Độ, nơi tất cả các hộ gia đình được cung cấp các tiện ích ngân hàng. Các tiêu chuẩn được nới lỏng cho những người dự định mở tài khoản với khoản tiền gửi hàng năm ít hơn Rs. 50.000. Bên cạnh đó thẻ tín dụng chung cũng được phát hành cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn với mục đích giúp họ tiếp cận tín dụng dễ dàng. Dự kiến của NHTW Ấn Độ năm 2020 là mở gần 600 triệu tài khoản khách hàng mới và phục vụ họ thông qua nhiều kênh bằng cách tận dụng công nghệ thông tin. Để có được kết quả trên, Chính phủ và các tổ chức tài chính đã có những kế hoạch, chiến lược hành động cụ thể, một số kinh nghiệm nổi bật có thể kể đến sau: Về phía Chính phủ: Chính phủ các tiểu bang đóng vai trò chủ động trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển tài chính toàn diện. Cụ thể, chính quyền cấp hồ sơ nhận dạng cá nhân để có thể chính thức mở tài khoản; liên kết các quận huyện và đơn vị chức năng trong toàn bộ quy trình, đáp ứng chi phí thẻ và các thiết bị thí điểm khác; cam kết đào tạo các kỹ năng tài chính cho người dân. Đây là cách mà chính quyền Tiểu bang và các quận huyện tham gia vào quá trình phát triển tài chính toàn diện. Năm 2007-2008, Ấn Độ thành lập hai quỹ phục vụ phát triển tài chính toàn diện: (i) Quỹ tài chính toàn diện nhằm hỗ trợ phát triển và thúc đẩy tài chính toàn diện, (ii) Quỹ Công nghệ Tài chính Toàn diện để đáp ứng chi phí ứng dụng công nghệ có kinh phí lên tới 125 triệu USD. Ngoài ra những sáng kiến được tiến hành nhằm tăng cường tài chính toàn diện như là: thành lập các trung tâm năng lực tài chính và tư vấn tín dụng trên cơ sở thí điểm, phát động chiến dịch năng lực tài chính quốc gia, tăng cường kết nối với các nguồn không chính thức với các biện pháp bảo vệ thông qua luật pháp phù hợp, phát triển tiêu chuẩn toàn ngành về các giải pháp công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho các sản phẩm chuyển tiền chi phí thấp (Usha Thorat, 2007). Về phía các tổ chức tài chính: một trong những cách tiếp cận dịch vụ ngân hàng chính thức đã được cung cấp thành công đó là thông qua liên kết các Nhóm Tự trợ với ngân hàng. Nhóm này thông thường là nhóm phụ nữ kết hợp với nhau, tập hợp các khoản tiết kiệm và cho các thành viên vay. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thông tin cho các nhóm, liên kết với ngân hàng cũng như thúc đẩy các quy phạm thực hành tốt. Nhóm cho vay với bảo lãnh của các thành viên trong nhóm (Shankar, 2013). 491
  4. Đồng thời NHTW Ấn Độ đã phối hợp với nhiều tổ chức và các doanh nghiệp triển khai rất tích cực các chương trình giáo dục tài chính trên quy mô cả nước, giúp người nghèo và cận nghèo hiểu về nhu cầu tài chính và trách nhiệm của họ trong công tác quản lý tài chính trước khi triển khai cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các khoản vay. Tài liệu được sử dụng bao gồm: sách ảnh với nhiều phiên bản ngôn ngữ được sử dụng tại Ấn Độ, các ấn phẩm truyền thông và các sự kiện về đào tạo người dùng tại nhiều địa phương. 2.2.2. Malaysia Trong số các quốc gia có thu nhập trung bình, Malaysia là quốc gia đạt trình độ tài chính toàn diện vào hạng cao nhất trên thế giới. Hệ thống tài chính của Malaysia phát triển nhanh chóng và không ngừng nghỉ mang đến cho nền kinh tế quốc gia này hàng loạt sản phẩm tài chính truyền thống và đặc trưng Hồi giáo cho các hộ gia đình với mức phí phải chăng. Với hơn 92% dân số được tiếp cận các dịch vụ tài chính, Malaysia đang tiệm cận với nền tài chính toàn diện toàn cầu trong tương lai gần (WB, 2017). Chính phủ Malaysia bắt đầu thực hiện cải cách hệ thống tài chính từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính Châu Á 1997-1998. Chiến lược này tập trung vào hai nội dung chính: (i) Giai đoạn 1: Kế hoạch tổng thể ngành tài chính kéo dài từ 2001-2010, giai đoạn 2: Kế hoạch tài chính (2011-20120) được quản lý bởi ngân hàng Negara Malaysia; (ii) quy hoạch tổng thể thị trường vốn được dẫn đầu bởi Ủy ban chứng khoán. Bên cạnh đó trong thời gian này, hệ thống khuôn khổ pháp lý và giám sát tài chính cũng được Chính phủ Malaysia củng cố mạnh mẽ, kết quả đã hỗ trợ việc tái cơ cấu và quy hoạch lĩnh vực tài chính một cách hiệu quả (Abd Rahman, Zarina, 2012). Nằm trong khuôn khổ thực hiện chiến lược này, một loạt chủ trương đã được Malaysia triển khai để đẩy mạnh tài chính toàn diện. Nhiệm vụ của NHTW Malaysia đã được điều chỉnh, qua đó cho Ngân hàng quyền pháp lý để chủ động phát triển tài chính toàn diện. Malaysia đã đi tiên phong trong các NHTW trên thế giới trong việc công nhận và chính thức hóa vai trò quan trọng của NHTW trong phát triển tài chính toàn diện. Các cải cách lớn khác bao gồm thành lập văn phòng tín dụng, yêu cầu các ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo với mức giá phải chăng và giới thiệu mô hình ngân hàng đại lý để các tổ chức tài chính có thể tiếp cận khách hàng mới ở vùng sâu vùng xa một cách an toàn và tiết kiệm chi phí. Không chỉ thế, Malaysia đã đầu tư đáng kể vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán quốc gia, đẩy nhanh áp dụng các phương tiện thanh toán điện tử trên toàn quốc. Ngoài ra, các cơ chế mạnh về mặt thể chế cũng đã được áp dụng để thúc đẩy giáo dục và hiểu biết về tài chính, thành lập thanh tra tài chính và cơ quan bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ khách hàng gửi tiền quy mô nhỏ trong trường hợp ngân hàng gặp khó khăn (Kameel Abdul Halim, 2016). Có thể thấy tài chính toàn diện đã trở thành ưu tiên quốc gia hàng đầu của Malaysia trong suốt một thời gian dài, thậm chí trước cả khi tài chính toàn diện trở thành mục tiêu toàn cầu của cả thế giới vào thời điểm cuối thập kỷ qua. Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy không thể đốt cháy giai đoạn để mở rộng tài chính toàn diện. Tiến bộ trong tài chính toàn diện của Malaysia là thành quả của nỗ lực từ phía nhà nước cũng như ngành tài chính trong 20 năm qua. 2.2.3. Thái Lan Thái Lan cũng là một trong số những quốc gia ở Châu Á chịu ảnh hưởng mạnh từ cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á 1997, nền kinh tế nước này gần như đã rơi vào trạng thái phá sản và phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ IMF. Với khoản hỗ trợ tài chính này, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện cải cách một cách toàn diện và tái cơ cấu lại nền kinh tế. Chiến lược về tài chính toàn diện của Thái Lan được xây dựng trên nền tảng của ba trụ cột: (i) Cải thiện, cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, tiết kiệm và bảo hiểm; (ii) tăng nhu cầu thông qua giáo dục tài chính và (iii) cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng quản lý tài chính trên cơ sở cải thiện hệ thống dữ liệu và cơ cấu lại cách thức quản lý (Kanittha Tambunlertchai, 2014). Để thực hiện hóa chiến dịch này đã thực hiện một số biện pháp như: 492
  5. Cung cấp các khoản tín dụng cho hộ gia đình, nông trại và các công ty nhỏ ở khu vực nông thôn, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế, Chính phủ Thái Lan còn thực hiện chính sách tiếp cận tài chính hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) - những nhân tố chủ chốt trong quá trình phục hồi hậu khủng hoảng của Thái Lan. Trọng tâm của các chính sách trợ giúp SMEs của Thái Lan là phát triển các mạng lưới trợ giúp công nghiệp phục vụ xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó Chính phủ Thái Lan cũng nỗ lực thực hiện cải cách các quy định cũng như giám sát hệ thống tài chính một cách chặt chẽ và có những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính, vực dậy nền kinh tế và mở rộng tiếp cận tài chính đến dân cư, từ đó phát triển tài chính toàn diện. 2.2.4. Indonesia Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Indonesia được thực hiện từ 6/2012 với tầm nhìn là tạo lập một hệ thống tài chính mà tất cả các tầng lớp trong xã hội có thể tiếp cận nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và bình đẳng về thu nhập. Các nội dung mà chương trình đã được thực hiện bao gồm: (i) Trợ cấp tài chính khuyến khích mọi tầng lớp xã hội tiếp cận với hệ thống tài chính; (ii) sản phẩm ngân hàng tiết kiệm không có phí quản lý và tài khoản tiết kiệm cơ bản khác; (iii) chương trình trợ giúp Chính phủ để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho cộng đồng và đồng thời khuyến khích xu hướng không sử dụng tiền mặt mà chuyển qua tiền điện tử thông qua đại lý dịch vụ tài chính số; (iv) chương trình cải thiện việc cung cấp thông tin cho ngư dân và nông dân nhằm giảm bớt thông tin bất đối xứng cho người sản xuất cũng như cải thiện vị trí thương lượng của nông dân và ngư dân. Đồng thời Indonesia cũng triển khai mở rộng giáo dục về tài chính toàn diện nhằm nâng cao nhận thức về tài chính và kiến thức về sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tài chính chính thức. Bằng cách đưa các tài liệu giáo dục về quản lý tài chính vào các chương trình giáo dục cho học sinh và sinh viên đại học; đào tạo giảng viên cho sinh viên cao đẳng và giảng viên khối ngành Kinh tế, mức độ phổ cập hiểu biết về tài chính toàn diện đã được nâng lên. 2.3. Thực trạng tài chính toàn diện ở Việt Nam 2.3.1. Kênh phân phối và mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính Ở Việt Nam hiện nay, mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chứctín dụng đã phát triển mạnh thôngqua mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắpcả nước, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Theo (NHNN Việt Nam, 2017) tính đến tháng12/2017, hệ thống các tổ chức tín dụng bao gồm 04 ngân hàng thương mại nhà nước (GPBank, Agribank, CB, Ocean Bank), 02 ngân hàng chính sách, 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 27 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 01 ngân hàng Hợp tác xã, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 02 ngân hàng liên doanh, 48 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 48 văn phòng đại diện, 1.178 quỹ tín dụng nhândân, 04 tổ chức tài chính vi mô. Mạng lưới hoạt động bao gồm 2.741 chi nhánh, 7.046 phòng giao dịch, 17.558 ATM, 268.813 POS/EDC. 2.3.2. Dịch vụ thanh toán và cơ sở hạ tầng tài chính Theo (NHNN Việt Nam, 2017) cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thanh toán thẻ trong thời gian qua liên tục được đầu tư để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đến cuối năm 2017, số lượng giao dịch qua ATM đạt 780 triệu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 2.133 nghìn tỷ đồng. Số lượng giao dịch qua POS/EFTPOS/EDC đạt trên 151 triệu giao dịch đạt 352 nghìn tỷ đồng. Đồng thời hoạt động thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển về số lượng thẻ phát hành và số lượng thẻ giao dịch. Cuối năm 2017, số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt 132,3 triệu thẻ. Các ngân hàng cũng đã tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán trên thẻ như: thanh toán tiền điện nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. 493
  6. Hình 1. Số lượng ATM, POS và thẻ ngân hàng qua các năm 2013-2017 (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Bên cạnh đó các ngân hàng Việt Nam cũng cùng nhau phát triển mạnh kênh cung cấp dịch vụ qua Internet banking và Mobile banking. Tính đến cuối năm 2017, có khoảng 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet banking và hơn 41 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán Mobile Banking. Giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động và Internet lần lượt tăng 127% và 88% so với thời điểm cuối năm 2016. Bên cạnh đó, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được triểnkhai thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ, giá trị thấp. Với mức thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ở mức độ nhanh, ứng dụng trình độ công nghệ tốt, có 53% dân số sử dụng Internet - cao hơn mức trung bình ở khu vực là 35%, và 71 triệu người có sử dụng dịch vụ di động, tỷ trọng rất cao so với các quốc gia Châu Á khác, Việt Nam thực sự đang có những lợi thế rất quan trọng về cả tiềm năng và sức mạnh phù hợp để thúc đẩy tài chính toàn diện. Tuy nhiên, trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn được tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các ngân hàng cung cấp thì nhóm đối tượng dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp không ít trở ngại. Hình 2. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại một tổ chức tài chính (Nguồn: Global Findex) Đến cuối năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam mới chỉ đạt đến 39,8%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Theo (Global Findex Database, 2014), tỷ lệ này tại Trung Quốc đã đạt 78,3%, Malaysia là 80,7%, Thái Lan là 78,1%, Ấn Độ là 52%. Các chỉ số tiếp cận tài chính cơ bản khác như số lượng chi nhánh ngân hàng thương mại và ATM tính bình quân trên 100.000 người trưởng thành ở Việt Nam cũng ở mức thấp trong khu vực. 494
  7. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã được mở rộng, mạng lưới chi nhánh phát triển trên khắp cả nước nhưng vẫn còn khá mỏng ở vùng sâu vùng xa, nông thôn, hải đảo. Khoảng 70% dân số, nhất là nhóm đối tượng người nghèo vùng nông thôn vẫn thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ tài chính, do vậy tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thực tế vẫn còn khá cao. Bên cạnh đó, nhiều người Việt Nam hiện nay không tham gia hệ thống tài chính chính thức nhưng trên thực tế lại đang thực hiện nhiều giao dịch tài chính phi chính thức. Theo khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thế giới (2016), có 39% người trưởng thành gửi tiền tiết kiệm bên ngoài hệ thống chính thức, để tiền ở nhà hoặc sử dụng các hình thức tài chính không chính thức khác như chơi họ, 65% người gửi tiền hoặc nhận tiền gửi bên ngoài hệ thống chính thức hoặc thanh toán tiền học phí, tiền điện, nước bằng tiền mặt. Kết quả khảo sát về một số rào cản đối với tiếp cận tài chính chính thức của ngân hàng thế giới tại Việt Nam 2016 được thể hiện qua hình 3 dưới đây: Hình 3. Một số rào cản đối với tiếp cận tài chính chính thức (Nguồn: Khảo sát của ngân hàng thế giới về tiếp cận tài chính tại Việt Nam 2016) 2.3.3. Hiểu biết tài chính và bảo vệ người tiêu dùng Tại Việt Nam, việc nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân vẫn còn khá mới mẻ, đa số người dân chưa có nhiều kiến thức để đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn cho bản thân cũng như gia đình. Mặt khác, các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ngày càng trở nên hiện đại và phức tạp hơn khiến cho ngay cả những người dân sống ở đô thị có nền tảng kiến thức cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt. Theo kết quả khảo sát 140 quốc gia của S&P Global FinLit Survey năm 2014, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người trưởng thành có hiểu biết tài chính thấp nhất (24%), tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và thấp hơn các nước trong khu vực như: Thái Lan (27%), Indonesia (32%), Malaysia (36%), Myanmar (52%) và Singapore (59%). Một kết quả khảo sát khác của NHNN Việt Nam (2015) chỉ ra rằng chỉ có 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân. Khảo sát học sinh/sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 (2012-2013) cho thấy chỉ 17,2% biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết phải làm gì với tiền (Cấn Văn Lực, 2018). Rõ ràng là việc giáo dục kiến thức về tài chính nâng cao ở Việt Nam còn hạn chế, số người có hiểu biết về tài chính và các dịch vụ của các TCTC còn thấp dẫn đến việc ngại tham gia và tiếp xúc với tổ chức tài chính. Hơn nữa, vào năm 2015 đánh giá về bảo vệ người tiêu dùng do Ngân hàng Thế giới ghi nhận, Việt Nam cam kết tăng cường bảo vệ người tiêu dùng ở cấp quốc gia, nhưng quy định về môi trường và năng lực xung quanh vấn đề tài chính bảo vệ người tiêu dùng (đặc biệt trong việc điều phối giữa các nhà quản lý và giám sát) vẫn còn giai đoạn đầu phát triển. 3. Kết luận Từ thực trạng phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam trong thời gian qua và kinh nghiệm phát triển tài chính toàn diện ở một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm và khuyến nghị như sau: 495
  8. Thứ nhất,cần xây dựng và triển khai thống nhất chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Chiến lược này cần tập trung vào ba trụ cột được xây dựng trên cơ sở phân tích cung (tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính) - cầu (người dân và tổ chức có nhu cầu sử dụng các dịch vụ/sản phẩm tài chính). Theo đó ba trụ cột xuyên suốt chiến lược sẽ là: (i) thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng; (ii) đổi mới các kênh phân phối (trong đó tập trung vào các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại); (iii) bảo vệ người tiêu dùng tài chính và tăng cường hiểu biết tài chính. Thứ hai, xây dựng và triển khai chiến lược giáo dục tài chính quốc gia như một phần của chiến lược tài chính toàn diện. Các quốc gia G-20 và APEC nhất trí coi “giáo dục tài chính” là yếu tố then chốt để thực hiện chính sách tài chính toàn diện. Từ kinh nghiệm của Ấn Độ và Malaysia trong việc phát triển các chương trình giáo dục tài chính, Việt Nam cần nghiên cứu và đưa ra các kế hoạch cụ thể phù hợp với môi trường và điều kiện hiện tại. Các nhóm giải pháp có thể kể đến như: (i) Đưa giáo dục tài chính vào các chương trình giao dục chính thức; (ii) Phát triển các chương trình giáo dục dành riêng cho nhóm dân cư có thu nhập thấp và khu vực nông thôn; (iii) Tổ chức khảo sát hiểu biết tài chính hàng năm để nắm được các khoảng trống và đánh giá hiệu quả của các chương trình hiện tại; (iv) Phát triển/hỗ trợ hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và viện nghiên cứu; (v) Đa dạng hóa các kênh đào tạo tài chính hiệu quả khác nhau như điện thoại di động, e-learning, truyền hình, truyền thông, Thứ ba, NHNN cần có chính sách khuyến khích các NHTM phát triển tài chính toàn diện qua việc mở rộng đối tượng khách hàng ưu tiên và hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính toàn diện của người dân, đặc biệt đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng chính sách và các Quỹ tín dụng nhân dân vì đây là những tổ chức tài chính có mạng lưới chi nhánh lớn tại các vùng nông thôn. Mặt khác các ngân hàng cũng cần thiết kế các sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của các nhóm khách hàng khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm và thanh toán bởi thực tế quy mô tiết kiệm của người dân tại khu vực nông thôn rất nhỏ và mức độ tổn thương của các gia đình thường cao so sản xuất kinh doanh của họ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thương lái. Các sản phẩm tiết kiệm với quy mô nhỏ, thời gian đáo hạn nhanh sẽ phù hợp hơn với nhóm khách hàng này. Thứ tư, đầu tư và phát triển công nghệ tài chính. Để thực hiện được điều này đòi hỏi Chính phủ một mặt tiếp tục nâng cao cơ sở hạ tầng, một mặt phải hoàn thiện khung pháp lý để phát triển công nghệ số trong lĩnh vực tài chính một cách hiệu quả và toàn diện hơn. Trên cơ sở đó khuyến khích các NHTM, các TCTD cung cấp dịch vụ tài chính vi mô sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng từ xa như phát triển mạng lưới ngân hàng điện tử, phát triển dịch vụ ngân hàng đi kèm với ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (mobile và internet banking). Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp các tổ chức tài chính mở rộng việc cung cấp dịch vụ của mình đến người tiêu dùng một cách hiệu quả. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Abd Rahman, Zarina (2012), Financial Inclusion in Malaysia: TrackingProgress Using Index, IFC Bulletin No. 38, Bank for International Settlements, Basle 2. Beck, T., DemirgüçKunt, A &· Levine, R. (2007), Finance, inequality and the poor, Journal of Economic Growth,pp 27-49 3. Cấn Văn Lực (2018), Financial education in Vietnam: achievements, issues and future agend, Report at the International conference: Financial education in the context of financial inclusion acceleration in Vietnam 23/3/2018, VNU University of Economics and Business. 4. DemirgüçKunt, A., Klapper, L. & Singer, D. (2013), Financial inclusion and legal discrimination against women, The World Bank, Developmant Research Group. 496
  9. 5. Đinh Thị Thanh Vân và Nguyễn Đăng Tuệ (2018), Quản lý tài chính cá nhân và khởi nghiệp, NXB Khoa học và Kỹ thuật 6. G20 Financial Inclusion Experts Group - ATISG Report (2010), Innovative Financial Inclusion. 7. Global Findex Database, 2014 8. Kameel Abdul Halim (2016), Improving Financial Inclusion through New Channels and Innovative Products - A case study of Malaysia. 9. Kanittha Tambunlertchai (2014), Financial Inclusion, Financial Regulation, and Financial Education in Thailand, Asian Development Bank Institue. 10. Leyshon, T., (1995), Geographies of fnancial exclusion: fnancial abandonment in Britain and the United States,Transactions of the Institute ofBritishGeographers New Series, 20, pp.312-41 11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2017), Báo cáo thường niên. 12. Nguyễn Kim Anh và Nguyễn Đức Hải (2013), Hoạt động tài chính vi mô: Kinh nghiệm của thế giới và bài học cho Việt Nam, NXB Thanh Niên 13. OECD. 2012. PISA - Financial litercay Framework 14. Shankar, S. (2013), Financial inclusion in India: Do microfnance institutions address access barriers?, ACRN Journal ofEntrepreneurship Perspectives. Vol.2, Issue 1, p.60-74. 15. Usha Thorat (2007), Financial inclusion- the Indian experience, the HMTDFID, Financial Inclusion Conference 2007 16. Viện chiến lược ngân hàng (2015), Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam. 17. Viện Chiến lược ngân hàng (2017), Sơ lược về tài chính toàn diện 18. WB (2014), Global Financial Development Report 2014 19. WB (2017), Financial inclusion in Malaysia - distilling lessons for othercountries. 20. databank.worldbank.org 497