Tác động của chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với các nhóm người lao động ở Việt Nam

pdf 6 trang Gia Huy 23/05/2022 1980
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với các nhóm người lao động ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_che_do_bao_hiem_xa_hoi_mot_lan_doi_voi_cac_nhom.pdf

Nội dung text: Tác động của chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với các nhóm người lao động ở Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TÁC ĐỘNG CỦA CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN ĐỐI VỚI CÁC NHÓM NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM PGS.TS. Cao Thị Ý Nhi Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt: Bảo hiểm xã hội một lần là chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ cho NLĐ có một khoản thu nhập sau thời gian lao động có đóng góp BHXH mà không đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng. Mặc dù chính sách có quy định chung với các nhóm NLĐ, song có những kết quả khác nhau giữa các nhóm lao động khác nhau. Bài báo phân tích tác động của chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với các nhóm NLĐ ở Việt Nam theo giới tính, độ tuổi và khu vực để từ đó đưa ra các giải pháp hướng tới đảm bảo quyền lợi bền vững cho NLĐ Từ khóa: giới tính, khu vực lao động, BHXH một lần, NLĐ 1. QUY CHUẨN QUỐC TẾ VÀ QUY ĐỊNH CỦA VIỆT NAM VỀ BHXH MỘT LẦN Quyền hưởng các chế độ BHXH nói chung và hưởng chế độ hưu trí khi về già nói riêng sẽ mất đi cùng với việc hưởng BHXH một lần của NLĐ. Mức độ bao phủ của hệ thống BHXH cũng vì thế sẽ bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia và số người thụ hưởng các chế độ BHXH. Từ đó, các nỗ lực mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia BHXH của một quốc gia sẽ bị hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn. Xét từ góc độ tiêu chuẩn quốc tế, các Công ước về an sinh xã hội (các tiêu chuẩn tối thiểu) năm 1952 (C102) và Công ước về các chế độ mất sức lao động, hưu trí và tử tuất năm 1967 (C128) của Tổ chức Lao động Quốc tế chỉ tập trung yêu cầu các quốc gia thành viên “bảo đảm cho những người được bảo vệ” được hưởng chế độ hưu trí định kỳ (hàng tháng hoặc hàng năm) tùy theo số năm đóng góp hay làm việc hoặc thường trú của họ, mà không đề cập đến việc hưởng BHXH một lần - một hình thức hoàn toàn không phù hợp trong nỗ lực bảo đảm sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình để đương đầu với những khó khăn, cú sốc về kinh tế và xã hội dẫn đến mất hoặc làm giảm nghiêm trọng thu nhập do tuổi già. 251
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Trên thế giới chỉ có rất ít quốc gia với các chương trình hưu trí BHXH dựa trên đóng góp của các bên liên quan quy định chi trả khoản BHXH một lần khi những người tham gia không đủ điều kiện theo luật định để hưởng hưu trí định kỳ khi đến tuổi nghỉ hưu. Các quốc gia này bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Lào và Pakistan. Nhìn chung, việc chi trả BHXH một lần chỉ được các quốc gia này thực hiện khi NLĐ đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng hưu trí định kỳ (hàng tháng, quý hoặc năm) giống như quy định tại các Điều 60 và Điều 77 trong Luật BHXH năm 2014 của Việt Nam. Điều kiện đóng góp để hưởng hưu trí cũng chỉ là 10 năm hoặc 15 năm, không quá dài như ở Việt Nam với 20 năm đóng BHXH. Hơn nữa, NLĐ thường được khuyến khích tiếp tục đóng BHXH để có thể đủ điều kiện hưởng hưu trí trong tương lai. Tại Việt Nam, Điều 60, Điều 77 Luật BHXH năm 2014 và điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định rõ 6 trường hợp NLĐ được nhận BHXH một lần: + Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; + Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn); + Ra nước ngoài để định cư; + Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; + Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu; + Người tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng 2. PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA BHXH MỘT LẦN ĐỐI VỚI CÁC NHÓM LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM Trong giai đoạn từ 2015 đến 2018, bình quân mỗi năm có hơn nửa triệu người hưởng BHXH một lần. Đây là một con số quá lớn so với nỗ lực phát triển đối tượng BHXH của toàn ngành BHXH. 252
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Bảng 1. Tình hình hưởng BHXH một lần giai đoạn 2015-2018 theo giới tính Nam Nữ Tổng cộng Số người (người) Tỷ lệ (%) Số người (người) Tỷ lệ (%) Năm 2015 219.275 45 266.677 55 485.952 Năm 2016 219.381 44 273.937 56 493.318 Năm 2017 251.785 45 307.125 55 558.910 Năm 2018 306.009 46 360.874 54 666.883 Tổng cộng/ 996.450 45 1.208.613 55 2.205.063 bình quân Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nhìn chung, phụ nữ hưởng BHXH một lần nhiều hơn nam giới ở tất cả các năm trong giai đoạn này, chiếm bình quân khoảng 55% trong tổng số người hưởng BHXH một lần. Số người có trên 10 năm đóng BHXH có xu hướng hưởng BHXH một lần ngày càng gia tăng đối với cả nam và nữ. Trong năm 2015, nam giới có trên 10 năm đóng BHXH, chiếm 7% trong tổng số người hưởng BHXH tăng lên 10% năm 2018. Còn đối với phụ nữ, tỷ lệ này tăng từ 6% lên 8% trong cùng giai đoạn. Bảng 2. Số người có trên 10 năm đóng BHXH đã hưởng BHXH một lần giai đoạn 2015-2018 2015 2016 2017 2018 Nam Nữ Cộng Nam Nữ Cộng Nam Nữ Cộng Nam Nữ Cộng Số người đóng 16.454 4.079 30.533 19.070 6.353 35.423 23.587 9.356 42.943 30.363 7.606 57.969 BHXH trên 10 năm Tổng số người hưởng 219.275 266.677 485.952 219.381 273.937 493.318 251.785 307.125 558.910 306.009 360.874 666.883 BHXH một lần Tỷ lệ 8 5 6 9 6 7 9 6 8 10 8 9 (%) Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam 253
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Khi phân tích số liệu hưởng BHXH một lần theo độ tuổi, có thể thấy các nhóm tuổi từ 25 đến 29 và từ 30 đến 34 là hai nhóm tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất đối với cả nam giới và nữ giới, tương ứng là 50,5% và 54,9%. Tuy nhiên, ở nam giới, nhóm tuổi từ 30 đến 34 có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 25,9% thì ở phụ nữ nhóm tuổi từ 25 đến 29 lại là nhóm có số người hưởng BHXH một lần cao nhất với 30%. Xu hướng này ở phụ nữ có thể được giải thích là do phụ nữ ở các nhóm tuổi này đang trong độ tuổi sinh đẻ, phải nghỉ việc sinh con, cũng như tỷ lệ cao của phụ nữ bị sa thải sau tuổi 35. Còn đối với nam giới, họ chủ yếu ở độ tuổi trụ cột cần chu cấp cho gia đình, nên khi mất việc thường nghĩ ngay đến đến nguồn tài chính từ chế độ BHXH một lần. Bảng 3. Nam giới hưởng BHXH một lần giai đoạn 2015-2018 chia theo nhóm tuổi Số người Tỷ lệ Nhóm tuổi 2015 2016 2017 2018 Cộng (%) Từ 15 đến 19 tuổi 52 40 31 33 214 0,02 Từ 20 đến 24 tuổi 18.270 17.149 18.177 19.500 93.481 7,76 Từ 25 đến 29 tuổi 56.056 55.127 60.572 69.492 297.292 24,66 Từ 30 đến 34 tuổi 56.708 56.880 65.916 78.211 311.545 25,85 Từ 35 đến 39 tuổi 33.156 35.304 43.840 57.849 199.698 16,57 Từ 40 đến 44 tuổi 20.650 20.723 24.871 32.024 117.157 9,72 Từ 45 đến 49 tuổi 13.880 14.200 15.958 20.830 77.304 6,41 Từ 50 đến 54 tuổi 9.076 8.915 9.892 12.455 48.297 4,01 Từ 55 đến 59 tuổi 5.562 5.255 6.064 7.902 29.983 2,49 Từ 60 tuổi trở lên 5.865 5.788 6.464 7.331 30.355 2,52 Tổng 219.275 219.381 251.785 305.627 1.205.325 100 Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam Bảng 4. Phụ nữ hưởng BHXH một lần giai đoạn 2015-2018 chia theo nhóm tuổi Số người Tỷ lệ Nhóm tuổi 2015 2016 2017 2018 Cộng (%) Từ 15 đến 19 tuổi 123 106 51 58 518 0,04 Từ 20 đến 24 tuổi 37.582 35.052 35.300 38.954 189.200 12,86 Từ 25 đến 29 tuổi 83.009 82.415 89.953 101.912 441.550 30,00 Từ 30 đến 34 tuổi 65.446 68.259 77.884 91.397 365.752 24,85 Từ 35 đến 39 tuổi 34.608 39.411 48.114 60.100 214.875 14,60 Từ 40 đến 44 tuổi 20.616 22.008 25.169 32.153 118.565 8,06 Từ 45 đến 49 tuổi 12.129 13.378 15.266 18.837 70.269 4,77 Từ 50 đến 54 tuổi 6.503 6.850 8.327 9.712 36.857 2,50 Từ 55 đến 59 tuổi 5.581 5.363 5.786 6.623 28.287 1,92 Từ 60 tuổi trở lên 1.080 1.095 1.275 1.510 5.815 0,40 CỘNG 266.677 273.937 307.125 361.256 1.471.688 100 Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam 254
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy có sự khác biệt lớn trong hưởng chế độ BHXH một lần của NLĐ ở khu vực việc làm Nhà nước và khu vực việc làm ngoài Nhà nước. Những người hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước, với 615.612 người trong tổng số 666.883 người đã hưởng BHXH một lần của năm 2018, chiếm 92,31%. Bảng 5. Số người hưởng BHXH một lần theo độ tuổi, khu vực làm việc và loại hình BHXH năm 2018 KHU VỰC NHÀ KHU VỰC NGOÀI BHXH TỰ Nhóm tuổi NƯỚC NHÀ NƯỚC NGUYỆN Tổng Số người Tỷ lệ Số người Tỷ lệ Số người Tỷ lệ (người) (%) (người) (%) (người) (%) Từ 15 đến 19 tuổi 5 5,49 86 94,51 0 0,00 91 Từ 20 đến 24 tuổi 1.571 2,68 56.903 97,18 81 0,14 58.555 Từ 25 đến 29 tuổi 7.452 4,34 163.485 95,27 656 0,38 171.593 Từ 30 đến 34 tuổi 10.858 6,40 157.363 92,76 1.420 0,84 169.641 Từ 35 đến 39 tuổi 9.472 8,04 106.584 90,43 1.810 1,54 117.866 Từ 40 đến 44 tuổi 5.631 8,78 57.243 89,30 1.229 1,92 64.103 Từ 45 đến 49 tuổi 3.478 8,78 35.349 89,22 795 2,01 39.622 Từ 50 đến 54 tuổi 2.100 9,49 19.470 87,97 563 2,54 22.133 Từ 55 đến 59 tuổi 1.674 11,56 12.248 84,58 559 3,86 14.481 Từ 60 tuổi trở lên 1.381 15,70 6.881 78,21 536 6,09 8.798 CỘNG 43.622 6,54 615.612 92,31 7.649 1,15 666.883 Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam Bảng trên cho thấy tỷ lệ hưởng chế độ BHXH một lần là khá cao ở nhóm tuổi từ 55 đến 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên ở cả khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Điều này có thể được hiểu là do sự tham gia BHXH bắt buộc muộn của nhóm đối tượng mở rộng tham gia BHXH bắt buộc của chính sách đối với một số loại hình hợp đồng lao động và loại hình công việc mà trước đây không thuộc diện bao phủ của BHXH bắt buộc. Những NLĐ này thường có số năm tham gia BHXH thấp, lại đến tuổi nghỉ hưu và không có khả năng tự đóng BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng nên phải hưởng BHXH một lần. 255
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 3. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO NLĐ Thứ nhất, nghiên cứu hạ thấp quy định về điều kiện thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, kết hợp với mức hưởng thấp hơn. Điều này sẽ khiến NLĐ nhận thấy cơ hội được hưởng hưu trí khi đến tuổi về hưu và có niềm tin vào hệ thống, từ đó nỗ lực theo đuổi quá trình đóng góp bảo đảm tự an sinh xã hội của mình. Thứ hai, cho phép những người tham gia BHXH từ 10 năm trở lên (cả thuộc nhóm bắt buộc hay tự nguyện) được phép đóng BHXH một lần cho nhiều năm, mở rộng phương thức đóng góp, giúp họ linh hoạt hơn trong đóng phí BHXH. Đặc biệt là đối với nhóm lao động bắt buộc, có thể đàm phán với người sử dụng lao động đóng góp một lần cho vài năm. Thứ ba, cân nhắc hỗ trợ hoặc có chính sách riêng cụ thể đối với các lao động trong độ tuổi sinh đẻ gặp khó khăn về thu nhập, giúp họ có thu nhập để chi trả được các nhu cầu phát sinh ở thời điểm nuôi con nhỏ, đồng thời giúp họ yên tâm tiếp tục tham gia hệ thống BHXH. Thứ tư, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cần được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật. Người dân cần được biết và được tham vấn một cách hiệu quả về ý nghĩa và mục đích của những điều chỉnh và thay đổi chính sách, pháp luật sẽ được thông qua. Điều này sẽ giúp tạo ra sự đồng thuận trong xã hội ngay từ khi chính sách, pháp luật được thiết kế và được ban hành, cũng như giúp NLĐ có kế hoạch chuẩn bị tốt cho các giai đoạn sau khi chính sách và pháp luật được điều chỉnh, thay đổi. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ILO (1952), Công ước 102 về Quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội. 2. ILO (1967), Công ước 128 về Trợ cấp tàn tật, tuổi già và tiền tuất. 3. Chính phủ (2014), Luật BHXH 2014. 4. Quốc hội (2015), Nghị quyết số 93/2015/QH13. 5. BHXH Việt Nam (2019), Báo cáo tổng kết nghị quyết số 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ. 256