Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam

pdf 4 trang Gia Huy 24/05/2022 3290
Bạn đang xem tài liệu "Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftac_dong_cua_cuoc_cach_mang_cong_nghiep_4_0_den_linh_vuc_tai.pdf

Nội dung text: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam

  1. TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐẾN LĨNH VỰC TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM Đặng Nguyễn Minh Thƣ, Mai Thị Thanh Thúy, Phạm Thị Hiền, Phạm Hoài Trinh Khoa Kế toán Tài chính Ngân hàng, Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH) TÓM TẮT Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ cùng các cơ quan, ban, ngành đang nỗ lực nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm phát huy các tác động tích cực, tận dụng thời cơ, đồng thời, hạn chế các tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho phát triển kinh tế. Bài viết này phân tích các tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho ngành Tài chính, Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung để có thể hội nhập và chủ động ứng phó thành công với những xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ khóa: Cách mạng công nghiệp, tài chính, ngân hàng, Việt Nam. 1. KHÁI QUÁT VỀ CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 Cách mạng công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo năm 2013 của chính phủ Đức, được đăng tải trên Gartner. Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp - Kinh doanh cả về chức năng và quy trình bên trong. Theo Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được phát triển trên nền tảng cuộc cách mạng lần ba, kết hợp các yếu tố công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Vũ Đình nh (2018), Cách mạng công nghiệp 4.0, về bản chất, là xu hướng hiện đại trong tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm: các hệ thống không gian mạng thực và ảo (Cyber-physical System); Internet vạn vật và điện toán đám mây; Điện toán nhận thức (Cognitive Computing). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra “nhà máy thông minh” - Smart factory. Qua Internet vạn vật, các hệ thống không gian mạng thực và ảo giao tiếp, cộng tác với nhau và với con người trong thời gian thực, đồng thời, với sự giúp đỡ của Internet dịch vụ, dịch vụ nội hàm và dịch vụ xuyên tổ chức được cung cấp cho các bên tham gia chuỗi giá trị sử dụng. Theo Kagermann và cộng sự ( 2013), các tính năng đặc biệt của các công nghệ tiên tiến trong ngành công nghiệp 4.0 là việc đưa mạng lưới thiết bị kết nối Internet và dịch vụ (Internet of Things and Services) vào sản xuất và thực hiện hệ kết nối không gian số-thực thể (Cyber-Physical Systems) đại diện cho một tiềm năng đáng kể để tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh. Ý tưởng cốt lõi nằm trong việc tạo ra một hệ thống sản xuất thông minh năng động, tự quyết định cho phép các nhà sản xuất đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cá nhân và thực hiện các thay đổi trong đơn đặt hàng vào phút chót. Ngoài ra, các công nghệ trong ngành công nghiệp 4.0 làm tăng năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực, xem xét xu hướng nhân khẩu học hiện tại và thay đổi thái độ của xã hội đối với sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. 386
  2. Theo Krabec & Venegas (2015), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một sự phản ứng đối với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Để một công ty có thể thành công trên thị trường, công ty cần thiết phải có những giải pháp hiệu quả để đáp ứng các nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng. Vì lý do này, việc cải thiện công nghệ sản xuất và thiết bị sản xuất là một việc làm hoàn toàn cần thiết. Có thể nói rằng các hoạt động công nghệ đang bắt đầu hội tụ. Đó là thông tin liên lạc, tự động hóa, và công nghệ máy tính. Những công nghệ này sẽ tạo ra một thế giới ảo. Sau đó thế giới ảo này sẽ được chuyển vào thế giới thực. 2. NHỮNG TÁC ĐỘNG CHÍNH CỦA CMCN 4.0 ĐẾN LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG Giống như 3 cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử trước đó, những công nghệ mới của CMCN 4.0 chắc chắn sẽ đem lại sự thay đổi lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, CMCN 4.0 sẽ tác động đến nền kinh tế, trong đó có cả lĩnh vực tài chính ngân hàng cụ thể như sau: Thứ nhất, để phát triển các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ, thách thức lớn mà các tổ chức tài chính phải đối mặt là phải đầu tư nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng công nghệ. Nếu không có chiến lược khách hàng và sản phẩm rõ ràng, thì các tổ chức tài chính dễ rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải rất tốn kém nguồn lực tài chính, nhưng hiệu quả mang lại không cao. Thứ hai, ảnh hưởng của đồng tiền ảo Bitcoin. Sự phát triển của Bitcoin cũng như các tiền điện tử khác không phải do ngân hàng trung ương phát hành sẽ buộc ngân hàng trung ương các nước phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tiền tệ để thích ứng do khả năng ảnh hưởng tới các chỉ số tiền tệ trong mục tiêu ổn định giá cả. Ngân hàng trung ương cũng phải đối mặt với rủi ro rơi vào tình trạng giống đô la hóa vì bitcoin có thể làm cho việc giao dịch ngoại hối trở nên hết sức dễ dàng. Những dịch vụ như PayPal hoặc e-gold làm cho người dân của một quốc gia dễ dàng quy đổi tiền của mình sang một loại ngoại tệ mạnh hơn. Sự phát triển của bitcoin cũng có thể có những tác động tới hệ số tạo tiền đẩy nhanh tốc độ lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế nếu được sử dụng rộng rãi. Thứ ba, việc số hóa các dữ liệu về khách hàng, thị trường. Thông thường, muốn quá trình mã hóa dữ liệu chuẩn xác, hiệu quả, thì đòi hỏi thông tin phải minh bạch. Thế nhưng, mức độ dễ dàng trong quá trình thu thập thông tin, cũng như tính tin cậy của thông tin thu thập được trên thị trường tài chính Việt Nam còn không ít hạn chế so với các thị trường tài chính quốc tế. Thứ tư, với sự phát triển chóng mặt của CMCN 4.0, xu hướng “ngân hàng không giấy” sẽ trở nên phổ biến sẽ là thách thức không nhỏ của ngành ngân hàng trong việc giảm dần vai trò của các chi nhánh. Các chi nhánh không còn đóng vai trò quan trọng và cũng sẽ không phải là kênh phân phối mang lại nhiều lợi nhuận nhất trong tương lai. Việc cạnh tranh thông qua mở rộng mạng lưới các chi nhánh ngân hàng sẽ dần chấm dứt, do chi phí hoạt động cao, thay vào đó là công nghệ ngân hàng hiện đại. Khách hàng không còn đến với các chi nhánh nhiều như họ làm 10 năm trước đây, điều này có nghĩa là ngân hàng phải tìm ra một phương thức giao dịch có thể kết nối được với hành vi mới mẻ của một số khách hàng. Thứ năm, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống và trải nghiệm khách hàng đang dần trở thành xu hướng vượt trội. Với việc ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, các sản phẩm của ngân hàng có thể tích hợp được với nhiều sản phẩm dịch vụ phụ trợ để làm hài lòng khách hàng. Vì vậy, điều các ngân hàng trong nước cần chú trọng là tối đa hóa trải nghiệm khách hàng dựa trên việc nắm bắt và hiểu rõ xu hướng trên. Thứ sáu, CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ tài chính - FinTech đang ngày càng mở rộng và phát triển. Theo khảo sát, đánh giá của PwC (một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay), trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, tổng mức đầu tư vào FinTech trên toàn cầu có thể vượt mức 150 tỷ USD. Theo đó, miếng bánh thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trên thị trường sẽ dần co hẹp lại, cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh khách hàng giữa ngân hàng thương mại và công ty công nghệ là xu thế tất yếu. 387
  3. Thứ bảy, gia tăng sức ép từ các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cả trên thị trường nội địa và quốc tế. Công nghệ là một yếu tố quan trọng làm nên khả năng cạnh tranh của công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tốc độ thay đổi nhanh chóng về công nghệ làm gia tăng áp lực cạnh tranh của các công ty, đặc biệt là các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty chứng khoán nước ngoài. Thứ tám, sự phát triển của hạ tầng viễn thông trong bối cảnh CMCN 4.0 đặt ra những thách thức mới về bảo mật, do đó an ninh mạng trở nên vô cùng quan trọng. Với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây, những lỗ hổng bảo mật cũng vì thế mà tăng theo, kéo theo những lo ngại ngày càng nghiêm trọng về rủi ro tấn công tin tặc. Trong nhiều trường hợp, một số cá nhân tổ chức cá nhân có thể thu thập thông tin cá nhân riêng tư của người khác và đăng tải trên mạng. Điều này đòi hỏi hệ thống tài chính, ngân hàng phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn đến tính an toàn và riêng tư trong thông tin của khách hàng và có cách thức phòng thủ mới để bảo đảm an toàn bảo mật mạng. Theo đó, các ngân hàng, các công ty chứng khoán ngoài việc trang bị cho mình những công cụ bảo mật mới cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng và nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin trong toàn hệ thống. Thứ chín, thị trường lao động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi, do việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng có thể khiến số lượng nhân viên của các ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán sụt giảm một cách đáng kể (đặc biệt là với các bộ phận kỹ sư tin học, giao dịch chi nhánh ). Mặc dù vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gia tăng, đặc biệt là những người giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin. 3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ Để hạn chế các tác động, ảnh hưởng tiêu cực và tận dụng những cơ hội từ CMCN 4.0 đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Việt Nam, góp phần thúc đẩy thị trường tài chính phát triển ổn định, bền vững, trong thời gian tới cần chú ý một số nội dung sau: Thứ nhất, các ngân hàng và tổ chức tài chính trong nước cần nhanh chóng hoạch định chiến lược, tìm kiếm những giải pháp toàn diện cho dịch vụ tài chính thông qua việc sử dụng các dữ liệu thông minh và hợp tác với nhiều ngành kinh doanh, trong đó không thể thiếu sự hợp tác với công ty Fintech và công ty viễn thông. Nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại được phát minh từ cuộc CMCN 4.0. Các tổ chức tài chính và đặc biệt là các định chế tài chính cần tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt tập trung nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại trong các giao dịch tài chính, trong hoạt động thanh toán, trong tiếp cận các sản phẩm tài chính, ngân hàng Thứ hai, chú trọng quản lý an ninh mạng. CMCN 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng. Theo đó, các ngân hàng và các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (Disaster Recovery); nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài. Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, nắm rõ những tác động của CMCN 4.0 để có những đối sách hợp lý, phục vụ hiệu quả cho việc vận hành, quản lý và giám sát thị trường tài chính. Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường tài chính Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn cho các nhà quản lý. Các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đã và đang trở nên manh mẽ hơn bao giờ hết khi tận dụng được sự tiến bộ của công nghệ viễn thông vào quá trình cung cấp dịch vụ của mình. Thứ tư, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính, ngân hàng, trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ 388
  4. thông tin. Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện trên toàn hệ thống tài chính. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính cần được chú trọng để có đội ngũ cán bộ trình độ nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, cần có liên kết đào tạo nâng cao trình độ, khảo sát công nghệ hiện đại trong nước và quốc tế, thực hiện các chế độ đãi ngộ chuyên gia. Thứ năm, cần nâng cao nhận thức, đào tạo kiến thức, hiểu biết về cuộc CMCN 4.0; Chú trọng tổ chức tuyên truyền, hội thảo, đào tạo kiến thức nâng cao năng lực, hiểu biết cho lãnh đạo, cán bộ các cấp của ngành tài chính về CMCN 4.0 cũng như mục tiêu chuyển đổi số ngành tài chính trong thời gian tới. 4. KẾT LUẬN Bài viết giới thiệu khái quát về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và những tác động của cuộc cách mạng này đến lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, nội dung bài viết chỉ đề cập đến những tác động mang tính thách thức của cuộc CMCN 4.0 đến lĩnh vực tài chính ngân hàng và một số kiến nghị nhằm giúp các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tham khảo để tìm ra những giải pháp phù hợp cho quá trình hội nhập. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cấn Văn Lực (2018). Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí An Toàn Thông tin. [2] Kagermann, H.; Wahlster, W.; Helbig, J. 2013. Recommendations for implementing the strategic initiative INDUSTRY 4.0, National Academy of Science and Engineering, Berlin/Frankfurt, 82p. [3] Krabec, T., & Venegas, P. (2015). Fields: On the Visibility of Flows in Digital Business. FAI Financial Assets and Investing, 6(3), 5-22. doi:10.5817/fai2015-3-1. [4] Nguyễn Thị Hiền (2018), Ngân hàng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tăng cường năng lực của ngành tài chính trong tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính. [5] Nguyễn Thị Hiền và Đỗ Thị Bích Hồng (2017), Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tạp chí tài chính tháng 06/2017. [6] Trần Đăng Khâm (2018), Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới thị trường chứng khoán Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học Cách mạng Công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, ISBN 978-604-946-449-2. [7] Trần Thị Lương (2018), Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến thị trường tài chính Việt Nam, Tạp chí tài chính tháng 11/2018. [8] Vũ Đình nh (2018), “Tài chính và Cách mạng công nghiệp 4.0”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Tăng cường năng lực của ngành tài chính trong tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính. [9] 574624.html [10] TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐẾN THỊ TRƢỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM 389