Thực trạng và giải pháp hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển bền vững vùng Tây Bắc

pdf 7 trang Gia Huy 2150
Bạn đang xem tài liệu "Thực trạng và giải pháp hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển bền vững vùng Tây Bắc", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthuc_trang_va_giai_phap_hoat_dong_tin_dung_chinh_sach_doi_vo.pdf

Nội dung text: Thực trạng và giải pháp hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển bền vững vùng Tây Bắc

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY BẮC Nguyễn Văn Hưởng Khoa Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên Email: vanhuong75@gmail.com Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Chính phủ phát triển hoạt động tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có có vùng Tây Bắc, kết quả thực hiện tín dụng của Nhà nước do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện, cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đưa ra khuyến nghị giải pháp tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, phát triển kênh tín dụng chính sách xã hội đến đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững. Từ khóa: Dân tộc thiểu số, tín dụng chính sách, phát triển bền vững, Tây Bắc. 1. GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU Một trong những thành công lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đó là cải thiện điều kiện sống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với khu vực này, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội các khu vực vùng miền núi, vùng khó khăn, trong đó có vùng Tây Bắc. Giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công mục tiêu đó, chính là cho vay vốn ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua kênh tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam. Bài viết nghiên cứu về thực tiễn, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống, phân tích, tổng hợp, quy nạp và so sánh dựa trên các nguồn số liệu thứ cấp, tư liệu, báo cáo của các cơ quan chức năng khác nhau của Việt Nam có liên quan đối với đồng bào dân tộc thiểu số qua kênh tín dụng của NHCSXH Việt Nam, trao đổi với một số chuyên gia, với cán bộ ngân hàng, để đưa ra các nhận xét, đánh giá theo mục tiêu nghiên cứu của bài viết. 2. CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CÁC HỘ GIA ĐÌNH ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ THỰC HIỆN GIẢI PHÁP TÍN DỤNG ƯU ĐÃI HỖ TRỢ HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN 2.1. Chủ trương và chính sách Thực hiện công cuộc đổi mới nền kinh tế, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là các giải pháp tài chính, tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt một cách bền vững. Tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn đối với cộng đồng dân tộc (CSDT), cũng như đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào DTTS, ”. [Chính phủ (2012-9/2020)]. Thực hiện nội dung nghị quyết nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành CSDT giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nhiều chỉ đạo rất quan trọng cho vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài những chính sách nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi, như: Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025; Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK); Chính sách bảo vệ phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2020; [Chính phủ (2012-9/2020)].
  2. Thực trạng và giải pháp hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số 591 góp phần phát triển bền vững vùng Tây Bắc Riêng về chính sách tín dụng nhà nước do NHCSXH Việt Nam đang triển khai đối với đồng bào DTTS, có rất nhiều, có những chính sách chung về cho vay đối tượng chính sách xã hội mà trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, như: Cho vay ưu đãi hộ nghèo - Nghị định số 78/2002; Cho vay hộ cận nghèo - Quyết định số 15/2013; Cho vay hộ mới thoát nghèo - Quyết định số 28/2015; Cho vay HSSV - Quyết định số 157/2007; Cho vay NS&VSMTNT -Quyết định số 62/2004; Cho vay giải quyết việc làm - Nghị định số 61/2015; Cho vay xuất khẩu lao động - Nghị định số 61/2015; Cho vay DTCS đi lao động có thời hạn ở nước ngoài - Quyết định số 365/2004; Chính phủ còn có các chính sách cho vay riêng, rất cụ thể đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, như: Cho vay hộ DTTS ĐBKK - Quyết định số 32/2007; Cho vay hộ DTTS ĐBKK - Quyết định số 54/2012; Cho vay hộ DTTS nghèo ĐB sông Cửu Long - Quyết định số 74/2008; Cho vay hộ DTTS nghèo ĐB sông Cửu Long - Quyết định số 29/2013; Cho vay hộ ĐBDTTS nghèo, đời sống khó khăn - Quyết định số 755/2013; Cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi - Nghị định số 75/2015; Quyết định số 2085/2016 - Cho vay hộ Dân tộc thiểu số, Như vậy, riêng về chính sách tín dụng cho đồng bào DTTS, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định cụ thể, với các quy định cụ thể và mục tiêu cụ thể [Chính phủ (2012-9/2020)]. Vậy dân tộc thiểu số được hiểu như thế nào và được quy định cụ thể như thế nào trong các văn bản quy phạm pháp luật? Dân tộc thiểu số được quy định tại Nghị định số 05/2011: “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nghị định này cũng giải thích rõ một số thuật ngữ sau [Chính phủ (2012-9/2020)]. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển vùng DTTS, MN và hỗ trợ cho đồng bào DTTS; trong đó có khoảng trên 10 chính sách tín dụng và liên quan đến tín dụng chính sách do NHCS XH Việt Nam thực hiện trong thời gian qua cũng như hiện nay [Chính phủ (2012-9/2020)]. Như vậy, Chính phủ đã quy định rất cụ thể, rất rõ ràng về dân tộc thiều số cũng như dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt, Đây là nền tảng để các cấp, các ngành, các tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách và đúng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số theo các chức năng, nhiệm vụ được giao. 2.2. Thực trạng kết quả triển khai chủ trương và chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số Về kết quả thực hiện các chính sách nói chung và giải pháp tài chính đối với hộ gia đình nói riêng, từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Tập huấn cho 103 ngàn người, dạy nghề cho 720 ngàn người DTTS, góp phần giúp con em tìm kiếm việc làm. Ngân hàng CSXH Việt Nam đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7 % tổng dư nợ), bình quân dư nợ 01 hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40 % [NHCS XH Việt Nam (2012-9/2020)]. Về triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ và phát triển rừng ở vùng DTTS&MN có bước chuyển biến tích cực. Đến hết tháng 12 năm 2018, trong cả nước đã có 1.052 xã vùng DTTS, miền núi được cơ quan có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chuẩn quy định hiện hành của Chính phủ, đạt tỷ lệ 22,29 % [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Từ năm 2016 đến hết năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã cấp (không thu tiền) 117 nghìn tấn gạo để hỗ trợ các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống; cấp từ nguồn ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho những hộ bị thiên tai mất nhà ở, phần lớn là đồng bào DTTS [Chính phủ (2012-9/2020)]. Tuy nhiên, cùng kết quả đã đạt được, còn những hạn chế như: Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50 % bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6 % nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7 % số hộ nghèo của cả nước, Một trong các giải pháp quan trong để khắc phục dần những hạn chế này, đòi hỏi phải tiếp tục phát huy vai trò của NHCS XH Việt Nam, thực hiện các chính sách tín dụng của Chính phủ. [Ngân hàng Nhà nước (2012-9/2020)]. 3. THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC HỘ GIA ĐÌNH ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ VÙNG TÂY BẮC Trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chính sách và chủ trương của Chính phủ, trong đó có chính sách tín dụng nhà nước do NHCSXH Việt Nam thực hiện đối với đồng bào dân tộc nói chung và đồng
  3. 592 Nguyễn Văn Hưởng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã đạt được những kết quả rất quan trọng về nhiều mặt, cải thiện điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, nâng cao thu nhập và tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào, còn nhiều vấn đề đặt ra. Theo số liệu của NHCSXH Việt Nam, đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 211,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 17,4 nghìn tỷ đồng so với năm 2018; đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 15.443 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,1 % tổng nguồn vốn, tăng 3.634 tỷ đồng so với năm 2018, hoàn thành 162 % kế hoạch giao tăng năm 2019 [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 206.805 tỷ đồng, tăng 19.012 tỷ đồng (+10,1 %) so với cuối năm 2018, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 179.926 tỷ đồng, tăng 14.784 tỷ đồng (+9 %) so với cuối năm 2018, với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong tổng dư nợ, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu SXKD tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,8 %. Đến ngày 31/12/2019 nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn quốc chiếm tỷ lệ 0,7 % tổng dư nợ [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2019 đã hỗ trợ vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho hơn 266.000 lao động, trong đó giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 15.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Hiện nay, để cho vay vốn tín dụng ưu đãi các hộ gia đình chính sách nói chung, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, NHCSXH Việt Nam đã có màng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 Điểm giao dịch xã, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách năm 2019 đạt 216.361 tỷ đồng, tăng 17.585 tỷ đồng so với năm 2018; đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 15.443 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,1% tổng nguồn vốn, tăng 3.634 tỷ đồng so với năm 2018, hoàn thành 162 % kế hoạch giao năm 2019 [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các hộ gia đình cá nhân đồng bào dân tộc thiểu đến hết năm 2018 đạt 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7 % tổng dư nợ); đến hết năm 2019 đạt 52.209 tỷ đồng, chiếm 25,2 % tổng dư nợ cùng thời điểm. Đến nay có trên 1,6 triệu hộ còn dư nợ. Dư nợ bình quân 1 hộ đồng bào DTTS là gần 30,5 triệu đồng, so với dư nợ chung của tất cả các hộ tại NHCS XH là 27 triệu đồng/hộ. Trong đó, nợ quá hạn là 90,2 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 4,2 %; Nợ khoanh 83 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 3,9 % [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Đối với riêng vùng Tây Bắc, nếu như cách đây 5 năm, ở tại thời điểm hết tháng 5/2016, bắt đầu thực hiện Nghị quyết XII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, về vốn tín dụng cho đồng bào DTTS giảm nghèo bền vững nói riêng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc đạt 31.254 tỷ đồng, với trên 1.527.000 hộ đang còn dư nợ. Nếu tính riêng giai đoạn từ 1/1/2011 đến hết tháng 5/2017, doanh số cho vay đạt 75.107,188 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 52.794,945 tỷ đồng, dư nợ đến hết tháng 5/2017 đạt 33.166,060 tỷ đồng, với 1.539.748 khách hàng đang dư nợ. Tính chung, trong cả vùng Tây Bắc đã có 3,07 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Còn ở thời điểm gần đây nhất về tín dụng đối với đồng bào DTTS vùng Tây Bắc, tính đến hết tháng 7/2020 tổng dư nợ các đối tượng chính sách là 13,356,893 triệu đồng, trong đó dư nợ hộ nghèo là 5,008,606 triệu đồng và dự nợ cho vay giải quyết việc làm là 688,939 triệu đồng; tổng số hộ còn dư nợ là 362,488 hộ các loại, trong đó, hộ nghèo là 138,407 và hộ cận nghèo là 48,337 [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. Theo thống kê của NHCSXH, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS vay vốn tín dụng chính sách trên tổng số khách hàng tại các vùng miền của toàn quốc, cao nhất là Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với 54 %, riêng vùng Tây Bắc là 58 %; tiếp đến là Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 18 %; Vùng Tây Nguyên 15 %; Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long 10 % và thấp nhất lần lượt là Vùng Đông Nam Bộ 1,8 % và Vùng đồng bằng Sông Hồng 1,5 % [NHCSXH Việt Nam (2012-9/2020)]. 4. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CHO HỘ GIA ĐÌNH ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ 4.1. Ưu điểm Nguồn vốn tín dụng phục vụ hộ gia đình đồng bào DTTS đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
  4. Thực trạng và giải pháp hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số 593 góp phần phát triển bền vững vùng Tây Bắc Vốn tín dụng do NHCSXH thực hiện giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào DTTS và giúp cho hộ đồng bào DTTS có vùng Tây Bắc nói riêng thay đổi về nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn vốn cho vay hộ đồng bào DTTS chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng trăm ngàn lượt hộ, giúp cho hộ đồng bào DTTTS, các địa bàn của huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào hay bị thiên tai tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước quen dần với cơ chế thị trường. Các hộ đồng bào DTTS tiếp cận thường xuyên với dịch vụ tài chính chính thức của Nhà nước, làm quen với việc gửi tiền, vay vốn, tính toán sử dụng đồng vốn tín dụng, giao dịch với ngân hàng, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo; giúp hộ đồng bào DTTS nghèo tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ từ đó ổn định đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất; giúp cho đời sống giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra các hộ đồng bào DTTS sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn cũng được vay vốn để sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính quê hương mình. Đặc biệt, là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Tạo nguồn lực giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và toàn vùng, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, giảm hẳn tình trạng chặt phá rừng, nhất là rừng nguyên sinh và rừng đầu nguồn, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, tình trạng đào đãi vàng, nhiều hộ tham gia phát triển du lịch, làm dịch vụ; tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước gắn với yêu cầu phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Với vai trò là công cụ để thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ, NHCSXH luôn chỉ đạo tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, có vùng Tây Bắc nói riêng còn nghèo nàn lạc hậu, sản xuất tự cung, tự cấp được tiếp cận với nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ để yên tâm sản xuất kinh doanh từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Vốn tín dụng chính sách xã hội không chỉ giúp người dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo cơ chế thị trường, tính toán hiệu quả, tính đến nhu cầu thị trường tiêu thụ, mà còn giúp đồng bào DTTS có vùng Tây Bắc tham gia các dự án trồng rừng, phát triển thủy sản, đi xuất khẩu lao động, xây dựng các công trình vệ sinh nước sạch môi trường, xây dựng hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh, xây dựng hệ thống điện ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hộ gia đình. Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đã góp phần là “cầu nối” giữa Cấp ủy chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS; qua đó, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các địa phương. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH đầu tư cho gần 100 % hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa, có vùng Tây Bắc có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn từ tín dụng chính sách do NHCS XH thực hiện có ý nghĩa kinh tế - xã hội rộng rãi đối với phát triển kinh tế hộ gia đình chinh sách nói chung và hộ đồng bào DTTS nói riêng. Kết quả này đã được Quốc hội, các Bộ ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. [Ngân hàng Nhà nước (2012-9/2020)]. Thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ đồng bào DTTS góp phần xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách của nhà nước, tính minh bạch trong hoạt động NHCS XH ngày càng cố, đảm bảo. Bên cạnh sự tham gia của các tổ tiết kiệm vay vốn, sự tham gia của các Tổ chức chính trị xã hội, vai trò trách nhiệm của Ban đại diện HĐQT NHCS XH ở địa phương, điểm giao dịch của NHCS XH được đặt định kỳ trong tháng tại trụ sở UBND xã phường có vùng Tây Bắc, với tất cả các quy định về lãi suất, thủ tục vay, giải ngân, dư nợ, trả lãi, được thông báo công khai ngay tại nơi giao dịch. NHCSXH đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trong toàn hệ thống, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, là những nơi đặc biệt khó khăn, có nhiều hộ nghèo; mặt khác, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp và 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả và chất lượng của hoạt động tín dụng chính sách, đảm bảo phục vụ nhân dân tốt hơn. Thông qua đó góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, đem lại quyền lợi thiết thực cho hội viên. Thông qua hoạt động đoàn thể các hội viên trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kinh nghiệp sử dụng vốn vay. Đồng thời các tổ chức
  5. 594 Nguyễn Văn Hưởng đoan thể cũng thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của hộ nghèo và cận nghèo. Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là hộ đông bào DTTS có vùng Tây Bắc, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo, hộ vùng đặc biệt khó khăn, hộ vùng sâu, vùng xa trong điều kiện tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: (i) Phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; (ii) Thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; (iii) Kết hợp sự tham gia của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách. 4.2. Hạn chế và nguyên nhân Một là, nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng đối với hộ gia đình chính sách xã hội nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số có vùng Tây Bắc nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc bố trí nguồn vốn cho vay đối với các chương trình tín dụng do NHCS XH thực hiện nói chung và đối với hộ đồng bào DTTS nói riêng chưa được bảo đảm chủ động và kịp thời hơn nữa để thực hiện theo kế hoạch được duyệt. Đồng thời, mức cho vay tối đa từng chương trình nhìn chung còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế cần được điều chỉnh kịp thời. Hai là, UBND các tỉnh có vùng Tây Bắc hàng năm chưa chủ động bố trí bổ sung nguồn vốn từ Ngân sách địa phương để ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. [Ngân hàng Nhà nước (2012-9/2020)] Ba là, Ủy ban dân tộc chưa thực sự chủ động phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ ban hành chính sách cụ thể về chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào DTTS có vùng Tây Bắc nói riêng đang còn phân tán tại nhiều bộ ngành, tại nhiều chương trình, hiệu quả chưa rõ rệt hay thiếu hiệu quả, chuyển tập trung sang hỗ trợ cho cộng đồng; tăng các chương trình và nguồn vốn cho vay qua NHCSXH chi nhánh các tỉnh trong vùng Tây Bắc. Bốn là, việc xác nhận đối tượng được thụ hưởng chính sách đối với cơ sở cấp xã có vùng Tây Bắc đôi lúc còn gặp khó khăn do hàng năm hộ nghèo vẫn phát sinh tăng - giảm, gồm: hộ tái nghèo; hộ mới tách ở riêng, hộ mới xây dựng gia đình thuộc diện nghèo; các đối tượng này đều phát sinh sau thời điểm điều tra hộ nghèo theo tiêu chí của Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Năm là, sự phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH có vùng Tây Bắc chưa hiệu quả, nhất là khu vực đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, dân trí thấp. Sáu là, hiện nay trong thực tiễn còn một bộ phận hộ đồng bào DTTS có vùng Tây Bắc nói riêng sử dụng vốn vay chưa hiệu quả hoặc có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, không chịu làm ăn và trả nợ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHCSXH. Một số hộ đồng bào DTTS vay vốn đi xuất khẩu lao động chưa đáp ứng được yêu cầu làm việc, ý thức chấp hành kỷ luật còn thấp, chưa có tác phong công nghiệp, bỏ về nước trước hạn, vi phạm hợp đồng lao động hoặc một số doanh nghiệp dịch vụ chiếm dụng vốn của người lao động Hộ đồng bào DTTS chủ yếu sống tại nơi có địa hình phức tạp, diện tích núi cao nhiều, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, phân bố phân tán nên rất khó cho tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung chuyên canh để tạo ra sản phẩm hàng hóa trên quy mô lớn dẫn đến giá thành cao và khó tiêu thụ. Bên cạnh đó, trình độ, tập quán sản xuất và việc sử dụng vốn vào sản xuất của một bộ phận hộ DTTS hiệu quả còn thấp; sản phẩm sản xuất ra không tập trung, khó tiêu thụ, lợi nhuận thấp, đồng tiền thu được không bù đắp đủ chi phí sản xuất dẫn đến khả năng mất vốn cao. Bảy là, đối tượng vay vốn là hộ DTTS, hầu hết sinh sống tại những nơi có địa hình hiểm trở, khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn ; giá cả biến động, dẫn đến hộ vay sản xuất - kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ NHCSXH (đặc biệt là một số tỉnh tại khu vực Tây Nam bộ như: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang. Đây là khu vực tập trung nhiều hộ đồng bào Kh’mer sinh sống).
  6. Thực trạng và giải pháp hoạt động tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số 595 góp phần phát triển bền vững vùng Tây Bắc 5. KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 5.1 Kết luận Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, vùng DTTS và miền núi, trong đó có vùng Tây Bắc tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, như: tình trạng nghèo đói, thiếu việc làm, thu nhập thấp; thiên tai, dịch bệnh; tỷ lệ trẻ em bỏ học cao; một số phong tục tập quán lạc hậu Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cho nhân loại thời cơ phát triển mới, nhiều khu vực, ngành nghề sẽ phát triển mạnh mẽ, nhưng vùng DTTS và miền núi với trình độ dân trí thấp, không đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin thấp kém cũng sẽ là lực cản lớn, nguy cơ vùng DTTS và miền núi ngày càng chậm phát triển là hiện hữu. Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan cần chủ động tham mưa cho chính phủ hay ban hành chính sách thuộc chức năng của mình tiếp tục đổi mới CTDT một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tiếp tục phát triển tín dụng ưu đãi đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng DTTS và miền núi nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng vẫn rất cần các chính sách đầu tư, hỗ trợ để phát triển tín dụng ưu đãi đối với các hộ gia đình, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhưng nội dung và cách thực hiện các chính sách mới phải được xây dựng theo hướng: Chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng; tăng cho vay, giảm cho không; hỗ trợ có điều kiện, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi một cách bền vững, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng. Vì vậy, cần phải đổi mới phương thức đào tạo cử tuyển theo hướng cấp tỉnh quyết định ngành nghề và bố trí sau khi đào tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Từ các chủ trương, chính sách và quan điểm nói trên có thể khẳng định, để phát triển bền vững các vùng khó khăn, cần phải thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng nhà nước do NHCS XH Việt Nam thực hiện đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Giải pháp này tiếp tục có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đòi hỏi phải được mở rộng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 5.2. Khuyến nghị giải pháp Một là, việc bố trí nguồn vốn cho vay đối với các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCS XH thực hiện nói chung và đối với hộ đồng bào DTTS trong vùng Tây Bắc nói riêng cần được bảo đảm chủ động và kịp thời hơn nữa để thực hiện theo kế hoạch được duyệt. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu xem xét ổn định và duy trì nguồn vốn ngân sách nhà nước cân đối, bố trí hàng năm đầu tư cho tín dụng chính sách ưu đãi và bố trí cấp đủ nguồn vốn kịp thời đối với các chương tình tín dụng chính sách xã hội mới được ban hành để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả, bền vững chương trình. Đồng thời, cần có chính sách tín dụng đặc thù cho vùng, địa phương để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững và vừa giữ gìn bản sắc dân tộc tại các huyện, thị xã vùng Tây Bắc. UBND các tỉnh trong vùng Tây Bắc hàng năm chủ động cân đối bổ sung nguồn vốn từ Ngân sách địa phương để cấp, phân bổ, ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội. Ủy ban dân tộc cần chủ động phố hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ ban hành chính sách cụ thể về chuyển từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào DTTS trong vùng Tây Bắc nói riêng sang hỗ trợ cho cộng đồng; tăng các chương trình và nguồn vốn cho vay qua NHCSXH, giảm cho không; hỗ trợ có điều kiện, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Hai là, việc xác nhận đối tượng được thụ hưởng chính sách đối với cơ sở cấp xã cần được điều chỉnh, hoàn thiện và kịp thời hơn nữa, theo sát sự biến động của thực tiễn các địa phương thuộc vùng Tây Bắc. Ba là, các huyện, thị xã vùng Tây Bắc cần có biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, ,cần được tăng cường sự phối hợp một cách có hiệu quả hơn các hoạt động này. Bốn là, Ban đại diện HĐQT NHCS XH ở địa phương, trong đó có các huyện, thị xã vùng Tây Bắc nói riêng cần thực sự quan tâm đến điều kiện thực tế của các hộ gia đình chính sách chưa sử dụng vốn có hiệu quả do các nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để đồng bào vùng Tây Bắc yên tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
  7. 596 Nguyễn Văn Hưởng Các tổ chức chính trị - xã hội, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động của Hội cấp dưới, đặc biệt là nhiệm vụ của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay. Năm là, NHCSXH Việt Nam trong thời gian qua đã kịp thời thực hiện nhiều biện pháp cơ cấu lại nợ cho các đối tượng khách hàng vay vốn, linh hoạt xử lý nợ vốn vay theo quy định của pháp luật hiện hành, như: gia hạn nợ tối đa về mặt tời gian theo chu kỳ sử dụng vốn, khoanh nợ đối với các khoản chưa thể trả được, xóa nợ đối với các khoản nợ không thể trả được bởi các nguyên nhân bất khả kháng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi bị rủi ro; song, vẫn còn những món vay không gia hạn nợ được phải chuyển nợ quá hạn, những hộ vay này hoàn cảnh gia đình quá nghèo, điều kiện kinh tế và sinh hoạt rất khó khăn, không có khả năng trả nợ, không đủ điều kiện để NHCS XH xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Về mặt chính sách, Chính phủ, NHNN hay Bộ Tài chính, cần có quy định cụ thể hơn và có cơ chế xử lý linh hoạt hơn để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả lâu dài của kênh tín dụng chính sách của Nhà nước đối với hộ đồng bào DTTS. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Chính phủ (2012-9/2020): Cổng thông tin của Chính phủ: Báo cáo của Chính phủ về thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các năm 2016-2019. Truy cập tại: thời gian truy cập, từ ngày 8/8 đến ngày 20/9/2020. [2]. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (2012-8/2020): “Báo cáo hoạt động của NHCS XH Việt Nam, các năm 2014-2019, tháng 8/2020”; Truy cập tại thời gian truy cập, từ ngày 8/8 đến ngày 16/9/2020. [3]. Ngân hàng Nhà nước (2012-8/2020): Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, thời gian truy cập, từ ngày 8/8 đến ngày 20/9/2020. CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR POLICY CREDIT ACTIVITIES FOR ETHNIC MINORITY COMMUNITIES CONTRIBUTING THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF THE NORTHWEST REGION Nguyen Van Huong Faculty of Economics, Hung Yen University of Technical Education Abstract: The article focuses on researching guidelines, policies and solutions of the Communist Party and Vietnamese Government to develop the State's preferential credit activities for ethnic minorities; including the Northwestern region, the credit performance of the State done by the Vietnam Bank for Social Policies, loans for ethnic minorities. The article also recommends solutions for further improvement, developing social policy credit for ethnic minorities, contributing to sustainable development in this region. Keywords: ethnic minorities, policy credit, sustainable development, Northwest.