Xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng - Giải pháp thực hiện an sinh xã hội bền vững ở Việt Nam

pdf 8 trang Gia Huy 23/05/2022 990
Bạn đang xem tài liệu "Xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng - Giải pháp thực hiện an sinh xã hội bền vững ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfxay_dung_he_thong_huu_tri_da_tang_giai_phap_thuc_hien_an_sin.pdf

Nội dung text: Xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng - Giải pháp thực hiện an sinh xã hội bền vững ở Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA XÂY DỰNG HỆ THỐNG HƯU TRÍ ĐA TẦNG - GIẢI PHÁP THỰC HIỆN AN SINH XÃ HỘI BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM TS. Hoàng Bích Hồng - ThS. Lê Thị Xuân Hương - ThS. Nguyễn Nguyên Zen Trường Đại học Lao động - Xã hội Tóm tắt: Bảo hiểm hưu trí đa tầng hiện nay đang là xu thế phát triển tất yếu, mang lại sự đảm bảo xã hội cho tất cả mọi người. Việc xây dựng một hệ thống hưu trí nhằm đảm bảo thu nhập cho người già và hoạch định vòng đời tài chính cho NLĐ, đảm bảo an sinh xã hội bền vững đã và đang là một yêu cầu khách quan. Để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho mọi người dân khi hết tuổi lao động, cần thiết phải xây dựng một chính sách về hưu trí xã hội. Điều đó sẽ giải quyết vấn đề hàng trăm nghìn người nghỉ hưởng BHXH một lần mỗi năm ở Việt Nam hiện nay, nhiều người trong đó sẽ không có lương hưu khi về già, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Bài viết đề cập về chế độ hưu trí, trợ cấp xã hội cho người cao tuổi; đồng thời đề xuất một số giải pháp thực hiện chương trình hưu trí xã hội và hệ thống hưu trí đa tầng dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gắn với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Từ khóa: bảo hiểm hưu trí đa tầng, hưu trí xã hội 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đối với mỗi con người trong xã hội thì sinh, lão, bệnh, tử là quy luật sinh tồn không thể tránh khỏi. Khi về già, khả năng lao động bị giảm sút, thậm chí không còn khả năng lao động, vì vậy, mỗi người đều cần có một nguồn tài chính ổn định để đảm bảo cuộc sống. Ở Việt Nam hiện nay, theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong số trên 10 triệu người cao tuổi (hết tuổi lao động), chỉ có khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng người (chiếm khoảng hơn 20% số người sau độ tuổi nghỉ hưu), trên 1,7 triệu người hưởng trợ cấp xã hội từ ngân sách Nhà nước, còn lại là không có lương hưu, trợ cấp. Dự báo số người hưởng hưu trí từ quỹ vào năm 2030 là 5,4 triệu (chiếm 27,7% số người sau độ tuổi nghỉ hưu); khoảng 10,6 triệu người vào năm 2050 (chiếm 34,1% số người sau độ tuổi nghỉ hưu). Như vậy, có thể thấy rằng, số đối tượng hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hiện nay vẫn còn rất thấp, số người ngoài độ tuổi lao động không có lương hưu còn chiếm tỷ trọng tương đối lớn. 311
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Trong chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia thì chính sách hưu trí đóng vai trò quan trọng bởi nó đảm bảo ổn định đời sống cho bộ phận dân cư đã hết tuổi lao động, vừa góp phần đảm bảo công bằng, ổn định xã hội, vừa giảm gánh nặng từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chính bởi sự rời rạc hiện nay của hệ thống hưu trí khiến cho một bộ phận người cao tuổi phải sống bấp bênh do không tiếp cận được với nguồn thu nhập này. Theo dự báo, ở Việt Nam, số người già (trên 60 tuổi) sẽ tăng từ 9,2 triệu người năm 2015 lên 30 triệu người năm 2057; đến 2025 sẽ có khoảng 14,6 triệu người già (chiếm 14,5% dân số). Trong khi hiện nay chỉ có khoảng 14 triệu người tham gia BHXH và trong số đó sẽ chỉ có khoảng 2,7 triệu sẽ được hưởng lương hưu, nghĩa là sẽ có hơn 12,1 triệu người không có lương hưu. Đây sẽ là thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và ngân sách Nhà nước trong tương lai. Do đó, có thể thấy rằng, việc xây dựng một hệ thống hưu trí nhằm đảm bảo mỗi người dân khi hết tuổi lao động đều có một khoản thu nhập tối thiểu để ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội bền vững đã và đang là một yêu cầu khách quan. Trong đó, cần thiết phải xây dựng một chính sách về hưu trí xã hội để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho mọi người dân khi hết tuổi lao động. 2. HỆ THỐNG HƯU TRÍ ĐA TẦNG Chương trình hưu trí hay chế độ hưu trí là thỏa thuận mang tính pháp lý về thu nhập hưu trí. Thỏa thuận này có thể là một phần của thỏa thuận lao động hoặc là một thỏa thuận riêng được xác lập theo quy định pháp luật, nhằm đảm bảo thu nhập cho các thành viên/đối tượng tham gia khi đến độ tuổi về hưu (hết tuổi lao động). Bên cạnh mục tiêu đảm bảo thu nhập hưu trí, thỏa thuận có thể bao gồm các điều khoản chi trả thu nhập trong các trường hợp người tham gia mất khả năng lao động hay gặp tai nạn, bệnh tật. Chương trình/chế độ này có thể do Nhà nước cung cấp, cũng có thể do tư nhân cung cấp (được sử dụng như giải pháp bổ sung hoặc thay thế cho chương trình hưu trí do Nhà nước cung cấp). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một hệ thống hưu trí đảm bảo được thu nhập trong dài hạn cho bất kì một nhóm dân số nào có thể được thiết kế theo nhiều cách khác nhau và với độ phức tạp khác nhau (World Bank,1994). Hệ thống hưu trí cũng cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản đó là tăng mức bao phủ, giảm tình trạng phi chính thức và đảm bảo hiệu quả tài chính (bao gồm có việc cân bằng quỹ và công bằng tài chính giữa các nhóm thụ hưởng). Xuất phát từ quan điểm xây dựng một hệ thống sàn an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng được tiến hành dựa trên hai 312
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA Công ước quan trọng của ILO, đó là Công ước 102 về việc đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho mọi người dân và Công ước 202 về việc đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân tới các chế độ an sinh xã hội (hưu trí, y tế, ). Theo ILO, bảo hiểm hưu trí đa tầng phải đảm bảo đạt được các mục tiêu: Chống đói nghèo khi về già; Mở rộng độ bao phủ cho toàn bộ người dân; Đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho những người gặp rủi ro; Điều chỉnh mức hưởng theo lạm phát và trong một chừng mực nào đó là nâng cao mức sống của người dân; Tạo ra môi trường để phát triển các chế độ hưu trí bổ sung tự nguyện. Theo Gillion (2000), hệ thống bảo hiểm hưu trí của ILO gồm 4 tầng: Tầng 0: Là tầng sàn, nhằm giảm đói nghèo, được đảm bảo bởi ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho những người không có thu nhập; Tầng 1: Hoạt động theo cơ chế PAYG mức hưởng xác định trước (Defined Benefit). Mọi NLĐ bắt buộc phải tham gia; quản lý công khai, mức lương hưu bằng khoảng 40%-50% mức thu nhập làm căn cứ đóng trung bình cho các năm đóng góp; Tầng 2: Là tầng có thể thiết kể để tham gia bắt buộc hoặc tự nguyện, hoạt động theo nguyên tắc mức đóng xác định trước (Defined Contribution); có quy định mức trần đóng và do tổ chức tư nhân quản lý; Tầng 3: Là tầng tham gia tự nguyện; hoạt động theo nguyên tắc tài khoản tiết kiệm cá nhân; không giới hạn mức trần đóng và do tổ chức tư nhân quản lý. Đến nay đã có trên 80 quốc gia thực hiện bảo hiểm hưu trí đa tầng (có từ 2 chế độ hưu trí trở lên). Hệ thống hưu trí ở các quốc gia thường được xây dựng gồm ba tầng: hưu trí xã hội (có thể là phúc lợi xã hội), hưu trí bắt buộc, hưu trí tự nguyện, với mục đích là mở rộng diện bao phủ, cung cấp sản phẩm hưu trí linh hoạt, đảm bảo nhu cầu và quyền lợi cho người cao tuổi. Tùy theo điều kiện, mỗi nước thiết kế mô hình bảo hiểm hưu trí phù hợp cho riêng mình nhưng đều hướng tới mục tiêu mọi người dân đến tuổi nghỉ hưu đều có ít nhất một nguồn thu nhập từ hệ thống bảo hiểm hưu trí. Việc phát triển bảo hiểm hưu trí đa tầng còn góp phần kích thích NLĐ hăng hái lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động do chế độ hưu trí của họ được đảm bảo tốt hơn; đồng thời, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước trong thực hiện chế độ lương hưu xã hội. 3. CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ, TRỢ CẤP XÃ HỘI CHO NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM Ở Việt Nam, đời sống của người cao tuổi đã được quan tâm ngay từ thời gian đầu sau khi giành độc lập bằng việc thực hiện chế độ hưu trí đối với công nhân viên chức Nhà nước và trợ cấp đối với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội. Từ đó đến nay, hai chính sách này bổ sung, sửa đổi nhiều lần cho phù hợp với điều 313
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA kiện kinh tế, xã hội, theo hướng mở rộng phạm vi bảo vệ và tăng dần quyền lợi cho đối tượng bảo vệ. Hiện tại, chế độ hưu trí được điều chỉnh theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/214/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014, chế độ trợ cấp đối với người cao tuổi được quy định trong Luật Người Cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009. Trợ cấp đối với người cao tuổi: Theo quy định tại Điều 2, Luật Người cao tuổi 2009 thì người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ được nhận trợ cấp xã hội: - Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; - Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; - Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng từ 270.000 đồng đến 810.000 đồng tùy thuộc vào đối tượng. Nguồn chi trả lấy từ ngân sách Nhà nước. Chế độ hưu trí trong loại hình bảo hiểm xã hội: Chế độ bảo hiểm hưu trí được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm các loại hình: Chế độ bảo hiểm hưu trí bắt buộc, chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện. (i) Chế độ bảo hiểm hưu trí bắt buộc Chế độ này có đối tượng bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức; người làm việc trong quân đội nhân dân, công an nhân dân; NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động thời hạn từ 1 tháng trở lên. Nguồn quỹ do NLĐ và người sử dụng lao động đóng góp. Những đối tượng này sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện nghỉ hưu (đủ tuổi và thời gian đóng BHXH). (ii) Chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện NLĐ không thuộc đối tượng tham gia hưu trí bắt buộc thì có thể tham gia tự nguyện, được hưởng lương hưu hàng tháng khi hết tuổi lao động và có đủ thời gian đóng góp tối thiểu. Quỹ do NLĐ đóng góp và Nhà nước hỗ trợ một phần. (iii) Chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện Loại hình này áp dụng cho mọi NLĐ, NLĐ tham gia tự đóng góp hoặc có sự đóng góp thêm của người sử dụng lao động. Khoản đóng góp được đưa vào tài khoản 314
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA cá nhân và NLĐ được hưởng sau khi hết tuổi lao động. Loại hình này độc lập với hai loại hình bảo hiểm trên, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng lương hưu cao của NLĐ. Như vậy, hệ thống hưu trí ở nước ta cũng được xây dựng thành ba tầng: tầng 1 là trợ cấp xã hội, tầng 2 là bảo hiểm hưu trí cho NLĐ, bao gồm hai hình thức tham gia là bắt buộc và tự nguyện, tầng 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Tuy nhiên, phạm vi bảo vệ của các tầng chưa đủ để đảm bảo mọi người dân khi hết tuổi lao động đều có lương hưu, số người có lương hưu/trợ cấp hàng tháng chỉ chiếm khoảng 55%, số còn lại không được đảm bảo thu nhập khi về già (tính đến tháng 6/2015, trong số 11,2 triệu người cao tuổi mới có 1,7 triệu người hưởng trợ cấp xã hội, 2,3 triệu người hưởng lương hưu BHXH, trên 1,3 triệu người hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng khác (ưu đãi đối với người có công, mất sức lao động ). Mặt khác, chính sách trợ cấp xã hội tách rời khỏi hệ thống bảo hiểm hưu trí cũng bộc lộ những hạn chế như: (i) do không kiểm soát được thu nhập nên nhiều người có thu nhập vẫn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, ví dụ các khoản thu nhập có được khi người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ; (ii) người dân không chủ động tham gia bảo hiểm hưu trí, bởi họ nghĩ đã có thu nhập khi về già; (iii) tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN HƯU TRÍ ĐA TẦNG Ở VIỆT NAM Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, khi thực hiện an sinh xã hội đều xây dựng tầng hưu trí xã hội theo hướng Nhà nước trợ cấp để đảm bảo một khoản thu nhập tối thiểu cho người dân khi hết tuổi lao động, tuy nhiên, các quốc gia chỉ thực hiện được mục tiêu này khi ngân sách Nhà nước có đủ nguồn lực. Để thực hiện được mục tiêu BHXH toàn dân, cụ thể là toàn bộ người cao tuổi đều có lương hưu xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH, có thể xem xét thực hiện một số giải pháp sau: Xây dựng tầng hưu trí xã hội trên cơ sở chuyển từ hỗ trợ hưởng sang hỗ trợ đóng Hiện nay, trợ cấp hưu trí xã hội đang được thực hiện theo hướng ngân sách Nhà nước đảm bảo hoàn toàn. Chính sách này khiến người dân thụ động trong việc tìm ra các giải pháp đảm bảo thu nhập cho mình khi về già, hơn nữa, nhiều người có thể lợi dụng việc chính quyền không kiểm soát được thu nhập của người dân nên thay vì tham gia hưu trí tự nguyện, người dân có thể thực hiện các hình thức tiết kiệm, đầu tư khác để khi 315
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA về già có thể được hưởng cả trợ cấp xã hội. Điều đó không công bằng với những người nỗ lực tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Chính vì vậy, thay vì trợ cấp cho người cao tuổi, thì Chính phủ có thể hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện khi họ còn trong độ tuổi quy định, đối với những người có thu nhập thấp, có thể quy định mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ dài hơn. Mặt khác, giảm quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, ví dụ thay vì thời gian tham gia tối thiểu là 20 năm như hiện nay, có thể giảm xuống còn 10 năm. Như vậy, có nhiều người có khả năng tham gia để có lương hưu. Việc chuyển từ hỗ trợ hưởng sang hỗ trợ đóng sẽ giúp tăng cường trách nhiệm của NLĐ, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng chính sách và về lâu dài, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Kết cấu lại các tầng trong hệ thống bảo hiểm hưu trí Hệ thống bảo hiểm hưu trí vẫn được xây dựng theo 3 tầng nhưng theo hướng “tham gia bảo hiểm” thay vì “trợ cấp” như sau: Tầng 1: Hưu trí xã hội/hưu trí cơ bản, có đối tượng bảo vệ là mọi người dân, thực hiện theo hình thức bắt buộc. Mục tiêu của tầng này là đảm bảo một khoản lương hưu cố định tối thiểu cho mọi người khi hết tuổi lao động. Nguồn tài chính do NLĐ và Nhà nước đóng góp. Đối với NLĐ có thu nhập hoặc không thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ đóng góp nhiều hơn, còn đối với NLĐ có thu nhập thấp (đến một mức quy định) thì phần hỗ trợ đóng từ Nhà nước sẽ nhiều hơn, thậm chí Nhà nước có thể đóng cho họ một khoảng thời gian nhất định trước khi họ thoát nghèo. Tầng 2: Hưu trí bắt buộc, áp dụng với toàn bộ người làm công hưởng lương, do NLĐ và người sử dụng lao động đóng góp, mức đóng dựa trên cơ sở tiền lương. Tầng 3: Bảo hiểm hưu trí bổ sung, áp dụng với toàn bộ người dân, thực hiện tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho NLĐ, người sử dụng lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn. Như vậy, những đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm hưu trí (BHXH) tự nguyện hiện nay sẽ tham gia với mức cơ bản ở tầng 1, và có thể lựa chọn tham gia tầng 3 để có mức lương hưu cao hơn khi hết tuổi lao động. Nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng chính sách BHXH ổn định Để thu hút NLĐ tham gia BHXH, cần nâng cao chất lượng dịch vụ như: thủ tục đăng ký tham gia và hưởng chế độ phải đơn giản, thuận tiện, tránh gây phiền hà; cán bộ làm công tác BHXH phải có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, nhiệt tình 316
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA và có trách nhiệm. Mặt khác, trong bối cảnh cách mạng công nghệ, thông tin bùng nổ như hiện nay, nhằm giữ vững và tăng cường niềm tin của người dân đối với chính sách, cần thiết phải thiết lập các kênh thông tin như điện thoại, internet, email, facebook để tăng tính tương tác với người tham gia (hướng dẫn thủ tục, trả lời thắc mắc ) và kịp thời xử lý những thông tin xấu hoặc không đúng về BHXH lan tràn rất nhanh trên các mạng xã hội. Để NLĐ (và cả người sử dụng lao động) tự nguyện tham gia BHXH, kể cả là ở hình thức bắt buộc, thì “sản phẩm” BHXH phải thực sự hấp dẫn người tham gia, các chế độ BHXH phải đảm bảo đời sống cho NLĐ khi gặp rủi ro hoặc sự kiện làm giảm hoặc mất nguồn thu nhập từ lao động, hơn nữa, những cam kết của Nhà nước đối với người tham gia (thông qua chính sách BHXH) phải được thực hiện trong suốt quá trình tham gia BHXH của NLĐ. Nói cách khác, chính sách BHXH phải cố định kể từ khi tham gia đối với mỗi NLĐ, hoặc nếu có sự thay đổi thì cũng được thông báo ngay từ khi NLĐ bắt đầu tham gia. Chính sách BHXH ổn định sẽ tạo sự tin tưởng cho người dân, vừa tăng tính tự giác đối với đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vừa khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện. Khi NLĐ có lòng tin, sẽ hạn chế số người rời bỏ hệ thống, nhận BHXH một lần. Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHXH Cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về BHXH nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng trốn đóng BHXH, bằng cách thực hiện các biện pháp như: (i) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH; (ii) xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật về đóng BHXH; (iii) thực hiện thông báo về việc đóng BHXH hàng năm đến NLĐ và người sử dụng lao động, hoặc tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ tra cứu thời gian đóng BHXH để NLĐ giám sát, phát hiện sai phạm kịp thời; (iv) tăng cường trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, chú trọng nâng cao hiểu biết của NLĐ về chính sách BHXH, bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định việc tham gia BHXH. Làm rõ sự liên thông giữa hai hình thức BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, NLĐ được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau. Khi NLĐ hiểu biết được vấn đề này, sẽ hạn chế được tình trạng NLĐ xin nhận BHXH một lần và không có ý định tham gia tiếp khi rời khỏi khu vực tham gia BHXH bắt buộc. 317
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN Ở VIỆT NAM - THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 5. KẾT LUẬN Kinh nghiệm thực tiễn về bảo hiểm hưu trí ở các hệ thống BHXH trên thế giới gắn với bối cảnh Việt Nam hiện nay cho thấy cần thiết có một hệ thống hưu trí tổng thể với ba tầng đan xen, thiết kế theo hướng bổ sung cho nhau để đảm bảo được các mục tiêu cơ bản về tăng mức độ bao phủ, đảm bảo mức hưởng tối thiểu và đảm bảo hiệu quả tài chính hệ thống, bao gồm hưu trí xã hội toàn dân, hưu trí đóng góp bắt buộc và hưu trí bổ sung tự nguyện. Qua đó, đối tượng người cao tuổi sẽ được đảm bảo mức sống tối thiểu cũng như có mức hưởng phù hợp với mức đóng với thu nhập từ ba tầng này. Để đảm bảo mọi người cao tuổi đều có lương hưu cơ bản/lương hưu xã hội, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội và công bằng, bình đẳng giữa những NLĐ, cần có lộ trình để thay đổi hệ thống bảo hiểm hưu trí. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhân khẩu và khả năng quản lý của hệ thống hưu trí, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và áp dụng các bài học kinh nghiệm của các quốc gia về xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Mặt khác, cần thay đổi nhận thức của người dân, các nhà quản lý, từ thụ động nhận “trợ cấp’ sang “chủ động” tham gia vào các chương trình bảo hiểm hưu trí xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết số 28- NQ/TW. 2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2018, 2019), Báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH. 3. Gillion (2000), Social Security Pension-Development and Reform, International Labour Office: Geneva. 4. Ippei Tsuruga và cộng sự (2019), Báo cáo tóm lược các phương án xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng ở Việt Nam. 5. Quốc hội (2009), Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12. 6. Quốc hội (2014), Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13. 7. World Bank (1994), Averting the Old-Age Crisis: Policies to Protect and Promote Growth, Oxford University Press for the World Bank. 318