Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với phát triển kinh tế - Xã hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

pdf 12 trang Gia Huy 3680
Bạn đang xem tài liệu "Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với phát triển kinh tế - Xã hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdau_tu_truc_tiep_nuoc_ngoai_fdi_doi_voi_phat_trien_kinh_te_x.pdf

Nội dung text: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với phát triển kinh tế - Xã hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

  1. ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ FOREIGN DIRECT INVESTMENT (FDI) FOR THE VIETNAM’S ECO-SOCIAL DEVELOPMENT IN THE INTERNATIONAL INTERGRATION PROCESS TS. Phạm Thị Bạch Tuyết Trường Đại học Sài Gòn Tóm tắt Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài với việc Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 có hiệu lực, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư nước ngoài đã đem lại nhiều thành công quan trọng như bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, đẩy mạnh giá trị xuất khẩu hàng hóa, tăng cường hội nhập thị trường thế giới, tạo công ăn việc làm và nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật cho người lao động, Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI của nước ta cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, làm thế nào để thu hút tối đa nguồn FDI và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu và sớm có giải pháp khắc phục. Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, kinh tế, đầu tư Abstract Upon thirty years of implementation of open door policy and foreign investment attraction through effectiveness of Law on Foreign Investment in 1987, Foreign Direct Investment (FDI) sector has played an important role in and contributed significantly into the Vietnam’s eco-social development in the international integration process. Foreign Direct Investment has brought about many essential achievements for Vietnam such as rise of development investment capital, contribution into advanced economic structure transformation, increase of export turnover, promotion of international market integration, creation of employment and qualification for labor, etc. In addition to such achievements, FDI attraction and use by Vietnam also has had many shortcomings. Therefore, the way to attract and use effectively FDI is an important issue to be researched and handled in short time. Key words: Foreign direct investment (FDI), export, economy, investment 1. Mở đầu Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Thực hiện chủ trương này, nước ta đã từng bước chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 đã mở đầu cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Từ đó Việt Nam tích cực tham gia vào nhiều hiệp định, tổ chức khu vực và thế giới như AFTA, ASEM, 540
  2. APEC. Đặc biệt, sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới WTO tháng 01/2007 đã đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực, chủ động trong đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Tính đến tháng 4/2016, Việt Nam đã tham gia thiết lập 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 6 FTA thế hệ mới là Hiệp định Việt Nam - EU và Hiệp định TPP. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có tác động tích cực, trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, thúc đẩy mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ thu hút được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lí và các nguồn lực quan trọng khác, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội lớn cho nước ta cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.Việc thực hiện các cam kết trong các Hiệp định sẽ khiến cho môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên thông thoáng hơn, minh bạch hơn, thuận lợi hơn, được hưởng nhiều ưu đãi từ đó sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn nữa.Thời gian qua, quá trình thu hút và sử dụng FDI đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 2. Nội dung 2.1. Tình hình thu hút và thực hiện FDI tại Việt Nam giai đoạn 1988 - 2015 Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong thu hút FDI. Tổng số dự án FDI được cấp phép từ năm 1988 đến năm 2015 đã lên tới 21.392 dự án, tăng 10,1 lần (2.120 dự án năm 2015 so với 211 dự án giai đoạn 1988 - 1990). Về tổng số vốn đăng ký đạt hơn 314,707 tỉ USD, tăng 15,0 lần giai đoạn 1988 - 2015 (24115,7/1603,5 triệu USD). Tổng số vốn thực hiện tính đến hết năm 2015 chiếm 44,1% tổng vốn FDI đã đăng kí (138692,9 triệu USD).Riêng trong năm 2015, Việt Nam thu hút được 2.120 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 24,115 tỉ USD, tăng 15,0% về số dự án và 10,0% tổng số vốn đầu tư so với năm 2014. Vốn thực hiện chiếm 60,0% tổng vốn FDI đã đăng kí. Có thể nói, trong điều kiện kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt giữa các nước thì kết quả đạt được trong việc thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy những nỗ lực và thành công trong vận động xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta. Một số đặc điểm về FDI tại Việt Nam: Về quy mô vốn trên một dự án: Quy mô vốn bình quân của 1 dự án FDI giai đoạn 1988 - 1990 chỉ là 7,59 triệu USD, thì đến năm 2015 quy mô đó đạt 11,37 triệu USD. Mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận về tăng quy mô vốn của dự án nhưng nhìn chung các dự án FDI vào nước ta đều có quy mô vừa và nhỏ, trung bình cho cả giai đoạn 1988 - 2015 là 14,71 triệu USD/dự án. Về cơ cấu đầu tư theo ngành: các dự án FDI đầu tư vào nước ta chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế theo hướng 541
  3. CNH - HĐH đất nước. Tính đến hết năm 2015, các dự án FDI đầu tư vào công nghiệp chiếm tới 54,9% tổng số dự án và 64,3% tổng vốn đăng kí. Ngành thu hút được ít dự án đầu tư nhất là khu vực nông nghiệp, chỉ chiếm 2,6% dự án và 1,3% về tổng vốn đầu tư.Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm, với 1012 dự án đầu tư, tổng số vốn đạt 16,43 tỷ USD, chiếm 47,7% dự án và 68,1% tổng vốn đầu tư năm 2015. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,39 tỉ USD, chiếm 9,93% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 250 triệu USD. Về đối tác đầu tư: Các đối tác đầu tư cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực từ những quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á sang các nước thuộc châu Âu, Mỹ. Hiện nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là Hàn Quốc với tổng số dự án là 4.970 dự án (chiếm 24,7% tổng số dự án) và tổng vốn đăng ký là 45,2 tỉ USD (chiếm 16,0% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam); tiếp theo là các nước Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc Nhìn chung các nước châu Á vẫn là nhà đầu tư lớn nhất cả về tỉ trọng số dự án và tỉ trọng vốn đăng kí. Về địa bàn đầu tư: Nguồn vốn FDI phân bổ ở nhiều địa phương và có sự dịch chuyển từ các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sang các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, cơ cấu dự án FDI theo vùng thay đổi còn chậm. Phần lớn các dự án FDI tập trung tại các đô thị lớn và các khu công nghiệp tập trung nơi có điều kiện CSHT thuận lợi, nguồn lao động dồi dào và có trình độ. Những tỉnh hiện đang đứng đầu về thu hút FDI là TP. HCM với 5.886 dự án (chiếm 29,3% cả nước), tổng vốn đầu tư là 42,4 tỷ USD (chiếm 15,1% cả nước), đứng thứ hai là Hà Nội với 3.467 dự án (chiếm 17,3% cả nước), tổng vốn đầu tư là 25,5 tỷ USD (chiếm 9,1 % cả nước), tiếp theo là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc (2015). Việc thu hút, sử dụng FDI thời gian qua cơ bản đã đáp ứng những mục tiêu đề ra về thu hút vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những tác động tích cực tới kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước, FDI cũng có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. 2.2. Một số kết quả đạt được trong thu hút FDI tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta 2.2.1. FDI bổ sung nguồn vốn quan trọng hỗ trợ cho phát triển kinh tế Từ năm 1988 đến năm 2015, tổng vốn đăng ký FDI đạt 314,7 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 138,7 tỷ USD, chiếm 44,1% vốn đăng ký. Nguồn vốn đó chủ yếu đến từ các nước châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Xingapore (chiếm 70,6%). Các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh (chiếm 8,8%), châu Mỹ gồm Mỹ, Canađa (chiếm 7,7%), Ôxtrâylia (chiếm 2,7%), còn lại là các đối tác khác. Hằng năm, bình quân vốn FDI thực hiện chiếm khoảng 25% vốn đầu tư xã hội. Đây là nguồn vốn quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế đất nước. Vốn FDI thực hiện tăng nhanh qua các thời kỳ, từ 542
  4. khoảng 20,67 tỷ USD, chiếm 24,32% tổng vốn đầu tư xã hội (1991 - 2000) lên 69,47 tỷ USD, chiếm 22,75% tổng vốn đầu tư xã hội (2001 - 2011). Năm 2015 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của khu vực FDI đạt 318,1 nghìn tỉ đồng, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư xã hội (biểu đồ 1). Biểu đồ 1: Vốn khu vực FDI so với tổng đầu tư toàn xã hội và đóng góp của khu vực vốn FDI trong GDP (giá hiện hành - %) Nguồn: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê ( 2.2.2. FDI đóng góp vào tốc độ tăng GDP FDI hiện là khu vực phát triển năng động nhất trong các khu vực kinh tế với tốc độ tăng GDP cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế. Năm 1995 GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,98% trong khi GDP cả nước tăng 9,54%; tốc độ này tương ứng là 11,44% và 6,79% (2000), 13,22% và 8,44% (2005), 8,12% và 6,78% (2010), 10,7% và 6,7% (2015). Khu vực FDI tăng nhanh dẫn tới tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP không ngừng tăng lên.Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng dần qua các năm, từ 6,3% GDP (1995), lên 12,7% (2000), 17,7% (2010) và 18,1% (2015). 2.2.3. Đóng góp vào nguồn thu ngân sách Đóng góp của FDI vào nguồn thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng, từ 1,8 tỷ USD (1994- 2000) lên 14,2 tỷ USD (2001 - 2010). Năm 2012, nộp ngân sách của khu vực ĐTNN (không kể dầu thô) là 3,7 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách (18,7% tổng thu nội địa, trừ dầu thô). Năm 2014 nộp ngân sách của khu vực FDI chiếm 13,54% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu). 2.2.4. Góp phần quan trọng vào xuất khẩu, mở rộng thị trường Trước năm 2003, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI thấp hơn khu vực trong nước. Năm 1995 giá trị xuất khẩu đạt 1,47 tỉ USD, tăng lên 7,87 tỉ USD năm 2002. Từ năm 2003, xuất khẩu của khu vực này bắt đầu vượt khu vực trong nước, đạt 10,161 tỉ USD, chiếm khoảng 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2003. Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI ngày càng tăng trong tổng giá trị xuất khẩu, tăng từ 27% (1995) tăng lên 47% (2000), 57,2% (2005) và tăng lên 70,5% (2015). Trong 10 tháng năm 2014, tổng giá trị ngoại thương Việt Nam đạt 244,27 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 123,07 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 121,2 tỷ USD, xuất siêu 1,87 tỷ USD, trong khi khu vực FDI xuất siêu 13,82 tỷ USD thì khu vực trong nước nhập siêu 11,95 tỷ USD. 543
  5. Bảng 1: Giá trị và cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực FDI giai đoạn 2005 - 2015 2005 2007 2009 2011 2013 2015 Trị giá (Triệu đô la Mỹ) Nhập khẩu 13.640,1 21.712,4 26.066,7 48.387,0 74.435,0 97.226,5 Xuất khẩu 18.553,7 27.774,6 30.372,3 55.124,3 88.150,2 114.266,8 Cơ cấu (khu vực FDI so với cả nước) (%) Nhập khẩu 37,1 34,6 37,3 45,3 56,4 58,7 Xuất khẩu 57,2 57,2 53,2 56,9 66,8 70,5 Nguồn: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê ( Đầu tư nước ngoài góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo. ĐTNN tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu nhất là sang Hoa Kỳ, EU, làm thay đổi đáng kể cơ cấu xuất khẩu, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. ĐTNN còn góp phần ổn định thị trường trong nước, hạn chế nhập siêu thông qua việc cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất thay vì phải nhập khẩu như trước đây. 2.2.5. FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH FDI thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp từ 27,2% xuống 17% giai đoạn 1995 - 2015, tăng tỉ trọng của khu vực công nghiệp (28,8% lên 33,2%) và dịch vụ (44,0% lên 49,8%). Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vì thế, Việt Nam được coi là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài và khu vực FDI đã trở thành động lực quan trọng chotăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam. Biểu đồ 2: Cơ cấu GDP phân theo ngành kinh tế nước ta giai đoạn 1995 - 2015 (%) Nguồn: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê ( 544
  6. Qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mới ra đời và phát triển: dầu khí, công nghệ thông tin, hóa chất, ô tô, xe máy, thép, điện tử và điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may FDI thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật - công nghệ ở nhiều ngành kinh tế, góp phần tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu tỷ trọng các ngành trong nền kinh tế. Hiện nay, 58,4% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng với trình độ công nghệ cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng của khu vực FDI đạt bình quân gần 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Khu vực FDI góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế,hình thành hệ thống các KCN - KCX, góp phần phân bố hoạt động công nghiệp hợp lí hơn, nâng cao hiệu quả đầu tư. Khu vực nông nghiệp chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu. FDI cũng thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ phát triển, hình thành các ngành dịch vụ chất lượng cao như khách sạn, văn phòng căn hộ cho thuê, ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển, lô-gi-stíc, siêu thị Khu vực FDI tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế theo định hướng công nghiệp hoá. Giai đoạn 2005 - 2015, tỷ trọng khu vực đầu tư nước ngoài trong cơ cấu kinh tế tăng 3,0% (từ 15,1% lên 18,1%), trong khi khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước có xu hướng giảm tương ứng. 2.2.6. FDI tạo việc làm, nâng cao chất lượng lao động và thay đổi cơ cấu lao động Khu vực FDI tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho người lao động. Lao động của khu vực FDI trong tổng lực lượng lao động cả nước đã tăng từ 1,0% năm 2000 lên 4,2% năm 2015. Năm 2000 khu vực FDI tạo ra 358,5 nghìn lao động, năm 2010 là 1.726,5 nghìn lao động, đến năm 2015 tăng lên 2.256,6 nghìn lao động trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu lao động gián tiếp. Hơn nữa số lao động này được tiếp cận với công nghệ hiện đại, có kỉ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức lao động tiên tiến, trong đó có hàng vạn công nhân lành nghề, kỹ sư và cán bộ quản lý có trình độ cao, góp phần phát triển đội ngũ lao động cả về số lượng và chất lượng, có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng CNH-HĐH. 2.2.7. FDI là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế Khu vực ĐTNN sử dụng công nghệ cao hơn hoặc bằng công nghệ tiên tiến đã có trong nước và thuộc loại phổ cập trong khu vực. Từ năm 1993 đến nay, cả nước có 951 hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được phê duyệt/đăng ký, trong đó có 605 hợp đồng của doanh nghiệp ĐTNN, chiếm 63,6%. Thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ, khu vực ĐTNN góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, nâng cao năng lực công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Tác động lan tỏa công nghệ của khu vực ĐTNN được thực hiện thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp ĐTNN với doanh nghiệp trong nước, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tiếp cận hoạt động chuyển giao công nghệ. Mặt khác, khu vực FDI kích thích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh. 545
  7. 2.3. Một số hạn chế trong thu hút FDI 2.3.1. Cơ cấu phân bổ nguồn vốn FDI chưa hợp lí Ở Việt Nam, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của FDI diễn ra chậm;cơ cấu ngành của đầu tư nước ngoài hiện chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; các ưu tiên đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển không đạt được như dự kiến. Gần đây, có chiều hướng dịch chuyển dòng FDI tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, không thân thiện với môi trường như: Sửa chữa tàu biển, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm vào Việt Nam. Trong công nghiệp - xây dựng, các dự án ĐTNN chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp nhằm tận dụng lao động rẻ, đầu tư vào khai thác tài nguyên cũng tăng lên. Vốn FDI đầu tư vào khai thác mỏ đã tăng từ 0,8% năm 2005 lên 1,2% năm 2006 và lên tới 18,5% năm 2008. Trong khi đó đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn dĩ đã ít lại đang có xu hướng giảm (năm 2006 chiếm khoảng 6% tổng vốn đăng ký, nhưng đến tháng 11-2008 chưa đạt tới 1%). FDI hiện tập trung chủ yếu tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm gây mất cân đối vùng miền, không đạt được mục tiêu hướng ĐTNN vào địa bàn khó khăn. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phát triển nhanh ở nhiều địa phương nhưng có cơ cấu gần như nhau, không tạo ra lợi thế của sự khác biệt từng địa phương, từng vùng lãnh thổ. Thị trường và đối tác FDI của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến từ các nước châu Á. Đầu tư từ Hoa Kỳ, EU và những nước OECD khác vào Việt Nam còn rất khiêm tốn (so với FDI của các nước đó vào Thái Lan, Inđônêxia, Xinhgapo, Malaixia); máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn lao động; việc chuyển giao công nghệ, sáng chế phát minh, giải pháp kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chưa tương xứng với vốn đầu tư, nhất là trong những ngành công nghệ cao như: công nghiệp điện tử, ô tô, xe máy. 2.3.2. Mục tiêu thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng Trên 80% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% công nghệ ở mức thấp và lạc hậu, chỉ 5-6% sử dụng công nghệ cao. Không ít trường hợp nhà đầu tư lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý để nhập máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ. Công nghệ thấp dẫn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công, lắp ráp là chủ yếu. Hệ quả là tạo ra giá trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Theo kết quả điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam từ năm 2010-2014” thì phần lớn các DN trong nước không nhận được chuyển giao công nghệ từ việc tương tác với các DN nước ngoài. Thay vào đó, công nghệ có xu hướng được chuyển giao từ các DN trong nước. Cụ thể trong 5 năm qua, nếu xem xét cả DN trong cùng ngành và khác ngành có khoảng 80% việc chuyển giao 546
  8. công nghệ đã diễn ra giữa các DN trong nước, các công ty nước ngoài cùng và khác lĩnh vực chỉ chiếm dưới 20% chuyển giao công nghệ cho các DN trong nước. 2.3.3. Sử dụng nhiều lao động giản đơn, tình trạng đình công có xu hướng gia tăng Trong những năm qua khu vực FDI tạo ra việc làm cho khoảng 2,2 triệu lao động, tỉ lệ lao động của khu vực này chỉ chiếm khoảng 4,2% trong tổng số lao động có việc làm của cả nước(2015). Nhưng điều đáng nói là lao động nữ chiếm tới 67,7% trong tổng số lao động của khu vực FDI. Trong tổng số hơn 1 triệu lao động nữ đang làm việc trong khu vực FDI thì chủ yếu làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến (ngành dệt may) và làm nghề vận hành máy móc thiết bị (chủ yếu là vận hành máy may công nghiệp)với trình độ chuyên môn kĩ thuật không cao. Đây chính là điều mà chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ để làm sao cho vốn FDI vào Việt Nam thật sự đem lại hiệu quả kinh tế. Thu nhập bình quân theo tháng của người lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI chỉ cao hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nhưng thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước.Qua kết quả điều tra tiền lương của Bộ LĐ-TB&XH tại 2.000 doanh nghiệpnăm 2015 cho thấy mức tiền lương bình quân lao động cả nước ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng, dẫn đầu là thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tiếp theo là thu nhập của lao động tại doanh nghiệp FDI đạt 5,47 triệu đồng/tháng,doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/tháng. Tính từ năm 1995 đến đầu năm 2012 cả nước xảy ra khoảng 3.913 cuộc đình công, trong đó ở DN FDI (chủ yếu trong các KCN, KCX) chiếm 78,4%, DN ngoài quốc doanh chiếm 22.8%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình trạng này tại các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng nhanh, nhiều vụ việc quy mô lớn, phức tạp, tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh cuả DN và nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến uy tin,́ môi trường đầu tư tại Việt Nam. Các cuộc đình công chủ yếu xảy ra tại doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; tập trung ở ngành gia công, sử dụng nhiều lao động như dệt may, cơ khí, điện tử, da giày. Nguyên nhân của các cuộc đình công xuất phát từ yêu cầu về lợi ích của người lao động, về vấn đề tiền lương, làm thêm giờ, tăng ca vượt quá thời gian quy định nhưng trả lương không thỏa đáng; chất lượng bữa ăn kém, điều kiện lao động không được cải thiện. Vì vậy, các cuộc đình công về lợi ích liên tiếp xảy ra và có tính lan truyền nhưng điều đáng chú ý là tổ chức công đoàn ở nhiều DN đã đứng ngoài cuộc, không bảo vệ quyền lợi người lao động. 2.3.4. Nhiều dự án tác động xấu tới môi trường sinh thái Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam do mục tiêu chạy theo lợi nhuận nên chủ yếu tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ, có tới 80% công nghệ của khu vực FDI là công nghệ trung bình, công nghệ cao chỉ chiếm 6% [8]. Vì vậy nhiều dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ, gâytiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên, ô nhiễm môi trường Trong quá trình triển khai dự án, nhiều nhà đầu tư để tiết kiệm chi phí đã bỏ qua khâu xử lí chất thải, lén lút xả thẳng chất thải ra môi trường hoặc sử dụng công nghệ rẻ tiền nên chất thải xả ra môi trường vẫn còn độc hại đã gây tác động nghiêm trọng đến môi trường, gây tác động lâu dài tới sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực. Nhiều doanh nghiệp đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lí trong thời gian quanhư trường hợp của công ty Vedan, Hyundai-Vinashin, hay mới đây nhất là trường hợp của 547
  9. công ty Formosa Tuy nhiên, số tiền nộp phạt của các doanh nghiệp này không đáng kể gì so với số tiền rất lớn mà Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục hậu quả môi trường và cần một thời gian dài mới có thể khắc phục được. 2.3.5. Một số doanh nghiệp thực hiện“chuyển giá”, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước Trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động chuyển giá với nhiều hình thức tinh vi, đa dạng gây thất thoát về nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Bằng hình thức định giá quá cao các nguyên liệu, máy móc nhập khẩu đầu vào từ công ty mẹ, trong khi lại bán hàng hóa sản xuất ra cho công ty mẹ với giá quá thấp, nên các doanh nghiệp này đã luôn ở tình trạng “thua lỗ”, không những không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, mà còn được hoàn thuế giá trị gia tăng. Điều đáng nói là mặc dù kinh doanh thua lỗ triền miên, nhưng các doanh nghiệp FDI này vẫn tiếp tục đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong 3 năm liên tiếp. Tại TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số 3.500 DN FDI nhiều năm qua thường xuyên kê khai lỗ; Tỉnh Lâm Đồng cũng xuất hiện tình trạng tương tự với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục; Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 - 2011 (Năm 2007, số DN khai báo lỗ chiếm tỷ lệ 53%, năm 2008 là 58%, năm 2009 là 55%, năm 2010 là 44% và năm 2011 là 48%). Trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá đó là công ty Coca-Cola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam, công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (thường gọi là siêu thị Metro) Ngành thuế trong nỗ lực chống chuyển giá đã buộc các doanh nghiệp giảm lỗ và truy thu thuế một khoản tiền khá lớn. Trong năm 2011, sau khi thanh tra, kiểm tra 921 doanh nghiệp FDI lỗ, ngành thuế đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 1.669 tỷ đồng [7]. 2.4. Nguyên nhân của những hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI Từ những phân tích trên, có thể rút ra một số nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI của Việt Nam trong thời gian qua như sau: 2.4.1. Nguyên nhân thuộc về Việt Nam - Hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư còn nhiều bất cập, thiếu sự đồng bộ và nhất quán. - Thủ tục hành chính còn rườm rà, kéo dài thời gian, gây khó khăn và tăng chi phí cho doanh nghiệp. - Kết cấu hạ tầng còn thấp kém và thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, nước, cảng biển gây khó khăn cho nhà đầu tư. - Nguồn lao động nước ta dồi dào, giá rẻ nhưng trình độ lao động còn thấp, thiếu lao động có trình độ quản lí và trình độ chuyên môn tay nghề cao. Chất lượng lao động thấp chính là những khó khăn khi nhà đầu tư muốn đầu tư vào các dự án sử dụng công nghệ cao, hiện đại. - Công nghiệp phụ trợ của nước ta phát triển chậm, gây khó khăn về nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp FDI. Do đó, các doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên 548
  10. liệu, linh kiện, phụ tùng, làm giảm sự liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực kinh tế trong nước. - Công tác xúc tiến đầu tư chưa đạt hiệu quả, hoạt động xúc tiến đầu tư còn giàn trải, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểmtheo đúng định hướng phát triển.Các địa phươngthu hút FDI chạy theo phong trào, chạy theo số lượng mà thiếu tính chọn lọc, coi nhẹ các điều kiện đối với đầu tư, trong đó có đánh giá tác động của môi trườngđã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và gây ra những tác động xấu đến môi trường. - Công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với các dự án đầu tư FDIcòn nhiều bất cập. Công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư chưa được chú trọng, thậm chí buông lỏng quản lí dẫn đến nhiều doanh nghiệp, dự án FDI chưa chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường, sinh thái, ảnh hưởng lâu dài tới đời sống của người dân và làm xấu hình ảnh của đầu tư nước ngoài. 2.4.2. Nguyên nhân thuộc về các nhà đầu tư, các doanh nghiệp FDI - Vì mục tiêu lợi nhuận, FDI thường đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao như khai thác tàinguyên nhiên nhiên, gia công, lắp ráp sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Một số hoạt động không hoàn toàn phù hợp với những mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy, làm mất cân đối trong cơ cấu kinh tế,cơ cấu sản phẩm,cơ cấu đầu tư vùng kinh tế của Việt Nam. - Lợi dụng những yếu kém trong quản lí đầu tư, hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, xử phạt chưa nghiêm, các nhà đầu tư thường lách luật, cố tình làm trái từ đó gây ra những tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường. Ví dụ như đối với máy móc, thiết bị công nghệ, nhằm tiết kiệm chi phí mua sắm máy móc mới, nhiều nhà đầu tư FDI đã xuất khẩu những thiết bị công nghệ lạc hậu, phát thải cao, cùng với việc không xử lý rác thải theo quy định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Hay như thực hiện các hoạt động chuyển giá gây thất thu cho ngân sách nhà nước. 2.5. Giải pháp Trong những năm tới, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cho kinh tế nước ta những cơ hội phát triển. Nguồn vốn FDI tiếp tục lưu chuyển trên phạm vi toàn cầu và đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giai đoạn đẩy mạnh CNH - HĐH, từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức, vì vậy FDI vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để FDI thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư theo hướng ngày càng minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn nhằm huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước 549
  11. ngoài phát triển theo đúng định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đơn giản và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài. Xóa bỏ những giấy phép và thủ tục phiền hà, không cần thiết trong đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư về các thủ tục đầu tư, thủ tục cấp phép, các luật kinh doanh ở Việt Nam để các nhà đầu tư hiểu rõ. Quy hoạch nâng cấp và hoàn thiện nhanh cơ sở hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ, đường cao tốc, các cảng biển, hệ thống điện, cấp thoát nước Kêu gọi vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, khuyến khích áp dụng những hình thức đầu tư như BOT, BTO, BT trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kĩ thuật. Đầu tư cho hệ thống giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao trình độ nguồn lao động, nhất là phát triển nguồn lao động có trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tăng cường sự kết hợp giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tạo nguồn lao động phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành nghề lĩnh vực mới, hiện đại. Có chính sách xúc tiến đầu tư phù hợp để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng lớn về vốn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm, có công nghệ kĩ thuật tiên tiến, hiện đại, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Việc thu hút FDI cần phải chú trọng đến chất lượng các dự án đầu tư, tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên. Chọn lọc các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ; thẩm định kỹ lưỡng năng lực và công nghệ của nhà đầu tư, tránh tình trạng chỉ thấy lợi ích trước mắt, vì lợi ích “cá nhân, nhóm” mà cố tình bỏ qua lợi ích quốc gia. Cần tăng cường khung thể chế và các nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, giám sát suốt trong quá trình từ cấp phép, thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh sau đầu tư. Cần xử lí nghiêm các các hành vi vi phạm theo đúng pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường, tăng cường xử phạt đối với những hành vi gây tổn hại đến môi trường. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương khi xem xét các dự án đầu tư lớn, có tác động đến môi trường của cả một vùng. Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là nội dung quan trọng và đóng vai trò then chốt cần tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo môi trường thu hút FDI. Đầu tư hạ tầng xây dựng các khu nhà xưởng cao tầng tại các địa điểm với quy mô diện tích phù hợp cho nhu cầu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất. 550
  12. 3. Kết luận Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, FDI đóng một vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. FDI đã thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH, tạo nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò tích cực, FDI cũng còn nhiều hạn chế, hiệu quả sử dụng nguồn vốn chưa cao, gây ra những hậu quả tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nền kinh tế. V ́ vậy, Việt Nam cần thu hút, sử dụng FDI một cách có chọn lọc, khuyến khích các dự án đầu tư vào các ngành then chốt và các dự án trọng điểm theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH, giúp Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Xuân Bá (2006), Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, NXB Khoa học Kĩ thuật, Hà Nội. 2. Nguyễn Thị Cành, Trần Hùng Sơn (2009), Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với phát triển và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 225. 3. Trần Văn Chu (2006), Thành tựu và hạn chế trong thu hút FDI vào Việt Nam thời gian gần đây,Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, số 11 (15) tháng 11/2006. 4. Tổng Cục Thống kê, Niên giám Thống kê Việt Nam hằng năm, Nhà xuất bản Thống kê. 5. Nguyễn Trọng Tuân (2002), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 6. Trần Xuân Tùng (2005), Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 7. Dương Văn An, Chuyển giá trong khu vực doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, khu-vuc-doanh-nghiep-fdi-tai-viet-nam-39457.html. 8. Hút vốn FDI: Cảnh báo ô nhiễm môi trường, canh-bao-o-nhiem-moi-truong/c/20329865.epi. 551