Giai đoạn hội nhập mới và điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Giai đoạn hội nhập mới và điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- giai_doan_hoi_nhap_moi_va_dieu_chinh_chinh_sach_thue_cua_vie.pdf
Nội dung text: Giai đoạn hội nhập mới và điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam
- GIAI ĐOẠN HỘI NHẬP MỚI VÀ ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH THUẾ CỦA VIỆT NAM PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hoài1 Tóm tắt Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều vấn đề đặt ra đối với chính sách thuế của các quốc gia, như phải giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, phải điều chỉnh các sắc thuế nội địa để tăng thu nhằm bù đắp số thuế nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế. Bên cạnh chính sách thuế cần điều chỉnh để đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế về thuế, phải có các quy định nhằm phòng ngừa, ứng phó với các rủi ro mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Việt Nam đã có những bước tiến rất dài trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách thuế của Việt Nam thời gian qua đã có những điều chỉnh thích hợp, vừa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế, tuy nhiên cũng còn có những hạn chế nhất định, cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng với giai đoạn hội nhập mới trong giai đoạn tới. 1. Vấn đề đặt ra đối với chính sách thuế trong hội nhập - Quá trình hội nhập sâu rộng đã buộc các nước phải hạ thấp thuế suất thuế nhập khẩu từ đó thuế nhập khẩu giảm dần, số thu cho ngân sách nhà nước xét về mặt ngắn hạn có nguy cơ bị sụt giảm, bên cạnh mục tiêu bảo hộ sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng. Trong điều kiện thu thuế nhập khẩu bị giảm do quá trình hội nhập gây ra thì vấn đề đặt ra là cần điều chỉnh các sắc thuế nội địa để bù lại số thuế thiếu hụt, góp phần đảm bảo thu Ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần ổn định vĩ mô. - Hội nhập càng sâu rộng, vấn đề cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia ngày càng trở nên gay gắt hơn, các nước dù muốn hay không đều phải điều chỉnh chính sách thuế của mình cho phù hợp. Hiện nay, thay vì một hệ thống thuế độc lập mang tính đặc trưng của mỗi quốc gia, các nước đều phải đảm bảo hệ thống thuế của mình mang tính thông lệ và cạnh tranh quốc tế, sao cho chính sách thuế vừa tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho một nước dễ dàng gia nhập vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới. - Với tư cách là công cụ tài chính, vấn đề đặt ra đối với chính sách thuế là thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy thương mại tự do. Thông qua việc 1 Học viện Tài chính. Email: hoaiaf@gmail.com 503
- không thu thuế đối với đại bộ phận hàng hoá xuất khẩu, áp dụng các ưu đãi thuế đối với hoạt động xuất khẩu góp phần khuyến khích hoạt động xuất khẩu. Khuyến khích hoạt động nhập khẩu được thực hiện bằng việc giảm thuế nhập khẩu cùng với xoá bỏ dần các biện pháp phi thuế quan như giấy phép, hạn ngạch, - Trong điều kiện tự do hoá nền kinh tế, các quốc gia luôn quan tâm đến nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra đối với chính sách thuế là phải góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bằng việc áp dụng các ưu đãi thuế với một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, một số ngành công nghiệp non trẻ có thể đem lại hiệu quả kinh tế quy mô lớn trong tương lai, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế - một yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình hội nhập. Đối với thuế điều quan trọng là cần xác định một mức động viên hợp lý để khuyến khích các cơ sở tăng tích tụ vốn, mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm tài sản mới nâng cao hiệu suất sử dụng vốn, từ đó năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được cải thiện dẫn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao. - Để phòng chống các rủi ro trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, điều quan trọng là nền kinh tế các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, phải có cơ cấu kinh tế hợp lý. Thuế có tác dụng thúc đẩy quá trình tích luỹ vốn, tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Qua việc thu thuế hình thành nên quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước để đầu tư vào các công trình lớn có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đặt ra đối với thuế là phải góp phần tạo cơ cấu kinh tế hợp lý. Đối với các ngành, lĩnh vực có ít vốn đầu tư đổ vào, mà sự tồn tại và phát triển của nó có ảnh hưởng đến việc tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý, nhà nước thực hiện các ưu đãi thuế như thuế suất thấp, miễn giảm thuế tạo điều kiện cho ngành đó, lĩnh vực đó phát triển, từ đó cơ cấu nền kinh tế sẽ hợp lý hơn. Ngược lại đối với các ngành phát triển quá nóng, nếu không có biện pháp hạn chế sẽ làm mất cân đối nền kinh tế, bằng biện pháp tăng thuế suất, lợi nhuận của các nhà sản xuất trong ngành đó giảm, dẫn đến thu hẹp đầu tư vào ngành đó, tái phân bổ nguồn lực sang các ngành khác có lợi hơn xét trên các phương diện cả về kinh tế chính trị và xã hội. - Hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng, các yếu tố sản xuất như vốn và lao động được luân chuyển một cách dễ dàng giữa các quốc gia, các tổ chức, cá nhân có nhiều khoản thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều nước khác nhau, các nhà kinh doanh có thể tự do thiết lập các cơ sở kinh doanh ở các nước khác nhau, các cá nhân - những người lao động lành nghề dễ dàng thay đổi tình trạng cư trú của mình đã làm phát sinh nhiều vấn đề như chuyển giá, phân tán lợi nhuận. Vấn đề đặt ra đối với 504
- việc sử dụng công cụ thuế phải vừa thúc đẩy vừa góp phần kiểm soát quá trình lưu chuyển vốn và lao động giữa các nước. Thông qua việc xây dựng hệ thống chính sách thuế theo hướng đề ra các ưu đãi thuế nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư, đưa ra những quy định phòng chống hiện tượng chuyển giá, phân tán lợi nhuận, áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, để vừa đảm bảo số thu cho nhà nước, bên cạnh góp phần kiểm soát được sự di chuyển của các luồng vốn và lao động, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đi kèm với sự mở rộng đầu tư trực tiếp là sự bùng nổ đầu tư gián tiếp, đang đặt ra vấn đề cho các nhà quản lý làm sao có thể kiểm soát các giao dịch này trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển rất nhanh. Vấn đề đặt ra đối với công cụ thuế là làm sao có thể góp phần kiểm soát các dòng vốn ngắn hạn này. Thông qua việc đánh thuế với các mức thuế phân biệt đối với các khoản vốn có thời hạn khác nhau sẽ có tác dụng góp phần kiểm soát, hạn chế sự luân chuyển ồ ạt của các dòng vốn, đặc biệt là vốn ngắn hạn, vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng vì các dòng vốn ngắn hạn thường di chuyển rất linh hoạt, có lúc đổ vào rất nhiều nhưng cũng rất dễ đổi chiều, nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát phù hợp thì có nguy cơ xảy ra khủng hoảng. Tóm lại, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đặt ra nhiều vấn đề đối với chính sách thuế của quốc gia, các nước đều phải điều chỉnh hệ thống thuế của mình cho phù hợp với xu thế hội nhập, vừa thúc đẩy quá trình này và vừa tạo điều kiện kiểm soát quá trình này góp phần hạn chế những tác động bất lợi mà quá trình này có thể mang lại. 2. Điều chỉnh chính sách thuế ở Việt Nam và khuyến nghị 2.1. Kết quả tích cực của việc điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam trong quá trình hội nhập Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng ta, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, các chủ trương cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế được nêu tại các kỳ Đại hội Đảng; Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành ba nghị quyết chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 và bắt đầu thi hành nghĩa vụ thành viên Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) từ ngày 1/1/1996. Việt Nam là thành viên tham gia sáng lập và là một thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996; Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998. Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu WTO vào tháng 01/2007, đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Phù hợp 505
- với xu hướng thiết lập các khu vực thương mại tự do trên thế giới, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó 6 FTA do Việt Nam chủ động tham gia ngoài khuôn khổ nội khối ASEAN hoặc với nước đối tác của ASEAN. Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư đồng bộ, theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn. Chính sách thuế của Việt Nam thời gian qua đã có những điều chỉnh thích hợp, vừa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế, bên cạnh có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thương mại và sự vận động của các luồng vốn trong và ngoài nước. Cụ thể: - Thực hiện các cam kết quốc tế theo cam kết Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tham gia WTO và các FTA khác, thuế nhập khẩu Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng hạ thấp mức thuế theo lộ trình. Đối với cam kết trong ASEAN, trên cơ sở các thỏa thuận đã ký kết, hàng năm Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định chi tiết danh mục các mặt hàng thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ ASEAN và cắt giảm thuế xuất khẩu theo cam kết với các nước ASEAN. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% cho gần 6.900 dòng thuế có xuất xứ ASEAN, chiếm khoảng 72% trong tổng số 9.558 dòng thuế nhập khẩu. Ngày 14/11/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 165/2014/TT-BTC công bố Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ATIGA giai đoạn 2015 - 2018. Theo đó, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA. Như vậy, chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018. Cam kết trong WTO, Việt Nam đồng ý ràng buộc mức trần cho toàn bộ biểu thuế (10.600 dòng). Mức thuế bình quân toàn biểu được giảm từ mức hiện hành 17,4% xuống còn 13,4% thực hiện dần trung bình trong vòng 5 - 7 năm. Mức thuế bình quân đối với hàng nông sản giảm từ mức hiện hành 23,5% xuống còn 20,9% thực hiện trong vòng 5 - 7 năm. Với hàng công nghiệp từ 16,8% xuống còn 12,6% thực hiện chủ yếu trong vòng 5 - 7 năm. Thực hiện cam kết trong WTO, Việt Nam tiến hành tiến hành cắt giảm thuế dần theo lộ trình. Đối với các FTA khác mà Việt nam đã ký kết, Việt Nam đã từng bước tiến hành cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết. - Từng bước sửa đổi các sắc thuế chủ yếu trong hệ thống thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế. Việt Nam đã thu hẹp đáng kể diện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; mở 506
- rộng đối tượng các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thu hẹp đối tượng hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng. Việc mở rộng cơ sở thuế đã góp phần bao quát nguồn thu và tăng thu hợp lý bù lại cho sự suy giảm nguồn thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu do thực hiện các cam kết hội nhập. - Điều chỉnh hợp lý thuế suất của các sắc thuế trong hệ thống thuế để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, vừa đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế về thuế. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông đã nhiều lần được điều chỉnh giảm từ mức 32% đối với doanh nghiệp trong nước và 25% đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thống nhất thành một mức 25% (năm 2004), xuống 22% (năm 2014) và giảm tiếp xuống 20% từ 01/01/2016. Thuế thu nhập cá nhân từ mức cao nhất là 50% giảm xuống còn 35% (2009). Điều chỉnh tăng hoặc giảm thuế suất của nhiều mặt hàng trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để đảm bảo điều tiết hợp lý thu nhập và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội khác của Nhà nước. Từ 01/01/2016 tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu, bia theo lộ trình, từ 01/07/2016 điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống loại có dung tích trên 2.500 cm3. - Thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu. Trước đây khi các cơ sở nhập khẩu hàng chịu thuế TTĐB sẽ phải tính và nộp thuế TTĐB cho cơ quan hải quan khi nhập khẩu, tính trên giá tính thuế nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu, khi các cơ sở nhập khẩu bán các hàng hóa này trong nước không phải tính và nộp thuế TTĐB. Từ 01/01/2016, các cơ sở nhập khẩu hàng chịu thuế TTĐB sẽ phải nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu, nộp cho cơ quan hải quan và khi bán trong nước sẽ phải tính và nộp thuế TTĐB cho cơ quan thuế, nhưng sẽ được phép khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu bán ra. Việc thay đổi cách tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu, chuyển sang tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu, sẽ góp phần đảm bảo công bằng khi tính thuế TTĐB giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, và cũng góp phần bảo hộ sản xuất trong nước và tạo thu cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm. - Thông qua ưu đãi về thuế suất, tăng thời hạn miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các dự án đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn; áp dụng các ưu đãi thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, đối với đầu tư mua sắm máy móc công nghệ hiện đại, đối với hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc các ngành công nghiệp non trẻ, mặt hàng chiến lược, lâu dài có lợi thế cạnh tranh đã có tác dụng nâng đỡ các ngành mũi nhọn, khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề then chốt, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn, tạo điều kiện cho hàng hoá nước ta có 507
- thể vừa thắng thế thị trường nội địa, vừa có cơ hội mở rộng thị trường ra bên ngoài, thu được nhiều lợi ích và có khả năng ứng phó tốt với những rủi ro mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có thể đem lại. - Chính sách thuế đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bằng việc áp dụng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã có tác dụng góp phần thu hút vốn đầu tư, như ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về thời hạn miễn giảm thuế. Đối với các doanh nghiệp Việt nam đầu tư ra nước ngoài mà nước đó với Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo Hiệp định. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được thu nhập từ nước chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam, nếu thuế suất thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài thấp hơn thuế suất phổ thông của Việt Nam thì chỉ phải nộp thuế TNDN tại Việt Nam tính trên phần chênh lệch. Việc áp dụng các ưu đãi thuế đã có tác dụng góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt nam và khuyến khích các doanh nghiệp Việt nam đầu tư nước ngoài. Lượng vốn đầu tư vào Việt Nam ổn định và vốn từ Việt nam đầu tư ra nước ngoài thời gian qua có xu hướng gia tăng một phần là do có chính sách ưu đãi thuế hợp lý. Đến nay Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, điều này vừa có tác dụng khuyến khích đầu tư nước ngoài, bên cạnh có thể sử dụng điều khoản trao đổi thông tin để giúp kiểm soát quá trình đầu tư, kiểm soát thu nhập, hạn chế tình trạng chuyển giá của các công ty đa quốc gia. - Chính sách thuế đã thể hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh trong quá trình hội nhập. Để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định đánh thuế bổ sung đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu có hành vi bán phá giá, hoặc hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ các nước có sự phân biệt đối xử đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt nam. Đây là một trong những biện pháp tự vệ đảm bảo an ninh kinh tế nước nhà, góp phần phòng ngừa rủi ro trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 2.2. Hạn chế của việc điều chỉnh chính sách thuế của Việt Nam Bên cạnh những tác động tích cực, chính sách thuế cũng còn cũng còn một số hạn chế nhất định, cụ thể: - Thuế chưa thật sự phát huy tác dụng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, của nền kinh tế. Nhìn chung so với trình độ phát triển của nền kinh tế mức động viên qua thuế còn cao nên đã hạn chế khả năng tích luỹ của các doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung còn thấp. 508
- - Còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các mức thuế suất thuế nhập khẩu, điều này có thể dẫn tới hiện tượng trệch hướng thương mại và cũng có thể tác động làm cho nền kinh tế mất dần sức cạnh tranh do các doanh nghiệp phải nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu từ các nước ASEAN với chất lượng kém hơn hàng của các nước ngoài ASEAN chỉ vì do chênh lệch thuế nhập khẩu. Hơn nữa do mức thuế nhập khẩu ưu đãi và thông thường cao nên có ảnh hưởng không tốt đến tiến trình tự do hoá với bên ngoài. - Công tác quản lý thuế cũng còn có những hạn chế nhất định, tình trạng gian lận thuế xẩy ra khá lớn, điều này ảnh hưởng đến tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, gây thất thu NSNN. 2.3. Các khuyến nghị Trong thời gian tới, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Trong bối cảnh xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới, Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN(AEC) và WTO và trong tương lai là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong giai đoạn đến năm 2020, giai đoạn Việt Nam đẩy mạnh thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, các mục tiêu mà hệ thống thuế cần phải hướng tới là: Thứ nhất, huy động đủ nguồn thu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, tránh tình trạng bội chi NSNN quá lớn làm ảnh hưởng đến tính ổn định của NSNN, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, phát huy vai trò tích cực của thuế đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, quản lý thuế được tiến hành theo những biện pháp phù hợp và không khác nhiều so với thông lệ và thực tiễn quốc tế. Để có thể phù hợp với giai đoạn hội nhập mới, từ nay cho đến năm 2020, chính sách thuế cần hoàn thiện theo các hướng sau đây: - Nghiêm túc thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Cùng với việc giảm thuế theo các cam kết quốc tế nên có sự nghiên cứu để có thể giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế suất thuế nhập khẩu thông thường nhằm thu hẹp dần sự chênh lệch giữa các loại thuế suất thuế nhập khẩu, từ đó có thể hạn chế được tình trạng chệch hướng thương mại làm ảnh hưởng không tốt đến hoạt động nhập khẩu và sản xuất trong nước. 509
- - Hoàn thiện các sắc thuế nội địa để đảm bảo nguồn thu ổn định cho NSNN. Cụ thể: + Đối với thuế GTGT: Thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo quy định tại Luật thuế GTGT hiện hành có 25 nhóm không chịu thuế. Cần điều chỉnh giảm số lượng các nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng xuống còn khoảng 10 nhóm như thông lệ quốc tế, điều này giúp mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng nhằm tăng thu hợp lý. Ngoài ra cần có sự cân nhắc chuyển một số nhóm hàng hóa dịch vụ hiện nằm trong danh mục thuế suất 5% (hiện có 14 nhóm) sang thuế suất 10%, để dần tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT thống nhất (ngoài mức thuế 0%). + Nghiên cứu hoàn thiện các sắc thuế đánh vào tài sản, thuế đánh vào đất. Hiện nay thất thu ở các sắc thuế này rất lớn, tỷ trọng thu từ thuế tài sản, thuế đất còn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng thu từ thuế, số thu thực tế chưa xứng với tiềm năng. - Thực hiện đổi mới quản lý thuế. Tăng cường kết hợp giữa bộ phận thanh kiểm tra thuế với các bộ phận chức năng khác trong cơ quan thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế, phát hiện nhanh các trường hợp vi phạm về thuế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế tình trạng trốn lậu thuế, đảm bảo tăng thu cho NSNN. Hiện đại hoá công tác quản lý thuế, tăng cường công tác quản lý thuế có ý nghĩa rất quan trọng vì rằng những đổi mới trong chính sách thuế sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như trên thực tế nó không được chấp hành một cách đầy đủ và triệt để. Đặc biệt đối với nước ta tình trạng trốn lậu thuế khá lớn, nên tăng cường quản lý thuế sẽ có tác dụng đem về cho NSNN một khoản thu không nhỏ, góp phần bù đắp khoản hụt thu do quá trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế gây ra đối với NSNN trong những năm tới. Tài liệu tham khảo 1. TS. Lương Văn Khôi, Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại: Kết quả và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, congsan.org.vn, ngày 21/8/2015. 2. TS. Nguyễn Bích Thủy, Những tác động của hiệp định thương mại tự do đối với kinh tế Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, congsan.org.vn, ngày 15/1/2016. 3. PGS.,TS Lê Xuân Trường, TS. Lý Phương Duyên, Đổi mới về chính sách thuế và hải quan khi Việt Nam tham gia AEC, Tạp chí Tài chính, tap chi tai chinh.vn, ngày 25/5/2015. 510