Tăng cường giám sát nhằm bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán

pdf 10 trang Gia Huy 1530
Bạn đang xem tài liệu "Tăng cường giám sát nhằm bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftang_cuong_giam_sat_nham_bao_ve_nha_dau_tu_tren_thi_truong_c.pdf

Nội dung text: Tăng cường giám sát nhằm bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán

  1. TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT NHẰM BẢO VỆ NHÀ ĐẦU TƯ TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TS. Thái Quỳnh Mai Dung - Trưởng ban Đối ngoại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Tóm tắt: Giám sát là một trong những hoạt động quan trọng trong quản lý của Nhà nước đối với Thị trường Chứng khoán (TTCK) ở Việt Nam. Đặc biệt, mục tiêu của giám sát là ưu tiên phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ nhà đầu tư trên TTCK. Thực trạng hoạt động giám sát trên TTCK Việt Nam được xem xét, phân tích dưới góc độ ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường và tác động tới nhà đầu tư. Các giải pháp được đề xuất hướng tới việc hoàn thiện hoạt động giám sát một cách hiệu quả và đồng bộ, không chỉ là cơ sở thực hiện đúng vai trò nhà nước trong quản lý TTCK mà còn là giải pháp tạo niềm tin cho nhà đầu tư và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường. Từ khóa: Giám sát, minh bạch, thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Abstract: Supervision is one of the important activities of the state management on the Stock Market in Vietnam. In particular, the objective of supervision is to prioritize the prevention of illegal acts in order to protect investors in the stock market. The current status of supervision on the Vietnam Stock Market is analyzed and reflected from the perspective of its impact on the market transparency and on investors. The recommendations are made to improve supervision activities effectively and synchronously. Effective supervision serves not only as a basis for performing its state role properly in the stock market management, but also as a solution to create confidence for investors and to ensure the sustainable development of the market. Keywords: Supervision, transparency, stock market, investors 1. Bối cảnh Trải qua 25 năm tính từ mốc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập năm 1996, Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Tổng lượng vốn hoá ngày càng tăng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và trở thành một trong những kênh quan trọng trong thị trường vốn ở Việt Nam. Từ đó, TTCK hoàn thiện dần từng bước, song hành với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cũng nhanh chóng tham gia vào hội nhập quốc tế để trở thành một kênh thu hút vốn không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước. Kết quả là hệ thống khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm cho thị trường phát huy được hiệu quả, bảo vệ nhà đầu tư và đặc biệt dần đáp ứng yêu cầu minh bạch hoá thị trường. Quy mô và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán đã tăng gấp hàng trăm lần so với những ngày đầu ra đời, thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước (UBCKNN, 2020). Cũng như các thị trường non trẻ khác, TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi tình trạng thông 323
  2. tin kém minh bạch tạo nên những biến động thất thường từ khi ra đời đến nay. Công khai, minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng để đảm bảo nguyên tắc các bên cùng có lợi và sự phát triển bền vững của thị trường. Nhiều nghiên cứu đều khẳng định vai trò của Nhà nước đối với giám sát và sự cần thiết của hoạt động giám sát để đảm bảo TTCK hoạt động công khai, minh bạch. Giám sát trong thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng, được hiểu là “một trong những chức năng quản lý của nhà nước do một cơ quan có thẩm quyền thực hiện đối với hoạt động của các định chế tài chính với mục đích nhằm: (i) đảm bảo sự ổn định và phát triển của khu vực tài chính; (ii) đảm bảo thị trường tài chính vận hành hiệu quả; và (iii) bảo vệ người tiêu dùng sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính như người gửi tiền ngân hàng, các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán, những người tham gia bảo hiểm Đây cũng là những mục tiêu đã được khẳng định tại Việt Nam, đó là bảo vệ các nhà đầu tư, giảm rủi ro hệ thống, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hiệu quả của thị trường chứng khoán thông qua phát hiện, ngăn ngừa xử lý các hành vi giao dịch nội bộ, giao dịch thao túng TTCK và các hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao dịch chứng khoán. Việc giám sát TTCK là cách để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư là chủ thể quan trọng tham gia trên TTCK, tạo nên sự ổn định và phát triển của TTCK. Không phải mọi quyết định đầu tư đều mang đến thu nhập kỳ vọng, đi cùng với lợi nhuận lớn là rủi ro cao. TTCK cũng là thị trường có sự biến động mạnh về giá làm ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của các nhà đầu tư. Khi quyết định tham gia một giao dịch, nhà đầu tư đã giao phó tiền của mình cho nhà phát hành và môi giới. Nhưng vì thông tin mà họ nhận được có thể không đầy đủ và mất cân xứng, họ không thể biết được độ chính xác của những thông tin do người phát hành, người môi giới cung cấp. Mặt khác, các hành vi thao túng, gian lận trên thị trường có thể xảy ra. Nếu những hành vi đó được kiểm soát bởi những cơ quan trung lập, không vì mục tiêu lợi nhuận thực hiện các hoạt động giám sát thị trường thì sẽ hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực. Điều này sẽ làm lòng tin của nhà đầu tư sẽ tăng lên, thị trường sẽ hoạt động hiệu quả, thúc đẩy sự lưu chuyển vốn trong nền kinh tế (Hoàng Đức Long, 2001). Công việc của cơ quan giám sát là bảo vệ các nhà đầu tư trên TTCK bằng việc phát hiện ra các “lỗ hổng thông tin” cũng như các vi phạm lạm dụng thị trường và đưa ra các lệnh trừng phạt (FINANSINSPEKTIONEN (2015). Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 của Việt Nam cũng khẳng định vai trò của Nhà nước là “giám sát bảo đảm TTCK hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả”. Điều này khẳng định rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa hành lang pháp lý của hoạt động giám sát với tính công khai, minh bạch của TTCK. 2. Thực trạng của giám sát trên TTCK Việt Nam và việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư 2.1. Mô hình giám sát Hoạt động giám sát chứng khoán hiện nay đang được thực hiện bởi UBCKNN (trực thuộc Bộ Tài chính) với hoạt động giám sát tập trung vào: (1) Giám sát giao dịch thị trường; (2) Giám sát sự tuân thủ của các định chế tham gia thị trường bao gồm các công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý Quỹ, công ty niêm yết và các định chế trung gian khác tham gia trên thị trường; (3) Giám sát các định chế thị trường bao gồm các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) (Hoàng Đức Long, 2001). Từ năm 2004, UBCKNN là cơ quan thuộc Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về CK và TTCK; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và 324
  3. TTCK; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, TTCK theo quy định của pháp luật. Với vị thế là cơ quan quản lý chuyên ngành về CK và TTCK, UBCKNN có vai trò rất quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo cho TTCK hoạt động có tổ chức, an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Hiện nay, tại TTCK Việt Nam, hoạt động giám sát được thực hiện bởi nhiều cơ quan và được phân thành 3 cấp như sau: - Cấp giám sát thứ nhất là UBCKNN, là cơ quan thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức, phát triển thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán của các tổ chức, cá nhân, tức là bao gồm giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của SGDCK Việt Nam và công ty con, Tổng công ty lưu ký và bù trừ CK Việt Nam (VSD), các hoạt động liên quan đến CK và TTCK của các tổ chức, cá nhân” (Lê Trung Thành, 2010) (Quốc hội, 2019). UBCKNN là cơ quan quản lý chuyên ngành đầy đủ của Nhà nước và trực tiếp thực hiện hoạt động giám sát TTCK. Bên cạnh đó, UBCKNN còn thực hiện vai trò QLNN đối với các CTCK, các SGDCK và các chủ thể khác tham gia trên TTCK nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường. Trong UBCKNN, hoạt động giám sát TTCK được giao cho một số đơn vị thực hiện và tương đối phân tán. - Cấp giám sát thứ hai, giám sát được thực hiện ở các tổ chức tự quản. Các tổ chức tự quản có chức năng giám sát trên TTCK là SGDCK và VSD. Ban đầu, các Sở GDCK ở Việt Nam có SGDCK TP. Hồ Chí Minh – HOSE và SGDCK Hà Nội – HNX được phân cấp thực hiện giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ trên TTCK. Thông qua việc giám sát trên hệ thống giao dịch trực tuyến, nếu Sở GDCK phát hiện có dấu hiệu giao dịch bất thường, biến động về giá, giao dịch, khối lượng sẽ phân tích và báo cáo UBCKNN. Từ đó, UBCKNN tiếp tục có bước xử lý tiếp theo như kiểm tra, thanh tra, thu thập hồ sơ, tài liệu, theo quy định” (Nguyễn Thanh Tùng, 2016). Năm 2019, Quốc hội đã thông qua và ban hành những quy định mới, quy định sát nhập HOSE và HNX chỉ còn một SGDCK duy nhất mang tên “Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam” và hình thành “công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam”. Ngày 4/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 20-2-2021 thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE). VNX có nhiệm vụ chính là xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên của VNX và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán; ban hành tiêu chí giám sát giao dịch Ngoài ra, từ năm 2017, để công tác giám sát được sâu rộng hơn, UBCKNN đã bổ sung thêm chủ thể giám sát mới là VSD (theo Thông tư 115/2017/TT-BTC). “VSD sẽ thực hiện phương thức giám sát các trường hợp vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư, giới hạn vị thế dựa trên một hoặc các nguồn dữ liệu được phép (khoản 1 Điều 19 của Thông tư 115/2017/TT- BTC). VSD còn được phép yêu cầu các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng giám sát của mình cung cấp thông tin và giải trình để làm rõ. Ngoài ra, việc phối hợp với UBCKNN kiểm tra định kỳ hoặc bất thường cũng là một kênh giám sát hữu hiệu đối với VSD. Tuy nhiên, hạn chế đối với VSD là doanh nghiệp hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận nhưng các cơ chế, chính sách, 325
  4. pháp luật áp dụng với VSD cơ bản giống như các doanh nghiệp thông thường (trừ một số ít quy định đặc thù). Điều này gây không ít khó khăn cho VSD trong thực hiện, cân bằng giữa chức năng hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý, giám sát và hỗ trợ sau giao dịch với nhiệm vụ bảo toàn vốn và hoạt động kinh doanh có lãi của một doanh nghiệp. Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về lưu lý và bù trừ CK, khắc phục những hạn chế về giám sát của VSD so với các quy định cũ. - Cấp giám sát thứ ba: Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã sửa đổi và bổ sung thêm một cấp giám sát là tại CTCK. Các CTCK khi cung cấp dịch vụ, phát hiện giao dịch bất thường phải báo cáo Sở GDCK. Đây là thông lệ quốc tế mà tất cả các nước ASEAN, các nước phát triển, Liên minh Châu Âu áp dụng. Như vậy, trải qua 25 năm phát triển của TTCK, hệ thống giám sát thị trường đã được xây dựng và hoàn thiện với việc phân cấp tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đây cũng là bước giúp cho hoạt động giám được thực hiện chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn nhằm đạt được mục tiêu giám sát đã đặt ra. 2.2. Khung khổ pháp lý Các quy định pháp luật về giám sát TTCK được liên tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện tương đối đầy đủ, nhất là giai đoạn đoạn từ 2011 đến nay. Thành công lớn nhất của UBCKNN trong giai đoạn này chính là đã phát hiện và trình Chính phủ phương án tái cấu trúc TTCK, tạo điều kiện để thị trường phát triển về chiều sâu. Các văn bản pháp luật quy định về giám sát giao dịch chứng khoán và giám sát tuân thủ trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK thường xuyên được rà soát, bổ sung, đổi mới, phù hợp hơn với thực tế phát triển và tiêu chuẩn quốc tế, là căn cứ cơ sở để cơ quan giám sát TTCK thực thi các hoạt động của mình, kiểm soát và nâng cao tính minh bạch của thị trường ở mọi khía cạnh. Sự phát triển mạnh mẽ của TTCK các nước trên thế giới và khu vực đã đặt ra yêu cầu cải cách với TTCK Việt Nam, đặc biệt là hệ thống pháp luật về chứng khoán và TTCK ở Việt Nam để phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trên TTCK còn hạn chế, ảnh hưởng tới hiệu quả thi hành Luật, cá biệt có những hành vi vi phạm pháp luật mà cơ quan quản lý nhà nước phải xử lý. Luật Chứng khoán 2019 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến bổ sung chủ thể giám sát, các hoạt động giám sát cũng được thay đổi nhằm phù hợp với sự phát triển của thị trường cũng như bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan rộng trên toàn cầu. Gần nhất năm 2019, Văn bản hợp nhất số 48/VBHN-BTC hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK được ban hành để sửa chữa những hạn chế mà các văn bản trước đây gặp phải. Tương tự, những quy định về giám sát tuân thủ đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của SGDCK, VSD cũng có một quá trình dài hình thành, bổ sung, sửa chữa. Văn bản quy định mới nhất là “Văn bản hợp nhất số 47/VBHN-BTC hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của UBCKNN đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của SGDCK, VSD ngày 14/10/2019. Có thể thấy, khung khổ pháp lý về giám sát TTCK ở Việt Nam không cố định mà có sự vận động, thay đổi bắt đầu từ khi TTCK ra đời. Tuy nhiên, sự thay đổi không mang ý nghĩa thiếu ổn định mà chỉ để bổ sung, sửa chữa, khắc phục các hạn chế của các quy định trước đó sau thời gian thực hiện trên thực tiễn, đồng thời phù hợp với sự phát triển của TTCK trong suốt 25 năm qua. Nỗ 326
  5. lực của cơ quan quản lý trong việc thường xuyên đánh giá, rà soát tính hiệu quả của văn bản hướng tới việc điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn phát triển của TTCK, đồng thời chú trọng vào việc xây dựng các quy trình xử lý công việc liên quan đến công tác giám sát đáp ứng yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 nhằm đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả của việc xử lý các dữ liệu giao dịch, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân khi triển khai công việc. Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa UBCKNN với các SGDCK, VSD, và các tổ chức khác liên quan trong thời gian qua đã dần tạo nên quy trình giám sát đồng bộ, nhất quán. 2.3. Nội dung giám sát Đối với công tác giám sát giao dịch định kỳ, thông qua dữ liệu giao dịch chứng khoán hàng ngày và các báo cáo do SGDCK, VSD định kỳ thực hiện, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị này phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường cũng như các vi phạm liên quan đến giao dịch của thành viên. Đa phần các vi phạm phát hiện được là vi phạm CBTT của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan khi thực hiện giao dịch. UBCKNN đã có hình thức xử lý là nhắc nhở hoặc ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về CBTT liên quan đến hoạt động GDCK. UBCKNN cũng thực hiện giám sát giao dịch bất thường nhằm ngăn chặn các hành vi giao dịch nội bộ, thao túng giá trên TTCK. Các hoạt động giám sát giao dịch thể hiện rõ thông điệp của cơ quan quản lý trong việc kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong giao dịch chứng khoán, các thành viên thị trường và nhà đầu tư vì thế sẽ tự mình nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa được hành vi vi phạm. “Các dấu hiệu thao túng, nội gián trên thị trường rất khó giám sát do UBCKNN không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đối tượng, cá nhân cung cấp thông tin (về dòng tiền, thông tin liên quan đến đối tượng nghi vấn), triệu tập đối tượng liên quan đến làm việc” (Nghiêm Hồng Hải, 2017). Đối với việc giám sát công bố thông tin, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã bổ sung nhiều đối tượng có nghĩa vụ CBTT trên TTCK ở Việt Nam và quy định chặt chẽ “nguyên tắc CBTT” đưa ra những nguyên tắc cơ bản mà các chủ thể cần tuân thủ, đảm bảo cho hoạt động CBTT đạt được hiệu quả. Các giám sát CBTT chỉ mới dừng lại ở kiểm soát hình thức chứ chưa đi sâu vào nội dung. Chỉ cần các công ty niêm yết gửi báo cáo CBTT và có CBTT là được chấp nhận. Các đơn vị có chức năng không thực hiện kiểm tra thông tin được công bố. Hiện nay, việc giám sát quản trị điều hành của công ty niêm yết còn khá hạn chế và dựa vào các báo cáo của doanh nghiệp hoặc các Sở GDCK. Mặc dù các Sở GDCK đã tạo điều kiện tổ chức hướng dẫn, công bố quy định về quản trị công ty nhưng doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vẫn không tuân thủ nhưng không được coi là vấn đề nghiêm trọng ở các báo cáo giám sát. Giám sát hoạt động của HĐQT trong nội bộ doanh nghiệp chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa có hệ thống kiểm toán nội bộ hoặc sử dụng công ty kiểm toán độc lập để giám sát. Chính vì vậy, báo cáo giám sát quản trị công ty mang nặng tính hình thức. Các thông tin quản trị công ty không bắt buộc phải công bố nên các cơ quan chức năng giám sát của UBCKNN chỉ nhận báo cáo mà chưa thực sự thực hiện các nghiệp vụ giám sát. 3. Đánh giá chung về giám sát và ảnh hưởng của giám sát tới tính minh bạch của thị trường chứng khoán nhằm bảo vệ nhà đầu tư 3.1. Tác động tích cực 327
  6. Giám sát TTCK được thực hiện ở Việt Nam thời gian qua đã có những tác động tích cực đến tính minh bạch của thị trường, cụ thể. Thứ nhất, giám sát thúc đẩy phát triển và mở rộng hệ thống thông tin của thị trường. Nhờ có sự chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành, UBGSTCQG cùng với UBCKNN đã bước đầu xây dựng và “thiết lập được hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu về khu vực tài chính và phi tài chính trên cơ sở thu thập, tổng hợp các số liệu, thông tin từ báo cáo của các Bộ, ngành về kinh tế vĩ mô, TTTC, TTCK và báo cáo của các định chế tài chính (ngân hàng, CK, bảo hiểm)”. Để quản lý cơ sở dữ liệu như trên, Ủy ban đã xây dựng phần mềm xử lý và đang từng bước ứng dụng CNTT để chuẩn hóa các số liệu, tiến đến tự động hóa việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu độc lập. Thứ hai, hệ thống văn bản pháp luật về giám sát được bổ sung, sửa chữa trong thời gian qua đều hướng tới tăng cường minh bạch hoá TTCK. Để đảm bảo vai trò giám sát của các cơ quan QLNN thì việc xây dựng các văn bản pháp luật được coi là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Xuất phát từ thực tiễn, việc xây dựng và thực thi khung khổ pháp lý điều chỉnh giám sát giao dịch CK phù hợp không chỉ giúp cho công tác giám sát được hiệu quả mà còn góp phần không nhỏ cho sự công bằng, minh bạch và phát triển ổn định TTCK tại Việt Nam suốt thời gian qua. Kết quả tác động của khung khổ pháp lý về giám sát đã ảnh hưởng tích cực tới tính minh bạch của thị trường. Có thể thấy, trong suốt 25 năm qua, cùng với sự phát triển của thị trường, hệ thống thể chế, chính sách điều chỉnh TTCK đã có những thay đổi rõ rệt. Từ những quy định pháp lý còn hạn chế được ban hành vào thời gian mới hình thành thị trường, cho đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống văn bản pháp quy về quản lý mọi mặt trên TTCK. Không chỉ quản lý các hoạt động trên thị trường, nhấn mạnh vào CBTT và niêm yết, Nhà nước còn đặc biệt quan tâm đến công tác quản trị công ty đại chúng nhằm minh bạch hoá thị trường. Mặc dù cho đến nay vẫn còn tồn tại những vi phạm nghiêm trọng về CBTT, về các giao dịch trên thị trường thể hiện những hạn chế về các quy định pháp lý nhưng TTCK Việt Nam được đánh giá đang dần minh bạch hoá. Thứ ba, phát hiện xử lý nhiều vi phạm trên thị trường. Hệ thống giám sát TTCK ở Việt Nam đã bước đầu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình như ban hành các quy định về giám sát, xây dựng và triển khai giám sát các giao dịch và CBTT trên thị trường. Thông qua dữ liệu giao dịch CK hàng ngày và báo cáo do SDGCK, VSD định kỳ thực hiện, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, các dấu hiệu bất thường và đưa ra một số cảnh báo sớm đối với thị trường. Hệ thống giám sát trên TTCK của Việt Nam được đánh giá là có khả năng nhất định trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo tính tuân thủ, công bằng, minh bạch trên TTTC; “bước đầu có khả năng cảnh báo kịp thời khi nhận thấy những rủi ro tiềm tàng của TTCK và ngăn chặn thành công những dấu hiệu của khủng hoảng; đưa ra được những khuyến nghị về mặt chính sách trong quản lý TTCK để cơ quan quản lý có thể kịp thời đưa ra biện pháp điều chỉnh hoặc can thiệp phù hợp” (Nguyễn Thanh Tùng, 2016). 3.2. Những hạn chế của giám sát Thứ nhất, giám sát chưa nhận biết các rủi ro hệ thống ngày càng tinh vi hơn. Tính hiệu quả và bền vững của TTTC nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng cần được nghiên cứu trên cơ sở việc nhận diện rủi ro hệ thống của thị trường. Hiện tại, “việc nhận diện rủi ro hệ thống và phòng ngừa khủng hoảng chưa được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện cho tổng thể hệ thống tài 328
  7. chính mà mới chỉ được thực hiện trong phạm vi ngành” (Trần Đăng Khâm, 2017). Do không có sự phối kết hợp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, CK nên chưa thể xây dựng một bản báo cáo tổng thể về phân tích sự ổn định tài chính. Ở các quốc gia có hệ thống giám sát tài chính phát triển, báo cáo này được xây dựng với trọng tâm phân tích mức độ an toàn và ổn định của hệ thống tài chính thông qua việc phân tích môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu, kinh tế trong nước và TTTC. Tại Việt Nam, việc đưa ra các cảnh báo để nhận diện và phòng tránh các rủi ro tiềm tàng cũng như rủi ro hệ thống còn rất sơ khai. Điều này, ngược lại khiến cho các chủ thể tham gia TTCK dễ dàng tìm ra cách thức “lách luật” và thực hiện các hành vi vi phạm tinh vi hơn. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tính minh bạch của thị trường. Thứ hai, hạn chế của giám sát khiến những vi phạm trên TTCK vẫn còn tồn tại và ngày càng tăng. Trong những năm qua, các vi phạm về tuân thủ quy định của pháp luật trong TTCK chủ yếu nằm ở việc CBTT. Các vi phạm khác rất ít được phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời hay không chính xác. Ví dụ: hiện tượng các CTCK không ưu tiên lệnh của khách hàng trước lệnh của công ty hoặc ưu tiên thứ tực nhập lệnh cho các khách hàng “VIP” rất ít được phát hiện và xử lý kiên quyết, kịp thời. Khả năng phát hiện sớm và chính xác các vi phạm giao dịch trên TTCK nhất là giao dịch nội gián, hoạt động thao túng thị trường hay các hành vi vi phạm khác vẫn còn rất hạn chế. Những vi phạm này chỉ được cơ quan giám sát ghi nhận khi quá lộ liễu hoặc có đơn thư khiếu nại. Và đây là một tác động tiêu cực của hệ thống giám sát TTCK ở Việt Nam hiện nay làm cho tính minh bạch hoá của thị trường vẫn còn thấp. Thứ ba, hạn chế của giám sát khiến thị trường vẫn còn những bất ổn chưa được giải quyết. Hiện nay, hệ thống giám sát tài chính nói chung và giám sát TTCK nói riêng gặp khó khăn trong việc giám sát các sản phẩm tài chính theo xu hướng tích hợp. Ví dụ như các CTCK cũng có thể cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng của mình. Trong khi đó các cơ quan giám sát TTCK chỉ làm nhiệm vụ giám sát các giao dịch chứng khoán. Chính vì vậy, vẫn còn tồn tại những vi phạm cho khách hàng vay trái quy định, bán CK khi khách hàng không có tiền hoặc chưa đủ tiền, vi phạm giao dịch ký quỹ Việc thiếu cơ chế phối hợp và sự phân định rõ ràng về phạm vi giám sát giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành đã dẫn đến hiện tượng giám sát trùng lắp hoặc không giám sát hết các hoạt động của các tổ chức cung cấp nhiều sản phẩm chéo giữa các lĩnh vực. Điều này dẫn đến việc các CTCK, công ty niêm yết có thể phải báo cáo nhiều lần khi đối mặt với sự giám sát chồng chéo mất nhiều thời gian. Thậm chí, các cơ quan giám sát có thể đưa ra các nhận định không thống nhất về thị trường dẫn đến những bất ổn không cần thiết. 4. Khuyến nghị chính sách giám sát nhằm bảo vệ tốt hơn nữa nhà đầu tư trên TTCK Về cơ bản, mục tiêu phát triển TTCK đến năm 2025, tầm nhìn 2030 vẫn tiếp nối Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đó là “Phát triển TTCK ổn định, vững chắc, có cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ và “đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; tăng quy mô và chất lượng hoạt động của thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành một phần quan trọng của thị trường tài chính, góp phần đắc lực trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển và cải cách nền kinh tế. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, các tiêu chuẩn và thông lệ QTCT, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường. Chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế” 329
  8. (Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020). TTCK nước ta được ghi nhận là thị trường mới nổi có sức hút lớn đối với không chỉ các nhà đầu tư trong nước, mà còn là thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Sau sự bứt phá của năm 2020, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thăng hoa và có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Chỉ số Vn-Index liên tục lập đỉnh mới, đạt hơn 1.400 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6. Giai đoạn mới bắt đầu Covid-19, thanh khoản thị trường chưa được mạnh mẽ, dòng tiền chỉ đạt từ 3.000-4.000 tỷ đồng/phiên, nhưng đến tháng 6 năm 2021, thanh khoản nhiều phiên đạt 1 tỷ USD. Có thể nói, giai đoạn từ 2020 đến nay là thời kỳ tỏa sáng rực rỡ của TTCK Việt Nam và cũng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, một trong vấn đề được đông đảo nhà đầu tư chứng khoán quan tâm từ những tháng cuối năm 2020 đến gần đây là tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE đã được đẩy lên đến cao trào. Hiện tượng nghẽn lệnh trên HOSE được đánh giá là một yếu tố rủi ro thị trường, do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký quyết định tiến hành thanh tra, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của HOSE trong việc điều hành hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán. Tháng 6/2021, MSCI đã công bố báo cáo đánh giá tiếp cận thị trường toàn cầu. Theo đó, tổ chức này không có thay đổi nào về các chỉ tiêu tiếp cận thị trường của Việt Nam (các quy định dành cho nhà đầu tư nước ngoài, công bố thông tin, quy định về thanh toán và bù trừ ). MSCI cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến nghẽn lệnh tại HOSE. Từ ngày 5/7/2021, hệ thống giao dịch mới do FPT cung cấp chính thức đi vào vận hành thử nghiệm, thay thế hệ thống cũ của HoSE. Theo ghi nhận, sau 1-2 ngày đầu vận hành còn gặp một số trục trặc kỹ thuật đã được khắc phục, việc đặt lệnh mua, bán cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE diễn ra khá mượt, suôn sẻ. Để thị trường phát triển bền vững và làm yên lòng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tổ chức với dòng tiền lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam phải nâng hạng. Một số khuyến nghị cụ thể như sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về giám sát TTCK, đây là yêu cầu cần thiết khách quan nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch đối với các chủ thể trên TTCK; nhằm điều chỉnh các hoạt động của TTCK theo hướng chuyên nghiệp, lành mạnh hóa thị trường, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với TTCK thế giới. Đặc biệt, cần lưu ý về thẩm quyền giám sát của UBCKNN. Để hoạt động giám sát TTCK có hiệu quả, thì thẩm quyền điều tra, giám sát của UBCKNN là một nhân tố cơ bản. Điều này, đã được nhiều quốc gia có nền CK phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng có hiệu quả trong nhiều năm qua. Điều 130 Luật Chứng khoán 2019 quy định UBCKNN có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định của Luật Chứng khoán; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị nghiêm cấm quy định của Luật Chứng khoán. Những quy định mới này đã có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Tuy nhiên, để đảm bảo phát 330
  9. hiện kịp thời, xử lý các vi phạm pháp luật về CK, cần cân nhắc, xem xét đến giải pháp trao thêm thẩm quyền cho UBCKNN trong hoạt động thanh tra, giám sát TTCK, hoặc cần phải xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa UBCKNN với các cơ quan thực thi pháp luật (công an, tòa án). Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công bố thông tin. Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định hoạt động CBTT theo hướng khắc phục một số hạn chế phát sinh thực tiễn, phù hợp hơn với bối cảnh mới của thị trường và tiệm cận gần hơn với thông lệ tốt của quốc tế. Tuy nhiên, để TTCK Việt Nam phát triển bền vững, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về CBTT nhằm nâng cao chất lượng CBTT trên TTCK, để các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động không chỉ hướng đến mục tiêu phát triển của doanh nghiệp mà còn thực hiện trách nhiệm với xã hội tốt hơn. Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện các quy chế an toàn trên TTCK, yêu cầu các CTĐC phải công khai, minh bạch về thông tin, cũng như sử dụng nguồn vốn góp của nhà đầu tư một cách có hiệu quả, phải tuân thủ các quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ các cam kết với cổ đông. Cần bổ sung các quy định liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là các quy định liên quan đến trách nhiệm của CTCK khi thực hiện làm trung gian, tư vấn liên quan đến từng loại sản phẩm và từng loại khách hàng. Cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thứ tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giám sát thị trường CK. Xây dựng cơ sở dữ liệu và nâng cấp hệ thống phần mềm giám sát. theo hướng hiện đại nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu một cách tập trung, thống nhất khắc phục những hạn chế do thiếu cơ sở dữ liệu ở nước ta hiện nay. Ứng dụng phần mềm giám sát TTCK sẽ cho phép các cơ quan quản lý, bộ phận giám sát cài đặt tự động các nội dung, chỉ tiêu giám sát TTCK, phần mềm này có khả năng kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp từ hệ thống đăng ký - lưu ký - thanh toán bù trừ CK cùng với hệ thống giao dịch và hệ thống CBTT với nhau” (Nguyễn Thanh Tùng, 2016). 331
  10. TÀI LIỆU THAM KHẢO Finansinspektionen (2015), Supervision of the securities market, truy cập ngày 17/05/2018 tại f Hoàng Đức Long (2001), Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát TTCK Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ 08-UBCK- 2001, Thanh tra UBCKNN. Khánh Giang (2020), Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy thị trường phát triển, truy cập ngày 18/07/2020 tại khung-phap-ly-thuc-day-thi-truong-phat-trien.html. Lê Trung Thành (2010), Giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân. Nguyễn Phương Thảo (2016), Pháp luật về thanh tra, giám sát TTCK của UBCKNN Việt Nam, Luận vặn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, ĐHQGHN, Hà Nội. Quốc hội (2019), Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ban hành ngày 26/11/2019 Sam Peltzman (1976), Toward a More General Theory of Regulation, NBER Working Paper No. 133, Issued in April 1976. Thanh Hà (2020), Nhìn lại những dấu mốc gần 20 năm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, truy cập ngày 23/05/2020 tại Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 242/QĐ/TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 ngày 28/2/2019, Hà Nội. Trần Đăng Khâm (2015), Hoàn thiện thể chế cho phát triển TTCK của việt nam minh bạch, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2016 đến 2020, Đề tại cấp quốc gia mã số: ĐTĐL.XH.09/15. Trần Thị Thu Hương (2020), Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, truy cập ngày 14/05/2020 tại linh-vuc-chung-khoan-322252.html. 332