Tăng cường giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam

pdf 7 trang Gia Huy 1970
Bạn đang xem tài liệu "Tăng cường giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftang_cuong_giao_duc_tai_chinh_gop_phan_thuc_day_tai_chinh_to.pdf

Nội dung text: Tăng cường giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam

  1. TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC TÀI CHÍNH GÓP PHẦN THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM NCS. Tô Minh Thu Học viện Ngân hàng Tóm tắt Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Vì vậy, phát triển tài chính toàn diện được các tổ chức phát triển quốc tế cũng như Chính phủ nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện đã và đang được triển khai như phát triển tài chính vi mô, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tăng cường giáo dục tài chính đối với người dân , qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển, đóng góp nhiều hơn cho giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững. Bài viết tìm hiểu, phân tích vai trò và đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề giáo dục tài chính đối với việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Từ khóa: Tài chính toàn diện, giáo dục tài chính 1. Khái quát xu hướng tài chính toàn diện trên thế giới và vấn đề thực thi tại Việt Nam Trong những năm gần đây, tài chính toàn diện đã trở thành một vấn đề được quan tâm trên phạm vi toàn cầu với mục tiêu phát triển hệ thống tài chính phục vụ cho tất cả các thành viên trong xã hội, cung cấp các dịch vụ phù hợp và thuận tiện với chi phí hợp lý cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luận chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Tài chính toàn diện đặc biệt chú trọng đến nhóm cá nhân và tổ chức chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, người dân có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và doanh nghiệp siêu nhỏ. Nhận thấy tài chính toàn diện là một trong các yếu tố giúp hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, các quốc gia và tổ chức quốc tế lớn đều coi tài chính toàn diện là trọng tâm ưu tiên. Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng, tài chính toàn diện sẽ có cơ hội phát triển khi mà các tổ chức tín dụng có thể phát triển các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, xóa nhòa các rào cản về không gian và thời gian, cho phép cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho người nghèo, người ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, giúp họ cải thiện đời sống Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Nhóm các nước G20 đều rất chú trọng đến việc hỗ trợ và thúc đẩy các quốc gia thực thi các giải pháp để đạt được mục tiêu về tài chính toàn diện. Đã có 55 nước đưa ra cam kết về thực thi tài chính toàn diện, hơn 30 nước ban hành hoặc đang xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Đứng trước xu hướng chung đó, Việt Nam đã có quan điểm và định hướng cũng như xây dựng các giải pháp để đạt được mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện, nhất là trong bối cảnh công nghệ số đang tạo nên những thay đổi nhanh chóng trong các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động tài chính nói riêng, từ đó mang lại nhiều cơ hội để thực thi tài chính toàn diện nhanh 169
  2. chóng hơn, hiệu quả hơn, với chi phí thấp hơn. Tài chính toàn diện cũng trở thành một trong những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam tập trung và đã có nhiều chương trình và hoạt động để thúc đẩy tài chính toàn diện, điển hình như Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 05/9/2016. Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) xây dựng Dự thảo khung chiến lược quốc gia tài chính toàn diện dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào năm 2020. Trong đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phấn đấu đảm bảo tất cả người dân và doanh nghiệp, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quyền tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, tiện lợi, nhanh chóng với mức chi phí hợp lý trên cơ sở phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững. Ngoài ra, NHNNVN - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì điều phối tài chính toàn diện tại Việt Nam và xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các nền kinh tế thành viên APEC triển khai các nội dung hợp tác, trong đó có nội dung về giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. NHNNVN tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác về tài chính toàn diện của Quỹ Đầu tư phát triển Liên Hợp Quốc; Tiến hành thủ tục tham gia Liên minh tài chính toàn diện; Triển khai các chương trình, dự án về tài chính toàn diện của WB/Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về tài chính toàn diện, đồng thời tích cực hoàn thiện lộ trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện So với các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá có một số lợi thế nhất định trong triển khai tài chính toàn diện như nền tảng công nghệ thông tin (đặc biệt là tỷ lệ người dùng internet và thiết bị thông minh tăng nhanh), độ bao phủ trên diện rộng các dịch vụ kỹ thuật số, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển quốc tế Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, cụ thể: Nhận thức chung của xã hội về tài chính toàn diện chưa đầy đủ; Chưa có cơ chế đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan; Cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính còn thiếu, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện; Cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu và chưa được kết nối đồng bộ; Nền tảng đảm bảo an ninh mạng Bên cạnh đó, còn phải kể đến các rào cản như: Tỷ lệ người nghèo chưa được tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính chính thức còn cao; Sự chênh lệch giàu nghèo và sự khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền; Mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính của người dân; Văn hóa và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính chính thức 2. Vai trò của giáo dục tài chính trong thúc đẩy tài chính toàn diện Giáo dục tài chính (Financial Education - FE), theo OECD (2005) là “một quá trình mà nhờ đó, các cá nhân có thể nâng cao kiến thức của bản thân về các khái niệm và sản phẩm tài chính và thông qua thông tin, chỉ dẫn và/hoặc các kiến nghị khách quan, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng và củng cố niềm tin để nhận biết các rủi ro tài chính và có khả năng lựa chọn thông tin, biết được cần tiếp xúc với ai/tổ chức nào để được giúp đỡ, hỗ trợ, cũng như biết cách tiến hành các hành động hiệu quả nhằm cải thiện tình hình tài chính và bảo vệ lợi ích của mình”. Kiến thức tài chính với tư cách là kết quả của giáo dục tài chính được hiểu là “tập hợp của hai thành phần: (1) cá nhân nắm được thông tin về các sản phẩm tài chính hiện có và các nhà cung ứng chúng, cũng như các các kênh nhận thông tin từ các dịch vụ tư vấn hiện có; (2) năng lực của người tiêu dùng các dịch vụ tài chính sử dụng thông tin hiện có trong quá trình ra quyết định: khi thực hiện các khoản thanh toán đặc thù, trong đánh giá rủi ro, trong so sánh các lợi thế và hạn chế tương đối của dịch vụ tài chính này hay dịch vụ tài chính khác”. Một điều tra về khả năng tiếp cận tài chính của người dân do OECD thực hiện với nhiều quốc gia đã kết luận, việc thiếu kiến thức về đặc điểm cũng như điều kiện sử dụng các loại sản 170
  3. phẩm/dịch vụ tài chính dẫn đến sự thiếu tự tin, có hành vi ngại tiếp cận và thái độ không tin tưởng đối với các sản phẩm/dịch vụ tài chính trên thị trường tài chính chính thức. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, gia tăng số lượng người khó tiếp cận sản phẩm ngân hàng, thúc đẩy sự xuất hiện các sản phẩm/dịch vụ tài chính phi chính thức (thị trường tài chính đen). Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam - Lào - Campuchia khẳng định kiến thức quản lý tài chính, kỹ năng lập ngân sách chi tiêu tiết kiệm là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt trong một xã hội ngày càng phát triển. Giáo dục tài chính sẽ ngày càng mang tính phổ cập bởi vì, trong nền kinh tế thị trường, chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân liên quan mật thiết đến hiểu biết tài chính của họ. Các chương trình giáo dục tài chính xuất hiện nhằm nâng cao hiểu biết tài chính của cộng đồng. Song song với quá trình tự do hóa tài chính, giáo dục tài chính đã không còn xa lạ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thấy được tầm quan trọng của giáo dục tài chính bằng việc đưa giáo dục tài chính trở thành một chiến lược quốc gia. Nhờ giáo dục tài chính, con người mới có hiểu biết tài chính. Thông qua hiểu biết tài chính, giáo dục tài chính thể hiện vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia. Giáo dục tài chính có thể cung cấp những kiến thức cần thiết về sản phẩm/dịch vụ tài chính chính thức cho người dân, tạo niềm tin và sự tự tin để chủ động tiếp cận đến các sản phẩm, dịch vụ sẵn có trên thị trường chính thức, hạn chế sự mở rộng của thị trường tài chính phi chính thức, trực tiếp thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, giáo dục tài chính còn hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia. Cụ thể, khi được tăng cường hiểu biết tài chính, người tiêu dùng tài chính có khả năng so sánh và đánh giá chất lượng các loại hình sản phẩm tài chính khác nhau để lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với tình hình tài chính bản thân. Điều này đòi hỏi các tổ chức tài chính phải không ngừng cải tiến và sáng tạo các sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng tài chính, khiến thị trường tài chính không ngừng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện hơn. Hơn nữa, nhờ giáo dục tài chính, cá nhân/hộ gia đình sẽ có xu hướng tiết kiệm và quản lý ngân sách tốt hơn, giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế. Như vậy, thông qua giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính không chỉ góp phần trực tiếp gia tăng số lượng người trưởng thành tiếp cận và sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện cho mỗi quốc gia. 3. Hiện trạng giáo dục tài chính tại Việt Nam Trong những năm qua, ở Việt Nam đã xuất hiện một số chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân. Đối tượng mà các chương trình này hướng đến cũng rất đa dạng, từ học sinh tiểu học, trung học, sinh viên đại học đến những người tiêu dùng và cả những người cung cấp dịch vụ tài chính. Hình thức tổ chức cũng rất đa dạng: Lớp học lý thuyết kết hợp hoạt động ngoại khóa, gameshow, tọa đàm, video hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính và giới thiệu các dịch vụ tài chính - ngân hàng Có thể xem xét một số hình thức triển khai giáo dục tài chính tại Việt Nam trong một vài năm gần đây như sau:  Các khóa đào tạo về quản lý tài chính cá nhân Sự phát triển kinh tế của Việt Nam đang đặt ra thách thức về kỹ năng quản lý tài chính của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Ở nhiều nước trên thế giới, việc quản lý tài chính cá nhân luôn được đề cao và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở Việt Nam khái niệm này phần nào vẫn còn xa lạ. Việc không biết cách quản lý tài chính khiến nhiều người chi tiêu mất kiểm soát, 171
  4. rơi vào khủng hoảng khi phải vật lộn với các khoản vay nợ. Kỹ năng quản lý tài chính quan trọng với cá nhân nhưng cũng quan trọng với xã hội. Nó giúp việc chi tiêu hợp lý và trách nhiệm hơn. Quản lý tài chính không đơn giản chỉ là việc biết cách chi tiêu và sử dụng nguồn tài chính do mình tạo ra một cách hợp lý mà còn hàm ý rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm kế hoạch phân chia chi tiêu khoa học, xây dựng quỹ tiết kiệm, lựa chọn các kênh đầu tư hiệu quả Tại Việt Nam, hiện đã có một số tổ chức đang triển khai những chương trình về phổ biến kiến thức quản lý tài chính cá nhân hướng tới nhiều đối tượng người học khác nhau từ học sinh các cấp cho tới người tiêu dùng trưởng thành. Tuy nhiên nhìn chung hoạt động giáo dục tài chính hiện nay vẫn chưa được tổ chức một cách thống nhất theo một chiến lược quốc gia cũng như chưa được thực hiện theo một lộ trình dài hạn nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng. Một số chương trình giáo dục quản lý tài chính cá nhân tiêu biểu có thể kể đến như sau:  Chương trình giáo dục tài chính của ngân hàng HSBC: Chương trình “JA More than money” cho học sinh tiểu học JA More than money là chương trình giảng dạy trên quy mô toàn cầu của JA (Junior Achievement) dành cho học sinh từ 7 - 11 tuổi, hướng dẫn học sinh cách kiếm tiền, tiêu tiền và tiết kiệm tiền. Đồng thời, khuyến khích trẻ tư duy như một doanh nhân, hướng dẫn trẻ cách thành lập và điều hành một doanh nghiệp. Nói cách khác, mục tiêu của chương trình là cung cấp cho các em học sinh tiểu học những kỹ năng tài chính cơ bản để thành công trong nền kinh tế toàn cầu. HSBC đã đồng hành cùng JA Vietnam trên phương diện về tài chính và nhân lực để thực hiện More than money và các chương trình khác về tài chính của JA Vietnam trong suốt 10 năm vừa qua. Cùng với sự giúp sức của HSBC, hơn 579.000 học sinh có cơ hội được học JA More than money, hơn 8900 tình nguyện viên của HSBC đã tham gia giảng dạy JA More than money với nguồn kinh phí tài trợ là hơn 14,2 triệu USD kể từ năm 2008.  Quỹ Citi Foundation - Chương trình “Giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông trung học” Từ tháng 12/2009, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the children in Vietnam) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cùng sự tài trợ của Citi Foundation đã triển khai dự án Giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông trung học. Đây là dự án nhằm cải thiện nhận thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của học sinh thông qua những câu chuyện và thực hành cụ thể. Theo đó, giáo viên tại 100 trường phổ thông trung học được cung cấp giáo trình và phương pháp giảng dạy về giáo dục tài chính. Giai đoạn đầu của dự án, việc triển khai đào tạo được thực hiện dưới hình thức các buổi học ngoại khóa. Sau thời gian triển khai thí điểm, hình thức đào tạo đã được cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả dự án. Điểm mới của chương trình này là giáo dục tài chính được lồng ghép vào một môn học đang được giảng dạy tại các trường.  Chương trình “Quản lý tài chính và hướng nghiệp” dành cho sinh viên Nhằm mục tiêu trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản giúp nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân, từ năm 2012, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (HSBC Việt Nam) thực hiện chương trình Quản lý tài chính và hướng nghiệp dành cho sinh viên.Trong lần đầu tiên thực hiện, chương trình đã tổ chức 7 buổi tập huấn cho hơn 3.500 lượt sinh viên tại ĐHQG TP. CM, trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Đà Nẵng, trường ĐH Cần Thơ, trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Riêng cuộc thi Nhà hoạch định tài chính triển vọng đã thu hút 124 đội đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham gia. Chương trình đã tạo nên những giá trị thiết thực cho sinh viên, đạt được các mục tiêu đề ra và cần được mở rộng để phục vụ nhiều hơn cho đông đảo sinh viên cả nước.Thông qua các buổi tập huấn, sinh viên có thể hiểu rõ hơn về tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, đầu tư và rủi ro. Bên cạnh đó, cuộc thi kèm theo chương trình đã đem lại cho các bạn sinh viên cơ hội áp dụng những kiến thức về tài chính vừa học được từ các buổi tập huấn. Mục đích của chương trình là giúp các bạn sinh 172
  5. viên đại học tiếp cận được những kiến thức và kỹ năng cơ bản về tài chính. Thông qua đó, các bạn trẻ sẽ hiểu rõ những kiến thức cơ bản của việc lập kế hoạch tài chính cá nhân và từng bước áp dụng những kỹ năng này vào đời sống thường nhật, từ đó nhận ra tầm quan trọng của việc hoạch định tài chính để có những quyết định quan trọng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một số ngân hàng và công ty tài chính khác cũng triển khai những chương trình giáo dục về quản lý tài chính cá nhân cho các đối tượng khác nhau như Công ty Visa International - Chương trình “Giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho tất cả mọi người”, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chương trình “ Giáo dục con trẻ về tài chính”, Home Credit Vietnam - Chương trình “Giáo dục tài chính cho người tiêu dùng”, Creative Wealth Vietnam - Chương trình “Kiến thức tài chính cho gia đình - thanh thiếu niên và người trưởng thành” Nhìn chung, các chương trình giáo dục tài chính đã được triển khai đều là những nội dung giáo dục tương đối mới mẻ, mang tính bổ trợ cao, có thể cung cấp nhiều kiến thức bổ ích giúp người tham gia có cơ hội tiếp xúc và cải thiện nền tảng kiến thức tài chính, có ý niệm về việc lên kế hoạch tài chính cá nhân, đầu tư và tiết kiệm Tuy nhiên, với cách thức triển khai và đối tượng hướng tới, các chương trình giáo dục tài chính này vẫn có những mục tiêu riêng rẽ, tách biệt theo tính chất ngắn hạn chứ chưa mang tầm cỡ quốc gia, được tổ chức quy mô và có lộ trình dài hạn phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng.  Các khóa đào tạo về tài chính vi mô Thành lập năm 2007, Viện Tài chính vi mô và Phát triển cộng đồng (MACDI) với mục tiêu hỗ trợ phát triển ngành tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam và hòa nhập với tài chính vi mô quốc tế, MACDI đã xây dựng mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp đào tạo tài chính vi mô quốc tế như Microsave, CGAP, Microfinance Without border, Chiến lược của MACDI là kết hợp kinh nghiệm và kiến thức của các chuyên gia trong nước và thế giới trong các lĩnh vực hoạt động của mình để tối đa hóa những đóng góp cho sự phát triển cộng đồng bền vững. Với trên 12 năm trải nghiệm thực tế ở Việt Nam, các nhà tư vấn của MACDI đã tham gia vào nhiều dự án và dịch vụ tư vấn khác nhau một cách hiệu quả. Theo đó, các khoá đào tạo dựa trên các chuẩn quốc tế, với đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thực tế về tài chính vi mô, hợp tác với Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) và dự án (ILO) để xác định được các giảng viên nguồn tiềm năng đang làm việc tại các tổ chức khác nhau, tập hợp những điểm mạnh của họ để đào tạo bổ sung các kiến thức và kỹ năng, giúp giảng viên nguồn củng cố các thế mạnh của mình để có thể tham gia thị trường đào tạo được tốt hơn.Trong thời gian qua, Viện Tài chính vi mô và Phát triển cộng đồng đã tổ chức thành công hơn 25 khóa đào tạo cho hơn 700 học viên đến từ các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và hơn 100 khóa đào tạo cho hơn 6.000 khách hàng của tổ chức tài chính vi mô. Học viện Phụ nữ Việt Nam (HVPNVN) với mô hình tổ chức bộ máy hoạt động có Trung tâm đào tạo Tài chính vi mô thực hiện nhiệm vụ hợp tác trong đào tạo TCVM nhằm phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị trong việc “cung cấp chương trình đào tạo chất lượng cao cả về lý thuyết và thực tiễn hướng đến nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các tổ chức, các nhà quản lý và cán bộ tài chính vi mô, đồng thời cung cấp dịch vụ đào tạo về tài chính cho các nhóm phụ nữ mục tiêu, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế người phụ nữ”. Từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm đào tạo Tài chính vi mô thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều khóa đào tạo về TCVM cho nhiều đối tượng. Một đơn vị cũng chú trọng công tác đào tạo về lĩnh vực giáo dục tài chính cá nhân và tài chính vi mô là Học viện Ngân hàng (HVNH) với đầu mối triển khai là Trung tâm Tài chính vi mô. Sau gần 7 năm hoạt động, kể từ khi được thành lập từ năm 2012 đến nay, Trung tâm TCVM thuộc HVNH đã triển khai thành công nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ đến từ các tổ chức 173
  6. cung cấp dịch vụ TCVM cũng như cán bộ, giảng viên nguồn về đào tạo TCVM của HVNH. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tổ chức nhiều tọa đàm và hội thảo các cấp về lĩnh vực TCVM. Bên cạnh việc triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về TCVM từ phía các viện, học viện, đại học, một số ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô cũng có trung tâm đào tạo nội bộ như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP), Tổ chức tài chính vi mô Tình thương (TYM) đã triển khai các khóa đào tạo nội bộ về TCVM. Ngoài ra, một số tổ chức cũng triển khai các chương trình đào tạo về TCVM từ mức độ cơ bản đến các chuyên đề chuyên sâu như Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Việt (VietED), Trung tâm tư vấn nguồn lực TCVM doanh nghiệp vừa và nhỏ (VMFWG), Việc thiết lập mạng lưới đào tạo chuyên nghiệp về tài chính vi mô, kết nối các trung tâm đào tạo với đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính vi mô là vấn đề cấp bách trong lộ trình thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính vi mô, một khía cạnh của tài chính toàn diện tại Việt Nam. 4. Tăng cường giáo dục tài chính nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam Việt Nam là nước có mức thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ở mức độ nhanh. Ứng dụng trình độ công nghệ tốt, với 53% dân số sử dụng Internet - cao hơn mức trung bình của khu vực là 35%, 71 triệu người có sử dụng các dịch vụ điện thoại di động, tỷ trọng rất cao so với các quốc gia châu Á khác. Đây là dư địa quan trọng cho sự tham gia của các doanh nghiệp về công nghệ tài chính Fintech. Với những tiềm năng và sức mạnh như vậy, Việt Nam thực sự đang có dư địa quan trọng phù hợp để thúc đẩy tài chính toàn diện. Tuy nhiên, nhận thức chung của xã hội về tài chính toàn diện chưa đầy đủ, kiến thức tài chính của người dân còn thấp, giáo dục tài chính còn khá mới và nhiều người dân còn chưa nhận thức rõ sự cần thiết của hiểu biết tài chính nói riêng và giáo dục tài chính nói chung đối với đời sống bản thân, nền kinh tế và tài chính toàn diện. Qua những phân tích về vai trò của giáo dục tài chính đối với nền kinh tế trên thế giới và thực trạng giáo dục tài chính ở Việt Nam có thể thấy việc làm tốt công tác tuyên truyền và xây dựng chiến lược giáo dục tài chính mang tầm cỡ quốc gia là một giải pháp khả thi, lâu dài để có thể nâng cao hiểu biết tài chính cho mọi tầng lớp người dân, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện và thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội của đất nước một cách bền vững tại Việt Nam. Các chương trình phổ biến kiến thức có thể thực hiện trên diện rộng với mọi nhóm đối tượng, ví dụ như một chiến dịch quốc gia về phổ cập kiến thức tài chính cơ bản, tạo thói quen đến ngân hàng, sau đó có thể nâng cao với chương trình phổ biến về những vấn đề lợi ích, rủi ro và chi phí liên quan tới các dịch vụ ngân hàng, hình thành tư duy tiết kiệm Các chương trình cụ thể hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể được thực hiện ở quy mô hẹp hơn, ví dụ các chương trình tích hợp hiểu biết tài chính trong trường học cho học sinh/sinh viên, các đối tượng hưởng lợi từ tài chính vi mô ở nông thôn, người gửi tiền tại ngân hàng, kiến thức đầu tư cho các nhà đầu tư chứng khoán Các chương trình hẹp có thể do các tổ chức tham gia chủ trì thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu cụ thể của đối tượng hưởng lợi. Ví dụ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chủ trì một chương trình về hiểu biết tài chính của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, với nội dung tập trung vào cải thiện hiểu biết của người gửi tiền về các vấn đề như giá trị của tiền, cách tính lãi đơn/lãi gộp, lạm phát, kỳ hạn của các khoản tiết kiệm, cơ chế bảo vệ người gửi tiền của bảo hiểm tiền gửi Hình thức triển khai từng chương trình cũng được áp dụng phù hợp với mục tiêu cụ thể, từ các hình thức đài báo, truyền hình, internet, đến hình thức hội chợ, khóa đào tạo, môn học tại trường học Mục tiêu của chiến lược giáo dục tài chính sẽ là hình thành năng lực hiểu biết tài chính cơ bản (kiến thức, hành vi, thái độ về tài chính) cho thế hệ trẻ, những người trưởng thành chưa có kiến thức tài chính, những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ tài chính và cả những người yếu thế (phụ nữ, người già, người tàn tật). Trụ cột xuyên suốt chiến lược giáo dục tài chính 174
  7. là xây dựng một khung chương trình giảng dạy về giáo dục tài chính xuyên suốt các cấp học, từ cấp 1 cho đến đại học với mục tiêu hình thành kiến thức tài chính vững mạnh và có hệ thống, định hình thói quen tốt cho thế hệ trẻ ngay từ bé, giúp thế hệ trẻ không bỡ ngỡ trước vấn đề tiền bạc và tài chính khi bắt đầu bước vào cuộc sống xã hội hoặc thực sự sống tự lập.Ngoài ra, để tránh việc chỉ truyền tải kiến thức thiên về lý thuyết, ở mỗi cấp học đều sẽ đưa ra các hoạt động ngoại khóa liên quan trực tiếp đến các bài học về tài chính nhằm tăng khả năng tiếp thu và học hỏi ở người học. Ngoài giáo dục tài chính ở thế hệ trẻ, một chương trình giáo dục tài chính dành cho người trưởng thành có nhu cầu sử dụng dịch vụ hoặc chưa có hiểu biết tài chính cũng như nhóm người yếu thế (người phụ nữ, người tàn tật) cũng cần được thành lập. Một giải pháp đang được định hướng thực hiện là xây dựng một chương trình truyền hình về giáo dục tài chính với những kiến thức tài chính cơ bản cần biết cho mọi lứa tuổi trong khung thời gian phát sóng phù hợp. Cho tổng thể chiến lược, cần có một website chính thức về phổ biến kiến thức tài chính để người dân có thể truy cập nhằm tìm hiểu những thông tin cần thiết cho bản thân họ. Bên cạnh đó, website cũng là nơi giao tiếp của người dân và các cơ quan phụ trách vấn đề phổ biến kiến thức tài chính, trong đó người dân có thể đề đạt những nhu cầu, nêu ra những thắc mắc của mình và các cơ quan giải đáp, công bố tiến trình cũng như kết quả của từng giai đoạn triển khai Chiến lược phổ biến kiến thức tài chính. Điều này sẽ góp phần tạo nên hiệu quả tích cực cho Chiến lược nói chung và các chương trình nói riêng. Tóm lại, trên cơ sở thực tiễn và phân tích nêu trên, có thể khẳng định rằng, trong khi vấn đề giáo dục tài chính ở các nước trên thế giới ngày càng cấp thiết thì ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ để hướng tới phát triển tài chính toàn diện, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao đời sống nhân dân. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. ADB, 2016, Tài chính toàn diện trong nền kinh tế kỹ thuật số; 2. OECD, 2005, Improving Financial Literacy: Analysis of issues and policies; 3. Niên giám Tổng cục thống kê 2018; 4. World Bank, 2014, E-andM- Commerce and Payment Sector Development in Vietnam; 5. Website: www.sbv.gov.vn;www.worldbank.org. 175