Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và một số khuyến nghị

pdf 9 trang Gia Huy 23/05/2022 3400
Bạn đang xem tài liệu "Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và một số khuyến nghị", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthuc_trang_phat_trien_ngan_hang_so_tai_viet_nam_va_mot_so_kh.pdf

Nội dung text: Thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và một số khuyến nghị

  1. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG SỐ TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ TS. Đào Lê Kiều Oanh* Phan Vũ Duy Khang Nguyễn Thị Thùy Mỵ TÓM TẮT Việt Nam có nhiều cơ hội và đang là thị trường đầy tiềm năng để phát triển hệ thống ngân hàng số, với những điều kiện thuận lợi như cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao, đất nước đang trong quá trình phát triển nền kinh tế số, Đặc biệt với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm ngoái đến nay được xem là một cú hích đối với nhu cầu phát triển mô hình kinh doanh ngân hàng số để các NHTM giữ vững lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Dựa trên cơ sở đó, bài viết được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng chuyển đổi số của các ngân hàng tại Việt Nam, đồng thời nêu những thách thức cũng như một số khuyến nghị trong việc phát triển ngân hàng số hiện nay. Từ khóa: Ngân hàng số, chuyển đổi số, ngân hàng thương mại. 1. GIỚI THIỆU Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến cuộc sống đời thường của người dân trên toàn cầu ngày càng được thể hiện rõ rệt khi hiện nay mọi người có thể thực hiện hầu hết mọi hoạt động cần thiết của mình chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính có kết nối Internet. Và để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như không để mình bị “tụt hậu” trong kỷ nguyên công nghệ mới, các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đã và đang nỗ lực chuyển đổi số các sản phẩm, dịch vụ nhằm xây dựng hệ thống các ngân hàng số (NHS) tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với xu thế phát triển chung của hệ thống ngân hàng trên thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm 2020, so với cách đây 5 năm số lượng và giá trị thanh toán qua Internet của người dân đã tăng gấp 3 lần, số lượng và giá trị thanh toán qua điện thoại di động đã tăng vượt bậc gấp 10 lần. Vì vậy, giờ đây công cuộc chuyển đổi số mô hình kinh doanh không còn được coi là một lựa chọn mà đã trở thành một xu thể tất yếu của các ngân hàng để tiếp tục giữ vững lợi thế cạnh tranh. * Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. 260 -
  2. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 2.1. Khái niệm Ngân hàng số Ngân hàng số (Digital Banking) một được xem là một hình thức phát triển cao hơn nữa của ngân hàng điện tử (E-Banking) bằng cách số hóa tất cả các dịch vụ của ngân hàng truyền thống, tạo nhiều thuận lợi và tiện ích cho khách hàng bởi sự dễ dàng sử dụng qua các thiết bị điện tử, Internet. Theo Nguyễn Thị Oanh (2020), NHS là một mô hình kinh doanh của ngân hàng dựa vào nền tảng công nghệ để trao đổi thông tin và thực hiện các giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng. Quá trình này được thực hiện thông qua các thiết bị số được kết nối với phần mềm máy tính trên môi trường internet. Vì vậy, khách hàng sẽ không cần đến các chi nhánh của ngân hàng để thực hiện giao dịch và ngược lại thì ngân hàng cũng sẽ không cần gặp khách hàng trực tiếp để hoàn thành giao dịch (ví dụ như ký chứng từ, theo dõi hồ sơ). Theo Nguyễn Thế Anh (2020), nếu như E-Banking chỉ tạo thêm tiện lợi bổ sung so với các ngân hàng truyền thống cho khách hàng với các dịch vụ con như SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking thì NHS phục vụ khách hàng như một ngân hàng đich thực với toàn bộ cấu trúc hệ thống và cơ cấu tổ chức đã được đổi mới, cung cấp tất cả các dịch vụ, sản phẩm kinh doanh dựa trên sự số hóa, cho phép khách hàng thực hiện mọi giao dịch trên website hoặc thiết bị di động. Như vậy có thể xem NHS là một loại hình kinh doanh ngân hàng hiện đại, ngân hàng không chi nhánh với nhiều tính năng ưu việt, phục vụ khách hàng 24/7 thông qua Internet và các thiết bị điện tử. Tất cả mọi giao dịch, thủ tục hành chính, chứng từ được số hóa và tự động hóa dựa vào công nghệ kỹ thuật số tạo nhiều thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí của khách hàng Về phía các ngân hàng, chuyển đổi số không chỉ là một quá trình số hóa dữ liệu các giao dịch mà từ đó ngân hàng còn có thể mang lại cho người khách hàng những trải nghiệm mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn, đồng thời nâng cao năng suất làm việc của ngân hàng. Đề làm được như vậy, các ngân hàng đã tận dụng những tiến bộ của công nghệ số và tích hợp số hóa vào trong lĩnh vực ngân hàng nhằm có thêm hiểu biết về khách hàng, sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để đưa đến những sản phẩm, dịch vụ tối ưu. 2.2. Lợi ích của ngân hàng số Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo xu hướng phát triển NHS đã mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng và khách hàng như sau: - 261
  3. Đối với Ngân hàng Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng phân khúc thị trường: NHS làm cho tốc độ đáp ứng và xử lý các giao dịch nhanh chóng, thực hiện được nhiều giao dịch vào cùng một thời điểm. Ngoài ra, NHS còn giúp đáp ứng được đa dạng khách hàng kể cả những khách hàng ở vùng sâu vùng xa – họ chỉ cần kết nối mạng Internet để thực hiện giao dịch mà không cần di chuyển đến khu vực có ngân hàng. Thứ hai, giảm chi phí: công bố của Vụ Thanh toán NHNN về kết quả khảo sát tại các NHTM Việt Nam cho thấy xu hướng số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm được 60-70% chi phí – NHS là một trong những giải pháp nhằm giúp ngân hàng tối ưu hóa nguồn nhân lực, có thể thông qua hệ thống tự động mà giảm bớt một số nhân sự như giao dịch viên, nhân viên bán lẻ, nhân viên tổng đài, thực hiện giao dịch Thứ ba, độ chính xác cao: NHS được tạo ra dựa trên những nền tảng công nghệ thông minh được lập trình sẵn giúp cho việc xử lý, tính toán và ghi nhận các giao dịch đạt được độ chính xác cao hơn, giảm các thao tác lỗi của nhân viên và khách hàng (Đỗ Quang Trị, 2021). Điều này được củng cố, bảo đảm thêm thông qua các công nghệ giám sát tự động. Đối với khách hàng Thứ nhất, tiết kiệm thời gian giao dịch: NHS có thể thực hiện tất cả giao dịch trực tuyến thông qua một thiết bị điện tử có kết nối Internet, ví dụ như như nạp tiền điện thoại, thanh toán hoá đơn, mua sắm, tra cứu số dư, chuyển khoản, giúp cho khách hàng có thể tiết kiệm thời gian và công sức vì không phải đến tận quầy giao dịch, nhất là với các khách hàng làm việc trong giờ hành chính thường gặp nhiều bất tiện khi phải đến ngân hàng để thực hiện giao dịch (Nguyễn Thị Như Quỳnh & Lê Đình Luân, 2021). Thứ hai, tiết kiệm được chi phí giao dịch: để khuyến khích khách hàng sử dụng, nhiều ngân hàng trên thị trường hiện nay đã giảm hoặc miễn các phí như phí chuyển tiền, phí rút tiền, Ngoài ra, ngân hàng còn thực hiện miễn phí mở thẻ mới trên ứng dụng NHS vô cùng đơn giản giúp người sử dụng tiết kiệm và tối ưu được chi phí giao dịch. Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý tài khoản: NHS cung cấp một loạt các tính năng linh hoạt cho khách hàng – nếu có tài khoản NHS thì bạn sẽ luôn biết chính xác số tiền đang có trong tài khoản và sẽ được thông báo ngay lập tức khi có giao dịch mới được thực hiện; giúp bạn có thể kiểm soát được tất cả thông tin giao dịch và dễ dàng truy xét khi muốn, không cần đến ngân hàng làm nhiều thủ tục khi cần (Phạm Bích Liên và cộng sự, 2020). 3. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG SỐ TẠI VIỆT NAM Việt Nam được xem là môi trường thuận lợi để phát triển NHS, với dân số hiện tại vào khoảng 98 triệu dân (tháng 6/2021, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc), với 69% dân 262 -
  4. số đang ở tuổi trưởng thành. Tỷ lệ sử dụng Internet hiện chiếm hơn 70% dân số (khoảng 69 triệu người dùng), đặc biệt đáng chú ý là tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đã tăng lên đến gần 97% dân số, tốc độ phát triển tăng nhanh chóng trong 2 năm gần đây, cao hơn so với trung bình chung của thế giới. Điện thoại thông minh được dùng bởi hầu hết dân số bởi đây không còn chỉ là một công cụ liên lạc truyền thống hay chỉ để người dân truy cập Internet, tìm kiếm thông tin hay truy cập mạng xã hội, các phương tiện giải trí mà hiện tại với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điện thoại thông minh đã thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống đời thường của người dân và các ngân hàng đã tận dụng điều này để chuyển đổi số các sản phẩm của mình, đưa đến khách hàng những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với xu hướng thời đại. Kết quả thực tế cho thầy hầu hết các ngân hàng đều đã chuyển trọng tâm phát triển sang lĩnh vực NHS – vốn đã trở thành một khía cạnh quan trọng trong chiến lược kinh doanh của họ trong những năm gần đây. Theo số liệu khảo sát do Ngân hàng Nhà nước thực hiện vào tháng 9 năm 2020 cho thấy có đến 95% ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc sẽ có kế hoạch xây dựng chiến lược chuyển đổi số, với 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin và hiện tại có 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng ký phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg cũng đã khẳng định rằng ngành Ngân hàng là một trong những ngành cần áp dụng công nghệ chuyển đổi số đầu tiên, vì đây là lĩnh vực thiết yếu, được dùng rộng rãi, tác động sâu sắc đến người dân. Chuyển đổi số ngành ngân hàng phải được thực hiện nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của người dân vì hiện nay tỷ lệ dân số thực hiện hầu hết công việc của mình trên điện thoại di động và thiết bị điện tử kết nối Internet mỗi lúc lại càng tăng cao, đặc biệt là nhu cầu thực hiện các dịch vụ ngân hàng như thanh toán, chuyển khoản nhanh chóng tại nhà hoặc nơi làm việc đang được xem là thiết yếu. Gần đây nhất và cụ thể hơn, “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký phê duyệt tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN vào tháng 5/2021 cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu cần đạt được như: đến năm 2025 khách hàng có thể thực hiện trên môi trường số tối thiểu 50% các nghiệp vụ của ngân hàng và đến năm 2030 phải đạt được ít nhất 70% tổng số nghiệp vụ; năm 2025 tối thiểu 50% người dân trưởng thành sẽ dùng dịch vụ thanh toán điện tử và đến năm 2030 là sẽ từ 80% trở lên; tối thiểu 50% các NHTM thực hiện quyết định giải ngân, cho vay các khoản nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân theo hướng số hóa, tự động hóa vào năm 2025 và sẽ tăng lên ít nhất là 70% vào năm 2030. Tổng quát thì đến năm 2025 tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng với ngân hàng sẽ được thực hiện thông qua kênh số và đến năm 2030 kỳ vọng sẽ đạt được tối thiểu là 80% tổng số lượng giao dịch. - 263
  5. Đến thời điểm này, thực tế chuyển đổi số ngân hàng đã đạt được những thành tựu khả quan đáng chú ý. Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các tổ chức tín dụng đã triển khai các hoạt động chuyển đổi số rất hiệu quả, với hầu hết các ngân hàng đều đã triển khai các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ số trong quá trình làm việc, 9/19 nghiệp vụ ngân hàng của một số ngân hàng đã được số hóa toàn bộ (như mở thẻ ngân hàng; gửi tiền có kỳ hạn; liên kết ví điện tử; chuyển khoản; thanh toán hóa đơn; ). Khi so sánh số liệu năm 2020 với năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch ngân hàng thông qua các kênh kỹ thuật số đã tăng lên đáng chú ý bất chấp ảnh hưởng của việc bùng phát dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Có thể kể đến vài sự tăng trưởng tiêu biểu như: thanh toán di động đã tăng 114% về số lượng và 118% về giá trị vào năm 2020 so với năm 2019; thanh toán bằng mã QR cũng đã tăng thêm 72,9% về số lượng giao dịch. Tính đến cuối quý 1 năm 2021, theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước thì dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước phát triển rất ấn tượng, bằng chứng là số lượng người dân thanh toán bằng các phương thức ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR mỗi lúc lại càng tăng cao. Trong quý 1 năm 2021, số lượng sản phẩm giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu mặt hàng với tổng giá trị lên đến 8,1 triệu tỷ đồng (đã tăng tương ứng với 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị giao dịch), số lượng sản phẩm mua sắm qua kệnh điện thoại di động đã vượt 395 triệu mặt hàng với tổng giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (đã tăng tương ứng với 78% về số lượng và 103% về giá trị giao dịch). Đặc biệt ấn tượng là tốc độ tăng trưởng giao dịch qua kênh QR code, với số lượng giao dịch đạt 5,3 triệu sản phẩm và tổng giá trị đạt được là 4.479 tỉ đồng, tức đã tăng 83% về số lượng và 146% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Để đạt được những con số ấn tượng này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi ví dụ như giảm giá các mặt hàng, miễn/giảm phí dịch vụ, hoàn tiền, tặng điểm thưởng, nhằm khuyến khích khách hàng trả tiền mua hàng và thanh toán hóa đơn sử dụng dịch vụ thanh toán trung gian thay vì phương thức trả bằng tiền mặt truyền thống. Đáng chủ ý là có tới 60% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sẽ hạn chế đến mua hàng tại các cơ sở kinh doanh không áp dụng bất kỳ hình thức thanh toán điện tử nào. Khi số lượng khách hàng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm công nghệ chuyển đổi số ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ buộc phải số hóa các sản phẩm của mình một cách nhanh chóng hơn. Theo cách phân chia của các chuyên gia công nghệ thông tin thì hiện tại hầu hết các NHTM ở Việt Nam đang ở giai đoạn thứ hai của quá trình số hóa – chuyển đổi kỹ thuật số (số hóa toàn diện mọi dịch vụ ngân hàng cung cấp và đưa lên một ứng dụng, giúp khách hàng thực hiện được những gì họ cần một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất). Trong đó 264 -
  6. 88% ngân hàng sẽ số hóa cả kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và hoạt động nghiệp vụ nội bộ (back-end) như chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của họ, và có 6% ngân hàng chỉ hướng đến số hóa duy nhất các kênh giao tiếp khách hàng (front-end). Nhiều ngân hàng đã ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến vào công cuộc chuyển đổi số như: trí tuệ nhân tạo (A.I.), nhận dạng sinh trắc học (Biometrics), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), QR Code, công nghệ phân tích dữ liệu do IBM phát triển để phân tích hành vi khách hàng và đồng bộ hóa dữ liệu của khách hàng, tự động hóa nhờ robot (RPA), Trong đó, phân tích dữ liệu là công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhất với hơn 53% tổ chức tín dụng sử dụng. Ngoài ra, hiên tại ngày càng nhiều ngân hàng sử dụng định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) cho nhiều nghiệp vụ như: đăng ký, mở tài khoản mới, giải ngân cho khách hàng, thanh toán hóa đơn, Với công nghệ này, khách hàng chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước hay hộ chiếu) và ảnh khuôn mặt, sau đó hệ thống sẽ kiểm tra xem thông tin có hợp lệ hay không và ngay lập tức mở tài khoản cho khách hàng. Vì vậy, eKYC giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số bằng cách loại bỏ nhu cầu gặp mặt trực tiếp khách hàng của ngân hàng, và hơn cả thế là sẽ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đến ngân hàng để điền vào nhiều mẫu đơn và giấy tờ khác nhau để thực hiện giao dịch. Ở nhóm các NHTM nhà nước, việc chuyển đổi số đã được thực hiện mạnh mẽ. Có thể kể đến tiêu biểu như Vietcombank với ứng dụng NHS VCB Digibank và Vietcombank cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tiệm cận mức độ 3.0 của NHS, đến năm 2030 Vietcombank sẽ là NHS 3.0 hoàn chỉnh; BIDV trong tháng 3/2021 đã ra mắt ứng dụng SmartBanking thế hệ mới với nhiều tính năng vượt trội lần đầu tiên được thực hiện như rút tiền qua mã QR không cần mang theo thẻ ngân hàng; Vietinbank với ứng dụng NHS VietinBank iPay và ngân hàng dự tính sẽ phát triển ứng dụng “chatbot” – robot tự động có khả năng tương tác, trò chuyện và tư vấn khách hàng một cách toàn diện hơn, Ở nhóm các NHTM cổ phần, các ngân hàng cũng đã định hướng chuyển đổi số là trọng tâm của chiến lược kinh doanh, vì vậy các công nghệ số hóa, tự động hóa đã được đầu tư mạnh mẽ. Đa số các ngân hàng đều đã thành công xây dựng các ứng dụng NHS cho mình để nâng cao năng lực cạnh tranh như: Yolo của VPBank; OCB OMNI của OCB; Liên Việt 24h của LienVietPostBank, Tiêu nhất có thể kể đến như TPBank có hệ thống ngân hàng tự động LiveBank và từ tháng 7/2020 đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cho phép khách hàng thực hiện tất cả giao dịch, rút tiền bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và vân tay mà không cần mang theo thẻ ngân hàng hay ghi nhớ bất kỳ thông tin nào khác như số thẻ hay mã pin. - 265
  7. Nhìn chung, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy các ngân hàng thực hiện chuyển đổi số, hướng đến một xã hội ít sử dụng tiền mặt, giảm hoạt động của mô hình ngân hàng truyền thống và đẩy mạnh hoạt động của NHS thông qua các chính sách ưu đãi, khuyến khích và các chiến lược quốc gia được đặt ra. Và kết quả thực hiện cho thấy các NHTM đã đạt được những thành công nhất định trong quá trình chuyển đổi số này. 4. NHỮNG THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG SỐ NHS đã được không ít những NHTM Việt Nam triển khai hoạt động nhưng chưa có NHS thuần túy thật sự, kết quả cho thấy quá trình triển khai chuyển đổi còn gặp không ít những thách thức: Thứ nhất, khoảng trống trong hành lang pháp lý Khuôn khổ pháp lý còn nhiều hạn chế đặc biệt là những vướng mắt về văn bản quy phạm pháp luật trong giao dịch điện tử, xác minh nhận dạng danh tính, chứng thực chữ kí số và liên quan đến hợp đồng điện tử còn có nhiều khoảng trống. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi và tính riêng tư của khách hàng vẫn chưa được đảm bảo. Thứ hai, chi phí đầu tư cho công nghệ số lớn Do chưa có hệ thống tổng hợp thông tin quốc gia cho các bên liên quan điều này gây khó khăn cho NHTM về việc khó có thể tổng hợp đầy đủ thông tin của khách hàng. Để khắc phục điều này cần phải đầu tư vào xây dựng hệ thống nhận dạng sinh trắc học riêng, hợp tác với các nhà mạng viễn thông làm dày thông tin khách hàng (Thiều Quang Hiệp, 2020). Nhưng việc đầu tư cho công nghệ số này cần một khoản chi phí lớn mà không phải ngân hàng nào cũng có thể áp dụng đặc biệt là đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ. Thứ ba, hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ cao Để theo kịp với các chiến lược triển khai về NHS đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực không chỉ cần giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có năng lực về CNTT, ứng phó được linh hoạt và thích nghi với những tiến bộ công nghệ mới. Ngoài ra, NHTM cần chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành (Thu Hoài, 2019). Thứ tư, rủi ro trong an ninh mạng Tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Cụ thể, do nhận thức của người dùng còn hạn chế chưa ý thức được các rủi ro khi giao dịch trực tuyến dẫn đến việc xem nhẹ bảo mật thông qua việc lộ mã OTP, rủi ro từ các tài khoản giả mạo, lợi dụng lợi ích từ các chương trình khuyến mãi gửi tin nhắn chứa link giả, từ đó các đối tượng tội phạm công nghệ dễ dàng lừa tiền khách hàng và tẩu thoát tiền qua tài 266 -
  8. khoản giả mạo. Việc phòng chống gian lận với các giao dịch NHS cũng đã được NHTM quan tâm nhưng vẫn chưa triệt để được tình trạng này. Thứ năm, đại đa số người Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán Tỷ lệ dùng tiền mặt thanh toán ở Việt Nam rất cao thói quen này có ảnh hưởng lớn đến việc triển khai và phát triển NHS. Việc thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng là một thách thức lớn và còn là một chặng đường lâu dài. 5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG SỐ Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý Theo Nguyễn Văn Chương (2018), chính phủ cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý hình thành các quy định đồng bộ eKYC về định danh khách hàng. Đặc biệt, chú trọng phát triển các chính sách tạo dựng nền tảng thông tin, cơ sở dữ liệu công dân quốc gia nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng, tạo tâm lý an tâm sử dụng cho người sử dụng. Ngoài ra, cần hoàn thiện quy trình thủ tục pháp lý giúp quá trình thanh toán số được mở rộng nhanh cũng như giúp người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc ở vùng nông thôn có thể dễ dàng tiếp cận với NHS. Thứ hai, thúc đẩy xây dựng nền tảng công nghệ – kỹ thuật Đẩy mạnh loại bỏ những rào cản về công nghệ kĩ thuật liên quan đến hệ thống và cơ sở dữ liệu tránh gây ra ảnh hưởng đến uy tín và tài chính của ngân hàng. Theo Nguyễn Thu Thủy và cộng sự (2020), cần quan tâm nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ hiện đại như nâng cấp Core banking, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn mã QR vào hoạt động điều hành quản lý. Các NHTM cần xác định rõ những mục tiêu mà ngân hàng cần hướng đến. Ưu tiên hoàn thiện công nghệ lỗi trước khi tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. Thứ ba, thúc đẩy thanh toán không dùng tiến mặt (TTKDTM) Để phát triển nhanh việc TTKDTM các ngân hàng, tổ chức trung gian cần tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng trong việc phổ cập kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán tiện ích. Từ đó, cho phép phát triển mở rộng TTKDTM ở khu vực nông thôn lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán qua mã QR trên thiết bị di động hoặc thẻ ngân hàng giúp người dân cảm thấy thuận tiện, thoải mái, tạo được sự tin cậy khi sử dụng sản phẩm dịch vụ. - 267
  9. Thứ tư, tăng cường truyền thông trong lĩnh vực ngân hàng Nhằm làm rõ những kiến thức cần có cho khách hàng khi sử dụng NHS. Cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao cảnh giác đối với một số trường hợp lừa đảo, lợi dụng sự chủ quan và thiếu hiếu biết của người dân đế lấy tiền trong tài khoản thông qua những tin nặc, cảnh báo khách hàng về việc không nên đăng nhập vào các website có dấu hiệu nghi vấn để giảm bớt các vụ mất tiền qua NHS với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc chú trọng truyền thông chặt chẽ giúp người dân tin tưởng và an tâm sử dụng dịch vụ của NHS hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO Anh, N. T. (2020). Phát triển ngân hàng số cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. mai-viet-nam.htm Chương, N. V. (2018). Thực trạng và giải pháp phát triển ngân hàng số ở Việt Nam. Tạp chí Tài chính. so-tai-viet-nam-146264.html Hiệp, T. Q. (2020). Phát triển ngân hàng số ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất. Tạp chí Tài chính. xuat-329780.html Liên, P. B., Duẩn, N. N., & Loan, T. T. D. (2020). Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng. Oanh, N. T. (2020). Factors affecting the intention to use digital banking in Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics, and Business, 7(3), 303-310. Quỳnh, N. N. T., & Luân, L. Đ. (2021). Ngân hàng số – Hướng đi bền vững cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ. thuong-mai-viet-nam-trong-boi-canh-cuoc-cmcn-4-0-35656.html Thu Hoài (2019). Khởi động thông minh trong hành trình số hóa ngân hàng. Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam. trinh-so-hoa-ngan-hang-53945.html Thủy, N. T., Thanh, N. T., & Tuyên, L. T. (2020). Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế. Tạp chí Tài chính. ngan-hang-so-tai-viet-nam-va-mot-so-kinh-nghiem-quoc-te-329622.html Trị, Đ. Q. (2021). Phát triển dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam. Tạp chí công thương. http:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-dich-vu-ngan-hang-so-o-viet-nam-78706.htm 268 -