Vấn đề môi trường trong hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) và tác động đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Vấn đề môi trường trong hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) và tác động đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- van_de_moi_truong_trong_hiep_dinh_doi_tac_xuyen_thai_binh_du.pdf
Nội dung text: Vấn đề môi trường trong hiệp định đối tác xuyên thái bình dương (TPP) và tác động đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
- VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI THỦY SẢN XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM ENVIRONMENTAL ISSUES IN THE TRANS PACIFIC PARTNERSHIP (TPP) AND THEIR INFLUENCE ON VIETNAM’S AQUACULTURE SECTOR ThS. Lê Quốc Cường - ThS. Vũ Anh Tuấn Trường Đại học Thương mại Tóm tắt Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (The Trans Pacific Partnership - TPP) là Hiệp định thương mại tự do đa phương đầu tiên đưa các vấn đề môi trường thành một chương trong cam kết. Nội dung chính của các cam kết nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu về sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tự do hóa thương mại với mục tiêu bảo vệ môi trường, ủng hộ các biện pháp bảo vệ môi trường hạn chế vấn đề cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh của các quốc gia tham gia TPP. Lĩnh vực thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được nhận định sẽ nhận được nhiều lợi ích từ TPP với điều kiện đáp ứng tốt những cam kết môi trường của Hiệp định. Nhận thức rõ các vấn đề môi trường nói chung và các quy định tác động đến ngành nói riêng sẽ là cơ hội tốt đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới khi Hiệp định chính thức được ký kết và có hiệu lực. Bài viết sẽ tập trung phân tích những nội dung chính trong chương 20 – Chương môi trường của TPP và những quy định có tác động đến lĩnh vực thủy sản. Trên cơ sở phân tích những tồn tại, thách thức và nguyên nhân đối với vấn đề môi trường, bài viết sẽ đưa ra một số gợi ý về chính sách nhằm đáp ứng tốt các quy định môi trường đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia TPP. Từ khóa: Môi trường, Hội nhập, TPP, Thủy sản, Thủy sản xuất khẩu Abstract The Trans Pacific Partnership (TPP) is the first multilateral free trade agreement that includes a chapter of environmental problems in commitments. The main content of the commitments is towards implementing objectives of harmony policies between trade liberalization and protecting the environment, supporting environmental protection measures, limiting the exhaustion of natural resources and towards green growth of the countries participating in the TPP. Seafood export sector of Vietnam has been identified to receive many benefits from the TPP if it meets environmental commitments of the agreement. Awareness of the environmental issues in general and regulations affecting the industry in particular will be a good opportunity for the export of products of Vietnam in the coming time when the Agreement is signed officially and goes into effect. The article focuses on analyzing the main contents of chapter 20 - environment chapter of the TPP and regulations affecting the aquaculture sector. Based on the analysis of existing problems and challenges as well as the causes of environmental problems, the article gives some suggestions on policies to meet environmental regulations for Vietnam’s seafood exports when joining the TPP. Key words: Environment, Integration, the TPP, aquaculture, export 237
- 1. GIỚI THIỆU VỀ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG TPP VÀ CÁC CAM KẾT MÔI TRƯỜNG 1.1 Lịch sử hình thành, quá trình đàm phán và nội dung cơ bản trong TPP Đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện nay có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Sau đó với sự quan tâm của Hoa Kỳ và chính thức tham gia đàm phán mở rộng về tài chính và đầu tư với P4 năm 2008, đến năm 2010 có thêm 7 quốc gia là Australia,Canada, Malaysia, Mexico, Peru, Nhật Bản và Việt Nam và từ thời điểm này quá trình đàm phán mở rộng của P4 chính thức được đặt tên lại là đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với sự tham gia của 12 quốc gia. Hình 1: Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) Trải qua 19 vòng đàm phán diễn ra từ năm 2010 đến năm 2013, các cuộc đàm cấp Bộ trưởng và cấp trưởng đoàn đàm phán các năm tiếp theo. Ngày 5 tháng 10 năm 2015 Bộ trưởng 12 quốc gia tham gia TPP đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán TPP và ngày 04 tháng 02 năm 2016 Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định ký kết để xác thực lời văn Hiệp định sau đó các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản về việc các Bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ. Nội dung của TPP bao gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường. TPP là Hiệp định quan trọng của thế kỷ 21 với các mục tiêu quan trọng cam kết giải quyết cụ thể: Thứ nhất: TPP cam kết xóa bỏ hoặc giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan một cách đáng kể đối với mua bán hàng hóa và dịch vụ, bao trùm một mảng lớn về thương mại, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư . Thứ hai: TPP hỗ trợ sự phát triển sản xuất, chuỗi cung ứng, và thương mại liền mạch, tăng cường hiệu quả, tạo và hỗ trợ việc làm, nâng cao mức sống, tăng cường các nỗ lực bảo tồn, hỗ trợ hội nhập xuyên biên giới, cũng như mở cửa thị trường trong nước. Thứ ba: TPP thúc đẩy sự đổi mới, năng suất, và tính cạnh tranh nhờ vào việc xem xét giải quyết các vấn đề mới, trong đó có phát triển kinh tế kỹ thuật số và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. 238
- Thứ tư: TPP bao gồm các yếu tố mới nhằm đảm bảo các nền kinh tế ở các mức độ phát triển khác nhau và các doanh nghiệp có quy mô khác nhau đều có thể đạt được lợi ích từ thương mại. Thứ năm:TPP khi hình thành được coi là cơ sở, là nền tảng cho hội nhập kinh tế khu vực và nhắm đến cả những nền kinh tế khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 1.2 Nội dung các cam kết môi trường trong TPP các quy định có liên quan đến thủy sản 1.2.1 Nội dung cơ bản cho các cam kết môi trường trong TPP Hiệp định TPP bao gồm 30 chương trong đó vấn đề môi trường được đề cập cụ thể trong Chương 20: Chương Môi trường. Với 23 điều bên cạnh những điều mang tính giới thiệu các khái niệm, tuyên bố chung thì nội dung của chương tập trung vào các vấn đề về cam kết thực thi, giải quyết các tranh chấp, giải quyết các khiếu nại về môi trường của các bên tham gia. Thêm vào đó có các nội dung khác về tính minh bạch, công khai thông tin và sự tham gia của công chúng đối với các vấn đề môi trường. Nổi bật hơn cả đó là các quy định trực tiếp về vấn đề môi trường bao gồm 11 điều: Hang hoa va dich vu môi trương ;Cac hiêp đinh môi trương đa phương ; Bao vê tâng ô zôn ; Bao vê môi trương biên tư ô nhiêm do vân tai biên ; Thương mai va đa dang sinh hoc ;Thương mai va bao tôn (đông thưc vât hoang da ); Cac loai ngoai lai xâm lân ; Chuyên đôi sang nên kinh tê cac bon thâp va tư cương ; Nganh thuy san đanh băt ca trên biên; Cac cơ chê tư nguyên đê thuc đây thưc thi môi trương va Hơp tac trach nhiêm xa hôi c ủa doanh nghiệp. Một số điểm mới trong Chương môi trường được thể hiện trên các phương diện cụ thể sau: Thứ nhất:TPP là một Hiệp định thế hệ mới. Vấn đề môi trường được đưa thành một chương hoàn chỉnh, do vậy khác với các Hiệp định thương mại tự do truyền thống trước đây vấn đề môi trường được đề cập ở mực độ chi tiết và được cụ thể hóa bằng các tiêu chuẩn ở mức khá cao. Ví dụ: Nội dung cam kết về khai thác đánh bắt thủy sản, quy định về bảo tồn, nghĩa vụ thực thi các cam kết môi trường. Thứ hai:Với sự hình thành độc lập một chương về môi trường, TPP đã thể hiện nỗ lực đưa nhiều vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại trở thành những cam kết mang tính ràng buộc thông qua việc sử dụng các cơ chế giải quyết chanh chấp, khiếu nại, tham vấn về các vấn đề môi trường trong thương mại và đầu tư. Thứ ba: TPP cam kết cải thiện nhiều hơn nữa về tính minh bạch, tính nghiêm túc trong việc thực thi các nghĩa vụ về môi trường. Từ đó có cơ chế cho việc khuyến khích sự tham gia đóng góp của cộng đồng, giám sát việc thực thi các cam kết và chia sẻ công khai các thông tin về môi trường. 1.2.2 Các quy định môi trường có tác động đến lĩnh vực thủy sản Trong các quy định được đề cập trong chương môi trường có thể kể đến một số các vấn đề có liên quan và các quy định cụ thể đối với hoạt động khai thác, chế biến thủy sản đặc biệt đối với thủy sản xuất khẩu như sau: Thứ nhất:Theo Điều 20.13, Điều 20.16 và 20.17 nhấn mạnh nghĩa vụ thực thi 3 điều ước quốc tế về môi trường trong đó có Nghị định thư MONTREAL về các chất làm uy giảm tầng ô-zôn, Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển (Công ước MARPOL) và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã đang bị đe dọa (Công ước 239
- CITES). Như vậy đối với thủy sản có tác động đến hoạt động khai thác, nghĩa vụ giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các phương tiện đánh bắt trong quá trình khai thác và hơn nữa liên quan đến nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu. Thứ hai: Điều 20.13 về Thương mại và đa dạng sinh học đề cập đến việc thúc đẩy khuyến khích bảo tồn đa dạng sinh học điều này có tác động trực tiếp tới hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững tránh những tác động đến môi sinh, môi trường và tính đa dạng sinh học. Thứ ba: Điều 20.16 về Đánh bắt thủy sản theo đó các nội dung cụ thể như sau: Ngăn ngừa đánh bắt khai thác quá mức quá năng lực (mục 3), Giảm thiểu khai thác đánh bắt ngẫu nhiên không phải mục tiêu đánh bắt (Khai thác tận thu tài nguyên, hủy diệt môi sinh, môi trường); thúc đẩy sự phục hồi của các loài thủy sản bị khai thác đánh bắt quá mức. Các thành viên TPP nhất trí mục tiêu quản lý bền vững nghề (mục 4) thúc đẩy việc bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng như cá mập, rùa biển, chim biển. Đấu tranh chống đánh bắt trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực nhất đến khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá (5a, 5b). Để giám sát việc thực các cam kết trên, các thành viên còn đã thống nhất thành lập Ủy ban về Môi trường, khuyến khích các sáng kiến tự nguyện về môi trường (ví dụ như các chương trình hợp tác về trách nhiệm xã hội). Như vậy có thể kết luận để tận dụng được lợi thế đối với thủy sản nói chung và với thủy sản xuất khẩu nói riêng cần phải nắm rõ các quy định có liên quan đến TPP đồng thời cần cụ thể hóa bằng các quy định đáp ứng theo những cam kết đối với xã hội, môi trường liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu thủy sản. 2. TÁC ĐỘNG CÁC CAM KẾT MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI THỦY SẢN XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM 2.1 Hiện trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 11 nước thành viên TPP Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 11 nước thành viên TPP đạt 3,81 tỷ USD, tăng 13,14% so với năm 2013, chiếm gần 49% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản của Việt Nam. Như vậy có thể khẳng định, thị trường các quốc gia TPP đóng góp một phần cực kỳ quan trọng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Biểu đồ 2.1: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 nước thuộc TPP 2014, 8 tháng đầu năm 2015 Nguồn: VASEP Theo biểu đồ 2.1, có thể thấy các quốc gia trong TPP có vị trí khác nhau trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong đó thị trường Mỹ chiếm 45,76%, Nhật Bản chiếm 31,77%, Canada chiếm 7,03%, Australia chiếm 6,27%, Singapore chiếm 2,86%, Mexico 240
- chiếm 3,28%, Malaysia chiếm 1,86%, New Zealand chiếm 0,59%, Chile chiếm 0,34%, Peru chiếm 0,2% và cuối cùng Brunei chiếm 0,04%. Tính đến 8 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu thủy sản vào 11 nước thành viên TPP đạt 1,91 tỷ USD chiếm 46,02% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm của Việt Nam. Như vậy, tận dụng được cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu hay không phụ thuộc rất lớn vào việc tận dụng được lợi thế mà TPP mang lại (từ việc tận dụng nguồn lực đầu tư bên ngoài, cắt giảm thuế quan trong việc xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu ) và giải quyết tốt những vấn đề có liên quan trong đó có vấn đề môi trường. 2.2 Những thách thức từ các quy định môi trường trong TPP đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam thực trạng và nguyên nhân Từ những phân tích nêu trên, rõ ràng có những cơ hội không ít đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam khi tham gia TPP, tuy nhiên cũng không ít những thách thức từ môi trường mà cụ thể có thể xem xét trên khía cạnh đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho xuất khẩu và các tác động do hoạt động chế biến phục vụ xuất khẩu và vấn đề ô nhiễm môi trường là điều mà thủy sản Việt Nam cần quan tâm. 2.2.1 Những tồn tại đối với vấn đề môi trường của thủy sản xuất khẩu Việt Nam Để đáp ứng được nhu cầu sản phẩm thủy sản xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam đã không ngừng phát huy lợi thế của mình trong hoạt động khai thác các nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tiếp tục mở rộng hoạt động nuôi trồng đáp ứng nhu cầu cho hoạt động chế biến hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, do tính tự phát hiệu quả thấp và thiếu sự kiểm soát dẫn đến những hậu quả đối với môi trường sinh thái. Có thể nói đây là những thách thức đối với thủy sản Việt Nam trong quá trình hội nhập: 2.2.1.1 Hoạt động đánh bắt thủy sản tự nhiên chưa mang tính bền vững và hiệu quả Thủy sản nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đều đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu của Việt Nam được huy động từ 3 nguồn: đánh bắt trong nước, nuôi trồng và nhập khẩu nước ngoài. Đối với nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì đây là cơ hội lớn trong việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến khi thuế suất nhập khẩu từ các quốc gia trong TPP về mức 0%. Tuy nhiên trong cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 17% nhập từ các quốc gia TPP. Phần còn lại nhập từ các quốc gia khác khi nhập về một mặt vẫn chịu mức thuế suất nhất định, một mặt không được hưởng mức thuế trong TPP nếu khi các sản phẩm này xuất khẩu trong các quốc gia TPP vẫn chịu thuế suất cao. Vì vậy, nhập khẩu nguyên liệu cũng không có nhiều ý nghĩa cho xuất khẩu. Chính vì lẽ đó muốn tận dụng tăng cường xuất khẩu Việt Nam cần phải quan tâm tới nguồn đánh bắt và nuôi trồng trong nước. Bên cạnh đó, năng lực quản lý môi trường trong hoạt động chế biến cũng cần phải quan tâm. Đối với thủy sản khai thác từ nguồn lợi tự nhiên đang có dấu hiệu suy giảm do các hình thức khai thác tận thu, khai thác không bảo vệ môi trường, môi sinh; vấn đề ô nhiễm môi trường; chi phí khai thác cao, chất lượng sản phẩm đánh bắt thấp do công nghệ khai thác lạc 241
- hậu. Do vậy ngành thủy sản nói riêng và thủy sản hướng tới xuất khẩu cần chú ý tới thực trạng của một số vấn đề có liên quan đến hoạt động đánh bắt tự nhiên cụ thể như sau: Thứ nhất: Nguồn lợi thủy hải sản trong tự nhiên của Việt Nam đang bị suy giảm do hoạt động khai thác đánh bắt không bền vững. Hoạt động đánh bắt quá nhiều với cường độ cao, nguồn lợi hải sản vùng ven bờ tiếp tục bị khai thác qua giơi han cho phep , tỷ trọng cá tạp trong khai thác ngày càng tăng, nguồn lợi thuỷ sản mất dần khả năng tự tái tạo, phục hồi; tình trạng sử dụng sử dụng ngư cụ đánh bắt không hợp lý như sử dụng hóa chất, bom mìn, xung điện gây phá hủy hệ sinh thái; các khu rừng ngập mặn, hệ sinh thái cửa song, ven biển bị phá huỷ do các hoạt động của con người dẫn đến việc mất nơi cư trú, sinh sản, sinh sống của các loài thủy sản; tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi tính đa dạng, trữ lượng của các loài thủy hải sản tác động ngược trở lại đối với hoạt động đánh bắt. Theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới, khoảng 80% rạn san hô và thảm cỏ biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở tình trạng rủi ro cao. Nếu không có hành động tích cực và hiệu quả thì chỉ đến hết năm 2030, biển Việt Nam sẽ trở thành “thủy mạc,” không còn rạn san hô và cũng không còn tôm cá nữa. Rất nhiều vùng biển ven bờ đã và đang bị khai thác nguồn lợi quá mức cho phép, tuy tổng sản lượng đánh bắt thủy sản tăng, nhưng sản lượng của một đơn vị đánh bắt hay hiệu xuất khai thác (tấn/CV/năm) hoặc giữ nguyên hoặc giảm từ 0,92 tấn/CV/năm xuống còn 0,34 tấn/CV/năm như hiện nay. Điều đó dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh khi các quốc gia khác khi tham gia TPP. Như vậy, theo điều Điều 20.13 trong chương 20 TPP “khai thác thủy sản bền vững tránh những tác động đến môi sinh, môi trường và tính đa dạng sinh học” chúng ta cần phải làm khá nhiều đối với các hoạt động khai thác đánh bắt tự nhiên không làm tổn hại đến môi trường, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Thứ 2: Vấn đề quản lý phương tiện đánh bắt và nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các phương tiện đánh bắt. Các phương tiện đánh bắt thủy sản của Việt Nam chủ yếu là các phương tiện đánh bắt cũ, lạc hậu, quy mô nhỏ và chưa kể đến các hoạt động của các phương tiện khai thác đánh bằng phương pháp hủy diệt, hủy hoại môi trường. Hoạt động đánh bắt chủ yếu là gần bờ với hiệu suất và hiệu quả thấp, các phương tiện đánh bắt xa bờ không đủ điều kiện bảo quản dẫn đến chất lượng sản phẩm thủy sản đánh bắt thấp không đáp ứng cho nhu cầu chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn từ các phương tiện cũ nát, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiên liệu có thể gây ra những tác động đến môi trường, môi sinh trên biển từ dầu thải của các phương tiện. Khi ra nhập TPP, nếu không quản lý tốt các vấn đề liên quan đến phương tiện đánh bắt, khu vực đánh bắt rất có thể sản phẩm thủy sản chế biến từ hoạt động đánh bắt bị từ chối nhập khẩu do không có nguồn gốc rõ ràng từ hoạt động đánh bắt hợp pháp hay không hợp pháp hoặc hoạt động đánh bắt có gây ra tác động xấu đối với môi trường hay không theo quy định tại điều 20.13 và 20.16 (5a,5b) trong chương môi trường. Hiện nay, tình hình đánh bắt và sự hoạt động của các phương tiện đánh bắt đang có những diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn và địa phương trên cả nước. Số phương tiện đánh 242
- bắt tăng nhanh, không được kiểm soát và gây hậu hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái. “Trong 3 tháng đầu năm 2015, lực lượng công an huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh đã tăng cường tổ chức tuần tra kiểm soát các phương tiện đánh bắt thủy sản trong hồ Dầu Tiếng. Qua đó đã phát hiện và lập biên bản xử lý 21 trường hợp đánh bắt thủy sản trái phép, phạt hành chính với số tiền hơn 60 triệu đồng”.Một trường hợp khác, theo kết quả thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bà rịa Vũng Tàu, “tổng số tàu thuyền đánh bắt thủy sản của tỉnh BR-VT là 6.278 chiếc. Trong khi đó, quy hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thì năm 2015 tổng số tàu đánh bắt thủy sản là 6.000 chiếc và đến năm 2020 còn 5.000 chiếc. Như vậy, lượng tàu đánh bắt thủy sản hiện nay vượt với quy hoạch 278 chiếc.Có nghề thừa, có nghề thiếu so với quy hoạch, cụ thể số lượng tàu làm nghề lưới kéo và tàu đánh bắt hải sản gần bờ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đây cũng là loại nghề gây ảnh hưởng nhiều nhất tới môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản”. 2.2.1.2 Hoạt động nuôi trồng thủy sản tác động và mang nhiều tiềm ẩn đối với vấn đề ô nhiễm môi trường Bên cạnh thủy sản đánh bắt từ tự nhiên, hoạt động nuôi trồng ngày càng đóng một vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu. Với những thành tựu quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, mở rộng diện tích nuôi trồng với diện tích và sản lượng tăng nhanh sau năm 1997 là thời điểm ra nhập WTO, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thủy sản Việt Nam đến thời điểm năm 2014 tổng diện tích nuôi trồng đã đạt hơn 1 triệu ha diện tích nuôi trồng và đem lại khoảng 3,4 triệu tấn sản phẩm, mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36.980 ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ là 22.140 ha, nước ngọt 14.840 ha. Diện tích nuôi ao, đầm nước lợ là 19.890 ha, nuôi lồng 68.340 chiếc với tổng thể tích là 1.093.440 m3 với tổng sản lượng NTTS đến năm 2020 đạt khoảng 158.190 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ đạt 122.310 tấn, nước ngọt đạt 35.880 tấn. 243
- Biểu đồ 2.2: Diện tích nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1990 – 2014 Nguồn: Tổng cục thống kê Quá trình hội nhập là cơ hội để phát triển đối với ngành đặc biệt là hoạt động nuôi trồng tuy nhiên có thể thấy mặt trái của hoạt động này cũng không ít. Đặc biệt đối với các quy định mới trong TPP về đảm bảo khía cạnh môi trường trong việc cung cấp chế biến các sản phẩm thủy sản. Đối với nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng trong nước tồn tại nhiều vấn đề bấp bênh trong khâu quy hoạch nuôi trồng dẫn đến lây lan dịch bệnh thủy sản nuôi trồng; nhu cầu con giống sạch không được kiểm soát chặt chẽ; công nghệ nuôi trồng thấp manh mún và phân tán dẫn đến khó sử lý tập trung nước thải sau nuôi trồng; việc kiểm soát nguồn thức ăn cũng như sử dụng hóa chất trong nuôi trồng chưa được quản lý nghiêm, người nuôi trồng đôi khi chỉ quan tâm đến những lợi ích trước mắt. Tất cả các nguyên nhân nói trên đang là những thách thức rất lớn đối với năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Sau đây là một số những đặc điểm và nguyên nhân vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng: 244
- Thứ nhất: Tính đa dạng đối với vị trí và cơ cấu loài nuôi trồng gây ra những áp lực đối với môi trường ở Việt Nam Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam mang tính tự phát và thiếu quy hoạch chủ yếu dưới hai hình thức nuôi trồng quẩng canh (đào các ao, đầm sau đó dẫn nước để nuôi trồng), thứ hai là nuôi lồng bè tại các con sông và vùng ven biển. Trong suốt quá trình nuôi luôn phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ điều kiện môi trường, ngoại cảnh và tác động của con người. Hoạt động nuôi trồng thủy sản Việt Nam có sự thay đổi khá lớn từ việc nuôi trồng nước ngọt sang nuôi trồng thủy hải sản nước mặn và nước lợ để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.Năm 2011 diện tích nuôi nước ngọt khoảng 395.000 ha, nước mặn và lợ 644.000 ha đến năm 2014 diện tích nuôi nước ngọt giảm xuống còn 367.000 ha, nước mặn tăng diện tích lên 670.000 ha. Sự thay đổi về cơ cấu loài nuôi trồng, cũng như hình thức nuôi trồng phục vụ xuất khẩu đang tạo ra những áp lực lớn đồi với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản ven biển tăng nhanh dẫn đến nguồn giống tự nhiên của một số loài cá giống kinh tế cư trú ở các rạn san hô bị đối tượng nuôi lồng bè khai thác cạn kiệt. Điều này làm ảnh hưởng đến chức năng duy trì nguồn lợi tự nhiên của các hệ sinh thái đặc hữu và ảnh hưởng tới khả năng khai thác hải sản tự nhiên của vùng biển. Thứ hai: Vấn đề chất thải nuôi trồng gây ô nhiễm môi trường Tại một số khu vực nuôi tôm, cá tập trung (trong đó có nuôi trên cát), do việc xả thải các chất hữu cơ phú dưỡng, chất độc vi sinh vật (cả mầm bệnh) và các chất sinh hoạt bừa bãi làm cho môi trường suy thoái, bùng nổ dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như về điều kiện môi trường sinh thái. Lạm dụng nước ngầm để nuôi tôm trên cát, không tuân thủ luật tài nguyên nước đang là hiện tượng khá phổ biến ở vùng cát ven biển miền Trung. Hậu quả lâu dài sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm, ô nhiễm biển và nước ngầm, gây mặn hóa đất và nước ngầm, thu hẹp diện tích rừng phòng hộ, làm tăng hoạt động cát bay và bão cát. Theo cách tính của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản ước tính gần đúng, muốn có 1 kg cá da trơn thành phẩm, người nông dân đã phải sử dụng từ 3 - 5 kg thức ăn. Thực tế chỉ khoảng 17%- 20 % thức ăn được cá hấp thu và phần còn lại (chừng 80%). Nước thải sau quá trình nuôi trồng do thức ăn thừa, lắng xuống phân hủy tạo ra các chất gây ô nhiễm dạng khí, ô nhiễm môi trường nước nuôi. Thứ ba: Vấn đề lạm dụng các hóa chất trong nuôi trồng Hiện nay, có rất nhiều loại sản phẩm thuốc, hoá chất và chế phẩm sinh học được dùng rộng rãi trong nuôi trồng thuỷ sản trên thế giới. Hoá chất được dùng trong nuôi trồng thuỷ sản trên thế giới thường ở các dạng sau: thuốc diệt nấm, thuốc khử trùng, thuốc diệt tảo, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt ký sinh trùng, thuốc diệt khuẩn và chất kháng sinh được sử dụng đáng kể trong nuôi trồng thủy sản hoặc để chữa các bệnh lây nhiễm hoặc phòng bệnh. Những hoá chất trên có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ động vật thuỷ sản nếu như sử dụng đúng, nhưng khi lạm dụng dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây rủi do cho người lao động, tồn dư các chất độc trong sản phẩm thuỷ sản gây hại cho người tiêu dùng, làm giảm giá trị thương phẩm và gây ra những tồn dư các chất hóa học gây tác động xấu đến môi trường. 245
- Như vậy, hoạt động nuôi trồng tiềm ẩn rất nhiều vấn đề tác động đến môi trường như mất cân bằng sinh thái, xâm nhập mặn, dịch bệnh, hóa chất. Nếu không được quy hoạch phát triển và quản lý đúng cách rất có thể mặc dù tiềm năng lớn diện tích nuôi trồng nhiều và sản lượng tăng nhanh nhưng phần lớn những sản phẩm mà quá trình nuôi trồng gây hậu quả đối với môi trường sẽ không được chấp nhận trong khuôn khổ của TPP. 2.2.1.3 Một số thách thức về môi trường đối với hoạt động chế biến thủy sản của Việt Nam Đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Việt Nam thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp khi phải chi phí cho vấn đề Bảo vệ môi trường. Thiếu thông tin, hiểu biết về nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên, môi trường, nên không tự giác thực hiện việc giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường; hầu hết các doanh nghiệp chưa xác định được nhiệm vụ và trách nhiệm đối với xã hội về bảo vệ môi trường. Đồng thời, công nghệ sản xuất và trình độ quản lý còn nhiều bất cập dẫn tới tình trạng chi phí lớn, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, riêng lĩnh vực chế biến thủy sản, hiện vẫn còn 16% cơ sở chế biến tập trung chưa có hệ thống xử lý nước thải. Ô nhiễm môi trường chủ yếu do công nghệ lạc hậu. Điển hình là các thiết bị xử lý khí thải đang sử dụng trong lĩnh vực chế biến thủy sản (chỉ 70,52% có bộ phận xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường; số còn lại hầu như không được thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng). Tình trạng khác là có thiết bị xử lý ô nhiễm nhưng hoạt động không hiệu quả và thậm chí không được đưa vào hoạt động.Chi phí vận hành cho xử lý nước thải 2.000 - 3.500 đồng/m3. Chi phí xử lý ô nhiễm khoảng 500.000 đồng/tấn sản phẩm. Một số doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm bằng cách hạn chế sử dụng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Theo Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường (C49), hoạt động chế biến thủy sản là “một trong những ngành gây ô nhiễm nghiêm trọng”. Từ năm 2012 đến nay, C49 đã phát hiện, xử lý trên 500 vụ vi phạm ô nhiễm môi trường trong ngành thủy sản, phạt hành chính hơn 18 tỷ đồng tại Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh Tỉnh Bạc Liêu 6 tháng đầu năm 2015, đoàn liên ngành kiểm tra tại 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bệnh viện (trong đó 63 cơ sở thu mua, sơ chế và nhà máy chế biến thủy sản), thấy còn 9 cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đã phạt hành chính tổng số tiền 1,1 tỷ đồng đồng thời cảnh cáo 29 cơ sở. 2.2.2 Một số nguyên nhân đối với vấn đề môi trường của thủy sản Việt Nam Ô nhiễm môi trường nói chung, vấn đề suy giảm nguồn lợi thủy sản và tính đa dạng sinh học nói riêng đang tác động hết sức lớn đến mục tiêu bền vững của thủy sản Việt Nam bởi một số nguyên nhân mang tính khách quan và chủ quan sau đây: 2.2.2.1 Nguyên nhân khách quan Thứ nhất: Quá trình nhận thức chưa đầy đủ, thiếu kiến thức và trình độ đối với ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản, các cá nhân tham gia chế biến, xuất khẩu. Việc thiếu các kiến thức liên quan đến vấn đề môi trường, tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong quá trình hội nhập, tác động của ô nhiễm môi trường suy thoái môi trường đến sự tính bền vững đối với các nguồn lợi thủy sản. Từ đó sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu đó là sự cạn kiệt các nguồn lợi bị khai thác cạn kiệt một cách nhanh chóng, ô nhiễm môi trường gây ra dịch bệnh trong nuôi trồng gây ra những tổn thất rất lớn đối với sức khỏe con người, đối 246
- với kinh tế và đối với các hoạt động kinh tế khác. Bên cạnh đó, áp lực của quá trình hội nhập nói chung và đối với TPP nói riêng thì có thể coi đây là “cú sốc” lớn khi phải cạnh tranh đối với các quốc gia đã có kinh nghiệm quản lý, trình độ khoa học đặc biệt đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Thứ hai: Thiếu vốn, khoa học công nghệ Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung và giải quyết vấn đề môi trường nói riêng chắc chắn không thể nhắc đến vai trò của vốn và năng lực khoa học công nghệ. Với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao của Việt Nam, khả năng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng thấp chắc chắn là vấn đề đặt ra trong quá trình hội nhập và hậu quả là thiếu sản phẩm, sản phẩm kém chất lượng, giá thành sản phẩm không cạnh tranh, không đáp ứng được các yêu cầu về môi trường và bảo vệ nguồn lợi. Thứ ba: Áp lực của các hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là hoạt động công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt đến môi trường khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sự phát triển một cách nhanh chóng từ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước kéo theo sự phát triển không chỉ hoạt động của lĩnh vực thủy sản mà còn các hoạt động khác như công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hóa, di dân đã và đang gây ra những tác động xấu đối với vấn đề môi trường như sự suy giảm các diện tích rừng ngập mặn phòng hộ, ô nhiễm các con sông, vùng ven biển đã, đang và sẽ tác động rất lớn đối với nguồn lợi thủy sản nói chung và hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản nói riêng. Thứ tư: Tác động biến đổi khí hậu Việt Nam là một trong những quốc gia đã và đang chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và hệ quả của nó là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quy hoạch, cơ cấu và hiệu quả nuôi trồng. Rõ ràng, nếu không có biện pháp ứng phó và không có sự chuyển đổi thì phát triển thủy sản sẽ phải “trả giá” đối với nhiều vấn đề khác có liên quan đến môi trường như hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các hoạt động nông nghiệp, nhu cầu nước phục vụ trong sinh hoạt. 2.2.2.2 Nguyên nhân chủ quan Thứ nhất: Hoạt động quản lý Nhà nước chưa thực sự phát huy tính hiệu quả Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và đặc biệt đối với lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên có thể nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại như hiệu quả của các công cụ pháp lý vẫn chưa cao, chưa thực sự tạo động lực và gắn trách nhiệm đối với các cá nhân tổ chức đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, công tác giám sát xử lý mang tính hính thức, chưa giải quyết triệt để như vấn đề xung đột giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với môi trường. Công tác nghiên cứu, quy hoạch chưa thực sự hợp lý dẫn đến sự phát triển một cách tự phát tiềm ẩn nhiều những nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó các giải pháp hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin, tài chính (Chương trình đánh bắt cá xa bờ) chưa thực sự hiệu quả, chưa mang lại lợi ích thiết thực và tính căn cơ lâu dài đối với sự phát triển của lĩnh vực thủy sản. Thứ hai: Ý thức trách nhiệm của chủ thể tham gia chưa cao 247
- Không thể nói toàn bộ các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến có ý thức chưa cao nhưng bộ phận này tập trung phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại. Bộ phận còn lại chưa có ý thức dẫn đến tính ổn định, đảm bảo về chất lượng, tính hợp pháp về nguồn nguyên liệu cũng như các vấn đề khác có liên quan đến môi trường sẽ là rào cản rất lớn đối với uy tín, chất lượng và sự khó khăn trong việc đảm bảo nguồn gốc sản phẩm trong quá trình hội nhập. 3. MỘT SỐ ĐỄ XUẤT VÀ GỢI Ý VỀ CHÍNH SÁCH NHẰM ĐÁP ỨNG CÁC QUY ĐỊNH MÔI TRƯỜNG TRONG TPP ĐỐI VỚI THỦY SẢN XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM Chiến lược phát triển của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2020 là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ tốt môi trường và giải quyết hài hòa các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội. Nhà nước quan tâm và ban hành ngày càng nhiều các quy định mang tính pháp lý để hạn chế sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội, đồng thời, cũng hạn chế tới mức tối đa các hành vi vi phạm, hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Để hiện thực hóa được mục tiêu đó đối với các hoạt động phát triển kinh tế trong quá trình hội nhập nói chung, tham gia TPP nói riêng và đặc biệt đối với lĩnh vực thủy sản, thủy sản xuất khẩu thiết nghĩ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản cần phải thực hiện một số giải pháp mang tính cấp bách sau đây: Thứ nhất: đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường nói chung và đối với lĩnh vực thủy sản i. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như Pháp luật như Luật thủy sản, Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, Quy định quản lý môi trường trong chế biến thủy sản trong đó thể hiện trách nhiệm rõ ràng nhiều hơn nữa của ngành, các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản đến trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Bên cạnh các quy định hiện có, Nhà nước cần có thêm những quy định đủ mạnh vừa có tính khuyến khích nhưng cũng thể hiện trách nhiệm cá nhân tiến hành các hoạt động kinh tế phải quan tâm, phải tính toán, phải khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động nuôi trồng, chế biến và đánh bắt thủy sản. ii. Cần tăng cường các nghiên cứu, chỉ ra các cam kết cụ thể của TPP đối với lĩnh vực thủy sản qua đó có những phổ biến hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các vi phạm liên quan đến các qui định về trách nhiệm xã hội, môi trường, và các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác hàng hóa, truy suất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đối với các hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến , minh doanh thủy sản bảo đảm tuân thủ đúng các cam kết mà Việt Nam đã đàm phán khi gia nhập TPP, có như vậy mới giúp ngành thủy sản tránh được các rủi ro không đáng có khi gia nhập TPP. iii. Nhà nước cần có những hỗ trợ cần thiết theo đúng quy định và khuôn khổ các cam kết trong TPP mà không vi phạm đối với yêu cầu trợ cấp các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng gây tổn hại đến môi trường bằng việc xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, các dự án bảo tồn đa dạng sinh học biển, nghiên cứu các hình thức khai thác đánh bắt phù hợp (đánh bắt theo mùa), quy hoạch vùng đánh bắt nuôi trồng kết hợp với các chương trình dự án 248
- về bảo vệ môi trường, hiện đại hóa phương tiện đánh bắt để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và mở rộng vùng đánh bắt trên vùng biển quốc tế. iv. Cần có một quy hoạch phát triển đối với lĩnh vực thủy sản mang tính dài hạn đối với hoạt động đánh bắt, vùng nuôi trồng với mục tiêu kết hợp hài hòa với các mục tiêu phát triển khác với vấn đề bảo vệ môi trường. Đồng thời cần có những nghiên cứu và đưa ra các giải pháp cụ thể để hạn chế tác hại, ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Thứ hai: Đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản Việt Nam i. Các cá nhân tổ chức cần nhận thức rõ vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường nói riêng vừa đem lợi ích vừa là trách nhiệm đối với xã hội cũng là những thách thức cần phải vượt qua khi hội nhập TPP. Do vậy, nâng cao nhận thức đối với các chủ thể trong đó có người quản lý, người lao động đối với vấn đề môi trường nói chung, sử lý vấn đề môi trường, công khai minh bạch các thông tin môi trường là một giải pháp cần thiết và thiết thực để không chỉ nâng cao kim ngạch xuất khẩu hải sản sang các thị trường các quốc gia TPP mà còn nâng cao uy tín về hình ảnh con người, sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế. ii. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng việc tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, các biện pháp tiên tiến đồng bộ từ khâu thức ăn, khâu chăm sóc, khâu xử lý môi trường đáp ứng các quy định của Việt Nam cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, sân chơi chung của TPP đi kèm những áp lực cạnh tranh lớn đặc biệt là chi phí cho các vấn đề đầu tư công nghệ hiện đại trong đánh bắt và sử lý các vấn đề môi trường trong khi đó với quy mô doanh nghiệp nhỏ sẽ rất khó cạnh tranh và phát huy lợi thế. Thiết nghĩ các doanh nghiệp có thể hợp tác thông qua góp vốn, mở rộng quy mô để nâng cao sức cạnh tranh để phát huy tối đa năng lực. Chủ đầu tư canh tác nuôi trồng và chế biến thủy sản phải tập trung đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom tập trung, phân loại hợp lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt; quản lý lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn nguy hại theo đúng quy định, cũng như phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn về môi trường Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản và người dân lân cận. KẾT LUẬN Hội nhập đem lại thời cơ rất lớn đối với thủy sản xuất khẩu.Vấn đề môi trường đối với thủy sản xuất khẩu còn tồn tại rất nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết để có thể phát huy hết những lợi thế của TPP đem lại. Nhận thức đầy đủ các cam kết nói chung và các cam kết về môi trường nói riêng trong TPP sẽ là “liều thuốc” hết sức quan trọng giúp thủy sản xuất khẩu của Việt Nam khẳng định vị thế và tăng cường sự đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế đất nước, đồng thời giải quyết căn bản, tận gốc những vấn đề phát sinh là những rủi ro mà thực tế lĩnh vực thủy sản Việt Nam đang gặp phải trong đó nổi bật là các vấn đề có liên quan đến môi trường. 249
- TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Duy Nghĩa, (2013), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cơ hội nào cho Việt Nam; 2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, (2015), Thủy sản Việt Nam trước thềm TPP mừng ít, lo nhiều. 3. ThS. Nguyễn Đề Thủy, (2015), Gia nhập TPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam 4. ThS. Nguyễn Tiến Hưng, (2015), Cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu thủy sản khi Việt Nam gia nhập TPP, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản 5. ThS. Trần Hoàn, (2015), Cam kết môi trường trong TPP: Nhưng vân đê mơi va cac cơ hôi, thach thưc đôi vơi Viêt Nam, Viên Nghiên cưu Thương mai, Bô Công Thương 6. PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, (2015), Hiệp định TPP – Cơ hội, thách thức và giải pháp chiến lược, Ban Kinh tế Trung ương. 7. ThS. Lê Quốc Cường, (2014), Nghiên cứu thực tiễn áp dụng cơ chế kiểm toán và quản lý sinh thái EMAS đối với doanh nghiệp nuôi trồng thủy hải sản Việt nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU, Trường Đại học Thương mại. 8. Hoàng Xuân Huy, (2015), Giới thiệu khái quát Chương môi trường trong Hiệp định TPP, Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và môi trường. 9. Nguyễn Thùy Linh, (2015), Các nội dung liên quan tới trợ cấp thủy sản và bảo tồn trong Chương môi trường, Hiệp định TPP, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. 250