Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện: Một số vấn đề lý luận

pdf 9 trang Gia Huy 24/05/2022 3620
Bạn đang xem tài liệu "Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện: Một số vấn đề lý luận", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthuc_day_phat_trien_tai_chinh_toan_dien_mot_so_van_de_ly_lua.pdf

Nội dung text: Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện: Một số vấn đề lý luận

  1. THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN ThS. Phạm Đức Anh ThS. Trần Ngọc Tiến Học viện Ngân hàng Tóm tắt Thúc đẩy tài chính toàn diện là chủ đề được đề cập tới trong khá nhiều nghiên cứu gần đây, cả trong và ngoài nước. Nhiều quốc gia đã và đang xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thúc đẩy tài chính toàn diện. Nội hàm của thúc đẩy tài chính toàn diện gắn liền với việc thúc đẩy một quy trình mà ở đó các tổ chức tài chính phân phối cho cộng đồng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức với phương thức và giá cả hợp lý nhằm đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Bài viết này tập trung làm rõ hơn các yếu tố thúc đẩy tài chính toàn diện. Từ khóa: Thúc đẩy tài chính toàn diện, dịch vụ tài chính, tổ chức tài chính 1. Khái niệm thúc đẩy tài chính toàn diện Tài chính toàn diện là việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả người dân. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Tài chính toàn diện có thể tạo ra tác động tích cực như: gia tăng tiết kiệm và đầu tư, qua đó, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Tiếp cận dịch vụ ngân hàng giúp các cá nhân và doanh nghiệp tìm được nguồn lực để đáp ứng những nhu cầu như vay vốn cho các cơ hội kinh doanh, đầu tư cho con cái học hành, hoặc dành tiền tiết kiệm khi về hưu Tài chính toàn diện được đo lường dựa trên ba khía cạnh (Gortsos, 2015): (i) Mức độ bao phủ của các tổ chức tín dụng, (ii) Mức độ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính, và (iii) Chất lượng sản phẩm dịch vụ tài chính. Từ đó, có thể hiểu thúc đẩy tài chính toàn diện là thúc đẩy mức độ bao phủ của các tổ chức tín dụng chính thức, tăng cường mức độ sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính; là gia tăng chất lượng sản phẩm dịch vụ tài chính. Theo báo cáo của World Bank (2017), trong điều kiện thế giới vẫn còn khoảng 30% dân số chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, trong đó hơn một nửa là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì việc thúc đẩy tài chính toàn diện là động thái hết sức có ý nghĩa - điều này đặc biệt đúng đối với đối tượng dễ bị tổn thương, người nghèo, phụ nữ, trẻ em hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 2. Những khía cạnh chủ yếu của quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện Về mặt nội hàm, có thể nhìn nhận quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện trên sáu khía cạnh sau: 2.1. Thúc đẩy các đối tượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính Theo loại hình trung gian tài chính, các đối tượng cung ứng gồm: các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán. Ngân hàng thương mại: Trong số này, ngân hàng hương mại được xem là đối tượng chủ chốt ở khu vực các nước đang phát triển, nơi thị trường chứng khoán và thị trường phái sinh chưa 49
  2. phát triển hoàn thiện như Việt Nam. Khu vực ngân hàng chính thức thông thường sẽ tập trung phục vụ cho nhóm khách hàng ở trên ngưỡng nghèo, chủ yếu là những người làm công ăn lương, có thu nhập ổn định. Hệ thống ngân hàng thương mại đóng vai trò như nền tảng chủ chốt, là bệ đỡ cho sự phát triển của tài chính quốc gia nói chung, trong đó có tài chính toàn diện. Các dạng thức phát triển của tài chính toàn diện cũng dựa trên nền tảng này. Cuối cùng, sự phát triển của các định chế tài chính đặc biệt có định hướng phù hợp với mục tiêu của tài chính toàn diện là nền tảng cho chiến lược phát triển tài chính toàn diện cấp quốc gia. Trong nhóm này, có thể kể đến Ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp, các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Tại nhiều quốc gia, các ngân hàng chính sách (có thể là ngân hàng thương mại nhà nước) đóng một vai trò chính trong hệ thống ngân hàng đối với việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo. Các ngân hàng này là những tổ chức tài chính duy nhất có mạng lưới rộng lớn tại khu vực nông thôn và các chính phủ thường sử dụng họ chỉ để thúc đẩy tín dụng và tiết kiệm tại những vùng ít mang lại lợi ích thương mại và để thực hiện những chương trình xã hội. Ngân hàng đại lý: cần đề cao sự tham gia của các ngân hàng đại lý hay các công ty tài chính, công ty Fintech trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện. Các đối tượng này có vai trò lan tỏa và đem dịch vụ tài chính trở nên gần gũi, dễ dàng tiếp cận, với chi phí rẻ hơn cho các đối tượng chưa thể trực tiếp đến các trung gian tài chính như ngân hàng thương mại. Thúc đẩy sự hợp tác phát triển của các định chế tài chính truyền thống với các dịch vụ tài chính hiện đại, ứng dụng công nghệ mới như Fintech hay dữ liệu lớn (Big data). Các giải pháp tài chính tiến bộ là sự kết hợp của rất nhiều công nghệ, bao gồm công cụ phân tích dữ liệu từ ngân hàng lõi, tổ chức tín dụng, ví điện tử, kết quả kiểm tra tâm lý và dữ liệu điện thoại di động, v.v để rồi trí thông minh nhân tạo (AI) sau đó áp dụng các thuật toán để trình bày điểm tín dụng hay độ tin cậy của khách hàng, cũng như đưa ra những biện pháp phòng chống gian lận cần thiết. Trong thời đại công nghệ số, sự kết hợp này tạo ra mô hình mới trong gia tăng hiệu năng của các ngân hàng trên phương diện quản lý chất lượng sản phẩm cũng như quản lý rủi ro. 2.2. Thúc đẩy các đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính Đối tượng của tài chính toàn diện là toàn bộ chủ thể trong nền kinh tế, từ tổ chức đến cá nhân, từ những người có thu nhập cao nhất đến những người có thu nhập thấp nhất, không phân biệt vùng miền, địa lý; không phân biệt văn hóa hay trình độ học vấn. Ở giai đoạn đầu, việc mỗi cá nhân sở hữu tài khoản giao dịch đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi nó cho phép họ có thể gửi/nhận tiền, cũng như mở ra cơ hội cho việc sử dụng các dịch vụ tài chính khác. Do vậy, thúc đẩy tài chính toàn diện cũng chính là thúc đẩy tối đa các đối tượng này tham gia vào hệ thống tài chính chính thức và tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính do các trung gian tài chính cung cấp. Tuy nhiên, mỗi đối tượng lại có một đặc điểm riêng về nhu cầu và đặc tính đòi hỏi muốn thúc đẩy hiệu quả và bền vững cách thức và phương tiện thúc đẩy tương ứng. Chủ thể là doanh nghiệp: doanh nghiệp là những đối tượng mà dịch vụ tài chính là dịch vụ không thể thiếu trong quá trình hoạt động kinh doanh, bao gồm các dịch vụ liên quan đến hoạt động tài trợ (như huy động vốn nợ, huy động vốn chủ sở hữu, cho vay, bảo lãnh phát hành ); các dịch vụ liên quan đến hoạt động đầu tư (quản lý tài sản, quản lý danh mục đầu tư, tiền gửi, thanh toán ) hay các dịch vụ liên quan đến quản trị các khoản lợi nhuận, phân chia lợi nhuận (thanh toán cổ tức cho cổ đông, phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên, ủy thác ). Nhu cầu tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức ở đối tượng này rất lớn về cả quy mô lẫn phương thức đa dạng, chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp cũng là những tổ chức có yêu cầu khắt khe nhất về dịch vụ tài chính từ các trung gian tài chính, như chất lượng tốt, phí thấp, thời gian nhanh chóng, thủ tục đơn giản, tinh gọn Đồng thời, phí từ các đối tượng này cũng là nguồn thu lớn cho các trung gian tài chính (các ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại). 50
  3. Chủ thể doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng quan trọng của tài chính toàn diện. Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức lại rất hạn chế và hệ quả là đẩy các doanh nghiệp này tới việc tìm kiếm những nguồn tài chính phi chính thức nhiều bất ổn, rủi ro. Chưa kể, đối tượng này có những nhu cầu vốn ngắn hạn cao hơn so với vốn trung và dài hạn để bù đắp nhu cầu vốn lưu động thiếu hụt tạm thời và lấp đầy những khoảng trống cho các dự án nhỏ lẻ của họ. Song, khi khả năng và trình độ quản lý tài chính còn hạn chế, việc có thể vay vốn từ khối ngân hàng thương mại là thách thức lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi bên cạnh các nguồn chính thức, họ có thể tiếp cận những nguồn khác từ người thân, bạn bè, ngân hàng ngầm một cách dễ dàng hơn (chi phí cao hơn). Nhìn chung, những điều khoản cung cấp tín dụng và dịch vụ tài chính dường như dành cho các doanh nghiệp lớn hơn là các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập. Vì thế, đối tượng này cần được đặc biệt quan tâm thúc đẩy trong quá trình tăng cường độ sâu và rộng về bao trùm tài chính. Và việc nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến tiếp cận tài chính của các SME là không thể thiếu. Do vậy, hàng loạt công trình đã được thực hiện để tìm kiếm lời giải cho vấn đề này. Hầu hết, các tác giả đều chỉ ra rằng, quy mô doanh nghiệp, thời gian hoạt động và mối quan hệ với nhà cung ứng dịch vụ sẽ là những yếu tố chủ đạo tác động lên quyết định lựa chọn dịch vụ của các doanh nghiệp. Chủ thể là cá nhân: là những đối tượng có nhu cầu và khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân. Khả năng tiếp cận tài chính cá nhân của nhóm đối tượng này phụ thuộc vào 4 yếu tố cơ bản: giới tính (gender), độ tuổi (age), học vấn (education), và thu nhập (income). Trong các yếu tố này, thu nhập được xem là có ảnh hưởng đến việc sử dụng tài khoản chính thức và có tiết kiệm chính thức tại Việt Nam. Cụ thể, ba nhóm thu nhập thấp nhất (thấp nhất, dưới trung bình và trung bình) đều ít sử dụng tài khoản chính thức và có tiết kiệm chính thức, trong đó nhóm người nghèo nhất (nhóm 1) ít có khả năng sử dụng các dịch vụ này nhất. Thứ hai, học vấn cũng có những tác động khác nhau lên việc lựa chọn dịch vụ tài chính chính thức, trong khi trình độ học vấn cao có xu hướng tăng sở hữu tài khoản chính thức và tiết kiệm chính thức thì biến độc lập này lại tương quan âm với việc sử dụng tín dụng chính thức. Thứ ba, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi có mối quan hệ phi tuyến với việc tiết kiệm chính thức và sử dụng tín dụng chính thức. Trong khi đó thống kê mẫu nghiên cứu, giới tính không ảnh hưởng đến việc sử dụng tài khoản chính thức và có tiết kiệm chính thức. Tuy nhiên, phụ nữ có khuynh hướng sử dụng kênh tín dụng chính thức nhiều hơn. Cũng trong phần tổng quan của nghiên cứu này, các tác giả đã chỉ ra rằng, đặc tính khu vực, quốc gia có thể làm thay đổi các lý do cá nhân chính tác động lên quyết định lựa chọn dịch vụ tài chính chính thức hay phi chính thức. Ở mức hộ gia đình, một số nghiên cứu về dịch vụ ngân hàng chính thức tại Mexico và các quốc gia chuyển đổi đã cho thấy vai trò của các đặc điểm của hộ gia đình có ảnh hưởng như thế nào đối với tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức. Djankov và những người khác (2008) đã sử dụng bộ dữ liệu về hộ gia đình của Bộ Nông nghiệp Mexico, cho thấy các hộ với tài khoản ngân hàng có mức chi phí sinh hoạt cao hơn, có tài sản lớn hơn và có học vấn cao hơn. Beck và Brown (2010) sử dụng dữ liệu của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ ngân hàng chính thức ở mức hộ gia đình. Các tác giả tìm thấy khả năng có tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng thẻ ngân hàng tăng cùng với mức thu nhập, tài sản, và trình độ học vấn của các hộ ở hầu hết các quốc gia chuyển đổi. Các nhân tố như tôn giáo, địa điểm sống thành thị hay nông thôn và dân tộc (thiểu số hay đa số) có ảnh hưởng đáng kể lên lựa chọn sử dụng dịch vụ chính thức của các hộ gia đình. Kết luận này khá tương đồng với những gì Demirgüc-Kunt và Klapper (2013) phân tích. Trong công trình của mình, các tác giả kết luận thông qua nghiên cứu việc sử dụng các dịch vụ tài chính tại các quốc gia dựa trên ba chỉ tiêu chí: sở hữu tài khoản ngân hàng, tiết kiệm tại ngân hàng, và sử dụng tín dụng ngân hàng. Tài chính toàn diện ở quy mô cá nhân thật sự chịu tác động của yếu tố thu nhập. 51
  4. Turvey and Kong (2010) lại chỉ ra vai trò của niềm tin (trust) với lựa chọn dịch vụ tài chính. Tác giả đã sử dụng bộ dữ liệu điều tra từ hơn 1.500 hộ nông dân nhằm so sánh quyết định chọn lựa giữa vay chính thức và phi chính thức. Kết quả cho thấy có mối quan hệ cùng chiều giữa độ tin tưởng (trust) với tín dụng phi chính thức, và không tin tưởng với việc chọn sử dụng tín dụng chính thức. Theo thống kê, trong 1.500 hộ này, tỷ lệ vay mượn phi chính thức rất cao, có hơn 67% hộ nông dân vay mượn từ bạn bè và người thân. Cùng kết quả với Turvey và Kong (2010), Karlan và cộng sự (2009) cũng tìm ra bằng chứng về sự tin tưởng có thể là một chỉ số quan trọng cho việc cho vay không chính thức giữa bạn bè và người thân ở Peru. Những quan điểm cá nhân ngoài niềm tin, như sự ưa thích tài sản tài chính chính thức/phi chính thức cũng có tác động lên lựa chọn dịch vụ. Kết quả của Hoff và Stiglitz (1993) gợi ý rằng bất cân xứng thông tin trong các thành viên của cộng đồng ít hơn rất nhiều so với bất cân xứng thông tin giữa người cho vay chính thức và cộng đồng và điều này cũng có thể giải thích được sức mạnh của việc cho vay phi chính thức; nhưng điều này cũng cho thấy rằng việc phân bổ tín dụng sẽ tồn tại và điều này sẽ dẫn đến việc vay mượn không chính thức vẫn có ảnh hưởng lớn. Trong nhiều trường hợp, Hoff và Stiglitz (1993) còn cho rằng, vay mượn không chính thức có thể chỉ đơn giản là được ưa thích hơn là vay chính thức. Allen và cộng sự (2012) phân tích đặc điểm cá nhân và đặc điểm quốc gia ảnh hưởng đến việc sở hữu tài khoản tại ngân hàng, tiết kiệm tại ngân hàng ở 123 quốc gia. Kết quả cho thấy thu nhập và trình độ học vấn tác động đến tiếp cận tài chính cá nhân toàn diện. Có cùng kết luận về mối quan hệ của thu nhập và trình độ học vấn đến tài chính toàn diện cá nhân, Fungacova and Weill (2015) tập trung nghiên cứu tại Trung Quốc và so sánh với các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Bài viết còn chỉ ra rằng yếu tố giới tính cũng có ảnh hưởng đến việc ra các quyết định tài chính, trong đó, nam giới và người lớn tuổi có mức độ tiếp cận tài chính cao hơn. 2.3. Thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ tài chính Thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ tài chính là việc thúc đẩy sự đa dạng và chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Sự đa dạng thể hiện ở số lượng và chủng loại các sản phẩm, dịch vụ. Chất lượng thể hiện ở chi phí thấp và đem về sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng dịch vụ. Đa dạng hóa kênh phân phối và mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính: Việc đa dạng kênh phân phối và các điểm tiếp cận dịch vụ là việc làm tiếp theo để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Trong một thế giới công nghệ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là công nghệ viễn thông, khi mạng lưới truyền thống (hay vật lý) của các tổ chức tín dụng như chi nhánh, phòng giao dịch trở nên đắt đỏ về mặt chi phí thì có một số chính sách mới đã chứng tỏ được hiệu quả, bao gồm: i) thanh toán qua điện thoại di động; ii) dịch vụ ngân hàng đại lý; iii) đa dạng hóa nhiều loại hình cung cấp dịch vụ tài chính và iv) thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng chính sách. Thúc đẩy tài chính toàn diện cũng chính là tăng cường phạm vi và chất lượng dịch vụ của các đối tượng này. Phạm vi của việc thúc đẩy càng sâu rộng thì tài chính toàn diện càng có điều kiện tăng cường. Xét một cách cụ thể, các sản phẩm dịch vụ cần có sự tương thích với đặc điểm từng địa bàn thành thị, nông thôn, vùng có thu nhập cao, vùng có thu nhập thấp, vùng có dân trí cao hay vùng có dân trí thấp, khoảng cách gần, xa - Sản phẩm dịch vụ cho đối tượng khu vực thành thị Đặc trưng của người dùng sản phẩm dịch vụ ở khu vực thành thị thường là có thu nhập cao, trình độ dân trí cao, dễ tiếp cận các loại hình dịch vụ tài chính. Những điểm mạnh này giúp cho người dân ở các thành phố có điều kiện sử dụng và lựa chọn các sản phẩm phù hợp với năng lực của bản thân hay mức thu nhập. Tuy nhiên, sự quá đa dạng của sản phẩm và dịch vụ cũng có thể trở thành bất lợi khi người dùng phải đối diện với quá nhiều lựa chọn trong quá trình ra quyết định, dẫn tới những kết quả có thể không như kỳ vọng. 52
  5. Chiến lược về phát triển các sản phẩm kỹ thuật số và ứng dụng di động tỏ ra có độ tương thích cao với đặc trưng của khách hàng tiếp nhận dịch vụ ở khu vực thành thị. Bởi những đối tượng này có trình độ am hiểu kỹ thuật, ngoại ngữ, có thu nhập trung bình cao hơn. Digital banking hiện được xem là xu thế phát triển của các ngân hàng hiện đại, trong điều kiện bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0. Sự vào cuộc của công nghệ mới nhất giúp các ngân hàng tối giản quy trình, mô hình ngân hàng truyền thống phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh sẽ dân được chuyển sang mô hình tích hợp các dịch vụ ngân hàng điện tử, giúp khách hàng không cần đến các điểm giao dịch mà vẫn có thể thực hiện các nhu cầu cá nhân như thanh toán, tiết kiệm, chuyển tiền Theo kết quả của khảo sát “Dịch vụ Ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) năm 2017, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp ngân hàng điện tử so với 21% trong năm 2015. Thêm vào đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng góp phần lan tỏa ảnh hưởng của dịch vụ ngân hàng số tới một lượng lớn hơn khách hàng ở khu vực thành thị. Nhìn chung, một giải pháp cung ứng đa dạng và đầy đủ các loại hình sản phẩm và dịch vụ, đi kèm các ứng dụng, tiện ích từ công nghệ số cần được đặc biệt quan tâm ở khu vực thành thị. - Sản phẩm dịch vụ cho đối tượng khu vực nông thôn Nếu như ở khu vực thành thị, người dùng có điều kiện thuận lợi để tiếp cận, lựa chọn và sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính thì ở khu vực nông thôn, những yếu tố này giảm đi đáng kể trong khi các rào cản lại lớn hơn: khoảng cách địa lý quá xa, chi phí mở tài khoản cao so với thu nhập, giấy tờ thủ tục khó hoàn thiện và vì giáo dục tài chính chưa bao trùm nên dẫn tới sự thiếu tin tưởng vào các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Một khảo sát của Niesel cho thấy, khách hàng có xu hướng thích giao dịch ở những ngân hàng gần nhà hoặc nằm trong tuyến đường di chuyển hàng ngày của họ. Do vậy, đi lại khó khăn và xa điểm giao dịch ở nông thôn gây không ít trở ngại cho khách hàng vốn dĩ đã yếu về kỹ thuật, năng lực tài chính. Khách hàng ở khu vực này cũng có thể dễ tin tưởng vào các dịch vụ môi giới hoặc bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn tới mất tiền, tiềm ẩn rủi ro vỡ nợ hơn. Khu vực nông thôn, do vậy, có thể coi là tâm điểm ưu tiên của phát triển tài chính toàn diện, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với đặc trưng của các khách hàng. Đặc biệt, người dân lại có nhu cầu rất lớn về vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình hoặc phục vụ đời sống thường ngày. Khi khó tiếp cận các sản phẩm từ ngân hàng với chi phí đắt đỏ và thủ tục giấy tờ phức tạp, giải pháp đến từ các nhà cung ứng tài chính toàn diện như ngân hàng chính sách, các ngân hàng đại lý, các trung tâm tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân có dư địa tăng trưởng hơn cả. 2.4. Thúc đẩy các phương tiện hỗ trợ và ứng dụng công nghệ thông tin Các phương tiện hỗ trợ tài chính toàn diện là toàn bộ cơ sở vật chất đảm bảo sự tiếp cận của người có nhu cầu với bên cung ứng được diễn ra dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả. Công nghệ đang cho thấy vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay. Những dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ mang lại những lợi thế vượt trội mà các dịch vụ truyền thống không thể có được: - Tiếp cận tức thì: Khả năng của công nghệ có thể mang dịch vụ đến cho mọi người ở bất kỳ nơi nào và chỗ nào họ cần là động lực lớn nhất thúc đẩy tài chính toàn diện đầy đủ. Lợi thế này giúp xóa nhòa rào cản về khoảng cách địa lý và mang nhà cung cấp đến gần khách hàng của họ hơn. - Chi phí thấp không đáng kể: Với việc cung cấp dịch vụ tài chính hiệu quả hơn, công nghệ có thể giúp dịch vụ trở thành chấp nhận được với cả những khách hàng thu nhập thấp, và điều này khiến cho nhiều người sử dụng hơn, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa, vùng nông 53
  6. thôn khó có điều kiện tiếp cận trực tiếp với dịch vụ ngân hàng truyền thống, làm cho các rào cản về chi phí dịch vụ trở nên nhẹ nhàng hơn. - Bảo đảm an toàn: Khi không sử dụng đến tiền mặt, dịch vụ tài chính sẽ trở nên an toàn hơn và minh bạch hơn cho cá nhân, doanh nghiệp và cả Chính phủ. Những ảnh hưởng mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây trên thị trường tài chính bởi bitcoin cùng các loại tiền mã hóa khác (đằng sau nó là công nghệ blockchain) đã chứng minh vai trò của an toàn thông tin trong giao dịch tài chính. Sở dĩ có hiện tượng này là bởi blockchain cho phép ghi nhận thông tin mã hóa có độ kiểm chứng chéo cao, và một khi đã ghi nhận tệp tin (block) vào chuỗi (chain) thì sẽ không một cá nhân đơn lẻ nào có thể sửa được trừ phi đạt được đồng thuận của tất cả các bên liên quan. - Sản phẩm và kênh phân phối đổi mới đa dạng: Những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ có thể mở ra nhiều sản phẩm và phương thức phân phối mới dễ dàng sử dụng và thêm nhiều giá trị gia tăng đối với các sản phẩm truyền thống. Chẳng hạn, máy ATM lắp thêm thiết bị âm thanh có thể giúp người mù chữ hay người khuyết tật tiếp cận được chúng mà trước đây họ bị loại trừ. Điện thoại đem lại nhiều tiện ích và cải thiện tình trạng bất cân xứng thông tin, góp phần tăng cường tài chính toàn diện và phát triển kinh tế bền vững (Joshua Yindenaba Abor, Mohammed Amidu và Haruna Issahaku (2018)). Nhưng các sản phẩm trên các nền tảng điện thoại thông minh như tài chính qua điện thoại (tài trợ, vay tín dụng, tiết kiệm), ngân hàng điện tử (giao dịch, thông tin sao kê), thanh toán (cá nhân - cá nhân, cá nhân - Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nghiệp) vẫn chưa thực sự đầy đủ và đa dạng ở cá nước đang phát triển như Đông Nam Á hay Châu Phi, so với khu vực các nền kinh tế phát triển ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ (Donovan, K. (2012). - Nâng cao năng suất: Khi sản phẩm được cung cấp thuận tiện hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng, rõ ràng khách hàng được lợi nhiều hơn với nguồn lực của hộ gia đình và doanh nghiệp không thay đổi. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của các dịch vụ, công ty Fintech trở thành nhân tố mới được kỳ vọng sẽ đem lại thay đổi đáng kể trong cục diện thị trường dịch vụ tài chính toàn cầu. Những lĩnh vực tiềm năng khác của ứng dụng công nghệ trong thúc đẩy tài chính toàn diện có thể kể đến là: - Dữ liệu số lớn (Big data) Dựa vào các nguồn số liệu lớn, các phương pháp phân tích mới sẽ giúp tối ưu quy trình phê duyệt tín dụng. Số liệu từ các nguồn mới chẳng hạn như lịch sử thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, điện thoại cũng tạo điều kiện cho những người trước kia bị loại trừ có thể được cấp tín dụng và có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn nhu cầu và hành vi tài chính của những nhóm người khác nhau. Tương tự, khi các giao dịch được số hóa, nhà cung cấp có thể khai thác cơ sở dữ liệu này để phân tích hành vi khách hàng từ đó cải thiện sản phẩm cung cấp. Thêm vào đó, sự phát triển của cơ sở dữ liệu lớn còn mở ra giải pháp quản lý hiệu quả, minh bạch cho Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ thông tin với các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên biệt khác. Các tổ chức tài chính và nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thêm nguồn thông tin chính xác, đa dạng để hoàn thiện và cải tiến dịch vụ, sản phẩm của mình. Cơ sở dữ liệu lớn còn là nền tảng để đánh giá quá trình phát triển tài chính toàn diện mỗi quốc gia. - Điện toán đám mây (cloud computing) Việc lưu trữ và cung cấp số liệu dựa trên công nghệ điện toán đám mây đã giúp tăng khả năng sẵn có của dữ liệu và khả năng xử lý dữ liệu lên gấp nhiều lần, đảm bảo việc xử lý giao dịch nhanh chóng, kết nối trực tiếp giữa khâu giao dịch khách hàng và khâu xử lý sau giao dịch mà không phải qua nhiều khâu trung gian như trước. 54
  7. - Mạng xã hội (social media) Các trang mạng xã hội có tiềm năng nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ thông qua việc chia sẻ thông tin, tác động đến hành vi người sử dụng, tiếp thị trực tiếp các dịch vụ tài chính và tăng cường sự kết nối giữa người sử dụng và người cung cấp dịch vụ. 2.5. Thúc đẩy môi trường của sản phẩm, dịch vụ tài chính Thúc đẩy môi trường của sản phẩm, dịch vụ tài chính là việc thúc đẩy các yếu tố tác động đến sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ tài chính môi trường chính sách, môi trường công nghệ, môi trường văn hóa - xã hội. Hầu hết các cuộc điều tra về tài chính ngân hàng tiến hành trên toàn thế giới cho thấy một phần lớn dân số không có đủ kiến thức, thậm chí là kiến thức cơ bản, để hiểu về sản phẩm tài chính và rủi ro liên quan các sản phẩm tài chính. Một bộ phận lớn các cá nhân không biết lập kế hoạch ngân sách cho tương lai và không thực hiện hiệu quả quyết định quản lý tài chính của mình (OECD, 2013). Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng toàn cầu đã cho thấy điều này có tác động tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống tài chính và cả nền kinh tế cũng như đến từng cá nhân hoặc hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Thiếu kiến thức và hiểu biết về các loại sản phẩm/dịch vụ tài chính hiện có cũng như các yêu cầu cần thiết để sử dụng các sản phẩm/dịch vụ đó đã khiến người dân thiếu sự tự tin, ngại tiếp cận và thái độ không tin tưởng đối với các sản phẩm/dịch vụ trên thị trường tài chính chính thức. Điều này tạo rào cản lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, gia tăng số lượng người không tiếp cận sản phẩm ngân hàng, thúc đẩy sự xuất hiện của các sản phẩm/dịch vụ tài chính phi chính thức (thị trường tài chính chợ đen), cản trở sự cải thiện tài chính toàn diện trong mỗi quốc gia. Trình độ nhận thức của các tầng lớp xã hội, các doanh nghiệp, đối tượng tiếp cận dịch vụ tài chính được xem là yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới khả năng tiếp nhận dịch vụ này. Vì vậy, đòi hỏi các quốc gia phải có cách thức tăng cường môi trường nhận thức, hiểu biết về tài chính thông qua giáo dục, tăng cường đào tạo kỹ năng và năng lực tài chính cho người dân để họ có thể tiếp cận và sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ tài chính, quản lý tốt hơn tình hình tài chính. Nhiều quốc gia đã triển khai các chương trình hành động về giáo dục tài chính tiếp cận các đối tượng khác nhau như: trường học, chiến dịch nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân Nhiều quốc gia cũng thành lập những cơ quan riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong điều kiện công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và có tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh đời sống xã hội, để công nghệ thực sự góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, các cơ quan quản lý tại các quốc gia đều chú ý đến những vấn đề như: - Xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả, tạo sự đối xử pháp luật như nhau đối với cả ngân hàng và phi ngân hàng nếu cùng cung cấp những sản phẩm/ dịch vụ tương tự và quản lý những sản phẩm/dịch vụ theo mức độ rủi ro cụ thể của chúng chứ không phải là theo nhóm nhà cung cấp dịch vụ/loại hình tổ chức. - Nới lỏng những hạn chế đối với các loại hình không trực tiếp huy động tiền gửi nhưng tham gia vào mạng lưới cung ứng dịch vụ tài chính với biện pháp phù hợp với đặc thù rủi ro của loại hình này. - Xây dựng quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng (KYC) sao cho tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của những khách hàng mới, những người lao động tự do đồng thời vẫn bảo đảm an toàn, bao gồm cả áp dụng quy trình KYC từ xa. Những biểu mẫu và quy trình xác thực nhân thân và chứng minh nơi cư trú cần đơn giản và linh hoạt hơn. Việc tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia thống nhất sẽ phát huy lợi ích to lớn. Những quy định liên quan đến phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng cần xem xét đến yếu tố phục vụ cho tài chính toàn diện. - Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới chưa chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý, chẳng hạn như các nhà bán lẻ cấp tín dụng mua hàng, những đơn vị nhận làm đại lý hoặc các công ty vận hành mạng điện thoại di động. Điều 55
  8. quan trọng là các cơ quan quản lý phải hợp tác với nhau để đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và có được cách tiếp cận thống nhất, bất kể đó là tổ chức loại nào. - Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cần đảm bảo rằng chính sách thuế không cản trở sự đầu tư vào công nghệ. Cung cấp những khuyến khích thuế và trợ cấp cho các nhà cung cấp để xây dựng và chia sẻ hạ tầng ở những khu vực chưa được phục vụ. Nhìn chung, chiến lược phát triển tài chính toàn diện cần được nhìn nhận vai trò một cách nghiêm túc hơn nữa và trở thành chiến lược quốc gia, có như vậy mới đảm bảo điều kiện cần cho thúc đẩy tài chính toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu. 2.6. Nguồn vốn trong thúc đẩy tài chính toàn diện: Để có thể thúc đẩy tài chính toàn diện thực sự hiệu quả và bền vừng, nguồn vốn cho chủ thể tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Các dòng đầu tư vừa giúp cho các chủ thể cung ứng dịch vụ tài chính gia tăng quy mô hoạt động, vừa làm phạm vi phát triển có điều kiện mở rộng nhanh chóng hơn, tiếp cận đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khó tiếp cận nhất. Có thể chia nguồn vốn làm hai phần: bên trong và bên ngoài. Nguồn vốn bên trong: tự thân các trung gian tài chính sử dụng vốn trích từ lợi nhuận để tái đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ tài chính. Mặc dù các trung gian tài chính luôn phải đầu tư để phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng còn phải phụ thuộc vào tỷ lệ vốn được chia theo kế hoạch để phát triển các sản phẩm dịch vụ như thế nào. Chi bao nhiêu cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán hàng hay đầu tư công nghệ, trang thiết bị mới. Nguồn vốn này có đặc điểm là phụ thuộc vào điều kiện kinh doanh của bản thân các đối tượng cung ứng dịch vụ, sản phẩm tài chính toàn diện. Do vậy, kết quả lợi nhuận của các ngân hàng và trung gian tài chính tốt hay không sẽ quyết định mức độ bao phủ của các dịch vụ, sản phẩm tài chính trong một nền kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển và tăng trưởng, nguồn vốn sẽ dồi dào hơn do các định chế tài chính ăn nên làm ra, có điều kiện thuận lợi để đầu tư trang thiết bị, công nghệ; mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Ngược lại, khi nền kinh tế lâm vào suy thoái, khủng hoảng, các trung gian tài chính sẽ ít có điều kiện tái đầu tư cho mở rộng mức độ tiếp cận khách hàng, nhất là những đối tượng như doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các cá nhân ở vùng sâu vùng xa. Nguồn vốn này thường nằm trong chiến lược phát triển chung của các ngân hàng và xen kẽ với các kế hoạch mở rộng mạng lưới, gia tăng độ phủ sóng của hệ thống tài khoản ngân hàng hay đầu tư cho cải tiến kỹ thuật - công nghệ. Nguồn vốn bên ngoài: vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư tài chính vào khu vực dịch vụ tài chính (dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính cá nhân, tài chính vi mô). Một đặc điểm nổi bật của vốn ngoại sinh là thường được đầu tư với một sự trao đổi về tỷ suất sinh lời và có thể đòi hỏi về tài sản đảm bảo hoặc quyền quản lý tài sản. Bởi vì nếu đầu tư dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ yêu cầu những thông tin rõ ràng về chiến lược phát triển cũng như các kế hoạch đi kèm. Còn đầu tư dưới dạng vốn cổ phần, các định chế tài chính sẽ chịu một dạng áp lực khác, dưới hình thức về quyền quản lý doanh nghiệp như chia sẻ quyền kiểm soát, quyền ra quyết định đối với các quyết sách trọng yếu liên quan đến định hướng, kế hoạch tương lai của định chế tài chính. Ngoài ra, áp lực còn đến từ việc phải thanh toán cổ tức hay lợi tức đúng hạn ở một mức nhất định. Thêm vào đó, vốn từ quỹ mạo hiểm, nhà đầu tư tài chính cũng có tính chu kỳ kinh tế, tăng khi nền kinh tế tăng trưởng và sụt giảm khi các điều kiện đầu tư khó khăn hơn. Việc lựa chọn nguồn vốn nội sinh hay ngoại sinh sẽ quyết định mức độ cung ứng dịch vụ trên diện rộng, chiều sâu và mức độ rủi ro đi kèm định chế tài chính. Nó cũng ảnh hưởng lên mức giá dịch vụ cung ứng. Do vậy, để thúc đẩy tài chính toàn diện, cần đặc biệt quan tâm yếu tố nguồn cung ứng vốn cho các định chế trung gian cung ứng sản phẩm và dịch vụ. 56
  9. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Allen, F., Demirgüc-Kunt, A., Klapper, L., Peria, M. (2012). The Foundations of Financial Inclusion: Understanding Ownership and Use of Formal Accounts. World Bank Policy Research Paper 6290, World Bank. 2. Beck, T., Brown, M., (2010). Which households use banks? Evidence from the transition economies. European Banking Center Discussion Paper No. 2010-25. Tilburg, The Netherlands. 3. Djankov, S., Miranda, P., Seira, E., Sharma, S., (2008). Who are the unbanked? World Bank Policy Research Working Paper 4647. Washington DC. 4. Demirgüç-Kunt, Asli, and Leora Klapper. "Financial inclusion in Africa." Policy Research Working Paper. The World Bank Development Research Group Finance and Private Sector Development Team (2012): 1-18. 5. Donovan, K. (2012). Mobile money for financial inclusion. Information and Communications for development, 61(1), 61-73. 6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Dự thảo (lần 3) về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến 2025, định hướng đến 2030. 7. Gortsos, C. (2015). Financial inclusion: an overview of its various dimensions and the initiatives to enhance its current level. 8. Fungáčová, Z., & Weill, L. (2015). Understanding financial inclusion in China. China Economic Review, 34, 196-206. 9. Joshua Yindenaba Abor, Mohammed Amidu & Haruna Issahaku (2018): Mobile Telephony, Financial Inclusion and Inclusive Growth, Journal of African Business, DOI: 10.1080/15228916.2017.1419332. 10. Hoff, Karla, and Joseph E. Stiglitz. "and Rural Credit Markets: Puzzles arnd Policy Perspectives." The Economics of Rural Organization (1993): 33. 11. Karlan, D., Mobius, M., Rosenblat, T., Szeidl, A., (2009). Trust and social collateral. The Quarterly Journal of Economics, 112(4), 1251-1288. 12. Trung tâm nghiên cứu kinh tế và tài chính - Đại học Kinh tế - Luật, “Báo cáo thường niên thị trường tài chính Việt Nam 2017: Tiếp cận tài chính”, PGS. TS. Hoàng Công Gia Khánh chủ biên, NXB ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 2018. 13. Turvey, C. G., Kong, R., (2010). Informal lending amongst friends and relatives: Can microcredit compete in rural China? China Economic Review, 21, 544-556. 14. Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Hiếu, ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2018. 57